Bài Huấn Dụ của ĐTC Benedicto XVI
Buổi Gặp Gỡ Chung, Thứ tư ngày 3-10-2012
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài Giáo lý vừa qua Tôi đã bắt đầu nói về các nguồn ưu tiên của việc cầu nguyện Kitô Giáo: Phụng Vụ thánh, – như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo xác quyết – đó là việc tham dự vào lời cầu nguyện của Đức Kitô, hướng về Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Trong Phụng Vụ mỗi lời cầu nguyện Kitô giáo tìm thấy được nguồn của mình và đạt tới đích điểm của mình” (số 1073). Hôm nay Tôi muốn rằng chúng ta tự hỏi mình: trong đời sống của tôi, tôi có dành một khoảng thời gian đủ cho việc cầu nguyện và, nhất là, lời cầu nguyện Phụng Vụ đã có chỗ đứng nào trong mối tương quan của tôi với Thiên Chúa, nhất là Thánh Lễ Misa, như là việc tham dự vào việc cầu nguyện chung của Thân Mình của Đức Kitô là Giáo Hội?
Trong khi trả lời cho câu hỏi này chúng ta phải nhớ trước tiên rằng lời cầu nguyện là mối tương quan sống động của các con cái của Thiên Chúa với Cha tốt lành vô cùng của họ, với Con Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần (xem nt., số 2565). Vì thế đời sống cầu nguyện hệ tại việc thường xuyên ở trước mặt Thiên Chúa và có ý thức về điểm đó, trong việc sống mối tương quan với Thiên Chúa như người ta sống các mối tương quan thường xuyên của đời sống của chúng ta, các mối tương quan với các người thân thương nhất trong gia đình, với các bạn bè đích thực; trái lại mối tương quan với Đức Kitô là mối tương quan trao ban ánh sáng cho tất cả mọi mới tương quan khác; là sự hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, Đấng là Một và Ba Ngôi, sự hiệp thông này có thể thực hiện được, vì nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta được ghép vào trong Đức Kitô, chúng ta bắt đầu là một trong sự duy nhất với Ngài (xem Rm 6, 5).
Quả thế, chỉ trong Đức Kitô chúng ta mới đối thoại với Thiên Chúa Cha như những người con, nói khác đi, không thể xẩy ra cách khác được, và chỉ trong sự hiệp thông với Người Con, chúng ta mới có thể nói với Thiên Chúa, như Ngài đã nói: “Abba: Lạy Cha!”. Trong sự hiệp thông với Đức Kitô chúng ta có thể biết Thiên Chúa như là Cha thật (xem Mt 11, 27). Vì lý do này, lời cầu nguyện Kitô Giáo hệ tại việc liên lỉ nhìn và nhìn trong cách thế luôn mới vào Đức Kitô, để nói với Ngài, ở lại trong thinh lặng lắng nghe Ngài, hành động và chịu đau khổ với Ngài. Người Kitô Hữu tái khám phá ra căn tính đích thực của mình trong Đức Kitô, “người con trưởng của mọi tạo vật”. Trong khi đồng hóa tôi đây với Ngài, trong việc trở nên là một, là duy nhất với Ngài, tôi tái khám phá ra căn tính riêng của tôi, căn tính của người con đích thực nhìn vào Thiên Chúa, như với người Cha đầy tình yêu thương.
Nhưng chúng ta không được quên rằng: Đức Kitô, chúng ta khám phá ra Ngài, chúng ta biết Ngài như Một Nhân Vị sống động, trong Giáo Hội. Giáo Hội là “Thân mình của Ngài”. Việc có thân xác đó có thể được hiểu từ những lời Kinh Thánh về con người nam và về người nam: cả hai sẽ là một (xem St 2, 24; Ep 5, 30tt; 1Cr 6, 16t.). Mối dây không thể xé ra được giữa Đức Kitô và Giáo Hội, qua sức mạnh hiệp nhất của tình yêu, không xóa bỏ “cái anh” và “cái tôi”, trái lại nâng họ lên tới sự hiệp nhất sâu xa hơn. Tìm ra căn tính riêng trong Đức Kitô, chỉ điều này làm cho ta đạt tới sự hiệp thông với Ngài, một sự hiệp thông không xóa bỏ “tôi” đi, nhưng nâng tôi lên tới địa vị cao hơn, địa vị người con của Thiên Chúa trong Đức Kitô: “Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người hệ tại sự kiện là sự hiệp thông này, sự hiệp thông do ý chí, được lớn lên trong sự hiệp thông qua tư tưởng và trong tâm tình và, như thế, điều chúng ta muốn và điều Thiên Chúa muốn, luôn hòa hợp mỗi ngày thêm chặt chẽ nữa” (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu [Deus caritas est], số 17). Cầu nguyện có nghĩa là nâng mình lên tới sự cao cả của Thiên Chúa, qua một sự biến đổi cần thiết và từ từ chính con người chúng ta.
