Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma (2/2)
Chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn dài Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế tháp tùng ngài trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma ngày 29-7-2013. Sau đây là phần hai của bài phỏng vấn này.
Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, kiêm Tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng, là người điều hợp giới thiệu các nhà báo với Đức Thánh Cha. Tới phiên anh Marcio Campos nhà báo người Brasil.
Anh hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, cùng với các nhà báo Brasil của tờ Diaro, Estado và đài truyền hình Globo con muốn cám ơn Đức Thánh Cha. Đồng hành với Đức Thánh Cha thật là khó, rất khó. Chúng con tất cả đều mệt nhoài, Đức Thánh Cha thì khỏe, còn chúng con thì mệt quá... Tại Brasil trong các năm qua Giáo Hội công giáo đã mất giáo dân. Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh có phải là một khả thể giúp tránh cảnh các tín hữu công giáo đi theo Giáo Hội Pentecotist hay các Giáo hội Pentecostal khác hay không. Xin cám ơn sự hiện diện của Đức Thánh Cha giữa chúng con.
Đáp: Rất đúng điều mà anh nói liên quan tới số tín hữu giảm sút: đúng thế, đúng thế. Nhưng có các thống kê. Chúng tôi đã nói chuyện với các Giám Mục Brasil về vấn đề này, trong một cuộc họp ngày hôm qua. Anh hỏi về Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh, nhưng tôi xin nói với các anh các chị một điều. Vào cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 tôi đã có thể trông thấy các tín hữu này. Có một lần tôi đã nói về họ như sau: “Các người này lẫn lộn một buổi cử hành phụng vụ với một trường dậy nhảy samba!” Tôi đã nói vậy. Và tôi đã hối hận. Rồi tôi đã hiểu biết hơn. Cũng đúng là phong trào đã đi trên con đường tốt với các phụ tùng tốt. Và giờ đây nói chung tôi tin rằng phong trào đã đem lại nhiều thiện ích cho Giáo Hội. Tại Buenos Aires tôi đã thường họp họ lại, và mỗi năm một lần tôi dâng thánh lễ với tất cả mọi người trong nhà thờ chính tòa. Tôi đã luôn luôn tạo thuận tiện cho họ, khi chính tôi đã được hoán cải vì trông thấy điều thiện họ làm. Bởi vì trong lúc này - ở đây tôi xin mở rộng câu trả lời một chút - tôi tin rằng các phong trào cần thiết. Các phong trào là một ơn của Chúa Thánh Thần. Nhưng mà làm sao có thể điều hành một “phong trào tự do” như vậy. Cả Giáo Hội cũng tự do. Chúa Thánh Thần làm điều Ngài muốn. Người làm công việc của sự hài hòa, nhưng tôi tin rằng các phong trào là một ơn; các phong trào ấy có tinh thần của Giáo Hội. Vì thế tôi tin rằng phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh không chỉ giúp vài tín hữu tránh gia nhập các nhóm pentecostal mà thôi, nhưng phục vụ chính Giáo Hội! Nó canh tân chúng ta. Và mỗi người tìm phong trào của mình theo đặc sủng riêng như Chúa Thánh Thần dẫn đưa họ.
Tiếp theo đó cha Lombardi giới thiệu ông Jean Marie Guénois, phóng viên của nhật báo Pháp Le Figaro Người thợ cạo.
Ông hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, cùng với phóng viên tờ La Croix con xin có câu hỏi: Đức Thánh Cha đã nói rằng không có phụ nữ, Giáo Hội mất đi sức phong phú của mình. Vậy Đức Thánh Cha sẽ có các biện pháp cụ thể nào? Chẳng hạn như cho phép nữ giới làm phó tế, hay đặt để nột phụ nữ làm đầu một Bộ của Tòa Thánh? Và thêm một câu hỏi kỹ thuật rất nhỏ: Đức Thánh Cha nói là ngài mệt. Đức Thánh Cha có một trang bị đặc biệt nào cho chuyến bay trở về không? Xin cám ơn Đức Thánh Cha.
Đáp: Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi cuối cùng. Chiếc máy bay này không có các trang bị đặc biệt. Tôi ngồi ở phía trước trong một chiếc ghế lớn, nhưng là loại thông thường thôi, như mọi người. Tôi đã viết một lá thư và gọi điện thoại để nói rằng tôi không muốn các trang bị đặc biệt trên máy bay. Đã rõ chưa? Thứ hai, phụ nữ. Một Giáo Hội không có các phụ nữ, thì giống như Đoàn Tông Đồ không có Mẹ Maria. Vai trò của nữ giới trong Giáo Hội không chỉ là chức làm mẹ, mẹ gia đình, mà còn mạnh mẽ hơn nữa: họ chính là hình ảnh của Đức Trinh Nữ, của Đức Mẹ, là Đấng giúp Giáo Hội lớn lên. Qúy vị hãy nghĩ coi, Đức Mẹ thì quan trọng hơn các Tông Đồ chứ. Mẹ quan trọng hơn. Giáo Hội là nữ giới: là Giáo Hội, là hiền thê, là Mẹ. Nhưng mà nữ giới trong Giáo Hội không phải chỉ là... tôi không biết phải nói trong tiếng Ý làm sao... vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội không phải chỉ là mẹ, là người làm việc, bị hạn hẹp... Không! Nó là một chuyện khác... Các Giáo Hoàng, Đức Phaolô VI đã viết một điều rất hay đẹp về các phụ nữ, nhưng tôi tin là phải đi xa hơn trong việc trình bầy rõ ràng vai trò này và đặc sủng của nữ giới. Không thể hiểu một Giáo Hội không có phụ nữ, nhưng mà phụ nữ hoạt động trong Giáo Hội, với chân dung của họ, họ làm cho Giáo Hội tiến lên. Tôi nghĩ tới một thì dụ không liên quan gì tới Giáo Hội, nhưng là một thí dụ lịch sử ở bên châu Mỹ Latinh, tại Paraguay. Đối với tôi phụ nữ Paraguay là phụ nữ vinh danh nhất châu Mỹ Latinh. Bạn có phải người Paraguay không? Sau chiến tranh, cứ bẩy phụ nữ mới có một người đàn ông, và các phụ nữ đó đã làm một quyết định hơi khó khăn: họ chọn có con để cứu vãn tổ quốc, nền văn hóa, đức tin và tiếng nói. Trong Giáo Hội phải nghĩ tới nữ giới trong viễn tượng này: lựa chọn liều lĩnh nhưng như là phụ nữ. Điều này cần được giải thích tốt hơn. Tôi tin rằng chúng ta đã chưa có một nền thần học sâu sắc về nữ giới trong Giáo Hội. Cho tới nay phụ nữ đã chỉ làm cái này cái nọ: giúp lễ, đọc sách, chủ tịch hội Caritas ... Nhưng mà còn có điều hơn nữa! Cần phải đưa ra một nền thấn học về nữ giới. Đó là điều tôi nghĩ.
Nhóm Tây Ban Nha có một nhà báo khác là anh Pablo Ordas phóng viên của nhật báo El Pais nêu lên câu hỏi: Con xin chào Đức Thánh Cha, chúng con muốn biết đâu là tương quan làm việc của Đức Thánh Cha, chứ không phải chỉ là tương quan tình bạn và cộng tác với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Từ trước tới nay chưa bao giờ có tình huống như hiện tại... Đức Thánh Cha có các tiếp xúc thường xuyên với với Đức Biển Đức XVI hay không? Ngài có giúp Đức Thánh Cha trong công việc giáo hoàng hay không?
Đáp: Tôi tin rằng lần cuối cùng khi có hai hay ba Giáo Hoàng thì các vị đã không nói chuyện với nhau, vì đang cãi nhau xem ai là Giáo Hoàng thật... và các vị đã đi tới cuộc Ly giáo của Tây Phương. Có một cái gì đó định tính tương quan của tôi với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: đó là tôi rất yêu mến ngài. Tôi đã luôn luôn yêu mến ngài. Đối với tôi ngài là một người của Thiên Chúa, một người khiêm nhường, một người cầu nguyện... Tôi đã rất hạnh phúc, khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Cả khi ngài đã từ chức, ngài đã là một gương sáng đối với tôi.... một vĩ nhân! Một vĩ nhân. Chỉ có vĩ nhân mới làm điều đó thôi. Một người của Thiên Chúa, một người của cầu nguyện. Bây giờ ngài ở trong nội thành Vaticăng, và có vài người hỏi tôi: làm sao lại có thể xảy ra điều ấy, hai Giáo Hoàng trong Vaticăng... Người không chắn lối ngài hay sao? Người không làm cách mạng chống lại ngài hay sao? Họ nói tất cả những điều ấy đấy. Nhưng tôi đã tìm ra một câu để nói điều này: “Nó giống như có Ông Nội trong nhà vậy”, nhưng là một Ông Nội khôn ngoan. Khi trong một gia đình có Ông Nội trong nhà, thì người được tôn kính, yêu mến và lắng nghe. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người của sự thận trọng, người không xen mình vào, tôi đã thưa người biết bao nhiêu lần rằng: “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy sống cuộc sống của ngài, xin đến với chúng con...” Và người đã đến để khánh thành và làm phép tượng Tổng Lãnh thiên thần Micae...
