Cầu nguyện cho kẻ sống kẻ chết và chôn xác kẻ chết
Cầu nguyện cho kẻ sống kẻ chết
và chôn xác kẻ chết là các công việc của lòng thương xót diễn tả sự hiệp thông
trong Giáo Hội, diễn tả niềm tin vào sự sống lại và lòng biết ơn đối với Thiên
Chúa đã ban họ cho chúng ta, và vì tình yêu và tình bạn của họ đối với chúng
ta.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC
Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 ngàn tín hữu và du khách hanh hương tham
dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua trong đại thính đường
Phaolô VI.
Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: với
bài giáo lý hôm nay chúng ta kết thúc loạt giáo lý nói về lòng thương xót. Các
bài giáo lý kết thúc, nhưng lòng thương xót phải tiếp tục nhé! Chúng ta cám ơn
Chúa vì tất cả những điều này, và giữ gìn nó trong tim như sự ủi an và khích
lệ. Đề cập đến bổn phận cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết ĐTC nói:
Công việc cuối cùng của lòng
thương xót tinh thần xin chúng ta cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta cũng có thể để bện cạnh công việc này của lòng thương xót thân xác lời
mời gọi chôn xác kẻ chết. Lời xin cuối cùng nay xem ra có thể là một lời xin lạ
lùng. Nhưng trái lại trong một vài vùng trên thế giới đang sống dưới tệ nạn của
chiến tranh, với các cuộc dội bom ngày đêm gieo rắc sợ hãi và các nạn nhân vô
tội, công việc này thời sự một cách đáng buồn. Thánh Kinh có một thí dụ đẹp
liên quan tới việc này: đó là thí dụ của ông già Tobi liều mạng chôn cất các
người chết, mặc dù có lênh cấm của vua (x. Tb 1,17-19; 2,2-4). Cả ngày nay nữa
cũng có người liều mạng để chôn cất các nạn nhân chiến tranh. Như vậy công việc
này của lòng thương xót thân xác không xa lạ đối với cuộc sống thường ngày của
chúng ta. Và nó khiến chúng ta nghĩ tới điều đã xảy ra ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh, khi Đức Trinh Nữ Maria cùng với Gioan và vài phụ nữ đứng gần thập giá
Chúa Giêsu. Sau khi Chúa chết, ông Giuse Arimathia, là một nguời giầu, thành
viên của Thượng Hội Đồng, nhưng đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, đến và cống
hiến cho Người ngôi mộ mới đục trong đá. Ông đến gặp quan Philatô và xin xác
Chúa Giêsu: đây là một việc đích thật của lòng thương xót, được làm với lòng
can đảm lớn (x. Mt 27,57-60). Đối với các kitô hữu việc chôn cất là một hành
động đạo đức, nhưng cũng là một hành động của lòng tin lớn lao. Chúng ta đặt
trong mộ thân xác của các người thân, với niềm hy vọng họ sống lại (x. 1 Cr
15,1-34). Đây là một nghi thức tồn tại mạnh mẽ và rất được dân kitô cảm nhận,
và nó vang vọng trong tháng 11 dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho
các kẻ đã qua đời.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
cầu nguyện cho kẻ qua đời trước hết là một dấu chỉ của lòng biết ơn đối với
chứng tá mà họ đã để lại cho chúng ta, và điều thiện họ đã làm. Đó là một
lởi cám ơn Chúa vì đã ban họ cho chúng ta, và vì tình yêu thương và tình bạn
của họ đối với chúng ta. Giáo Hội cầu nguyện cho các người đã qua đời một cách
đặc biệt trong Thánh Lễ. Vị Linh Mục nói: “Lậy Chúa, xin hãy nhớ đến các tôi tớ
Chúa đã ra đi trước chúng con với dấu chỉ của đức tin và ngủ giấc ngủ bình an.
Xin hãy ban cho họ và tất cả những người an nghỉ trong Chúa Kitô, hạnh phúc,
ánh sáng và bình an” Đây là một tưởng nhớ đơn sơ, hữu hiệu và đầy ý nghĩa, bởi
vì nó tín thác các người thân yêu của chúng ta cho lòng thương xót của Thiên
Chúa. Chúng ta cầu nguyện với niềm hy vọng kitô cho họ ở với Ngài trên thiên
đàng, trong khi chờ đợi được cùng họ ở trong mầu nhiệm tình yêu, mà chúng ta không
hiểu, nhưng biết rằng nó có thật, bởi vì đó là một lời hứa Chúa Giêsu đã ban
cho chúng ta.Tất cả sẽ sống lại và tất cả sẽ luôn mãi ở với Chúa Giêsu, với
Người.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ
cuối cùng về lòng thương xót: Việc tưởng nhớ các người đã qua đời không được
làm cho chúng ta quên đi bổn phận cũng phải cầu nguyện cho người sống, là những
người đang cùng với chúng ta đương đầu với các thử thách trong cuộc sống thường
ngày. Sự cần thiết của việc cầu nguyện này lại càng hiển nhiên hơn nữa, khi chúng
ta đặt để nó dưới ánh sáng của lời tuyên xưng đức tin nói rằng: “Tôi tin sự
hiêp thông của các thánh”. Đó là mầu nhiệm diễn tả vẻ đẹp của lòng thương xót
mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Thật vậy, sự hiệp thông của các thánh
chỉ cho thấy chúng ta được chìm ngập trong sự sống của Thiên Chúa, và chúng ta
sống trong tình yêu của Ngài. Tất cả, kẻ sống cũng như kẻ chết, chúng ta ở
trong sự hiệp thông, nghĩa là chúng ta tất cả hiệp nhất đúng không? như một sự
hiệp nhất, hiệp nhất, nghĩa là trong cộng đọàn của những ai đã lãnh nhận bí
tích Rửa Tội, đã dưỡng nuôi mình bằng Mình Chúa Kitô, và là thành phần của đại
gia đình của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta là cùng một gia đình, hiệp nhất. Và vì
thế chúng ta cầu nguyện cho nhau.
Đề cập tới các cách thức cầu
nguyện khác nhau cho tha nhân ĐTC nói:
Có biết bao kiểu khác nhau cầu
nguyện cho tha nhân! Tất cả mọi kiểu đều có giá trị và đều được Thiên Chúa chấp
nhận, nếu chúng được làm với con tim. Một cách đặc biệt tôi nghĩ tới các bà mẹ
và các người cha chúc lành cho con cái ban sáng và ban tối: trong vài gia đình
còn có thói quen này, chúc lành cho con là một lời cầu. Tôi nghĩ tới lời cầu
nguyện cho những người bệnh, khi chúng ta đến thăm họ và cầu nguyện cho
họ. Tôi nghĩ tới lời cầu thinh lặng, đôi khi với nước mắt trong biết bao
nhiêu tình trạng khó khăn, cầu nguyện cho tình trạng khó khăn này. Hôm qua có
một ông tốt lành, một doanh nhân, đến nhà Thánh Marta tham dự thánh lễ. Ông ta
đã phải đóng cửa hãng của ông vì không thể tiếp tục nữa, và ông ta, một người
đàn ông trẻ, đã khóc và nói: “Con cảm thấy không thể để cho hơn 50 gia
đình không có công việc làm. Con có thể tuyên bố hãng vỡ nợ, và con về nhà với
tiền của con, nhưng trái tim con sẽ khóc suốt đời cho 50 gia đình này”. Đó, đây
là một kitô hữu giỏi! Đó, ông cầu nguyện với các công việc của ông, ông cầu
nguyện. Ông đến tham dự thánh lễ để cầu nguyện xin Chúa cho ông một lối thoát,
không phải chỉ cho ông, vì ông đã có nó rồi: việc vỡ nợ. Không, không phải cho
ông, mà cho 50 gia đình của các công nhân. Đó là một người biết cầu nguyện, với
con tim và với các việc làm, biết cầu nguyện cho người khác. Đây là một
tình trạng khó khăn. Và ông không tìm ngõ thoát dễ nhất: “Thôi để họ tự lo liệu
lấy”, không. Đây là một kitô hữu. Lắng nghe ông đã khiến cho tôi được lợi ích
biết bao! Và chắc hẳn là ngày nay có biết bao nhiêu người như vậy, trong một
lúc khó khăn, trong đó có biết bao người đau khổ vì thiếu công việc làm. Tôi
cũng nghĩ tới lời tạ ơn vì một tin vui liên quan tới một người bạn, một người
bà con, một đồng nghiệp: “Lậy Chúa cám ơn Chúa vì tin vui này!”, đó cũng là cầu
nguyện cho tha nhân, như vậy. Chúng ta cảm tạ Chúa vì các điều tốt đẹp. Đôi
khi, như thánh Phaolô nói, “chúng ta không biết phải cầu nguyện cách nào cho
phù hợp, nhưng chính Thánh Thần bầu cử cho chúng ta với các rên siết khôn tả”
(Rm 8,26). Chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Vì thế chúng ta hãy
mở rộng con tim, làm sao để Chúa Thánh Thần, là Đấng do thấu các ước mong của
chúng ta, có thể thanh tẩy chúng và đưa chúng tới chỗ thành toàn. Dầu sao đi
nữa, đối với chúng ta và đối với các người khác, chúng ta hãy luôn luôn xin cho
ý Chúa được thể hiện như chúng ta đọc trong Kinh Lậy Cha, bởi vì ý của Ngài
chắc chắn là thiện ích lớn lao nhất, là hạnh phúc của một Người Cha, không bao
giờ bỏ rơi chúng ta: cầu nguyện và để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong
chúng ta. Và đây là điều hay đẹp trong cuộc sống: cầu nguyện bằng cách tạ ơn,
chúc tụng Thiên Chúa, bằng cách xin điều gì đó, bằng cách khóc khi có điều gì
khó khăn, như người đàn ông nói trên, biết bao nhiêu điều. Nhưng con tim luôn
luôn rộng mở cho Chúa Thánh Thần để Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng
ta và cho chúng ta.
Kết thúc các bài giáo lý này về
lòng thương xót, chúng ta hãy dấn thân cầu nguyện cho nhau, để các việc của
lòng thương xót đối với thân xác và tinh thần luôn ngày càng trở thành kiểu
sống của chúng ta. Như tôi đã nói từ đầu, các bài giáo lý kết thúc ở đây. Chúng
ta đã duyệt qua 14 công việc của lòng thương xót, nhưng lòng thương xót tiếp
tục và chúng ta phải thực thi nó trong 14 cách thức này. Xin cám ơn anh chị em.
Nhân mùng 1 tháng 12 hôm nay là
Ngày quốc tế chống bệnh liệt kháng AIDS, do Liên Hiệp Quốc phát động, ĐTC đã
mời gọi nhớ tới các bệnh nhân. Ngài nói: Trên thế giới co hàng triệu người sống
với bệnh này và chỉ có phân nửa có được các điều trị cứu sống. Tôi xin mời anh
chị em cầu nguyện cho họ và các người thân của họ và thăng tiến tình liên đới, để
cả những người nghèo nhất cũng được hưởng việc chẩn bệnh và chữa bệnh thích
đáng. Sau cùng tôi kêu gọi tất cả mọi người có cung cách hành xử có trách nhiệm
giúp phòng ngừa bệnh lan tràn.
Trong hai ngày mùng 2-3 tháng
12 có đại hội quốc tế về việc bảo vệ gia tài trong các vùng có xung khắc, do
sáng kiến của nước Pháp và các Vương quốc A Rập thống nhất. Đây là một đề tài
thời sự một cách thê thảm. Trong xác tín việc bảo vệ các gia tài văn hóa thuộc
chiều kích nòng cốt của việc bảo vệ con người, tôi cầu chúc cho biến cố này ghi
dấu một giai đoạn mới trong tiến trình thực thi các quyền con người.
