Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha
về chiến tranh
Đức Thánh Cha Phanxicô
tiếp tục lên án sự tàn ác của chiến tranh ở mọi nơi, và cổ võ sự đối thoại, tha
thứ, hòa giải và đạt đến một nền hòa bình đích thực, đặc biệt giữa hai dân tộc
Nga và Ucraina, mặc dù lập trường của ngài gặp sự chống đối của nhiều người, kể
cả một số trong hàng ngũ Công Giáo.
Trước và sau khi chiến tranh Ucraina bùng nổ với cuộc tấn công của Nga vào
lãnh thổ Ucraina từ ngày 24/2/2022, Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên tiếng, chưa
có cuộc chiến nào từ trước đến nay ngài lên tiếng nhiều như vậy.
Không nêu đích danh Putin và Nga
Những lần lên án của Đức Thánh Cha đối với chiến tranh tại Ucraina ban đầu
còn nhẹ nhàng, nhưng với thời gian, sự lên án này ngày càng mạnh mẽ. Ngài phê
bình “những kẻ gây nên chiến tranh”, lên án sự vi phạm công pháp quốc tế, tố
giác sự đàn áp dân chúng bằng bom đạn và sợ hãi, và gọi Ucraina là một ”nước tử
đạo”. Ngài bác bỏ việc sử dụng kiểu nói mà Nga sử dụng, “chiến dịch quân sự đặc
biệt” để chỉ cuộc xâm lăng Ucraina, và gọi đích danh đó là chiến tranh. Đức
Thánh Cha nói: “Tại Ucraina, máu và nước mắt chảy thành sông”. Đó không phải
chỉ là “một chiến dịch quân sự”, nhưng là một cuộc chiến tranh gieo rắc chết
chóc, tàn phá và lầm than.
Nhưng lập trường với ngôn ngữ “ngoại giao” như thế bị một số báo chí mạnh
mẽ phê bình. Họ muốn Đức Thánh Cha tố giác và đích danh lên án Nga và Putin.
Như một bài xã luận của trang mạng Sismografo viết: “Sự ngoan cố không thể hiểu
được như thế của Đức Giáo Hoàng không phải là điều tốt. Các quyền của con
người, của các dân tộc, quốc gia, bị lâm nguy ở đây... Đức Giáo Hoàng cần công
khai nêu đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin như một kẻ gây hấn, tấn công,
và kêu gọi cả Đức Thượng Phụ Kirill, Giáo Chủ Chính thống Nga, là người ủng hộ
chính sách của Putin, hãy thay đổi lập trường sai trái ấy”.
Nhưng cũng có nhiều người bênh vực lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô và
ngành ngoại giao của Tòa Thánh trong vấn đề này.
Đức TGM Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại London, từng là Sứ thần
tại Belarus và Ucraina, giải thích rằng “trong việc trung gian, chúng ta cần
rất thẳng thắn và loại bỏ những tội lỗi của con người. Chiến tranh ở Ucraina là
điều kinh khủng và tuyệt đối không thể chấp nhận được. Nhưng đồng thời vai trò
của Giáo Hội cũng là một “nhịp cầu tình thương và tôn trọng”, luôn tránh rơi
vào những lời hùng biện. “Mục đích của Tòa Thánh luôn luôn là một khả thể cuối
cùng khi mọi khả thể khác đã chấm dứt. Nếu bạn nói một lời loại bỏ thì khả thể
ấy không còn nữa. Đức Giáo Hoàng và ngành ngoại giao Tòa Thánh luôn chứng tỏ
rằng dù điều gì xảy ra đi nữa, các vị luôn tôn trọng mọi đối tác như một con
người. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể có một vai trò trong cuộc làm trung
gian. Nếu phía thứ ba tuyệt đối loại bỏ một phía kia, coi họ là quái vật, thì
người ấy không chấp nhận tham gia cuộc thương thảo vì cảm thấy không được chấp
nhận.”
Victor Gaetan, tác giả cuốn sách “Những nhà ngoại giao của Thiên Chúa”
(God's Diplomats) xuất bản năm ngoái (2021) về ngành ngoại giao Tòa Thánh, viết
rằng “Bạn luôn luôn phải dành chỗ cho cuộc nói chuyện kế tiếp, cuộc đối thoại
sau này”. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng “Tòa Thánh sẵn sàng làm tất cả
những gì có thể để phục vụ hòa bình”.
Vụ hai phụ nữ Nga và Ucraina cùng vác Thánh Giá
Gần đây nhất là những phản đối và phê bình mạnh mẽ việc Đức Thánh Cha chấp
thuận cho hai nữ y tá Ucraina và Nga, bạn với nhau ở Roma, được mời cùng vác
Thánh Giá trong chặng thứ 13 của Đàng Thánh Giá trọng thể ngài cử hành tại Hí
trường Colosseo ở Roma vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh 15/4. Đó là Irina người
Ucraina, xuất thân từ thành Bucha gần Kiev, và Albnina, người Nga từ thủ đô
Mascơva.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Albina nói: “Tôi cầu nguyện cho
Ucraina. Tôi cầu nguyện cho thân nhân họ hàng tôi và cầu cho những kinh hoàng
này sớm chấm dứt. Thế giới đang cần hòa bình và tình thương. Hai dân tộc anh em
này sẽ chứng tỏ điều đó.”