Đó, câu nói đó diễn tả tất cả rồi. Đối với tôi thì như là có Ông Nội trong nhà: người là thân phụ của tôi. Nếu găp khó khăn hay có việc gì không hiểu tôi sẽ điện thoại hỏi người: “Xin nói cho con biết, con có thể làm việc đó không?” Và khi tôi đến gặp người để nói về chuyện Vatileaks, người đã kể cho tôi hết mọi sự với một sự đơn sơ... phục vụ. Đây là một điều mà tôi không hiểu các bạn có biết không, tôi tin là có nhưng không chắc chắn: đó là khi người nói với chúng tôi trong diễn văn từ biệt ngày 28 tháng hai, người đã nói: “Giữa anh em có vị Giáo Hoàng tương lai: tôi hứa vâng phục người”. Thật là một vĩ nhân: Đó là một vĩ nhân!
Tiếp đến tới phiên một nhà báo người Brasil là chị Ana Fereira. Chị hỏi: Con xin chào Đức Thánh Cha. Con muốn nói lên tiếng cám ơn rất nhiều lần: cám ơn Đức Thánh Cha đã đem biết bao niềm vui tới Brasil và cũng cám ơn ngài trả lời các câu hỏi của chúng con. Con muốn biết tại sao hôm qua Đức Thánh Cha lại nói với các Giám Mục Brasil về việc tham dự của nữ giới trong Giáo Hội Brasil. Con muốn hiểu rõ hơn: sự tham dự này của chúng con là nữ giới trong Giáo Hội phải như thế nào? Đức Thánh Cha nghĩ gì về việc truyến chức Linh Mục cho phụ nữ? Thế đứng của nữ giới chúng con trong Giáo Hội phải như thế nào?
Đáp: Tôi muốn giải thích một chút về việc tham dự của các phụ nữ trong Giáo Hội: Nó không thể chỉ hạn chế trong việc giúp lễ, hay chủ tịch Caritas hoặc là giáo lý viên... vai trò đó phải nhiều hơn nữa, và một cách sâu xa hơn nữa, và tôi nói về nền thần học phụ nữ là vì vậy. Liên quan tới việc truyền chức Linh Mục cho phụ nữ thì Giáo Hội đã nói là “không” rồi. Đức Gioan Phaolô II đã nói điều ấy, và với một công thức định đoạt. Cánh cửa đó đã đóng rồi, nhưng về chuyện này thì tôi muốn nói một điều. Tôi đã nói, nhưng tôi xin lập lại. Đức Mẹ Maria đã quan trọng hơn các Tông Đồ Giám Mục và các phó tế linh mục. Trong Giáo Hội, phụ nữ quan trọng hơn các Giám Mục và các linh mục; như thế nào thì đó là điều mà chúng ta phải tìm giải thích cho tốt hơn, bởi vì tôi tin rằng thiếu một giải thích thần học về điều này.
Cha Lombardi giới thiệu ông Gianguido Vecchi, phóng viên của báo Corriere della Sera Người đưa tin chiều. Ông hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, cả trong chuyến đi này nữa Đức Thánh Cha đã hơn một lần nói về lòng thương xót. Liên quan tới việc lãnh các Bí Tích của các người đã ly dị và tái hôn, có khả thể thay đổi điều gì trong luật lệ của Giáo Hội hay không? Các Bí tích này có là một dịp đến gần con người, hay chúng lại là một rào cản chia rẽ họ với các tín hữu khác?
Đáp: Đây là đề tài người ta luôn luôn hỏi. Lòng thương xót lớn lao hơn là trường hợp mà anh nói tới. Tôi tin rằng đây là thời gian của lòng thương xót. Sự thay đổi của thời đại và cũng là của biết bao nhiêu vấn đề trong Giáo Hội - như một chứng tá không tốt của vài linh mục, nhưng cũng có các vần đề gian tham trong Giáo Hội - kể cả vấn đề duy giáo sĩ, chẳng hạn, nó đã để lại biết bao nhiêu người bị thương. Nhưng Giáo Hội là Mẹ phải ra đi chữa lành các người bị thương với lòng thương xót. Nếu Chúa không mệt mỏi tha thứ, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn này: trước hết là săn sóc những người bị thương. Giáo Hội là Mẹ và phải đi trên con đường này của lòng thương xót. Và tìm ra một lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi người con hoang đàng trở về nhà, người cha đã không nói: “Mày, hãy ngồi xuống nghe tao đây, mày đã làm gì với tiền của rồi?” Không, ông tổ chức lễ mừng. Thế rồi có lẽ khi người con muốn nói, anh ta đã nói. Giáo Hội cũng phải làm như thế. Khi có ai đó... nhưng mà không phải chỉ chờ đợi họ, mà là ra đi tìm kiếm họ. Đó là lòng thương xót. Và tôi tin rằng đây là thời điểm của lòng thương xót. Chính Đức Gioan Phaolô II đã có trực giác này khi đã bắt đầu Lòng Thương Xót Chúa với thánh nữ Faustina Kowalska... Người đã trực giác rằng đây là một sự cần thiết của thời nay.
Liên quan tới việc rước lễ của những người đã ly dị mà tái hôn - bởi vì những người đã ly dị có thể rước lễ mà không có vấn đề. Nhưng khi họ tái hôn họ lại không thể rước lễ, tôi tin rằng phải nhìn nó trong tổng thể mục vụ hôn nhân. Và đó là một vấn đề. Nhưng tôi cũng xin mở ngoặc: các anh em chính thống có một thực hành khác. Họ theo nền thần học họ goi là thần học của nhiệm cục cứu độ, và họ cho một khả thể thứ hai, họ cho phép điều đó. Nhưng tôi tin rằng vần đề này, tôi xin đóng ngoặc, phải được nghiên cứu trong bối cảnh của mục vụ hôn nhân. Và điều này cần có hai chuyện: thứ nhất, một trong các đề tài mà 8 vị của Hội Đồng Hồng Y phải đề cập tới trong cuộc họp mà chúng tôi sẽ nhóm trong các ngày 1-3 tháng 10 tới đây, như là đi trước trong mục vụ hôn nhân. Thứ hai, cách đây 15 ngày vị Thư ký của văn phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục đã gặp tôi để thảo luận về đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục tới. Đây là một đề tài nhân chủng học, nhưng khi nói lui nói tới, đi tới đi lui, chúng tôi đã thấy rằng đề tài nhân chủng học này - đức tin giúp chương trình hóa con người như thề nào - trong gia đình cũng dẫn tới muc vụ hôn nhân. Chúng ta đang đi tới một mục vụ hôn nhân sâu hơn một chút. Và đây là vấn đề của tất cả mọi người, bởi vì có rất nhiều người ở trong hoàn cảnh đó. Tôi chỉ xin đơn cử một thí dụ thôi. Đức Hồng Y Quarracino, vị tiền nhiệm của tôi đã nói rằng đối với ngài phân nửa các cuộc hôn nhân là bất thành sự. Tại sao ngài lại nói như vậy? Bởi vì người ta lấy nhau mà không trưởng thành, lấy nhau mà không nhận ra rằng nó kéo dài suốt đời, hay lấy nhau vì phải lấy nhau một cách xã hội... Và điều này cũng thuộc lãnh vực mục vụ hôn nhân... Cả vấn đề pháp lý hủy bỏ hôn nhân nữa, cần phải coi lại, bởi vì các Tòa án Giáo Hội không đủ để giải quyết vấn đề. Mục vụ hôn nhân phức tạp lắm!
Bà Carolina Pigozzi thuộc tuần san Paris Match, thì muốn biết từ khi làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha có cảm thấy mình là tu sĩ dòng Tên không. Ngài trả lời:
Đáp: Đây là một câu hỏi thần học, bời vì các tu sĩ dòng Tên khấn vâng lời Đức Giáo Hoàng. Mà nếu Giáo Hoàng là tu sĩ dòng Tên, thì phải khấn vâng lời cha Bề trên tổng quyền dòng Tên. Tôi không biết phải giải quyết vấn đề này ra sao... Không, tôi cảm thấy mình là tu sĩ dòng Tên trong nền tu đức của tôi, trong nền tu đức của linh đạo mà tôi có trong tim. Trong ba ngày nữa tôi sẽ đi mừng lễ thánh Ignazio với các tu sĩ dòng Tên, tôi sẽ dâng thánh lễ sáng. Tôi đã không thay đổi linh đạo. Tên tôi là Phanxicô nhưng tôi không phải là tu sĩ Phan Sinh. Tôi cảm thấy mình là tu sĩ dòng Tên, và tôi suy nghĩ như tu sĩ dòng Tên, thực sự chứ không phải một cách giả hình.
