ĐTC Phanxicô: Hoà bình của Chúa Kitô không bao giờ
là hoà bình bằng vũ khí
Trong buổi tiếp kiến
chung sáng thứ Tư Tuần Thánh 13/4/2022, Đức Thánh Cha đã suy tư về bình an do
Chúa Phục Sinh ban tặng. Ngài lên án logic theo quyền lực và bạo lực của thế
gian và giải thích rằng Chúa Giêsu mang lại hòa bình thực sự nhờ sự hiền lành
và Thánh giá. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trong Tuần Thánh này hãy đến
gần Chúa Kitô, Đấng chịu đóng đinh và sống lại, và cầu xin ơn bình an của Người
trong tâm hồn chúng ta và trên thế giới.
Đức Thánh Cha nhắc với các tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI
rằng trong Tuần Thánh này, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Thương khó, Tử nạn và
Phục sinh của Chúa chúng ta. Chúa Nhật tuần trước, chúng ta nhắc lại việc Chúa
Giêsu vào thành Giêrusalem. Đám đông ca ngợi Người là Đấng Mêsia, người sẽ mang
lại một nền hòa bình huy hoàng bằng cách giải phóng Giêrusalem khỏi sự chiếm
đóng của đế quốc Roma. Tuy nhiên, bình an mà Chúa Giêsu mang lại không sử dụng
các chiến lược của thế giới. Thay vì sử dụng bạo lực, Chúa Giêsu mang lại hoà
bình bằng sự khiêm nhường và hiền lành, điều đã đưa Người đến cái chết trên
Thập giá. Bằng cách chết cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Kitô đã giải thoát
chúng ta.
Trong cuốn tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của
Dostoyevsky, vị Đại Phán quan buộc tội Chúa Giêsu đã không sử dụng quyền lực
của Người để thiết lập hòa bình, nhưng tôn trọng tự do của từng người. Thật
vậy, sự bình an mà Chúa Giêsu mang lại không sử dụng vũ lực, nhưng chỉ là
“những vũ khí” của Tin Mừng: cầu nguyện, tha thứ và cảm thương với tất cả những
người lân cận của chúng ta. Hoà bình này không phải là bạo lực bỉ ổi của chiến
tranh, nhưng là hòa bình của Lễ Phục sinh; nền hòa bình làm thay đổi lịch sử và
trái tim của tất cả những ai chấp nhận nó.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha bắt đầu bài suy tư của ngài bằng cách tập trung vào hai Chúa
Nhật Lễ Lá và Phục sinh. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang ở trung tâm của Tuần Thánh, kéo dài từ Chúa Nhật Lễ Lá đến
Chúa Nhật Phục Sinh. Cả hai ngày Chúa Nhật này đều cử hành xung quanh Chúa
Giêsu. Nhưng chúng là hai ngày lễ khác nhau.
Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã thấy Chúa Kitô long trọng tiến vào
Giêrusalem, như một ngày lễ hội, được chào đón như Đấng Mêsia: để đón Người,
các áo choàng được trải trên đường (x. Lc 19,36) và các cành cây được cắt từ
các cây (x. Mt 21, 8). Đám đông hân hoan chúc tụng lớn tiếng “Đức Vua đang
đến”, và tung hô: “Bình an trên trời, vinh quang trên các tầng trời” (Lc
19,38). Dân chúng ăn mừng vì họ nhìn thấy việc Chúa Giêsu vào thành như sự xuất
hiện của một vị vua mới, người sẽ mang lại hòa bình và vinh quang. Đây là nền
hòa bình mà dân chúng mong đợi: một nền hòa bình huy hoàng, kết quả của sự can
thiệp của vị vua, của một đấng cứu thế đầy quyền năng, người sẽ giải phóng
Giêrusalem khỏi sự chiếm đóng của đế quốc Roma. Những người khác, có lẽ, mơ ước
về sự phục hồi hòa bình xã hội và nhìn thấy Chúa Giêsu là vị vua lý tưởng,
người sẽ cho đám đông no đầy cơm bánh, như ngài đã làm, và thực hiện những phép
lạ vĩ đại, nhờ đó mang lại công bằng hơn cho thế giới.
Đường lối của sự hiền lành và của thập giá
Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói về điều này. Có một lễ Vượt Qua khác
đang chờ đợi Người, không phải là một lễ Vượt Qua khải hoàn. Điều duy nhất
Người quan tâm khi chuẩn bị cho việc vào thành Giêrusalem là cưỡi “một con lừa
con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó” (Lc 19,30). Đây là cách Chúa Kitô
mang lại hòa bình cho thế giới: qua sự hiền lành và nhu mì, được tượng trưng
bởi con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn. Không ai cỡi, bởi vì cách
làm của Thiên Chúa khác với cách làm của thế gian. Thực ra, ngay trước lễ Vượt
Qua, Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh
em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu
thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27)
Bình an của Chúa Kitô
Đức Thánh Cha giải thích: Hòa bình mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong Lễ
Phục sinh không phải là hòa bình theo các chiến lược của thế giới, vốn tin rằng
nó có thể đạt được bằng vũ lực, bằng các cuộc chinh phục và nhiều hình thức áp
đặt khác nhau. Hòa bình này, trên thực tế, chỉ là khoảng thời gian ngừng nghỉ
giữa các cuộc chiến tranh. Bình an của Chúa theo đường lối của sự hiền lành và
của thập giá: mang gánh nặng giúp người khác. Thật vậy, Chúa Ki-tô đã tự mình
gánh lấy điều ác, tội lỗi và sự chết của chúng ta. Vì vậy, Người đã giải thoát
chúng ta. Người đã đền bù vì chúng ta. Bình an của Người không phải là kết quả
của một sự thỏa hiệp nào đó, nhưng đến từ món quà trao tặng chính mình. Tuy
nhiên, hòa bình nhẹ nhàng và can đảm này rất khó được đón nhận. Trên thực tế,
đám đông ca tụng Chúa Giê-su cũng là đám đông mà vài ngày sau hét lên “Hãy đóng
đinh hắn”, và sợ hãi và thất vọng, không cử động một ngón tay nào vì Người.
Để minh hoạ cho vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc đến tường thuật rất hay của
Dostoevsky, có tên là Truyền thuyết về Đại Phán quan. Tác phẩm kể
về Chúa Giêsu, sau vài thế kỷ, trở lại Trái đất. Ngay lập tức Người được chào
đón bởi đám đông vui mừng, những người nhận ra và cổ vũ Người. Nhưng sau đó
Người bị bắt bởi vị Phán quan, người đại diện cho lý luận của thế gian. Vị Phán
quan chất vấn Chúa Giêsu và chỉ trích Người dữ dội. Lý do quan trọng nhất của
việc khiển trách là Chúa Giê-su Kitô, mặc dù có thể, nhưng không bao giờ muốn
trở thành Xê-da, vị vua vĩ đại nhất của thế giới này; Chúa Giêsu thích để con
người tự do hơn là khuất phục họ và giải quyết các vấn đề bằng vũ lực. Người đã
có thể thiết lập hòa bình trên thế giới bằng cách bẻ cong trái tim tự do nhưng
mong manh của con người bằng sức mạnh vượt trội, nhưng Người không muốn: Người
tôn trọng tự do của chúng ta. Phán quan nói với Chúa Giêsu: “Nếu ông chấp nhận
thế giới và chiếc áo của Xêda, ông sẽ thành lập vương quốc hoàn vũ và mang lại
hòa bình toàn cầu" (Anh em nhà Karamazov, Milan 2012, 345); và với
một câu đả kích ông kết luận: “Nếu có ai đó xứng đáng với hình phạt bị thiêu
của chúng tôi hơn cả, thì đó chính là ông” (348). Đây là sự lừa dối được lặp
lại trong lịch sử, sự cám dỗ của một nền hòa bình giả tạo, dựa trên quyền lực,
sau đó dẫn đến hận thù và phản bội Thiên Chúa và sự cay đắng trong tâm hồn.
Hòa bình của Chúa Giêsu không bao giờ là một nền hòa bình bằng vũ khí
Cuối cùng, vị Phán quan muốn Chúa Giê-su “nói với ông ta điều gì đó, thậm
chí có thể là điều gì đó cay đắng, khủng khiếp”. Nhưng Chúa Kitô đã phản ứng
bằng một cử chỉ dịu dàng và cụ thể: “Người im lặng đến gần ông ta và nhẹ nhàng
hôn lên đôi môi già nua nhợt nhạt của ông ta” (352). Hòa bình của Chúa Giêsu
không chế ngự người khác, nó không bao giờ là một nền hòa bình bằng vũ khí. Vũ
khí của Tin Mừng là lời cầu nguyện, sự dịu dàng, sự tha thứ và tình yêu nhưng
không đối với tha nhân, với mọi người. Đây là lý do tại sao cuộc xâm lược vũ
trang ngày nay, giống như mọi cuộc chiến, thể hiện sự phẫn nộ chống lại Chúa,
một sự phản bội xúc phạm đối với Chúa Phục sinh, một sự yêu thích gương mặt của
vị thần giả của thế giới này hơn khuôn mặt nhu mì của Chúa Giêsu. Chiến tranh
luôn là một hành động của con người để mang đến việc thờ ngẫu tượng của quyền
lực.
Xin Chúa Kitô ban bình an
Trước Lễ Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Lòng anh em
đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Vâng, bởi vì trong khi quyền lực thế
gian chỉ mang lại sự hủy diệt và chết chóc, hòa bình của Chúa tạo dựng nên lịch
sử, bắt đầu từ trái tim của mỗi người đón nhận nó. Do đó, Lễ Phục sinh là ngày
lễ đích thực của Thiên Chúa và con người, bởi vì hòa bình mà Chúa Kitô đã đạt được
trên thập giá khi tặng ban chính mình, được ban phát cho chúng ta. Do đó, Đấng
Phục sinh, trong ngày Phục sinh, đã hiện ra với các môn đệ và lặp lại: “Bình an
cho anh em!” (Ga 20,19.21). Đây là lời chào của Chúa Kitô vinh thắng, Chúa Kitô
phục sinh.
Thưa anh chị em, lễ Phục Sinh (trong tiếng Ý là Pasqua) có nghĩa là “sự
vượt qua”. Đặc biệt là Phục sinh năm nay là cơ hội may mắn để đi từ vị chúa của
thế gian sang Thiên Chúa của Kitô giáo, từ lòng tham chúng ta mang trong mình
đến lòng bác ái giải thoát chúng ta, từ sự mong đợi một nền hòa bình do vũ lực
mang lại đến sự dấn thân làm chứng cách cụ thể cho hòa bình của Chúa Kitô.
Chúng ta hãy đứng trước Thập giá, nguồn mạch bình an của chúng ta, và xin Người
ban bình an trong tâm hồn và hòa bình trên thế giới.
Nt. Hồng
Thủy - Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-04/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-tuan-thanh-hoa-binh-chua-kito.html