LƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU
Bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô
"Lương bổng" của Người Kitô là "nên giống Chúa Giêsu": không phải là một việc thưởng công bằng tiền bạc hoặc quyền thế cho những ai thực sự theo Đức Kitô, bởi vì con đường đi theo Chúa chỉ là con đường của việc phục vụ và phục vụ cách nhưng không. Trái lại khi đi tìm một "việc làm có tính cách thương mại", với "sự giầu có, háo danh và kiêu ngạo, thì người ta phải "điên cái đầu" và cũng đưa ra một phản chứng tá trong Giáo Hội. Để đưa tín hữu ra khỏi cơn cám dỗ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho người ta chú ý tránh khỏi, trong Thánh Lễ cử hành sáng thứ ba, ngày 26 tháng 05, trong Nhà Nguyện của Casa Santa Marta, Vatican.
Đó là "cuộc đối thoại giữa ông Phêrô và Chúa Giêsu" để gợi ra bài suy niệm của Đức Thánh Cha, khởi sự đúng từ đoạn Phúc Âm theo Thánh Marco (10, 28-31), được đề nghị cho buổi cử hành phụng vụ ngày hôm nay. Một cuộc đối thoại, Đức Thánh Cha giải thích, đến chính lúc sau khi có cuộc gặp gỡ "với người thanh niên muốn theo Chúa Giêsu: vì Chúa tốt lành, và anh này yêu mến Chúa", như Bài Phúc Âm kể lại. Tuy nhiên Chúa "đã nói với anh ta rằng : còn thiếu một điều nơi anh ta : hãy bán đi tất cả những gì anh ta có", để đem phân phát cho "những người nghèo khó : "và anh sẽ được kho tàng trên trời". Nhưng "khi nghe các lời này - Đức Thánh Cha đã quả quyết - người thanh niên đó sầm mặt xuống và ra đi với nét vẻ buồn sầu".
Như thế "Chúa Giêsu trở lại bài diễn văn và nói với các môn đệ : "Thật khó biết bao cho những ai có tiền của vào được Nước Thiên Chúa". Và "các môn đệ bị rối loạn vì các lời của Chúa". Nhưng "Chúa Giêsu lấy lại lời huấn dụ và nói với các ông : "Này các con, thật khó khăn biết bao để vào được nước của Thiên Chúa. Còn dễ dàng hơn cho một con lạc đà chui qua lỗ kim hơn là một người giầu có vào nước của Thiên Chúa".
Và này chúng ta suy tới đoạn Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, khi ông Phêrô đoan chắc với Chúa Giêsu : "Này, chúng con đã bỏ tất cả mọi sự và chúng con đã đi theo Thày". Như thể là nói rằng : "Và cho chúng con, sẽ được gì? Đâu là lương bổng của chúng con? Chúng con đã bỏ tất cả". Trong mấy lời, "các người giầu có đã không bỏ gì cả - cậu thanh niên đó đã không muốn bỏ gì trong của cải của cậu - sẽ không vào nước của Thiên Chúa, nhưng chúng con đây thì sao? Lợi nhuận của chúng con là bao nhiêu?".
Vấn đề, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý, vấn đề là "các môn đệ chỉ hiểu Chúa Giêsu một nửa, bởi vì sự hiểu biết Chúa Giêsu, cách trọn vẹn, chỉ đến khi Chúa Thánh Thần đến". Và quả thật, Chúa Giêsu trả lời : "Phải, Ta nói với anh em : không có ai đã bỏ nhà cửa, anh chị em hoặc mẹ, hoặc cha hoặc con cái, hoặc đồng áng mà không nhận được ngay từ bây giờ, trong thời này, gấp trăm lần, cùng với các cuộc bách hại". Cụ thể "Chúa Giêsu trả lời khi chỉ ra cho họ một hướng khác" và không hứa chính các của cải mà người thanh niên đó có. Không phải khi "có bao nhiêu người anh chị em, cha mẹ, của cải là có gia tài nước trời, nhưng với bách hại, với thánh giá. Và điều này thay đổi".
Tại sao? Đức Thánh Cha giải thích, "khi một người Kitô gắn bó với của cải, thì đưa ra một bộ mặt thật xấu xa của một người Kitô muốn có cả 2 điều : nước trời và thế giới này". Và "viên đá để so sánh, chính là điều Chúa Giêsu nói : thánh giá, bách hại, có nghĩa là chối từ chính mình, mỗi ngày chấp nhận thập giá".
Từ phía họ, "các môn đệ có cám dỗ này : theo Chúa Giêsu, nhưng rồi sẽ có kết thúc bằng một việc tốt không ?" Và, Đức Thánh Cha đã thêm, "chúng ta hãy nghĩ tới bà mẹ của ông Giacôbê và Gioan khi bà xin Chúa Giêsu một chỗ cho các con của bà : "Này, ông này, ta sẽ đặt làm Thủ Tướng, ông kia làm Tổng Trưởng Bộ Kinh Tế". Đó là "mối lợi theo thế gian khi đi theo Chúa Giêsu" : nhưng rồi "con tim của những môn đệ này đã được thanh luyện, thanh luyện, thanh luyện, cho tới Ngày Hiện Xuống, khi họ đã hiểu tất cả".
Tính cách nhưng không của việc đi theo Chúa Giêsu là câu trả lời cho tính nhưng không của tình yêu và cùa ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta: Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh. "Khi người ta muốn đi hoặc với Chúa Giêsu hoặc với thế gian, hoặc với sự nghèo khó hoặc với sự giầu sang", sẽ cho thấy "một Kitô Giáo nửa vời, muốn có lợi vật chất : đó là "tinh thần thế tục". Và "người Kitô đó, ngôn sứ Elia nói, "họ bước đi với cả hai chân què: vì họ "không biết họ muốn gì".
Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý, "chìa khóa để hiểu bài diễn văn này của Chúa Giêsu - nhưng, phải, còn cần trăm lần hơn nữa, là chính với thập giá - đó là lời cuối cùng : "Nhiều người trong số những người thứ nhất sẽ nên rốt hết và những người rốt hết sẽ nên thứ nhất". Và "có nghĩa là ai nói đến phục vụ : "Kẻ tin hoặc kẻ lớn hơn hết giữa các người, sẽ là kẻ phục vụ : kẻ bé nhất". Không phải vô tình, Đức Thánh Cha đã nhắc lại, khi nói những lời này, Chúa Giêsu "đã ẵm lấy em bé đó và làm cho người ta nhìn thấy em".
Theo Chúa Giêsu không là một mối lợi : nhưng là "phục vụ", Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Rồi đó chính là điều mà "Ngài đã làm: và nếu Chúa để cho con là người thứ nhất. thì con phải xử sự như người rốt hơn hết, nghĩa là, trong việc phục vụ. Và nếu Chúa cho con có của cải, con phải xử sự với tinh thần phục vụ, nghĩa là cho người khác".
"Có 3 điều, ba bậc thang làm chúng ta xa Chúa Giêsu : của cải, giả trá và kiêu ngạo" Đức Thánh Cha đã quả quyết. "Vì thế - Ngài giải thích - của cải thật nguy hiểm biết bao : đem con đi ngay tới giả trá và con tin rằng con quan trọng"; nhưng "khi con tin mình quan trọng, thì con điên đầu và mất trí". Này tại sao Chúa Giêsu nhắc chúng ta con đường : "Nhiều người trong số những người thứ nhất sẽ là rốt hết, nhưng người rốt hết sẽ là thứ nhất, và ai làm đầu trong các con, thì hãy là người đầy tớ của tất cả mọi người" Đó là "một con đường của việc lột trần con người thế gian của chúng ta", chính con đường này mà "Ngài đã làm".
"Chúa Giêsu làm việc này để dạy các môn đệ, điều này Chúa phải trả giá biết bao, phải mất bao nhiêu thời giờ để các ông hiểu đúng". Ngày nay cũng thế, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cảnh cáo, "cả chúng ta cũng phải cầu xin với Chúa: xin dạy chúng con đi con đường này,dạy khoa học phục vụ này, khoa học khiêm nhường này, khoa học là những người rốt nhất để phục vụ anh chị em của Giáo Hội".
Với Đức Thánh Cha, "thật là điều tồi tệ khi nhìn thấy một người Kitô - là giáo dân, là người thánh hiến, là linh mục, là giám mục - muốn cả hai điều : theo Chúa Giêsu và của cải, theo Chúa Giêsu và thế tục". Đó là "một điều phản chứng tá và làm dân chúng xa Chúa Giêsu". Trước khi tiếp tục cử hành Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người suy nghĩ tới một lần nữa tới câu hỏi của ông Phêrô : "Chúng con đã bỏ tất cả mọi sự, thì Chúa trả lương cho chúng con như thế nào?". Và hãy giữ kỹ trong trí óc câu trả lời của Chúa Giêsu, "bởi vì giá mà Ngài trả cho chúng ta là việc nên giống Ngài: đó là "lương bổng" của chúng ta. Và "nên giống Chúa Giêsu", Đức Thánh Cha kết luận, là một thứ "lương bổng thật lớn lao".
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến ngày 26-05-2015. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 26-05-2015).