Tới đây cha Lombardi hỏi Đức Thánh Cha có còn sức chịu đựng nữa không, vì còn có vài câu hỏi nữa. Tới phiên chị Nicole Winfield, phóng viên của hãng thông tấn AP. Chị hỏi: Thưa Đức Thánh Cha con xin cám ơn Đức Thánh Cha đã đến giữa ”đám sư tử” là các nhà báo. Con muốn xin Đức Thánh Cha đúc kết thành qủa bốn tháng làm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha. Ngài có thể cho chúng con biết điều tốt nhất và điều tệ hại nhất khi là Giáo Hoàng không, và cái gì đã khiến cho Đức Thánh Cha ngạc nhiên nhất trong thời gian này. Đức Thánh Cha trả lời:
Đáp: Tôi thật sự không biết trả lời câu hỏi này ra sao. Đã không có những điều to lớn. Nhưng mà những điều đẹp thì có. Thí dụ cuộc găp gỡ với các Giám Mục Italia đã rất là đẹp, rất đẹp. Như là Giám Mục của thủ đô Italia tôi cảm thấy mình ở trong nhà cùng các vị. Đó đã là điều đẹp, nhưng tôi không biết có phải là điều tốt nhất hay không. Nhưng cũng có một chuyện đau lòng lọt vào tim tôi, đó là chuyến viếng thăm Lampedusa. Nó đã khiến tôi phải khóc, nhưng đã đem lại thiện ích cho tôi. Khi các thuyền của người tị nạn tới, họ để chúng xa bờ hàng mấy hải lý trườc bãi biển và họ phải tìm cách vào bờ một mình. Điều này khiến cho tôi đau khổ, vì tôi nghĩ họ là các nạn nhân của một hệ thống xã hội kinh tế toàn cầu. Nhưng điều tệ hại nhất xảy ra với tôi - xin lỗi- đó là tôi đã bị đau thần kinh tọa trong tháng đầu tiên, vì để trả lời các cuộc phỏng vấn tôi đã ngồi trong một chiếc ghế bành, và nó đã khiến cho tôi đau một chút. Thần kinh tọa đã rất là đau. Ước chi đừng có ai bị như vậy! Rồi nói chuyện với người ta... Cuộc gặp gỡ với các chủng sinh và nữ tu cũng đã rất đẹp, đẹp lắm. cả cuộc gặp gỡ với học sinh các trường dòng Tên cũng đã rất là đẹp. Đó là những điếu tốt lành.
Hỏi: Vậy điều gì đã khiến cho Đức Thánh Cha ngạc nhiên nhất?
Đáp: Những bản vị con người, những người tốt mà tôi đã gặp đươc. Tôi đã tìm thấy biết bao nhiều ngừơi tốt trong Vaticăng này. Tôi đã nghĩ phải nói gì. Tôi trả lại công bằng khi nói điều này: có biết bao nhiêu người tốt, biết bao nhiêu người tốt, tốt, tốt, tốt.
Chị Elisabetta Piqué, phóng viên nhật báo La Nacion, mà Đức Thánh Cha quen biết nói: Thưa Đức Thánh Cha, nhân danh 50 ngàn bạn trẻ Argentina mà con đã gặp tại Rio. Họ đã nói với con” Chị sẽ đi cùng chuyến bay với Đức Thánh Cha hả? Xin chị làm ơn nói với ngài là ngài thật là tuyệt diệu, hết sẩy, và xin chị hỏi ngài xem bao giờ ngài đến Argentina. Nhưng con đã nói với họ là Đức Thánh Cha sẽ không đi Argentina đâu... Nhưng con xin hỏi Đức Thánh Cha một câu hỏi khó ... Đức Thánh Cha có hoảng sợ khi nhận được tin vụ Vatileaks hay không?
Đáp: Không, tôi muốn kể cho chị nghe một giai thoại liên quan tới vụ Vatileaks. Khi tôi đến gặp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trước hết chúng tôi cầu nguyện trong nhà nguyện, rồi đi về phòng làm việc của ngài. Ở đó tôi trông thấy một chiếc hộp lớn bên trên có một phong bì... Đức Thánh Cha Biển Đức đã nói với tôi: Trong cái hộp lớn này có tất các lời tuyên bố, các điều mà các chứng nhân đã nói, tất cả ở trong đó. Nhưng bản tóm tắt và phán quyết cuối cùng thì ở trong phong bì này. Và tới đó thì ngài nói ta-ta-ta .... Ngài có tất cả trong đầu! Thật là thông minh! Mọi sự thuộc lòng, tất cả mọi sự. Nhưng không, tôi đã không hoảng sợ, Tôi đã không hoảng sợ, không. Không, không. Nó là một vấn đế lớn nhưng tôi đã không hoảng sợ.
Một nhà báo khác Ông Sergio Rubín hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con xin hỏi hai điều thôi: Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh nhiều trên việc chấm dứt việc mất các tín hữu. Tại Brasil việc mất mát này đã rất là lớn... Đức Thánh Cha có hy vọng rằng chuyến viếng thăm vừa qua sẽ góp phần vào việc lôi kéo tín hữu trở lại, và khiến cho họ cảm thấy gần gũi hơn hay không. Câu hỏi thứ hai có tính cách gia đình hơn: Đức Thánh Cha thích Argentina lắm, và ngài đã sống ở trung tâm Buenos Aires. Người dân Argentina tự hỏi không biết sự kiện không ở Buenos Aires nữa không đi xe bus, các phương tiện công cộng và đị bộ giữa đừơng phố nữa có lạ lùng đối với ĐTC không?
Đáp: Tôi tin rằng một chuyến du hành giáo hoàng luôn luôn đem lại thiện ích. Và tôi tin rằng tại Brasil điều này cũng sẽ đem lại thiện ích, nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Giáo Hoàng, mà điều này thì tôi đã nói trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ rồi. Người trẻ đã tự huy động và sẽ làm tốt, có lẽ họ sẽ giúp Giáo Hội biết bao nhiêu. Các tín hữu đã bỏ ra đi, và biết bao nhiêu người không hạnh phúc, bởi vì họ cảm thấy thuộc Giáo Hội. Tôi tin rằng điều này là tích cực, nhưng không chỉ đối với chuyến viếng thăm, mà nhất là đối với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ: nó đã là một biến cố tuyệt vời.
Và dĩ nhiên tôi nhớ Buenos Aires lắm chứ. Nhưng đó là một sự thiếu thốn thanh thản, một sự thiếu thốn thanh thản. Nhưng tôi tin rằng anh biết nhiều hơn tôi và những người khác. Anh có thể trả lời câu hỏi này, với cuốn sách mà anh đã viết.
Cha Lombardi nói bây giờ đến lượt tiếng Nga và rồi sau cùng là Valentina, niên trưởng đoàn ký giả muốn kết thúc buổi phỏng vấn này.
HỎI: Con kính chào Đức Thánh Cha. Thưa Đức Thánh Cha, trở lại vấn đề đại kết. Hôm nay, Chính thống giáo mừng kỷ niệm 1025 năm nước Nga theo Kitô giáo, với rất nhiều nghi lễ long trọng tại nhiều thủ đô. Con rất sung sướng, nếu Đức Thánh Cha nói vài lời về sự kiện này. Cám ơn Đức Thánh Cha.
ĐÁP: Trong các Giáo Hội Chính Thống vẫn còn bảo tồn được nghi lễ phụng vụ đầu tiên, đúng không. Đó là một điều thật là đẹp. Chúng ta đã đánh mất ít nhiều ý nghĩa thờ kính, còn họ thì họ vẫn giữ gìn ý nghĩa này, họ ca ngợi Thiên Chúa, họ thờ lạy Người, họ ca hát, thời giờ không quan trọng đối với họ. Trung tâm điểm là Thiên Chúa, và đây là một sự phong phú mà tôi muốn nói đến trong dịp nêu câu hỏi trên đây. Một lần, khi nói với Giáo Hội Tây phương, thuộc Tây Âu, nhất là Giáo Hội trưởng thành hơn đúng không, người ta nói với tôi câu này: “Lux ex oriente, et occidente luxus”, ánh sáng thì từ phương Đông, và từ phương Tây là xa hoa.” Chủ thuyết tiêu thụ, sự phúc lợi đã làm hại chúng ta biết bao nhiêu. Trái lại, bên quý vị đã biết bảo toàn nét đẹp của Thiên Chúa làm tâm điểm, đúng không, làm điểm quy chiếu... Khi đọc nhà văn Dostoevskij, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta phải đọc đi đọc lại tác giả này vì ông có một sự khôn ngoan trời biển... Người ta cảm nhận được đâu là linh hồn Nga, linh hồn đông phương. Đây là điều thật tốt lành cho cả chúng ta nữa. Chúng ta cũng cần sự canh tân này, cần làn khí mát mẻ đến từ phương đông, cần ánh sáng này của phương Đông. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết như thế trong Tông Thư của Ngài, phải không. Nhưng đã bao lần sự xa hoa của Tây phương đã làm cho chúng ta mất hướng chân trời. Tôi không biết, trong lúc này đây là điều tôi có thể nói. Xin cám ơn.
Cha Lombardi nói bây giờ chúng ta kết thúc với Valentina, người đã khởi đầu trên chuyến bay đi và bây giờ, kết thúc trên chuyến bay về.
HỎI: Kính thưa Đức Thánh Cha, cám ơn Đức Thánh Cha đã giữ lời hứa trả lời các câu hỏi của chúng con trên đường về.....
ĐÁP: Tôi đã làm trễ bữa tối của mọi người.....
HỎI: Không sao cả, không sao cả. Câu hỏi của con, từ phía tất cả mọi người Mêhicô, là bao giờ Đức Thánh Cha đi Guadalupe?.... Đó là câu hỏi của người Mêhicô. Còn câu hỏi của con nghiêm chỉnh hơn: Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho hai vị đại Giáo Hoàng, Đức Gioan 23 và Đức Gioan Phaolô II. Con muốn biết, theo Đức Thánh Cha, đâu là mẫu gương nên thánh phát xuất từ hai vị này và đâu là tác động ảnh hưởng mà hai vị đã có trên Giáo Hội và trên Đức Thánh Cha?
ĐÁP: Đức Gioan 23 là một chút hình ảnh của vị “linh mục làng quê”, vị linh mục yêu thương từng tín hữu một, biết chăm sóc mọi tín hữu và ngài đã làm điều này trong nhiệm vụ Giám Mục, trong nhiệm vụ sứ thần. Có bao nhiêu chứng tá về các vụ Rửa Tội giả ngài đã làm bên Thổ Nhĩ Kỳ để cứu người do thái. Ngài là một người can đảm, một ông cha nhà quê tốt lành, với một tâm thức hài hước hóm hỉnh thật lớn, thật vĩ đại và một sự thánh thiện vô cùng. Khi ngài là Sứ Thần, tại Tòa Thánh Vatican có một số người không ưa ngài. Vì thế, khi ngài đến trình giấy tờ hay hỏi han ý kiến tại một số văn phòng, thì người ta bắt ngài phải chờ. Không bao giờ ngài than vãn một lời, ngài lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện, ngài đọc sách Thần Vụ chứ không bao giờ than vãn.... Một con người hiền lành, khiêm hạ và cũng là một người lo lắng săn sóc cho người nghèo. Khi gặp Đức Cha Casaroli trở về sau một sứ vụ, tôi nghĩ là tại Hungari hay là tại Tiệp Khắc hồi đó tôi không còn nhớ rõ là tại nước nào trong hai quốc gia này, Đức Cha đã xin hội kiến với Đức Gioan 23 để trình bày về sứ vụ này trong thời buổi ngoại giao “từng bước nhỏ” ấy. Cuộc hội kiến đã diễn ra - 20 ngày sau đó, Đức Gioan 23 qua đời - và khi Đức Cha Casaroli kiếu từ, Đức Gioan 23 gọi giật lại “À thế Đức Hồng Y, không không phải Đức Hồng Y, thế Đức Cha vẫn tiếp tục đi thăm những người trẻ ấy chứ?” Bởi vì Đức Cha Casaroli thường hay đến nhà giam thiếu niên Casal De Marmo của thành phố Roma để thăm viếng chơi đùa với các tù nhân tại đó. Đức Cha Casaroli đáp: “Dạ còn, dạ còn”. “Đừng bao giờ bỏ rơi họ nhé”. Đó là với một nhà ngoại giao, vừa về sau một sứ vụ ngoại giao, chuyến đi vất vả khó khăn, Đức Gioan 23 nhắc nhở “Đừng bao giờ bỏ rơi bọn trẻ”. Thật là một người vĩ đại, thật vĩ đại. Rồi còn Công Đồng Chung: ngài là người ngoan ngoãn nghe theo tiếng nói của Thiên Chúa, phát xuất qua Chúa Thánh Thần, đến với Ngài và Ngài đã nghe theo. Đức Pio XII đã nghĩ phải triệu tập Công Đồng chung, nhưng hoàn cảnh lúc ấy không thuận lợi, chưa chín mùi để thực hiện điều này. Tôi tin rằng Đức Gioan 23 đã không nghĩ đến hoàn cảnh, ngài nghe thấy tiếng gọi và đã thực hiện thánh ý Chúa ngay. Ngài là người biết để cho Thiên Chúa hướng dẫn. Còn về Đức Gioan Phaolô II thì tôi nghĩ Ngài là một nhà truyền giáo lớn của Giáo Hội, ngài là nhà truyền giáo, là vị thừa sai, là người đã mang Tin Mừng đến mọi nơi, quý vị biết rõ hơn tôi nhiều về điểm này. Mà bà đã đi bao nhiêu chuyến rồi? Bà thường đi chứ? Đức Gioan Phaolô II cảm thấy bị nung nấu bởi ngọn lửa thúc đẩy rao giảng Lời Chúa, đúng không. Ngài là một Phaolô mới, một thánh Phaolô, một người như thế, đối với tôi là một vĩ nhân. Và thực hiện nghi lễ tôn phong hiển thánh chung cho cả hai vị, theo tôi, là một sứ điệp gửi đến toàn thể Giáo Hội: Hai vị là những người tốt lành, thật tốt lành, rất tốt lành. Nhưng mà cũng còn tiến trình phong chân phước cho cả Đức Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Luciani nữa nhé, hai hồ sơ này đang được tiến hành.
Nhưng còn một điều nữa mà tôi nghĩ rằng tôi đã nói đến, không rõ là ở đây hay ở một nơi khác: ngày tôn phong hiển thánh mà người ta nói là ngày 8 tháng 12 năm nay. Nhưng có một vấn đề lớn, những tín hữu đến từ Ba Lan, những người nghèo chứ không phải người giàu, người có phương tiện thì họ đi máy bay, còn người nghèo thì phải đi xe ca và vào tháng 12, đường xá đã đóng băng đá rồi. Tôi nghĩ rằng phải dời lại ngày giờ. Tôi đã nói chuyện với Đức Hồng Y Dziwisz và ngài đề nghị hai thời điểm có thể: một là lễ Chúa Kitô Vua năm nay, hai là Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa năm tới. Tôi nghĩ rằng còn quá ít thời giờ cho lễ Chúa Kitô Vua năm nay, bởi vì giữa mật nghị phong thánh ngày 30 tháng 9 và cuối tháng 10 còn quá ít thời giờ, không biết, để xem, tôi còn phải nói chuyện với Đức Hồng Y Amato về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm vào ngày 8 tháng 12 được.
