Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa
Trên Cửa Năm Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận
của lòng thương xót Chúa đối với từng người. Đó là Cửa cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ
đau của nhân loại với sự cảm thương của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa ấy
là chúng ta thực hiện cuộc hành hương trong lòng thương xót của Thiên Chúa là
Đấng nói với chúng ta tất cả: “Ta nói với con, hãy chỗi dậy”, như đã nói với
chàng thanh niên con bà goá thành Nain.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín
hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần trong
đại thính đường Phaolô VI. Vì số chỗ có hạn nên hàng ngàn người khác đã phải
đứng ngoài quảng trường thánh Phêrô theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền
hình.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa
phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm khi cho chàng thanh niên con một bà goá thành
Nain sống lại, như thánh sử Luca kể trong chương 7. Ngài nói:
Tuy nhiên, trọng tâm của trình thuật này không
phải là phép lạ, mà là sự hiền dịu của Chúa Giêsu đối với bà mẹ của chàng thanh
niên ấy. Lòng thương xót ở đây có tên gọi là sự cảm thương lớn đối với một phụ
nữ đã mất chồng giờ đây đang tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Chính
nỗi khổ đau lớn lao này của một bà mẹ khiến cho Chúa Giêsu cảm thương và khiêu
khích Ngài làm phép lạ cho anh ta sống lại.
Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện thánh sử
Luca dừng lại trên nhiều chi tiết. Ở cửa thành Nain có hai nhóm đông người đến
từ hai hướng đối nghịch nhau, không có gì chung với nhau. Chúa Giêsu có các môn
đệ và đám đông đi theo đang đi vào, trong khi đoàn đám táng đi theo một
người chết với bà mẹ và đông người đi ra. Gần cửa thành hai nhóm chỉ phớt ngang
qua nhau, mỗi nhóm theo con đường của mình, nhưng chính lúc đó thánh Luca ghi
nhận tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói:
"Bà đừng khóc nữa! " Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các
người khiêng dừng lại.” Sự cảm thương lớn lao hướng dẫn các hành động của Chúa
Giêsu: chính Ngài dừng đám táng lại, bằng cách sờ vào quan tài và bị thúc đẩy
bởi lòng thương xót sâu xa đối với bà mẹ, Ngài quyết định đối đầu với cái chết,
mặt giáp mặt. Và Ngài sẽ đương dầu với nó, mặt giáp mặt trên thập giá.
** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong
Năm Thánh này thật là điều tốt, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương
Xót, các tín hữu hành hương nhớ tới giai thoại này của Phúc Âm, đã xảy ra tại
cửa thành Nain. Khi Chúa Giêsu trông thấy bà mẹ đang khóc ấy, bà đã đi vào con
tim của Ngài! Ở Cửa Thánh mỗi người trong chúng ta đến đem theo cuộc sống của
mình với các niềm vui và khổ đau, các đự định và thất bại, các nghi ngờ
và sợ hãi để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chằn rằng bên
cạnh Cửa Thánh Chúa đến gần gặp gỡ từng người trong chúng ta để đem tới
và cống hiến cho chúng ta lời an ủi quyền năng của Ngài: “Đừng khóc nữa!” (c.
13). Đó là Cửa của cuộc gặp gỡ giữa nổi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương
của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới điều này: một cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ
đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa.
Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh chúng ta thực
thi cuộc hành hương bên trong lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng lập lại
với tất cả mọi người, như Ngài đã nói với chàng thanh niên đã chết: “Ta bảo
con, hãy chỗi dậy!” (c. 14). Với từng người trong chúng ta Chúa nói: “Hãy chỗi
dậy!” Thiên Chúa muốn chúng ta đứng lên. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng
ta đứng: vì thế sự cảm thương của Chúa Giêsu đưa tới cử chì chữa lành này, chữa
lành chúng ta. Và từ chìa khóa là “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa
đã tạo dựng con!” Đứng lên. “Nhưng mà thưa cha chúng con ngã biết bao lần”
“Tiến lên, đứng dậy!” Đó luôn luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua ngưỡng
Cửa Năm Thánh chúng tay hãy tìm cảm thấy trong tim chúng ta lời này: “Hãy chỗi
dậy!”
ĐTC khẳng định như sau:
Lời quyền năng của Chúa Giêsu có thể làm cho
chúng ta đứng dậy và cũng thực hiện nơi chúng ta sự vượt qua từ cái chết sang
sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, trao ban hy vọng, giải khát
con tim mệt mỏi của chúng ta, mở ra một quan điểm về thế giới và cuộc sống,
vượt xa hơn khổ đau và cái chết. Trên Cửa Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận
lòng thương xót của Thiên Chúa đối với từng người.
Được lời Chúa đụng tới “người chết chỗi dậy và
bắt đầu nói. Và Ngài trả chàng lại cho bà mẹ” (v. 15). Câu này thật là đẹp: nó
chỉ cho thấy sự dịu hiền của Chúa Giêsu: “Ngài trao trả anh cho bà mẹ”. Bà mẹ
tìm lại được đứa con. Khi nhận anh ta lại từ tay Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ
lần thứ hai. Nhưng người con mà giờ đây được trao trả lại cho bà đã không
nhận được sự sống từ bà. Mẹ và con như thế nhận được căn tính riêng nhờ lời
quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Như thế, đặc biệt
trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các con cái mình, bằng cách nhận ra nơi
chúng sự sống đã được ơn thánh Chúa trao ban. Chính trong sức mạnh của ơn thánh
đó, ơn thành của bí tích Rửa Tội mà Giáo Hội trở thành mẹ, và từng người trong
chúng ta trở thành con của Giáo Hội.
Trước chàng thanh niên đã sống lại và được
trao trả cho bà me, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa và nói rằng:
“Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” và “Thiên Chúa đã viếng thăm
dân Người”. Điều Chúa Giêsu đã làm không chỉ là một hành động cứu độ dành cho
bà goá và con của bà, hay một cử chỉ của lòng tốt hạn chế trong thành đó. Trong
sự trợ giúp xót thuơng của Chúa Giêsu Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài. Nơi Ngài
tất cả ơn thánh của Thiên Chúa xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện cho nhân
loại. Khi cử hành Năm Thánh này tôi đã muốn nó được sống trong tất cả các Giáo
Hội địa phương, nghĩa là trong toàn Giáo Hội trên thế giới, chứ không
phải chỉ ở Roma mà thôi. Nó như là toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới hiệp
nhất trong tiếng ca duy nhât chúc tụng Chúa. Cả ngày nay nữa Giáo Hội
thừa nhận đã được Thiên Chúa viếng thăm. Vì vậy, khi chúng ta tiến tới gần Cửa
Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người biết mình tiến tới cửa con tim thương xót của
Chúa Giêsu: thật thế, chính Ngài là Cửa thật dẫn tới ơn cứu độ và trao trả lại
cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng
ta, là một lộ trình khởi hành tử con tim để đi tới đôi tay… Điều này có nghĩa
là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn với lòng thương xót của Ngài, Ngài
nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” và con tim của bạn được nên mới mẻ. Nhưng điều này
của lộ trình từ con tim tới đôi tay… Vâng, và tôi làm gì bây giờ? Với con tim
mới, với con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi làm các việc của lòng thương
xót với đôi tay, và tìm trợ giúp, săn sóc biết bao người cần được trợ giúp và
săn sóc. Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim để tới đôi tay,
nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác
nhau. Bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào đoàn hành hương đến tử đảo Maurice.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Anh, đảo
Malta, Indonesia và Hoa Kỳ. Khi đến gần Cửa Thánh là chúng ta đến gần lòng
thương xót của Chúa Giêsu với lòng trông cậy. Ngài cảm thương từng người trong
chúng ta, và canh tân con tim của chúng ta.
Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha
và Bồ Đào Nha ĐTC nói lòng thương xót nơi mỗi người phải khởi hành từ con tim
để tới đôi tay và trở thành các công việc của lòng thương xót.
Trong số các nhóm hành hương Italia ngài chào
các thành viên hiệp hội Thánh Tâm, các nữ tu Vô nhiễm và các nữ tỳ Thánh Tâm
đang họp tổng tu nghị. Ngài khuyên các chị luôn trung thành với đặc sủng của
các vị sáng lập và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. ĐTC cũng
chào giới trẻ thành viên của tổ chức Giorgio La Pira Firenze, đến từ nhiều nước
trên thế giới và khích lệ họ thăng tiến nền văn hoá gặp gỡ, nhìn nhận sự hiện
diện của Chúa đặc biệt nơi người nghèo và những người cần được trợ giúp.
Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các
đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Đa Minh, sáng lập dòng Anh em Thuyết giáo,
mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ hai vừa qua, nhân kỷ niệm 800 năm thành lập. Ngài
mong lời soi sáng của thánh nhân thúc đầy giới trẻ biết lắng nghe và sống các
giáo huấn của Chúa Giêsu; sức mạnh nội tâm của thánh nhân nâng đỡ các người đau
yếu trong những lúc khổ đau; và sự tận tụy tông đồ của ngài nhắc nhở các đôi
tân hôn chú ý tới tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và
phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải