Bài 14
TIN - CẬY - MẾN - THỜ PHƯỢNG
I. LỜI CHÚA
“Hiện nay, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là Đức Mến.” (1 Cr 13,13)
II. TRÌNH BÀY
Học tới đây bạn đã hiểu: vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Chúa Giêsu xuống trần gian, mời gọi loài người hãy sống làm con Chúa. Lời mời gọi ấy cần được loài người đáp lại qua các thái độ và hành động (siêu nhiên) gọi là tin - cậy - mến - thờ phượng.
A. Tin
1. Tin là việc lý trí đón nhận những điều Chúa dạy vì chính thế giá của Thiên Chúa.
“Tin vì chính thế giá của Thiên Chúa” - nghĩa là: Trong những điều Chúa dạy, có nhiều điều trí khôn loài người không thể hiểu được, nhưng ta chấp nhận tất cả vì Chúa là Đấng thông minh (nên không sai lầm) và chân thật (nên không thể lừa dối ai). Việc tin như thế, thật ra không phải là kết quả của lý trí loài người cho bằng ơn của Chúa. Vì thế, tin là một hoạt động siêu nhiên, là một nhân đức.
Kinh TIN tóm tắt những điều chính yếu phải tin và lý do khiến phải tin.
2. Tuy nhiên, nếu việc tin chỉ dừng lại ở lý trí, thì việc tin ấy chưa có việc làm, chưa đem lại ích lợi. Thánh Kinh gọi là đức tin chết (x. Jac 2,17).
Vì thế, tin còn là việc của ý chí. Nghĩa là ta quyết tâm sống những điều Chúa dạy. Sống theo ý Chúa, phó thác cuộc sống cho Chúa. Tựa như ta tin yêu ai, ta gắn bó đời sống ta với người ấy. Đây mới là đức tin thật, đức tin có việc làm, đức tin đem lại ơn cứu rỗi.
Vậy tin là ơn Chúa ban, làm cho ta vừa nhận biết Chúa là Đấng thông minh và chân thật, đã dạy ta điều chân thật, vừa thúc bách ta phó thác đời mình trong tay Chúa.
B. Cậy (cậy trông)
1. Cậy trông là thái độ tâm hồn khiến ta chắc chắn sẽ gặp Thiên Chúa là hạnh phúc đời đời nhờ các phương tiện Chúa ban.
Lý do khiến ta hy vọng chắc chắn như thế, vì Chúa là Đấng yêu thương (muốn điều tốt cho ta) và quyền năng (có thể làm được mọi sự) đã hứa với ta như vậy.
Niềm cậy trông như thế là kết quả của ơn Chúa hơn là của loài người. Vì thế lòng trông cậy là một hoạt động siêu nhiên, là một nhân đức.
Kinh CẬY tóm tắt những điều ta hy vọng, và lý do khiến ta hy vọng.
2. Trong thực tế đức Cậy giúp ta sống thế nào?
- Đức cậy giúp ta đừng quá bám víu với trần gian, coi của cải, danh vọng... đời này có thể bảo đảm hạnh phúc cho ta, coi như chỉ có cuộc sống đời này chứ không có cuộc sống đời sau.
- Đức cậy giúp ta phấn khởi dùng mọi phương tiện Chúa ban để mưu tìm hạnh phúc bất diệt.
- Đức cậy còn giúp ta nhẫn nại trong mọi thử thách đau thương (như các thánh), vì đó là con đường Chúa Giêsu đã đi mà nay chúng ta phải đi để đạt tới hạnh phúc.
Như thế, Đức Trông Cậy là ơn Chúa ban làm cho ta cậy dựa vào Chúa là Đấng ban hạnh phúc cho ta, nhưng không được quá ỷ lại vào lòng nhân lành của Chúa mà không lo làm lành lánh dữ.
C. Mến
1. Mến là thái độ tâm hồn, nhờ đó ta yêu Chúa hơn mọi sự vì Chúa là Đấng vô cùng đáng mến, cũng nhờ đó ta yêu thương mọi người vì Chúa muốn như vậy.
“Yêu Chúa hơn mọi sự” nghĩa là đặt Chúa vào chỗ nhất trong tình yêu của ta. Khi cần, dám hy sinh mọi tạo vật kể cả mạng sống của mình để chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa.
Như thế Đức Mến là ơn Chúa ban làm cho ta yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương mọi người là hình ảnh của Chúa.
Kinh MẾN nêu rõ ta phải yêu thương những ai và lý do tại sao ta yêu Chúa và yêu tha nhân.
2. Giá trị của Đức mến
- Đức mến bao gồm mọi nhân đức: ai có lòng mến là có đủ mọi nhân đức, như lời thánh Phaolô: “Đức mến thì khoan dung, nhân hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (1 C 13,4-7).
- Đức mến đáng quí hơn các ân huệ khác Chúa ban: “Dù tôi nói được mọi thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có lòng bác ái thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay được cả lòng tin có thể dời núi chuyển non, mà không có lòng bác ái thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có thể đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 C 13,1-3).
- Đức mến là nhân đức duy nhất tồn tại ở đời sau: trên Thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn nữa, vì đã thấy không còn phải tin nữa, đã chiếm hữu rồi không còn phải hy vọng nữa. Nhưng lòng mến thì tồn tại muôn đời: càng được chiêm ngắm Chúa tốt lành, càng gia tăng lòng yêu mến Chúa.
D. Thờ phượng
1. Thờ phượng là dâng lên Thiên Chúa sự tôn thờ mà Người có quyền đòi hỏi nơi ta, vì Người là Đấng vô cùng hoàn hảo và là Đấng dựng nên ta (như thể đức thờ phượng thuộc đức công bình).
Lý do ta phải tôn thờ Thiên Chúa vì Người là Đấng vô cùng hoàn hảo (đáng mọi thụ tạo khen ngợi) và là Tạo Hóa (có toàn quyền trên mọi tạo vật kể cả trên sự sống đời này và đời sau).
2. Đức thờ phượng bao gồm tâm tình bên trong và hành động bên ngoài
- Tâm tình bên trong: qui vào bốn việc: thờ lạy, cảm tạ, sám hối và cầu xin.
- Hành động bên ngoài: cử chỉ, lời nói, hành động như tế lễ, cử hành Bí tích, tham dự giờ kinh Phụng vụ, các kinh đọc riêng, lời khấn hứa, hoạt động tông đồ truyền giáo...
3. Việc thờ phượng như thế chính là cầu nguyện. Chúng ta có thể thực hiện việc cầu nguyện trong phụng vụ và ngoài phụng vụ.
- Cầu nguyện trong Phụng vụ là tham dự Thánh lễ, các Bí tích và phụng vụ các giờ kinh.
- Cầu nguyện ngoài phụng vụ là những kinh khác do cá nhân hay cộng đoàn thực hiện theo chức tư tế chung như lần hạt, ngắm đàng thánh giá, lời nguyện tự phát...
III. BÀI HỌC
41. H. Đức tin là gì?
T. Đức tin là nhân đức siêu nhiên giúp ta vững lòng phó thác vào Chúa mà chấp nhận những điều Chúa dạy và nhờ Hội Thánh truyền lại cho ta.
42. H. Đức cậy là gì?
T. Đức cậy là nhân đức siêu nhiên giúp ta trông đợi vững vàng, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, ta sẽ được Chúa ban ơn đầy đủ để sống xứng đáng là con cái Chúa ở đời này và đời sau được hưởng phúc vô cùng.
43. H. Đức mến là gì?
T. Đức mến là nhân đức siêu nhiên làm cho ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu mọi người như Chúa yêu ta.
44. H. Ta phải thờ phượng Thiên Chúa cách nào?
T. Ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong lòng và bề ngoài cùng tham dự việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh gọi là Phụng vụ.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Tôi chấp nhận mọi điều Chúa dùng Hội Thánh dạy dỗ tôi và sống theo những điều ấy.
V. CẦU NGUYỆN
Sốt sắng đọc kinh Tin.