HỎI: Nhưng hai vị sẽ được tôn phong hiển thánh một lần?
ĐÁP: Cả hai vị chung một lần, đúng thế.
Cha Lombardi nói “Cám ơn Đức Thánh Cha, Bây giờ còn ai nữa. Ilse à? Sau đó, là hết mọi người phải không? Cả những người không có ghi danh trước nữa...
HỎI: Con xin phép được hỏi một câu hơi tế nhị: có một hình ảnh khác cũng đang đi vòng quanh thế giới, đó là hình ảnh của Đức Ông Ricca và những tin tức về liên hệ sâu kín của vị này. Con muốn biết là Đức Thánh Cha sẽ làm gì cho vấn đề này? Đức Thánh Cha sẽ giải quyết vấn đề này thế nào và làm sao để giải quyết vấn đề lobby đồng tính?
ĐÁP: Vấn đề Đức Ông Ricca: tôi đã làm điều mà bộ Giáo Luật buộc phải làm tức là investigatio previa, điều tra trước đó. Và từ cuộc điều tra này, không có gì liên quan đến những lời buộc tội mới đây, chúng tôi không tìm thấy gì cả. Đây là câu trả lời. Nhưng tôi còn muốn nói thêm một điều nữa về điểm này: quá nhiều khi trong Giáo Hội, tôi thấy, ngoài trường hợp này và cả trong trường hợp này nữa, người ta hay đi tìm những dấu vết tội lỗi thời tuổi trẻ, chẳng hạn, đúng không, và rồi công bố chúng ra. Không phải là tội phạm nghe. Tội phạm là chuyện khác. Lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là một tội phạm. Không, đây là tội lỗi thôi. Nhưng nếu một người, dù là giáo dân hay linh mục hoặc nữ tu, đã phạm tội và hối cải, thì Thiên Chúa tha thứ, và khi Thiên Chúa đã tha thứ, thì Thiên Chúa quên đi và điều này thật quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta đi xưng tội và chúng ta thật lòng thưa “Con đã phạm tội này”, Thiên Chúa quên đi tội lỗi của chúng ta và thế là chúng ta không có quyền không quên, bởi vì chúng ta có thể gặp nguy cơ Thiên Chúa cũng không quên tội lỗi của chúng ta nữa. Đây là một mối nguy có thực đấy. Điều này rất quan trọng: là thần học về tội lỗi đấy. Nhiều lần tôi nghĩ đến Thánh Phêrô: thánh nhân đã phạm một trong những tội trọng nhất, là tội chối Chúa, và rồi với tội lỗi này, thánh nhân được gọi làm Giáo Hoàng. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều về việc này. Trở lại câu hỏi nêu lên, trong trường hợp này, tôi đã cho điều tra trước và chúng tôi đã không tìm ra gì cả. Đó là câu hỏi đầu tiên.
Rồi đến câu về Lobby đồng tính. Người ta nói quá nhiều về cái gọi là lobby đồng tính này. Tôi chưa tìm thấy một ai trình thẻ căn cước có ghi là người đồng tính trong Vatican. Người ta nói là có nhiều mà. Tôi thì tôi nghĩ rằng nếu tìm thấy một người như thế, thì phải phân biệt sự kiện một người đồng tính với sự kiện một lobby, bởi vì tất cả các lobby không phải là điều tốt. Đó là điều xấu. Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà tự cho mình quyền phán xét người ấy? Sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo giải thích thật hay điều này nói là... đợi chút nhé, nói là ... “không được cô lập những người này vì thế, nhưng phải hội nhập họ vào trong xã hội cách toàn vẹn. Vấn đề không phải ở chỗ họ có khuynh hướng đồng phái, tất cả chúng ta phải là anh chị em với nhau, vấn đề là cái khác, là ở chỗ làm thành lobby, lobby những người có khuynh hướng này, hay lobby người keo kiệt, lobby các nhà chính trị, lobby tam điểm. Đây mới là vấn đề trầm trọng hơn nhiều, đối với tôi. Và tôi cám ơn quý vị rất nhiều đã đặt câu hỏi này cho tôi. Xin cám ơn nhiều.
Cha Lombardi đã cám ơn tất cả và khẳng định rằng không thể làm hơn thế được. Chúng ta đã lợi dụng Đức Thánh Cha quá nhiều dù Ngài đã nói là hơi mệt. Và bây giờ chúng ta chúc ngài nghỉ ngơi một chút.
Đức Thánh Cha: Cám ơn tất cả quý vị, chúc quý vị ngủ ngon.
(SD 29-7-2013)
Linh Tiến Khải - Mai Anh