BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG KINH CHIỀU TẠ ƠN CUỐI NĂM VÀ
HÁT THÁNH THI TE DEUM
Vào
lúc 5h chiều thứ Tư 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh
chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong
giáo triều Rôma trong đó có hơn 20 Hồng Y, đặc biệt là Đức Hồng Y Agostino
Vallini, Giám Quản Rôma, các Giám Mục phụ tá, đông đảo các cha sở và tín hữu cùng
với Ông Đô Trưởng và chính quyền miền Lazio và thành phố Roma. Hiện diện trong
buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.
Đây
là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau:
“Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám
tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.
Trong
bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Anh
chị em thân mến
Lời
Chúa giới thiệu với chúng ta ngày hôm nay một cách đặc biệt ý nghĩa của thời
gian, trong ý thức rằng thời gian không phải là một thực tại xa lạ đối với
Thiên Chúa, vì Ngài đã muốn mạc khải chính Ngài và muốn cứu chúng ta trong dòng
lịch sử. Ý nghĩa của thời gian, của đời tạm này, là bầu khí hiển linh của Thiên
Chúa, là sự thể hiện của Thiên Chúa và tình yêu vững bền của Ngài. Trong thực tế,
thời gian là sứ giả của Thiên Chúa, như Thánh Phêrô thành Favre nói.
Hôm
nay Phụng Vụ nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: "Hỡi các
con, giờ đã tận" (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về "sự viên mãn
của thời gian" (Gl 4: 4). Vì vậy, Phụng Vụ hôm nay chỉ cho chúng ta thấy
thời gian - có thể nói là - đã được Đức Kitô, Con Thiên Chúa và Con Mẹ Maria “đụng
chạm” đến như thế nào, và nhận được từ Ngài một ý nghĩa mới và đáng ngạc nhiên:
nó trở thành "thời gian cứu độ", nghĩa là thời điểm định đoạt của ơn
cứu rỗi và ân sủng.
Và
tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương
thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết
thúc, "một thời để được sinh ra và một thời để chết" (Quoleth 3: 2).
Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ
Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với
một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng
ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được,
đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta - để
biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Đó
cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi
Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ
tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận
ân sủng của Thiên Chúa.
Trong
Bài Đọc I trong các buổi Kinh Chiều này, Thánh Tông Đồ Phaolô tóm lược các động
lực cơ bản hình thành nên lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa: Ngài đã làm
cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, nên những dưỡng tử của Ngài. Món quà vô giá
này lấp đầy chúng ta với lòng biết ơn đầy kinh ngạc! Nhưng có người lại nói:
"Sự thật là chúng ta là con người, chẳng nhẽ như thế vẫn chưa phải là con
cái của Ngài sao?" Chắc chắn rồi, vì Thiên Chúa là Cha của mỗi người đến
trong thế gian này. Nhưng đừng quên rằng chúng ta đã xa lạ với Ngài vì tội
nguyên tổ đã tách chúng ta khỏi Cha chúng ta: mối quan hệ hiếu thuận của chúng
ta với Thiên Chúa đã bị tổn thương. Vì thế, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến
cứu chúng ta bằng giá máu của Ngài. Và nếu có ơn cứu rỗi, thì đó là vì có sự nô
lệ. Chúng ta là con cái Ngài, nhưng chúng ta đã thành nô lệ nghe theo tiếng gọi
của ác thần. Không ai cứu chúng ta khỏi ách nô lệ cay nghiệt này, ngoại trừ
Chúa Giêsu, Đấng đã mặc lấy xác loài người bởi Đức Trinh Nữ Maria và đã chết
trên thập tự giá để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và khôi phục
quan hệ hiếu thuận với Thiên Chúa đã bị đánh mất.