Như thế, khi tham dự vào Phụng Vụ, chúng ta biến thành của chúng ta ngôn ngữ của Giáo Hội Mẹ chúng ta, chúng ta học nói ra trong Phụng Vụ và nhờ Phụng Vụ. Dĩ nhiên, như Tôi đã nói, điều này xẩy ra trong cách thế từ từ, dần dần. Tôi phải dìm mình từ từ vào trong những lời nói của Giáo Hội, lời cầu nguyện của tôi, cuộc sống của tôi, sự đau khổ của tôi, sự vui vẻ của tôi, tư tưởng của tôi. Đó là con đường đang biến đổi chúng ta.
Lúc này Tôi nghĩ rằng, những suy tư trên đây cho phép chúng ta trả lời cho câu hỏi đặt ra cho chúng ta từ đầu: làm sao tôi học hỏi để cầu nguyện, làm sao tôi lớn lên trong lời cầu nguyện của tôi? Khi nhìn vào mẫu mực mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, Kinh Lạy Cha, chúng ta nhìn thấy rằng lời thứ nhất là “Lạy Cha” và lời thứ hai “chúng con”. Câu trả lời, vì thế, thật rõ ràng: tôi học cầu nguyện, tôi nuôi dưỡng lời cầu nguyện của tôi, khi tôi hướng về Thiên Chúa như người Cha và khi cầu nguyện – với – người khác, khi tôi cầu nguyện với Giáo Hội, khi tôi chấp nhận ơn huệ là các lời nói của Ngài, là những lời dần dần trở nên quen thuộc và phong phú ý nghĩa với chúng ta. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập với mỗi người trong chúng ta, và chúng ta với Ngài, trong việc cầu nguyện luôn có chữ “với”; người ta không thể cầu nguyện với Thiên Chúa theo cách thế cá nhân. Trong việc cầu nguyện của Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Thể, và – được huấn luyện từ Phụng Vụ - trong mọi lời cầu nguyện, chúng ta không chỉ nói như từng cá nhân riêng lẻ, trái lại chúng ta đi vào trong “cái chúng tôi” của Giáo Hội đang cầu nguyện. Và chúng ta phải biến đổi cái “tôi” của mỗi người khi đi vào “cái chúng tôi”.
Tôi muốn nhắc lại một khía cạnh khác cũng quan trọng. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta đọc: “Trong Phụng Vụ của Giao Ước Mới, mỗi hành động Phụng Vụ, nhất là việc cử hành Thánh Thể và các Bí Tích, là một cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Giáo Hội” (số 1097); vì đó là “Đức Kitô toàn vẹn”, là tất cả Cộng đoàn, Thân mình của Đức Kitô hiệp nhất với Đầu của Giáo Hội, đang cử hành. Vì thế Phụng Vụ không phải là một việc “tự tỏ mình ra” của một cộng đoàn, nhưng trái lại là việc đi ra khỏi cái “là chính mình”, bỏ đi cái đóng khung trong chính mình, nhưng là việc đi vào dự bữa tiệc lớn lao, đi vào trong cộng đoàn lớn lao sống động, trong đó chính Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta. Phụng Vụ bao gồm tính phổ quát và đặc tính phổ quát này một lần nữa phải luôn đi vào trong ý thức của mọi người. Phụng Vụ Kitô Giáo là việc phụng tự của đền thờ phổ quát là Đức Kitô Phục sinh, mà cánh tay của Ngài giang ra trên thập giá để lôi kéo tất cả mọi người trong vòng ôm của tình yêu đời đời của Thiên Chúa. Và đó là việc phụng tự của trời mở rộng ra. Không bao giờ chỉ là biến cố của một cộng đoàn đơn độc, với một chỗ đứng trong thời gian và không gian. Đây là điều quan trọng : là mỗi Kitô Hữu cảm thấy mình và thực sự sát nhập vào trong “cái chúng tôi phổ quát này, là nơi cung cấp nền tảng và nơi trú ẩn cho “cái tôi”, trong Thân Mình của Đức Kitô là Giáo Hội.
Chúng ta phải nhớ điều này trước mặt mình và chấp nhận cái lý của việc nhập thể của Thiên Chúa: Ngài đã trở nên gần gũi chúng ta, hiện diện, khi đi vào trong lịch sử và trong bản tính của con người, làm cho mình nên một người giữa chúng ta. Sự hiện diện này vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội, Thân Mình của Ngài. Vậy Phụng Vụ không phải là việc nhớ lại các biến cố đã qua, nhưng là sự hiện diện sống động của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô Đấng vượt lên trên tất cả và nối kết thời gian và không gian. Nếu trong buổi cử hành không nảy ra tính trung tâm của Đức Kitô thì chúng ta không có Phụng Vụ Kitô Giáo, Phụng Vụ hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Kitô và được nâng đỡ bởi sự hiện diện sáng tạo của Ngài. Thiên Chúa hành động nhờ Đức Kitô và chúng ta chỉ có thể hành động nhờ Người và trong Người. Mỗi ngày ý thức này phải lớn lên trong chúng ta, khi xác tín rằng Phụng Vụ không phải là điều gì của chúng ta, một “cái làm” của tôi, nhưng là hành động của Thiên Chúa trong chúng ta và cùng với chúng ta.
Vậy, chúng ta không đơn độc – linh mục hoặc tín hữu – hoặc một nhóm cử hành Phụng Vụ, nhưng Phụng Vụ trước tiên là hành động của Thiên Chúa qua Giáo Hội, có lịch sử của nó, truyền thống phong phú của nó và tính sáng tạo của nó. Tính phổ quát này và việc mở ra từ nền tảng này, là cái riêng của tất cả Phụng Vụ, là một trong các lý do, qua đó Phụng Vụ không thể là điều được suy tưởng ra hoặc được thay đổi bởi một cộng đoàn đơn dộc hoặc từ các nhà chuyên môn, nhưng chúng ta phải trung thành với các hình thức của Giáo Hội phổ quát.
Cả trong Phụng Vụ của cộng đoàn nhỏ nhất toàn thể Giáo Hội cũng luôn hiện diện. Vì thế không có ai là “người ngoại kiều” trong cộng đoàn Phụng Vụ. Trong mỗi buổi cử hành Phụng Vụ tất cả Giáo Hội cùng tham dự, trời và đất, Thiên Chúa và con người. Phụng Vụ Kitô Giáo, cả khi cử hành trong một nơi chốn và trong một không gian cụ thể và diễn tả tiếng “vâng” của một cộng đoàn nhất định, tự bản tính của nó là công giáo, đến từ tất cả và dẫn tới tất cả trong sự hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, với các Giám Mục, với các tín hữu của tất cả mọi thời đại và từ mọi nơi. Một buổi cử hành càng được linh động hóa bằng ý thức này, thì trong đó càng có được các hiệu quả cách ý thức đích thực của Phụng Vụ.