Chào tín hữu đến từ các nước
nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc cho mọi người biết Mùa Vọng là dịp canh tân trong con
tim ước mong gặp Chúa đến cứu chúng ta. Tôi xin phó thác thời gian đào sâu tinh
thần này cho Mẹ Chúa Giêsu: xin Mẹ dẫn chúng ta tới với Con Mẹ, và giúp chúng
ta thực thi ý muốn của Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Chào các nhóm nói tiếng Anh,
đặc biệt các tín hữu Hoa Kỳ, Anh quốc và Philippines ĐTC xin Chúa ban cho họ và
gia đình họ niềm vui và sự an bình.
Với các nhóm nói tiếng Đức ngài
nhắn nhủ đừng quên cầu nguyện cho các người đã qua đời, kết hiệp với họ sau cái
chết, và ngài cầu mong họ có những ngày hành hương Roma bổ ích.
Chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào
Nha ĐTC nói trong đầu Mùa Vọng chúng ta được mời gọi đi gặp Chúa Giêsu, đang
chờ đợi chúng ta nơi tất cả mọi người nghèo mà chúng ta có thể cứu giúp với các
công việc của lòng thương xót. ĐTC nói: hôm nay tôi cũng muốn nhớ tới sự khổ
đau của nhân dân Brasil vì tai nạn của các cầu thủ túc cầu qua đời và gia đình
họ. Tại Italia chúng ta hiểu điều này vì tai nạn xảy ra hồi năm 1949.
Chào các nhóm nói tiếng A Rập
ngài xin họ đừng quên cầu nguyện cho những người qua đời tại Siria và vùng
Trung Đông, và những người phải sống trong âu lo, kinh hoàng, bạo lực và mất
quê hương và người thân vì chiến tranh. Ngài cũng xin mọi người cầu
nguyện cho tất cả những người can đảm liều mình chôn cất người chết và cứu chữa
những người bị thương.
Quay qua các nhóm nói tiếng Ý,
ĐTC đặc biệt chào các trẻ em bị bệnh đang được điều trị tại nhà thương Chúa Hài
Đồng, các chuyên viên kỹ thuật Không quân Fiumicino, các thành viên Liên hiệp
các học viện giáo dục mừng kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngài khích lệ họ tiếp tục
nâng đỡ các trường công giáo để cho cha mẹ được tự do lựa chọn nền giáo dục cho
con cái họ.
ĐTC đặc biệt cám ơn phái đoàn
tình Cervia đem muối về Roma biếu ĐTC.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu
và các đôi tân hôn ngài nhắc tới lễ thánh Anrê Tông Đồ, em của thánh Phêrô.
Việc thánh nhân chạy đi gặp Chúa là gương sáng nhắc cho các bạn trẻ biết cuộc
sống là cuộc hành hương tiến về nhà Cha; sức mạnh của ngài đương đầu với cuộc
tử đạo giúp các bệnh nhân chịu đựng đau khổ, và sự hăng say theo Chúa của thánh
nhân giúp các đôi tân hôn ý thức tiếp nhận tầm quan trọng của tình yêu trong
gia đình.
ĐTC cũng gửi lời chào Giáo Hội
Costantinopoli và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I yêu quý, và hiệp ý với Đức
Thượng Phụ và Giáo Hội anh em Costantinopoli mừng lễ thánh bổn mạng Anrê. Phêrô
và Anrê cùng nhau. Và ĐTC cầu chúc Đức Bartolomaios và Giáo Hội Costantinopoli
mọi thiện ích và phúc lành của Chúa, và ngài gửi đến Đức Thượng Phụ một vòng
tay ôm chào thăm thân ái.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với
Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh
Tiến Khải
Nguồn:
vi.radiovaticana.va