Hôm
nay Phụng Vụ nhắc chúng ta rằng “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.... và Ngôi Lời đã
trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Vì thế Thánh Irênê khẳng định:
“Đây là lý do Ngôi Lời đã làm người, và là Con Thiên Chúa, Con của nhân loại:
đó là để con người, khi hiệp thông với Lời và từ đó đón nhận tình con cái thần
thánh, có thể trở thành con của Thiên Chúa: (Adversus Haereses, 3, 19, 1
"PG 7, 939; x Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 460 ).
Đồng
thời, chính ân sủng được làm con cái Chúa mà chúng ta dâng lời cảm tạ cũng là một
lý do để chúng ta tự vấn lương tâm mình, sửa đổi đời sống cá nhân và cộng đoàn
của chúng ta, bằng cách tự hỏi lòng mình: chúng ta sống như thế nào? Chúng ta sống
như con cái hay như nô lệ? Chúng ta có sống như những người đã được rửa tội
trong Chúa Kitô, được xức dầu bởi Thánh Thần, được cứu thoát và tự do? Hay
chúng ta sống trong băng hoại, chạy theo luận lý của thế gian này, làm những gì
ác thần xúi chúng ta tin đó là lợi ích của chúng ta? Trong cuộc hành trình hiện
sinh của chúng ta luôn luôn có một xu hướng chống lại sự tự do; chúng ta sợ tự
do và, một cách nghịch lý, chúng ta vô tình thích ách nô lệ. Sự tự do làm chúng
ta sợ hãi bởi vì nó đặt chúng ta trước thời gian và trước trách nhiệm của chúng
ta là phải sống cho tốt. Ách nô lệ giản lược thời gian vào một "chốc
lát" và chúng ta cảm thấy an toàn hơn, nghĩa là, nó làm cho chúng ta sống
phút hiện tại tách biệt khỏi quá khứ và tương lai của chúng ta. Nói cách khác,
ách nô lệ cản trở chúng ta sống phút hiện tại đầy đủ và thực sự, vì nó triệt
tiêu quá khứ và đóng lại tương lai, khép kín với cõi đời đời. Ách nô lệ làm cho
chúng ta tin rằng mình không thể ước mơ, bay bổng, hay hy vọng.
Mấy
ngày trước một nghệ sĩ vĩ đại người Ý nói rằng Chúa đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập
thì dễ hơn là lấy Ai Cập khỏi trái tim của người Do Thái. "Vâng," họ
đã được giải phóng "một cách hữu hình" khỏi chế độ nô lệ, nhưng cuộc hành
trình sa mạc với những khó khăn đa dạng và đói khát đã khiến họ bắt đầu cảm thấy
hoài cổ, nhớ nhung mảnh đất Ai Cập nơi họ đã "ăn những củ hành, củ tỏi
..." (x. Dân số 11: 5); nhưng họ quên họ đã ăn những thứ ấy ‘tại bàn dành
cho nô lệ’. Nỗi nhớ nhung thời nô lệ cũng làm tổ trong trái tim chúng ta, vì nó
làm chúng ta yên tâm hơn tự do, là điều xem ra rủi ro quá. Chúng ta hạnh phúc
khi bị mê hoặc bởi những pháo hoa tưng bừng biết chừng nào, đẹp đấy nhưng thực
ra chỉ kéo dài trong phút giây. Đó là điều đang ngự trị vào thời điểm này!
Phẩm
chất sống, và hành động của chúng ta như các Kitô hữu, sự hiện diện của chúng
ta trong thành phố này, sứ vụ của chúng ta cho lợi ích chung, sự dự phần của
chúng ta trong các tổ chức công cộng và Giáo Hội cũng tùy thuộc vào sự tự vấn
lương tâm này.
Vì
lý do đó, và cũng trong tư cách Giám Mục Rôma, tôi muốn suy tư về đời sống của
chúng ta tại Rôma, vốn dĩ là một hồng ân tuyệt vời, vì điều này có nghĩa là được
sống tại kinh thành vĩnh cửu; đặc biệt đối với một Kitô hữu, nó có nghĩa là được
trở thành một phần của Giáo Hội đã được thành lập trên chứng tá và máu tử đạo của
hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Do đó, chúng ta cũng tạ ơn Chúa về điều này.
Tuy nhiên, đó cũng là một trách nhiệm lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: " Hễ ai
đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi
hỏi nhiều hơn. " (Lu-ca 12:48). Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi bản thân
chúng ta: trong thành phố này, trong cộng đồng Giáo Hội này, chúng ta là những
người tự do hay chúng ta là nô lệ, chúng ta có phải là muối và ánh sáng không?
Có phải chúng ta là men không? Hay chúng ta rách nát, vô vị, thù địch, chán nản,
ti tiện, và mệt mỏi?
Chắc
chắn những vụ tham nhũng thê thảm được vạch trần gần đây, đòi hỏi một sự hoán cải
nghiêm chỉnh và có ý thức của con tim cho một sự tái sinh về tinh thần và đạo đức,
cũng như cho một cam kết mới để xây dựng một thành phố công chính và liên đới
hơn, nơi người nghèo, người yếu thế và những người bị gạt ra ngoài lề phải là
trung tâm của những mối quan tâm và hành động hàng ngày của chúng ta. Một thái
độ tự do Kitô giáo cao cả và hàng ngày là cần thiết để có sức mạnh rao giảng
trong thành phố của chúng ta rằng người nghèo phải được bảo vệ, chứ không phải
là bảo vệ chúng ta khỏi những người nghèo; và rằng chúng ta phải phục vụ những
người yếu đuối chứ không phải là lợi dụng họ!
Những
giáo huấn của một phó tế đơn sơ của kinh thành Rôma này có thể giúp chúng ta.
Khi Thánh Lôresensô được yêu cầu mang đến cho người ta xem kho tàng của Giáo Hội,
ngài chỉ đơn giản là dẫn đến một số người nghèo. Khi những người nghèo và những
yếu thế được chăm sóc, được hỗ trợ để thăng tiến trong xã hội, họ sẽ cho thấy họ
là kho báu của Giáo Hội và là kho tàng của xã hội. Thay vào đó, khi xã hội bỏ
qua những người nghèo, bách hại họ, biến họ thành tội phạm, và buộc họ gia nhập
Mafia, xã hội đó đang nghèo đi đến mức cùng tận của bất hạnh, nó đánh mất tự do
của mình, và ưa chuộng "những củ hành, củ tỏi" của thời nô lệ, của
ách nô lệ gây ra bởi tính ích kỷ, của sự nhu nhược; và xã hội đó không còn là
Kitô nữa.
Anh
chị em thân mến,
Kết
thúc một năm là tái khẳng định rằng có một "giờ khắc cuối cùng" và một
"thời viên mãn". Khi kết thúc năm nay, khi tạ ơn và cầu xin ơn tha thứ,
chúng ta nên xin ơn để tiến bước trong tự do hầu sửa chữa những thiệt hại và bảo
vệ bản thân chúng ta khỏi nỗi nhớ nhung về thời nô lệ.
Nguyện
xin Thánh Nữ Đồng Trinh, Đấng chính là trung tâm trong đền thờ Thiên Chúa, Đấng
đã ban Đấng Cứu Thế cho thế giới, khi Ngôi Lời – Đấng đã có từ khởi đầu –hoá
thân thành phàm nhân giữa chúng ta; xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Ngài với một
trái tim rộng mở để thực sự được tự do và sống tự do như con cái Thiên Chúa.
Cuối
kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên
Chúa. Thánh thi Te Deum, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng,
tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa, là một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi
có nhịp điệu tương tự như nhịp điệu của bài Gloria in Excelsis Deo, tức là Kinh
Vinh Danh: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.
Nội
dung thánh thi Te Deum có thể dịch như sau:
Lạy
Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. /
Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước
nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều
cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh!
Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh
quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán
tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về
Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: /
Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần,
Ðấng an ủi yêu thương.
“Lạy
Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy
xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài
đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển
trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa,
xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp
đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.”
Sau
đó, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện trước
hang đá khổng lồ tại đây.
Vietcatholic