ĐẠO CÔNG GIÁO THAY ĐỔI HẲN CUỘC ĐỜI TÔI!
... Anh Stephane Mauriac là tín hữu tân tòng người Pháp. Là tín hữu tân tòng nhưng anh lại chào đời trong một gia đình Công Giáo. Lý do là vì Cha Mẹ không muốn rửa tội khi con còn nhỏ. Hoàn cảnh không thuận lợi cho việc lãnh nhận Đức Tin nhưng Thiên Chúa Quan Phòng đã dẫn dắt và giúp anh tiến đến bí tích Rửa Tội. Xin nhường lời cho anh Stephane Mauriac.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Paris, thủ đô nước Pháp. Sống ở Paris nên tôi thường đến kính viếng nhà nguyện của các Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô ở số 140 đường du Bac, nơi Đức Mẹ Maria hiện ra với thánh nữ Catherine de Labouré (1806-1876) vào năm 1830. Có lẽ ơn gọi tín hữu Công Giáo nẩy sinh từ đó. Thỉnh thoảng tôi đem vấn đề rửa tội ra trình bày với Cha Mẹ nhưng ông bà gạt đi và nói:
- Để thủng thẳng rồi tính, đợi khi nào con bước vào tuổi trưởng thành hẳn hay!
Phản ứng của Ba Má tôi là thế. Đối với bạn bè lại càng tệ hơn. Nơi học đường và trong môi trường làm việc, chúng tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề tôn giáo và chúng tôi trốn tránh danh xưng “Kitô hữu”!
Năm 1988 tôi rời thủ đô Paris và chuyển về sống tại miền quê. Nơi đây, sau nhiều biến cố dồn dập xảy ra, tôi quyết định đến gặp Cha Sở. Tôi xin theo lớp giáo lý tân tòng để chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội. Rủi thay, trong giáo xứ không có lớp giáo lý cho người lớn nhưng chỉ có các lớp giáo lý dành cho trẻ em. Tôi đành kiên nhẫn chờ đợi.
Bốn năm trôi qua và vào năm 1992, có hai thanh niên khác cũng muốn xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi làm thành một lớp giáo lý gồm 3 người. Chúng tôi họp nhau mỗi tháng một lần. Ban đầu Cha Sở trao cho chúng tôi cuốn giáo lý nhỏ. Sau đó, chúng tôi học hỏi, bàn thảo và đào sâu giáo lý Công Giáo bắt đầu từ cuốn Phúc Âm. Riêng tôi, tôi may mắn được đôi vợ chồng trẻ hướng dẫn và đồng hành trên con đường tiến đến Đức Tin Công Giáo.
Trước khi lãnh phép Rửa Tội, tôi vẫn có thói quen cầu nguyện. Rồi tôi cùng đi lễ Chúa Nhật với Cha Mẹ đỡ đầu. Giờ đây, sau khi được Rửa Tội, cầu nguyện trở thành cần thiết như hít thở. Tôi rất thích cầu nguyện và hoàn toàn bám chặt vào cầu nguyện. Tôi chỉ gặp chút vấn đề khi đọc kinh Lạy Cha tới câu “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Tôi thích đổi câu này thành: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cố gắng tha kẻ có nợ chúng con”. Đôi lúc tôi không hiểu tại sao khi đi lễ Chúa Nhật, các tín hữu Công Giáo âu yếm mỉm cười với nhau lúc bắt tay trao đổi bình an, nhưng rồi sau đó, trong cuộc sống hàng ngày lại không tiếc lời chửi rủa và thóa mạ nhau!
Nơi miền quê, tôi nhận thấy người dân sống gần Chúa Giêsu hơn là tín hữu Công Giáo sống ở thành thị hoặc thủ đô! Đối với dân làng cũng như đối với tôi, đi nhà thờ có nghĩa là đi dự cuộc họp giữa những người cùng tin vào Chúa Giêsu và cùng tìm kiếm một giải đáp cho các vấn đề của cuộc sống con người.
Bí tích Rửa Tội trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống tôi. Tôi đã vượt qua một giai đoạn và tôi cảm thấy thật thoải mái và hạnh phúc. Giờ đây, nếu có ai xin tôi đồng hành với các tân tòng thì tôi sẵn sàng chấp nhận. Bởi lẽ, đã có người sẵn sàng giúp tôi thì sao tôi lại không sẵn sàng giúp đỡ người khác? Trở thành tín hữu Công Giáo đã thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy cởi mở hơn đối với tha nhân, điều mà trước đó tôi không làm được. Trước kia, chỉ cần ai đó làm phật ý, tức khắc tôi loại trừ người ấy khỏi mối quan hệ với tôi!
Giờ đây tôi có thể nói như thánh Phaolô tông đồ, sau khi lãnh bí tích Rửa Tội rằng: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi!”
(”Annales d'Issoudun”, Janvier/1996, trang 15)