CẦU NGUYỆN THEO LINH ĐẠO ĐA-MINH
Linh đạo của Cha Thánh Đaminh là thực thi 4 tinh thần Dòng. Đó là tinh thần Cầu Nguyện, tinh thần Hiệp Thông Huynh Đệ, tinh thần Học Tập và tinh thần Tông Đồ.
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với mọi người về Tinh Thần Cầu Nguyện với những điểm sau đây:
1/ Cầu nguyện là gì?
2/ Vì sao phải Cầu Nguyện?
3/ Phải cầu nguyện ở đâu? Lúc nào? Với tư cách gì? Thái độ ra sao? Tư thế như thế nào?
4/ Những hình thức cầu nguyện.
5/ Làm thế nào để đạt tới một đời sống cầu nguyện gương mẫu.
Nói đến Cầu Nguyện thì ai ai cũng biết, mỗi người sẽ có những khái niệm về Cầu Nguyện khác nhau. Thông thường thì mọi người cho rằng Cầu Nguyện nghĩa là cầu xin, nhưng thực tế thì cầu xin chỉ là một góc nhỏ của Cầu Nguyện.
1/ Cầu Nguyện là gì?
- Cầu Nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, hướng lòng lên tới Chúa.
- Cầu Nguyện là thân thưa, là giãi bày, là tâm sự với Chúa.
- Cầu Nguyện là nhớ tới Chúa, là gặp gỡ thân tình, là trò chuyện, nói cho Chúa nghe, và nghe Chúa nói. Chúa nói với chúng ta qua nhiều cách: qua Tin Mừng, qua các bài đọc, qua Hội Thánh, qua những giấc mộng như Thánh Giuse hay được Chúa báo mộng, và đặc biệt là qua tiếng lương tâm trong tâm hồn.
Những cử chỉ, lời nói, việc làm vì lòng yêu mến Chúa cũng được xem như là Cầu Nguyện.(ví dụ như: Chiêm ngắm Chúa, hôn ảnh Tượng Chúa, nói những lời yêu mến Chúa, làm việc vì lòng mến Chúa).
Nói tóm lại: những ý nghĩ, lời nói, hành động qui hướng về Chúa, xuất phát từ lòng kính sợ, lòng yêu mến Chúa, với mục đích làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa được gọi là Cầu Nguyện.
2/ Vì sao phải Cầu Nguyện?
- Vì Chúa Giêsu dạy: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21, 36). Vì:
- Cầu Nguyện giúp chúng ta nhận biết được ý Chúa mà thực hành trong cuộc sống hàng ngày, tránh được những điều làm mất lòng Chúa.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta luôn nhớ đến Chúa, luôn kết hợp và gắn bó với Chúa, giúp chúng ta gần gũi, thân thiện và yêu mến Chúa nhiều hơn.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta thêm yêu thương anh em, sống hoà đồng với mọi người, luôn vui vẻ trong cuộc sống, và dễ dàng đón nhận những trái ý, những bất công, những mất mát trong cuộc sống.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta khiêm tốn, nhận ra mình tội lỗi, yếu hèn; nhận ra Chúa cao cả nhân từ luôn yêu thương chúng ta.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta nên thánh thiện và hoàn hảo, có lòng bao dung vị tha, thanh lọc và làm cho đời sống chúng ta nên trong trắng, gạt bỏ được những thú vui thấp hèn, chê ghét những danh vọng thế gian và yêu mến những sự trên trời.
- Cầu Nguyện đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho chúng ta, mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi người và cho các linh hồn.
- Cầu Nguyện là vũ khí để chúng ta chiến thắng ba thù, giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa và ngày càng nên giống Chúa hơn.
Như cá cần có nước, thân xác cần có không khí, thì linh hồn ta cũng cần phải Cầu Nguyện. Nói cách khác, Cầu Nguyện là hơi thở của linh hồn. Vì thế là Kitô hữu, và đặc biệt là đoàn viên Đa Minh, mỗi người chúng ta cần phải Cầu Nguyện liên lỉ, như Thánh Đa Minh xưa, luôn nói với Chúa và luôn nói về Chúa mọi nơi mọi lúc. Noi gương Cha Thánh Đa Minh, chúng ta cần phải nhớ đến Chúa luôn mãi trong suốt cuộc sống hàng ngày.
3/ Phải Cầu Nguyện ở đâu? Lúc nào? Với tư cách gì? Thái độ ra sao? Tư thế như thế nào?
Chúng ta có thể Cầu Nguyện ở khắp mọi nơi như: trong nhà thờ, nhà nguyện, trong nhà, trong phòng, ngoài đường, trong chợ, trong cơ quan xí nghiệp, trong xe, trên sông, trên biển, v.v.. và bất cứ lúc nào như : sáng, trưa, chiều, tối, lúc thức dậy, lúc đi làm, lúc ăn cơm, lúc đi đường, lúc đi ngủ, v.v.. lúc đi chơi hoặc thậm chí ngay cả lúc làm điều xấu như : đánh bài, ăn trộm, cãi nhau, coi phim ảnh xấu, v.v.. chúng ta có thể Cầu Nguyện bất cứ lúc nào khi chúng ta nhớ đến Chúa.
Với tư cách, thì tùy theo sở thích của mỗi người, có thể là Con đối với Cha (như Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện với Chúa Cha), hoặc là Em đối với Anh (vì chúng ta cũng là con), hoặc với tư cách một người Bạn (như Chúa Giêsu với chị em Matta), hay như một người Thầy (ở giữa các tông đồ), hoặc như một người Tình (như Thánh nữ Têrêsa với Chúa Giêsu).
Với thái độ, thì tùy theo tư cách, mỗi tư cách sẽ thể hiện một thái độ khác nhau, ví dụ như: con với Cha thì khiêm tốn, cung kính; em với anh thì gần gũi thân thiết hơn; trò với Thầy thì tôn trọng, kính phục; Bạn với nhau thì chuyện trò thoải mái, thân mật, dễ chịu hơn; người Yêu của nhau thì say đắm, âu yếm thương nhớ nhau nhiều hơn, và sẵn sàng hy sinh và chết cho nhau. Tư thế, thì tùy theo sở thích của mỗi người, có thể quỳ, đứng, ngồi, nằm, hoặc đang làm việc, đang bán hàng hoặc đang lái xe, v..v. miễn sao cho có một tâm tình gần gũi nhất.
4/ Những hình thức Cầu Nguyện:
Có rất nhiều cách thức Cầu Nguyện, được thể hiện qua những tâm tình khác nhau:
1/ Tâm tình Thờ Lạy: Mỗi khi chúng ta chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Chúa
2/ Tâm tình Cảm Tạ: Khi chúng ta biết ơn, cám ơn Chúa.
3/ Tâm tình Đền Tạ: Khi chúng ta sám hối, ăn năn, xin lỗi Chúa, và làm những việc đền tạ.
4/ Tâm tình tín thác: Tin tưởng, hiến dâng, phó thác nơi Chúa.
5/ Tâm tình yêu mến: Khi chúng ta chiêm ngắm, hôn Chúa, nói những lời yêu mến, hy sinh và làm việc vì lòng yêu mến Chúa.
6/ Tâm tình cầu xin: Khi chúng ta xin ơn phần hồn phần xác cho mình và cho người khác.
Khi chúng ta bày tỏ một trong những tâm tình trên là chúng ta đã đang thể hiện đời sống Cầu Nguyện.
5/ Làm thế nào để đạt tới một đời sống Cầu Nguyện gương mẫu?
Để có được một đời sống Cầu Nguyện gương mẫu như lòng Chúa mong muốn, chúng ta phải kết hợp mật thiết với Chúa, bằng cách thi hành những tâm tình Cầu Nguyện trong cuộc sống hàng ngày.
1) Tâm tình Thờ Lạy:
Để Thờ Lạy, chúng ta phải đến với Chúa bằng cách siêng năng sốt sáng tham dự thánh lễ, tham dự những giờ chầu, những giờ kinh phụng vụ, kinh mân côi, lần chuỗi Thương Xót, ngắm Đàng Thánh Giá, năng đọc, suy niệm và chia sẻ Tin Mừng, tham dự những ngày tĩnh tâm, năng làm dấu Thánh Giá vì mỗi khi làm dấu Thánh Giá là ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi; Tham gia vào các hội đoàn để có cơ hội đến với Chúa nhiều hơn; Tổ chức các giờ kinh tại các tư gia, và đặc biệt là ngay trong chính gia đình mình.
2) Tâm tình Cảm Tạ:
Hãy Cảm Tạ Chúa mọi nơi mọi lúc vì những ơn lành Chúa ban cho chúng ta hàng ngày như: không khí, nước, ánh sáng và rất nhiều thứ như: vợ, chồng, con, cháu, nhà cửa, xe cộ, v.v . đặc biệt là mỗi khi gặp niềm vui hay những điều may mắn trong cuộc sống của mình hay của người khác. Chúng ta hãy biết ơn và cảm tạ Chúa trước, vì thực sự chỉ có Chúa mới là Đấng ban cho chúng ta tất cả. Hãy cảm tạ ngay cả những khi gặp những rủi ro, những thất bại, những nỗi đau, những oan ức, những bệnh tật, những sự khó, vì đó là ơn phúc mà Chúa dành riêng cho những người con ưu tuyển của Chúa (các Thánh ngày xưa và ngay cả chính Chúa Giêsu luôn gặp những đắng cay trong cuộc sống) .
3) Tâm tình Đền Tạ:
Hãy Đền Tạ: Hãy biết ăn năn, hối hận những lỗi lầm khi mình mắc phải, xin lỗi Chúa và cố gắng quyết tâm chừa bỏ những điều xấu làm mất lòng Chúa, năng lãnh Bí Tích Hòa Giải và năng làm những việc đền tạ.
Vì bản tính yếu đuối của con người, nên chúng ta không chỉ sám hối một lần là đủ, bao lâu còn sống, là chúng ta còn phạm lỗi, và chúng ta cần phải sám hối. Mỗi khi chúng ta ăn năn hối hận, là Chúa đã tha thứ cho chúng ta, cho dù chúng ta có xúc phạm đến Chúa trăm ngàn lần, nhưng nếu sau mỗi lần phạm thì chúng ta lại ăn năn dốc lòng chừa, là Chúa sẽ mãi tha thứ cho chúng ta.
4) Tâm tình Tín Thác:
- Hãy Tín Thác: Hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Chúa, hãy trông cậy vào ơn Chúa để vững vàng lạc quan trong cuộc sống.
- Hãy dâng cho Chúa những ý nghĩ, những dự tính, những ước mơ, những niềm vui, những nỗi buồn, những công việc, những sự cố, thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro, và tất cả những biến cố trong cuộc đời.
- Hãy dâng cho Chúa những người thân, những bạn bè, và hết thảy mọi người cho dù là không quen biết (trên đường, gặp đám cưới, đám ma, hay tai nạn xe). Hãy dâng cho Chúa cả các linh hồn trong luyện ngục.
- Hãy dâng cho Chúa của cải vật chất, sức khỏe, trí tuệ, sự nghiệp, danh dự và cả mạng sống nữa.
- Hãy dâng cho Chúa cảnh vật thiên nhiên, những công trình của Chúa (như xây nhà thờ, nhà giáo lý), những công trình của thế gian (như làm đường, làm cầu, xây trường học, xây chợ). Hãy dâng cho Chúa tất cả những gì có thể dâng.
- Hãy dâng cho Chúa những hy sinh (bớt coi tivi, bớt nói dối), những nỗi đau (mất vợ, mất chồng, mất con), những bệnh tật , những điều oan ức, những nỗi nhục, những thiệt thòi và những mất mát. Nói tóm lại là dâng cho Chúa mọi sự, trọn thân xác và cả tâm hồn cùng với hết mọi loài thụ tạo. Chúa sẽ rất vui lòng, Chúa sẽ gìn giữ và chúc lành cho tất cả. Và đặc biệt là hãy dâng cho Chúa những tội lỗi, những tật xấu, những đam mê, Chúa sẽ thánh hóa và giúp ta sửa chữa. Dâng cho Chúa ngay cả những sự dữ, Chúa sẽ biến sự dữ ra sự lành.
Dâng cho Chúa những gì ta không ưa, những người mà ta không thích, xin Chúa chúc lành cho họ, làm như thế ta sẽ luôn được bình an, và rất đẹp lòng Chúa.
5) Tâm tình Yêu Mến:
Hãy Yêu Mến: Hãy ước ao, khát khao và tha thiết cầu xin cho được có lòng yêu mến Chúa. Mỗi khi hiệp lễ, mỗi lúc nguyện kinh, hãy cầu xin cho được yêu mến Chúa. Hãy liên lỉ thầm thĩ rằng: “Lạy Chúa! con yêu mến Chúa”, hoặc: “Lạy Chúa Giêsu! Con yêu mến Chúa”, hãy năng kêu Tác Động Mến Yêu: “Giêsu Maria Giuse! Con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”. Hãy năng chiêm ngắm Chúa, hôn lên ảnh tượng Chúa, và làm việc vì lòng yêu mến Chúa (hôn Chúa khi quét nhà).
6) Tâm tình Cầu Xin:
Hãy Cầu Xin: Hãy cầu xin cho chúng ta và cho mọi người những ơn cần thiết, phần hồn phần xác. Hãy đặc biệt quan tâm lo lắng, ưu tiên đến những ơn phần hồn như: ơn yêu Chúa yêu người, ơn khiêm nhường, trong sạch, hiền lành, ngay thẳng, yêu đức khó nghèo,…vv, ơn biết ăn năn thống hối, sửa chữa lỗi lầm, năng làm lành lánh dữ, siêng năng tham dự thánh lễ, vv. Đừng quên cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, và cả các linh hồn trên trần gian nữa, những người ngoại giáo, những người tội lỗi, những người bất hạnh, vv; Hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước bất cứ một công việc gì, để Người soi sáng hướng dẫn giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa.
Kết luận:
Cầu Nguyện là nâng tâm hồn, là hướng lòng lên Chúa. Được biểu lộ qua những tâm tình: Thờ Lạy, Cảm Tạ, Đền Tạ, Tín Thác, Yêu Mến và Cầu Xin.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta nhận biết được ý Chúa, thân thiện và yêu mến Chúa nhiều hơn.
- Cầu Nguyện giúp chúng ta nên giống Chúa, đem lại bình an và ơn cứu độ cho chúng ta và cho mọi người.
- Cầu Nguyện là hơi thở của linh hồn người Kitô Hữu, vì thế rất rất cần thiết cho những đoàn viên Đa Minh chúng ta.
Thực hành:
- Hãy xin ơn Chúa Thánh Thần trước mọi công việc.
- Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh.
- Mỗi khi gặp cám dỗ, hãy liên lỉ kêu Tác Động Mến Yêu.
- Dù ăn, dù ngủ, dù nghỉ, dù chơi, quí Ông Bà Anh Chị hãy làm mọi sự vì danh Đức Kitô, hãy làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa Giêsu.
Nói tóm lại:
Cầu Nguyện là một việc làm dễ nhất, Cầu Nguyện mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích nhất, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được, và có thể Cầu Nguyện ở khắp mọi nơi , bất cứ lúc nào và trong mọi hoàn cảnh.
Maria Nhiệm