Còn Irina nói: “Cuộc chiến tranh hiện nay đang tàn phá điều mà các dân tộc
chúng tôi đã xây dựng với bao nhiêu hy sinh. Chị bạn tôi đây người Nga cảm thấy
có lỗi và xin lỗi tôi, nhưng tôi trấn an chị ấy rằng chị không có lỗi gì cả
trong những vụ này”.
Phản ứng chống đối
Đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh, ông Andrij Jurasz, phản đối Tòa Thánh và nói
rằng: không nên tổ chức kinh nguyện như thế như một phương thế hòa giải, hòa
giải phải diễn ra sau đó: “Sự hòa giải đến sau, khi sự gây hấn tấn công chấm
dứt. Khi người Ucraina không những có thể cứu mạng sống của mình nhưng cả tự do
nữa. Và dĩ nhiên, chúng ta biết rằng hòa giải diễn ra khi những kẻ tấn công
nhìn nhận tội của họ và xin lỗi”.
Cả Đức TGM Trưởng Sviatoslav Schevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ
đông phương, cũng nhận định rằng sự kiện một phụ nữ Ucraina và một phụ nữ Nga
cùng vác thánh giá là điều không thích hợp và mơ hồ trong lúc này và thậm chí
có tính chất xúc phạm. Văn bản và những cử chỉ trong chặng thứ 13 của đàng Thánh
Giá này không thể hiểu nổi, nhất là trong lúc chờ đợi cuộc tấn công thứ hai đẫm
máu hơn của các lực lượng Nga chống lại các thành thị và làng mạc của chúng
tôi. Những cử chỉ hòa giải giữa các dân tộc chỉ có thể khi chiến tranh chấm dứt
và những kẻ phạm tội ác chống lại nhân loại sẽ bị kết án theo công lý”.
Giải thích
- Không có phản ứng chính thức nào từ phía Đức Thánh Cha hay Tòa Thánh,
nhưng Đức TGM Visbaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina, cho biết đã
chuyển về Vatican các phản ứng trong dư luận Ucraina về vụ này. Tòa Thánh đã
biết các phản ứng từ phía Ucraina. Các ký giả tại Vatican đang trả lời phản ứng
của người Ucraina, và nhấn mạnh rằng kinh nguyện này không phải là một hành vi
chính trị. Dưới thập giá của Chúa Giêsu, tốt và xấu, kẻ tấn công và nạn nhân,
đều có. Lúc đó, cũng là một kinh nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người: Ngăn chặn
kẻ tấn công và thúc đẩy họ phải hòa giải. Cứu Ucraina, cứu các sinh mạng, các
gia đình, trẻ em, tự do, cứu vãn các đền thờ, cứu dân Ucraina.
Đức TGM Sứ Thần Visvaldas cũng kêu gọi mọi người hãy nhìn kinh nguyện này
không phải về phương diện chính trị, nhưng dưới khía cạnh cầu nguyện, xin Chúa
ban ơn tha thứ trong tâm hồn chúng ta.
- Tuy không có phản ứng chính thức từ Vatican, nhưng cha Antonio Spadaro,
dòng Tên, Chủ nhiệm tạp chí “Civiltà Cattolica” (Văn minh Công Giáo), của dòng
Tên ở Ý, giải thích rằng: “Đức Thánh Cha Phanxicô là một vị mục tử chứ không
phải là một nhà chính trị. Ngài hành động theo tinh thần Tin Mừng là hòa giải,
kể cả không có hy vọng hữu hình trong cuộc chiến tranh gây hấn mà ngài gọi là
‘Một tội phạm thánh’. Vì thế ngài đã thánh hiến Ucraina cùng với nước Nga cho
Trái Tim Đức Mẹ. Hai phụ nữ, Albina và Irina, Thứ Sáu Tuần Thánh cùng vác Thánh
Giá. Họ không nói lời nào. Không nói lời xin lỗi hay những điều khác. Không nói
gì cả. Đó là một dấu chỉ ngôn sứ giữa tối tăm dầy đặc. Và đó là một lời khẩn
cầu Thiên Chúa, xin Chúa ban ơn hòa giải”.
Cha Spadaro nhận định rằng “Sự hiện diện của họ chung với nhau là một kinh
nguyện gây thắc mắc để xin một ơn mà chỉ mình Chúa có thể ban. Lời ngôn sứ được
ghi khắc trong tâm hồn và nơi bóng đen của lịch sử. Lời cầu xin đối với tín hữu
ngày nay vẫn còn: trong tình trạng ngày nay “yêu thương kẻ thù” có nghĩa là gì?
Đây là trọng tâm của Tin Mừng. Và Đức Giáo Hoàng là mục tử hoàn vũ. Đối với
ngài vẫn có giá trị điều ngài viết trong một dòng tweet: “Chúa không phân chia
chúng ta thành những người xấu và người tốt, bạn hữu và kẻ thù. Đối với Chúa,
tất cả chúng ta là những người con được yêu mến”. Đó thực là một điều kinh
khủng và khó được chấp nhận. Nhưng đó là Tin Mừng của Chúa Kitô.”
G. Trần Đức Anh O.P
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-04/vai-ngo-nhan-doi-voi-lap-truong-cua-dtc-ve-chien-tranh.htmla