Công bố thư luân lưu của Bộ giáo lý đức tin bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên
VATICAN. Hôm 16-5-2011, Bộ Giáo Lý đức tin đã công bố thư luân lưu nhắm giúp các HĐGM soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thư gửi kèm văn kiện này, Bộ giáo lý đức tin nhắc lại sự kiện ngày 21-5 năm 2010, ĐTC Biển Đức 16 đã công bố văn bản cập nhật Tự Sắc bảo vệ đặc tính thánh thiện của các bí tích, chứa đựng các qui luật xử lý những tội rất nặng, trong đó có tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: “Mỗi HĐGM nên chuẩn bị các đường hướng chỉ đạo để giúp các GM thành viên áp dụng đúng đắn các qui luật đó và những khía cạnh khác liên hệ đến nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, bằng cách tuân hành các thủ tục rõ ràng và có phối hợp khi phải xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Các đường hướng chỉ đạo như thế phải để ý đến những hoàn cảnh cụ thể tại khu vực thuộc quyền mỗi HĐGM”.
Trong ý hướng giúp các HĐGM đề ra các đường hướng chỉ đạo hoặc hỗ trợ việc duyệt lại các đường hướng đã có, Bộ giáo lý đức tin đã soạn thư luân lưu này. Bộ cũng khẳng định rằng “thật là điều rất hữu ích nếu mời các Bề trên cấp cao của các dòng nam giáo sĩ hiện diện trong lãnh thổ của mỗi HĐGM tham gia vào tiến trình soạn những đường hướng chỉ đạo nói trên”.
Bộ giáo lý đức tin yêu cầu mỗi HĐGM hãy gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng vừa nói. Bộ sẵn sàng giúp làm sáng tỏ hoặc trợ giúp soạn những đường hướng như vậy. Trong trường hợp HĐGM quyết định thiết lập các qui luật có tính chất bắt buộc thì cần có sự duyệt xét và phê chuẩn của các cơ quan liên hệ có thẩm quyền của Tòa Thánh.
Thư luân lưu
Trong Thư luân lưu do Bộ giáo lý đức tin, ngoài phần nhập đề và kết luận, còn có 3 phần:
- Phần thứ I trình bày những khía cạnh tổng quát như: nạn nhân bị lạm dụng tính dục;
việc bảo vệ trẻ vị thành niên; việc đào tạo các LM và tu sĩ tương lai; việc tháp tùng các linh mục; sau cùng là sự cộng tác với chính quyền dân sự.
- Phần II lược tóm giáo luật hiện hành về tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên
- Phần III là những chỉ dẫn cho các vị Bản quyền (các GM và các Bề trên cấp cao của dòng nam giáo sĩ) về cách thức tiến hành việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong số những điều được Thư Luân lưu đặc biệt nhấn mạnh, có những điểm như:
- “Giáo Hội, qua vị GM hoặc thừa ủy của ngài, phải tỏ ra sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân và thân nhân của họ, và dấn thân trợ giúp họ về tinh thần và tâm lý.”
- “Tại một số quốc gia, trong khuôn khổ Giáo Hội, đã khởi sự những chương trình giáo dục phòng ngừa, bảo đảm những môi trường an toàn cho các trẻ vị thành niên. Các chương trình đó giúp các cha mẹ cũng các nhân viên mục vụ, nhân viên giáo dục, nhận ra những dấu hiệu về sự lạm dụng tính dục và đề ra những biện pháp thích hợp”
- ĐTC Gioan Phaolô 2 hồi năm 2002 đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ”.. Đặc biệt cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”.. Cũng cần đặc biệt chăm chỉ thi hành việc trao đổi tin tức một cách kín đáo giữa các giáo phận và dòng tu về những ứng sinh linh mục và tu sĩ từ chủng viện hoặc dòng tu này chuyển sang chủng viện hoặc dòng tu khác”.
- “Các GM có nghĩa vụ phải đối xử với tất cả các LM như người cha và người anh. Ngoài ra, GM cần đặc biệt quan tâm đến việc thường huấn cho hàng giáo sĩ, nhất là trong những năm đầu sau khi chịu chức, đề cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục. Các LM cần được chỉ dẫn về những thiệt hại mà giáo sĩ gây ra cho nạn nhân bị lạm dụng tính dục và về trách nhiệm của mình đối với các quy luật của giáo luật và dân luật, cũng như học cách nhận ra những dấu hiệu về những vụ lạm dụng của bất kỳ người nào khác đối với các trẻ vị thành niên”.
- “Giáo sĩ bị tố cáo vẫn được coi là vô tội cho đến khi có bằng chứng ngược lại, tuy rằng Giám Mục có thể thận trọng giới hạn việc thi hành sứ vụ của giáo sĩ ấy trong khi chờ đợi làm sáng tỏ những lời tố cáo. Nếu thấy lời tố cáo không đúng, thì GM cần làm tất cả những gì có thể để phục hồi thanh danh cho giáo sĩ bị tố cáo bất công”.
- Về việc cộng tác với chính quyền dân sự, Thư của Bộ khẳng định rằng: “Điều quan trọng là cộng tác với chính quyền dân sự trong khuôn khổ thẩm quyền liên hệ. Đặc biệt cần luôn theo những qui định của luật dân sự trong những gì phải trình báo các tội ác cho nhà chức trách có thẩm quyền, nhưng không làm thương tổn bí mật tòa giải tội. Dĩ nhiên sự cộng tác này không chỉ liên quan đến những vụ lạm dụng do giáo sĩ phạm, nhưng cả những trường hợp lạm dụng liên hệ tới nhân viên tôn giáo hoặc giáo dân hoạt động trong các cơ cấu của Giáo Hội”. (SD 16-5-2011)
- “Người tố cáo tội ác phải được đối xử trong sự tôn trọng. Trong trường hợp sự lạm dụng tính dục có liên hệ tới một tội ác khác chống lại phẩm giá của bí tích giải tội (SST, art.4) thì người tố cáo có quyền đòi hỏi làm sao để tên của họ không được thông báo cho linh mục bị tố cáo” (SST, art. 24)
“việc điều tra về những lời tố cáo phải được tiến hành trong sự tôn trọng nguyên tắc bảo vệ tính chất riêng tư (privacy) và thanh danh của con người”.
- “Các đường hướng chỉ đạo phải để ý đến luật pháp của quốc gia thuộc HĐGM liên hệ, đặc biệt về nghĩa vụ phải trình báo cho chính quyền dân sự”.
- “Trong mọi giai đoạn của thủ tục kỷ luật và hình luật, giáo sĩ bị cáo phải được hưởng lương bổng chính đáng”.
- “Không được cho giáo sĩ trở về với sứ vụ công khai nếu sứ vụ này có nguy hiểm cho trẻ vị thành niên hoặc có nguy cơ gương mù cho cộng đoàn”.
Thư luân lưu của Bộ giáo lý đức tin kết luận rằng: “Những đường hướng chỉ đạo do HĐGM đề ra phải nhắm bảo vệ trẻ vị thành niên và giúp các nạn nhân tìm được sự trợ giúp và hòa giải. Những đường hướng đó phải cho thấy rõ trách nhiệm trong việc xử lý các tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trước tiên thuộc về Giám mục giáo phận. Sau cùng, các đường hướng ấy phải đưa tới một hướng đi chung trong HĐGM bằng cách giúp hòa hợp tối đa các nỗ lực của mỗi giám mục trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên”.
Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết lá thư luân lưu này ngắn nhưng rất cô đọng. Đây là một bước tiến mới rất quan trọng để khích lệ trong toàn Giáo Hội ý thức về sự cần thiết cấp thiết phải phản ứng một cách hữu hiệu nhất và sáng suốt chống lại tệ nạn lạm dụng tính dục do giáo sĩ”.
Cha Lombardi trưng dẫn Giáo Hội tại những nước nói tiếng Anh đã đi tiên phong trong lãnh vực này như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Ai Len, Canada. Tại Âu Châu có nước Đức đi hàng đầu, tiếp đến là Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo và Malta. Ngoài ra, cac HĐGM như Phi luật Tân, Ấn độ, Venezuela, Chile cũng đang tiến hành việc đề ra các đường hướng chỉ đạo trong lãnh vực này.
Thư luân lưu của Bộ giáo lý Đức tin đã được Phủ Quốc vụ khanh và các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh cho ý kiến. (SD 16-5-2011)
G. Trần Đức Anh OP