Các Bạn thân mến, Giáo Hội nên hữu hình bằng nhiều cách: trong hoạt động bác ái, trong các dự án truyền giáo, trong việc tông đồ cá nhân mà mỗi Kitô Hữu phải thực hiện trong môi trường của mình. Tuy nhiên nơi mà trong đó người ta cảm nghiệm thấy đó là Giáo Hội hơn cả đó là trong Phụng Vụ: Phụng Vụ là hành động trong đó chúng ta tin rằng Thiên Chúa đi vào trong thực tại của chúng ta và chúng ta có thể gặp Thiên Chúa, chúng ta có thể đụng tới Ngài. Đó là hành động trong đó chúng ta đi vào trong cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa: Ngài đến với chúng ta, và chúng ta được soi sáng bởi Ngài. Vì thế, khi trong các suy tư về Phụng Vụ, nều chúng ta chỉ tập trung chú ý của chúng ta tới việc làm sao cho Phụng Vụ mang tính cách hấp dẫn, thích thú, đẹp mắt, thì chúng ta có nguy cơ quên đi cái chính yếu: Phụng Vụ cử hành cho Thiên Chúa và không cho chính chúng ta; đó là công việc của Ngài; chính Ngài là chủ thể; và chúng ta phải mở ra cho Ngài và để cho mình được Ngài hướng dẫn và được Giáo Hội, thân mình của Ngài hướng dẫn.
Chúng ta cầu xin Đức Kitô để mỗi ngày biết học sống Phụng Vụ Thánh, nhất là buổi Cử Hành Thánh Thể, khi cầu nguyện trong “cái chúng ta” của Giáo Hội, thì chúng ta đang hướng cái nhìn của mình, không phải về chính mình, mà về Thiên Chúa, và cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội sống động của tất cả mọi nơi và mọi thời đại.
Xin chân thành cám ơn Anh Chị Em!
______________________
Sau cùng Tôi chào thăm các người trẻ, bệnh nhân và các đôi Tân Hôn.
Các Bạn Trẻ thân mến, các Con hãy lắng nghe Đức Kitô, Lời của sự thật, và hãy đón nhận với thái độ mau mắn kề đồ của Ngài trên đời sống của các Con.
Các Bệnh nhân thân mến, Anh Chị Em hãy cảm thấy Chúa Giêsu ở bên Anh Chị Em và hãy nên chứng tá với niềm hy vọng của Anh Chị Em sức mạnh làm sống động của Thánh Giá.
Còn các Con, Các Đôi Tân Hôn thân mến, với ơn thánh do Bí Tích Hôn Phối, Các Con hãy nên mạnh mẽ mỗi ngày tình yêu của các Con cho nhau và hãy bước đi trong con đường thánh thiện.
____________________
LỜI KÊU GỌI CỦA ĐỨC THÁNH CHA (ngày 3-10-2012):
Anh Chị Em thân mến,
Ngày mai Tôi sẽ đi viếng Đền Thánh tại Loreto, trong dịp mừng kỷ niệm 50 năm cuộc Hành Hương thời danh của Chân Phước Gioan XXIII trong nơi linh địa của Đức Mẹ Maria này, được thực hiện một tuần trước khi khai mạc Công Đồng Chung Vatican II.
Tôi xin Anh Chị Em hiệp ý với Tôi trong lời cầu nguyện để trao phó cho Đức Mẹ, Mẹ của Thiên Chúa, những biến cố lớn lao của Giáo Hội mà chúng ta sắp sống trong những ngày sắp tới này:
Năm Đức Tin và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa họp XIII về đề tài : việc rao giảng mới của Tin Mừng. Xin Đức Trinh Nữ rất thánh đồng hành với Giáo Hội trong sứ vụ của mình là loan báo Tin Mừng cho các người nam và các người nữ của thời đại chúng ta.
__________________________
Cha vui mừng đón tiếp các Linh Mục và Chủng Sinh, đến từ nhiều Nước, là Sinh Viên tại các Học Viện Giáo Hoàng San Paolo Tông Đồ và Học Viện Đức Maria Mater Ecclesiae. Trong khi nói lên với các Con những lời cầu chúc cho sự dấn thân học tập của các Con, Cha bảo đảm với các Con, là Cha nhớ tới các Con trong lời cầu nguyện của Cha.
(Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 3-10-2012. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 3-10-2012).
Trường Thánh Phaolô tại Roma (Pontificio Collegio San Paolo: dành cho các Linh Mục thuộc các xứ Truyền Giáo), và Học Viện Mater Ecclesiae (Istituto Mater Ecclesiae: Roma, dành cho các Giáo Lý viên đến từ các xứ Truyền Giáo) (cả Hai Học Viện này trực thuộc Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc).