ĐTC cử hành Lễ Lá và đọc Kinh Truyền Tin với hơn
100.000 tín hữu
Lựa chọn con
đường của Chúa Giêsu, là con đường phục vụ, tha thứ, quên mình ĐTC Phanxicô đã
khích lệ tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi
sáng hôm qua Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh, tại quảng trường thánh Phêrô.
Nghi thức làm
phép lá đã diễn ra tại chân bút tháp giữa quảng trường. Mở đầu nghi thức ĐTC
nói: Anh chị em thân mến, cuộc hội họp phụng vụ này mở đầu lễ Phục Sinh của
Chúa, mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành với sự sám hối và các việc bác ái ngay
từ đầu Mùa Chay. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thành toàn mầu nhiệm cái
chết và sự phục sinh của Ngài.
Chúng ta hãy
đồng hành với Chúa Cứu Thế của chúng ta trong biến cố vào thành thánh với đức
tin và lòng đạo hạnh, và xin ơn theo Ngài cho tới thâp giá để tham dự vào sự
sống lại của Ngài. Tiếp đến Phó tế công bố Tin Mừng theo thánh Luca kể lại biến
cố Chúa vào thành thánh, rồi mọi người đi rước lá. Đi đầu là Thánh Giá nến cao
và giới trẻ Roma tay cầm cành lá dừa, tiếp đến là các Hồng Y, Tổng Giám Mục và
Giám Mục đồng tế cầm các cành lá dừa bện thành hoa, trong khi khoảng 60.000 tín
hữu tay cầm các cành ô liu. Hàng trăm linh mục đồng tế đứng sẵn bên phải khán
đài nơi ĐTC chủ sự thánh lễ.
Bài đọc thứ
nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng
Ba Lan và Phúc Âm được ba phó tế tuyên đọc bằng tiếng Ý, có ca đoàn phụ họa.
Giảng trong
thánh lễ ĐTC đã mời gọi mọi người lựa chọn con đường của Chúa Giêsu, là con
đường phục vụ, tha thứ, quên mình. Chúng ta có thể bước đi trên con đường này
bằng cách dừng lại ngắm nhìn Đấng Bị Đóng Đinh, “ngai tòa của Thiên
Chúa”, để học biết tình yêu khiêm tốn, cứu rỗi và trao ban sự sống, để từ bỏ
ích kỷ, kiếm tìm quyền bính và danh vọng.
Gợi lại biến
cố Chúa vào thành thánh ĐTC nói:
Phải, như Ngài
đã vào thành Giêrusalem, Chúa ước ao bước vào trong các thành phố và cuộc sống
của chúng ta. Như Ngài đã làm trong Phúc Âm, cỡi trên một con lừa, Ngài đến với
chúng ta một cách khiêm tốn, nhưng đến “nhân danh Chúa”: với quyền năng tình
yêu thiên chúa Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta và giao hoà chúng ta với Thiên
Chúa Cha và với chính chúng ta… Không gì có thể ngăn chận sự hứng khởi đối với
biến cố Chúa Giêsu vào thành thánh: không gì có thể ngăn cản chúng ta tìm thấy
nơi Ngài suối nguồn niềm vui của chúng ta, niềm vui đích thật tồn tại và trao
ban an bình; bởi vì chỉ có Chúa Giêsu cứu thoát chúng ta khỏi các ràng buộc của
tội lỗi, cái chết, sự sợ hãi và sự buồn sầu.
Tuy nhiên,
phụng vụ hôm nay còn dậy cho chúng ta biết rằng Chúa đã không cứu chúng ta với
việc chiến thắng vào thành hay với các phép lạ quyền năng. Chúa Giêsu đã “dốc
đổ” chính mình: Ngài khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con
của loài người, để hoàn toàn liên đới với chúng ta là những người tội lỗi, Ngài
là Đấng vô tội. Không chỉ có thế, Ngài đã sống giữa chúng ta trong một “điều
kiện của nô lệ”: không phải như là vua, cũng không phải là ông hoàng, nhưng là
nô lệ. Vì thế Ngài đã hạ mình, và vực thẳm sự hạ mình của Ngài, mà Tuần Thánh
cho chúng ta thấy, xem ra không có đáy.
Tiếp tục bài
giảng ĐTC nói cử chỉ khiêm hạ đầu tiên là Chúa Giêsu là Chúa và là Thầy mà lại
hạ mình rửa chân cho các môn đệ như chỉ có các đầy tớ mới làm. Chúng ta không
thể làm khác , chúng ta không thể yêu thương mà không để cho Ngài yêu thương chúng
ta trước, mà không sống kinh nghiệm sự hiền dịu gây kinh ngạc của Ngài, mà
không chấp nhận rằng tình yêu thật là ở việc phục vụ cụ thể. Nhưng sự hạ mình
Chúa Giêsu chịu trong cuộc Khổ Nạn đi tới chỗ tột độ: bị bán với 30 đồng bạc và
bị phản bội bởi một môn đệ Ngài đã chọn và gọi là bạn. Hầu như tất cả các môn
đệ khác trốn chạy và bỏ rơi Ngài; Phêrô chối Ngài ba lần. Bị hạ nhục trong tâm
hồn với các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ, Ngài chịu các bạo lực tàn ác trên
thân xác: các đánh đập, đòn vọt và mạo gai khiến cho diện mạo của Ngài không
thể được nhận ra được nữa. Ngài chịu sự nhục nhã và kết án gian ác từ phía các
quyền bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội lỗi và bị coi là
bất chính. Thế rồi quan Philatô gửi Ngài qua cho vua Hêrôđê và ông này lại gửi
Chúa trở lại cho quan tổng trấn Roma: trong khi Ngài bị khước từ mọi công lý,
Chúa Giêsu cũng cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn
lãnh trách nhiệm đối với số phận của Ngài. Dân chúng biến các lời chúc tụng
thành tiếng kêu tố cáo, thích cho một kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và
thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho
các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất. Sự cô đơn, lời vu khống
và nỗi đớn đau đạt tột đỉnh với việc lột trần Ngài ra. Để hoàn toàn liên đới
với chúng ta, trên thập giá Ngài cũng còn sống kinh nghiệm bị Thiên Chúa
Cha bỏ rơi. Tuy nhiên, trong sự phó thác Ngài cầu nguyện và tín thác: “Lậy Cha,
con phó thần khí con trong tay Cha” (Lc 23,46) Bị treo trên cây giá, ngoài việc
bị chế nhạo, Ngài còn đương đầu với cơn cám dỗ: lời thách thức xuống khỏi thập
giá, chiến thắng sự dữ với sức mạnh và cho thấy gương mặt của một thiên chúa
quyền năng không thể thắng được. Trái lại, chính trên tột đỉnh sự huỷ diệt này
Chúa Giêsu vén mở gương mặt thật của Thiên Chúa, là sự thương xót. Ngài tha thứ
cho các kẻ đóng đinh mình, mở cửa thiên đàng cho người trộm ăn năn, và chạm tới
con tim của viên quan bách quản. Nếu mầu nhiệm sự dữ sâu thẳm, thì thực tại
Tình Yêu đi qua ngài vô tận, đi tới mồ và tới âm ty, lãnh nhận tất cả nỗi đớn
đau của chúng ta để cứu rỗi nó, đem ánh sáng vào trong bóng tối, đem sự sống
vào trong cõi chết, đem tình yêu vào nơi thù hận.
Các lời nguyện
giáo dân đã được tuyên đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Tầu, Pháp, Swahili,
và Việt Nam. Lời cầu tiếng Việt xin Chúa nhớ đến những người đang chịu sầu muôn
và thử thách, mau cứu giúp họ và cho họ được nếm hưởng niềm an ủi tình bạn của
Chúa.
Mấy chục linh
mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.
Lúc 12 giờ
trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với mọi người. Lúc này số tín hữu hiện diện tại
quảng trường đã lên tới hơn 100.000.
ĐTC nói:
Tôi xin chào
tất cả anh chị em đã tham dự buổi cử hành này và tất cả những ai hiệp nhất với
chúng ta qua truyền hình, phát thanh và các phương tiện truyền thông khác.
Hôm nay Ngày
giới trẻ quốc tế lần thứ 31 được cử hành và sẽ đạt tột đỉnh vào cuối tháng 7
tại Cracovia. Đề tài là “Phúc cho những người thương xót, vì họ sẽ được xót
thương” (Mt 5,7). Tôi đặc biệt chào các bạn trẻ hiện diện tại đây và tôi gửi
lời chào các bạn trẻ trên toàn thế giới. Tôi hy vọng các bạn có thể đông đảo
đến Craccovia, quê hương của thánh Gioan Phaolô II, là người đã bắt đầu các
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Chúng ta hãy tín thác các tháng cuối cùng chuẩn bị
cuả cuộc hành hương này cho lời bầu cử của ngài, cuộc hành hương trong bối cảnh
Năm Thánh Lòng Thương Xót, sẽ là Năm Thánh của giới trẻ trên bình diện của Giáo
Hộị đại đồng.
Cùng ở đây với
chúng ta có các bạn trẻ Cracovia. Khi về nhà họ sẽ đem cho các vị hữu trách các
cành ô liu được hái tại Giêrusalem, Assisi và Montecassino và được làm phép tại
quảng trường này, như lời mời gọi vun trồng các ý hướng hòa bình, hòa giải và
tình huynh đệ. Xin cám ơn sáng kiến đẹp đẽ này. Các bạn hãy tiến tới với lòng
can đảm! Giờ đây chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp chúng ta sống
Tuần Thánh này với tinh thần sâu đậm.
Tiếp đến
ĐTC đã dọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: vi.radiovaticana.va