BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG CUỐI NĂM 2009
CỦA ĐỨC THÁNH CHA
VATICAN. Hơn 7 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC Biển Đức 16 trong năm 2009. Ngài khích lệ các tín hữu đào sâu sự hiểu biết và sống đức tin.
Trong số các tham dự viên tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, có đông đảo các học sinh mặc đồng phục từ nhiều trường ở các nơi.
Trong bài huấn dụ, ĐTC tiếp tục loạt bài về các tác giả công giáo thời Trung Cổ. Bằng tiếng Anh ngài nói: “Anh chị em thân mến, trong loạt bài huấn giáo của chúng ta về nền Văn hóa Kitô giáo thời Trung Cổ, nay chúng ta hướng về Cha Phêrô Lombardo, nhà thần học nổi bật của thế kỷ 12. Cha Phêrô dạy học tại trường Đức Bà nổi tiếng và qua đời như Giám Mục Paris. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Sententiae, Tổng Luận các chủ đề thần học, một bộ sưu tập gồm 4 cuốn về các câu nói nổi tiếng của giáo phụ, được chọn lựa kỹ lưỡng và sắp xếp theo chủ đề để dùng vào việc giảng dạy thần học. Cuốn Sententiae trở thành sách giáo khoa nhập môn thần học được dùng trong 4 thế kỷ, ảnh hưởng tới tư tưởng của các học giả như Thánh Albertô Cả, thánh Bonaventura và thánh Tômasô Aquinô. Giáo Hội đòi có những lối trình bày có hệ thống như vậy về đức tin Công Giáo, trong đó mỗi tín điều phản ánh sự thống nhất trong chân lý mạc khải của Thiên Chúa và kế hoạch cao cả của ngài để cứu độ nhân trần. Tác phẩm của Cha Phêrô Lombardo đáp ứng một nhu cầu mà ngày nay, chúng ta thấy được đáp ứng qua cuốn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.
Trong số những đóng góp bền vững nhất của cuốn Sententiae là định nghĩa của Cha Phêrô về bí tích như một dấu chỉ bề ngoài và là nguyên nhân mang ơn thánh, và giáo huấn của ngài về con số 7 bí tích. Trong Năm Linh Mục này, tôi khích lệ các linh mục, trong tư cách là thừa tác viên các bí tích, và tất cả các tín hữu hãy gia tăng sự nhận thức và quí chuộng vẻ đẹp và sự hài hòa trong đức tin của chúng ta, hãy vui trồng đời sống bí tích, và nhờ đó tăng trưởng trong tình hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa.
Bài giáo lý chi tiết
Trước đó, trong bài giáo lý bằng tiếng Ý, ĐTC đã quảng diễn sâu rộng hơn về thân thế vào công trình thần học của Cha Phêrô Lombardo. Cha sinh tại thành phố Novara bắc Italia vào khảng năm 1.100 và xuất thân từ một gia đình khiêm hạ. Tuy nhiên, Phêrô đã được theo học miễn phí tại một số đan viện tại Bologna, Reims và Paris, rồi trở thành giáo sư tại Paris từ năm 1140 lúc mới 40 tuổi. Sau cùng vào năm 1159, tức là một năm trước khi qua đời, Cha Phêrô được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Paris, thủ đô Pháp.
Cũng như các giáo sư thần học thời ngài, cha Phêrô đã viết các bài giảng và bình luận về Kinh Thánh. Bộ sách nổi tiếng nhất của ngài, Tổng luận các chủ đề thần học, gồm 4 cuốn: Cuốn thứ I bàn về Thiên Chúa và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cuốn thứ II về công trình tạo dựng, tội lỗi và ơn thánh; cuốn thứ III về Mầu nhiệm Nhập Thể và công trình cứu chuộc, cùng với phần trình bày sâu rộng về các nhân đức. Cuốn thứ IV về các bí tích và những thực tại sau hết, đời sống vĩnh cửu. Cái nhìn chung từ bộ sách này bao gồm hầu hết các chân lý đức tin Công Giáo. Cái nhìn tổng hợp và sự trình bày sáng sủa, mạch lạc, có hệ thống và luôn luôn hợp lý khiến cho bộ sách này thành công đặc biệt. Sách giúp các sinh viên học hỏi chắc chắn, và chứa đựng một không gian rộng rãi để các giáo sư đào sâu hơn. Một thần học gia dòng Phanxicô, Alessandro di Hales, sống sau cha Lombardo một thế hệ, đã du nhập vào bộ sách này những phần chân chia chi tiết hơn, làm cho việc tra cứu và học hỏi dễ dàng hơn.”
Từ những nhận xét trên đây, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trình bày đức tin một cách có hệ thống, và đây là một đòi hỏi không thể từ bỏ được. Thực vậy, mỗi chân lý đức tin soi sáng cho nhau và trong một cái nhìn toàn bộ, thống nhất, chúng ta thấy sự hòa hợp trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và vị thế trung tâm của mầu nhiệm Chúa Kitô. Theo gương của cha Phêrô Lombardo, tôi mời gọi tất cả các nhà thần học, và các linh mục hãy luôn để ý đến cái nhìn toàn bộ về đạo lý Kitô chống lại nguy cơ phân hóa ngày nay và hạ giá một số chân lý. Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo cũng như cuốn Toát Yếu rút từ cuốn này mang lại cho chúng ta một khung cảnh đầy đủ về Mạc Khải Kitô giáo, cần được đón nhận trong niềm tin tưởng và biết ơn. Tôi cũng khuyến khích mỗi tín hữu và mỗi cộng đồng Kitô hãy lợi dụng các phương tiện ấy để hiểu biết và đào sâu nội dung đức tin của chúng ta. Đức tin xuất hiện như một bản hợp ca tuyệt vời, nói với chúng ta về Thiên Chúa và về tình yêu của Ngài, đồng thời kêu gọi lòng gắn bó chặt chẽ của chúng ta cũng như sự hoạt động phù hợp với niềm tin”.
Tiếp tục bài giáo lý bằng tiếng Ý, ĐTC nêu hai ví dụ về tính cách hợp thời của Bộ Tổng luận các chủ đề thần học của Cha Phêrô Lombardo.
Trước hết, lấy hứng từ bài bình luận của thánh Augustinô về sách Sáng Thế, cha Lombardo tự hỏi về lý do tại sao việc tạo dựng người nữ từ sương sườn của ông Adong chứ không từ đầu hay từ chân. Cha giải thích: “Phụ nữ được hình thành không phải như một người thống trị và cũng không phải như một đầy tớ của đàn ông, trái lại như một người bạn đường” (Sententiae 3,18,3).
Cũng dựa trên giáo huấn của các giáo phụ, Cha Lombardo viết thêm rằng: ”Trong hành động sáng tạo ấy có tượng trưng mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Thực vậy, cũng như phụ nữ được hình thành từ xương sườn của Adong trong khi ông ngủ, Giáo Hội cũng được sinh ra từ các bí tích bắt đầu chảy từ cạnh sườn của Chúa Kitô ngủ trên Thánh Giá, nghĩa là từ máu và nước, nhờ đó chúng ta được cứu chuộc khỏi hình phạt và được thanh tẩy khỏi tội lỗi” (Sententiae, 3,18,4). Đó là những suy tư sâu xa và còn giá trị ngày nay, khi thần học và tu đức về hôn nhân Kitô giáo đào sâu rất nhiều sự tương đồng với quan hệ phu phụ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”.
Trong một đoạn khác trong cuốn Tổng Luận, Cha Phêrô Lombardo khi bàn về công trạng của Chúa Kitô, đã đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa Kitô muốn chịu đau khổ và chịu chết, nếu các nhân đức của ngài đã đủ và đạt cho Ngài các công phúc?”. Câu trả lời thật là chí lý và hữu hiệu: ”Thưa Chúa làm như thế là để cho bạn, chứ không phải cho chính Chúa Kitô!” Rồi cha tiếp tục với một câu hỏi và câu trả lời khác, dường như diễn lại các cuộc thảo luận trong các lớp học của các giáo sư thần học thời Trung Cổ: “Theo nghĩa nào Chúa chịu đau khổ và chịu chết cho tôi? Thưa là để cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trở thành mẫu gương và nguyên nhân cho bạn. Mẫu gương về các nhân đức và lòng khiêm tôn, nguyên nhân làm cho bạn được vinh hiển và tự do; Mẫu gương Chúa ban về lòng vâng phục cho đến chết, nguyên nhân làm cho bạn được giải thoát và hạnh phúc” (Sententiae 3,18,5).
Trong phần chào thăm các nhóm tín hữu, ĐTC đặc biệt chào các nhóm đến từ Ai Len, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ. Bằng tiếng Đức, ngài nhắc đến một đoàn 44 em từ tổng giáo phận Koeln bên Đức, gọi là ”Các ca sĩ ngôi sao” (Sternsinger) tức là các thiếu nhi tham gia chiến dịch Lễ Ba Vua tại Đức: các em mặc phẩm phục như Ba Vua, đi tới các tư gia hát thanh ca, thông truyền niềm vui Chúa Giáng Sinh và lạc quyên liên đới để tài trợ các dự án trợ giúp các trẻ em nghèo. ĐTC nói thêm rằng: ”Đức Cha Phêrô Lombardo mời gọi chúng ta, hãy tìm hiểu sâu rộng và sống đức tin của chúng ta. Sự chăm chú đọc cuốn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và thường xuyên lãnh nhận các bí tích tháp tùng và củng cố chúng ta trên con đường đức tin.