Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 6 tân Hồng Y
VATICAN. Đức Thánh Cha Biển
Đức 16 đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 6 tân Hồng Y mới được ngài tấn phong và mời
gọi các vị dành ưu tiên cho Thiên Chúa và Nước Chúa trước những lợi lộc trần thế.
Thánh lễ mừng kính Chúa
Kitô Vua Vũ Trụ diễn ra lúc 9.30 sáng chúa nhật 25-11-2012 tại Đền Thờ Thánh
Phêrô trước sự hiện diện của 8 ngàn người, trong đó có 50 HY và 40 GM, cùng với
4 phái đoàn chính thức từ Liban, Philippines, Nigeria và Ấn độ, nhiều vị đại sứ,
thân nhân, tín hữu thuộc hai Giáo Hội Công Giáo Đông phương: Maronite Liban và
Siro Malankara Ấn độ cũng như từ các giáo phận của các tân Hồng Y.
18 thầy giúp lễ là các đại
chủng sinh trường Truyền giáo và đặc biệt trong số các phó tế, cũng có một thầy
người Việt là Giuse Nguyễn Công Khương thuộc giáo phận Thanh Hóa.
Đảm nhận phần thánh ca
trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội
(Mater Ecclesiae) gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Học Viện Giáo Hoàng về thánh nhạc
gồm 50 ca viên.
Sau khi ĐTC xông hương
bàn thờ và an tọa, ĐHY James Michael Harvey người Mỹ, tân giám quản Đền thờ
Thánh Phaolô ngoại thành, đã đại diện các Hồng y mới cám ơn ĐTC đã bổ nhiệm các
vị làm Hồng y. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ngài vì các hoạt động giáo huấn, từ những
nghiên cứu thần học trước đây cho đến các huấn dụ gần đây. ĐHY Harvey kết luận
với quyết tâm cùng với ĐGH tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng: “Khi đón nhận từ tay ĐTC vinh dự của tước vị Hồng Y, chúng con
quyết tâm trở thành những người kiên trì thực hiện công cuộc tái truyền giảng
Tin Mừng trong tinh thần trách nhiệm, với sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa”.
Bài giảng của Đức Thánh
Cha
Trong bài giảng sau bài
Tin Mừng, ĐTC nói: “Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc năm phụng vụ được
phong phú thêm qua sự đón nhận vào Hồng y đoàn 6 thành viên mới. Theo truyền thống,
tôi đã mời các vị đồng tế thánh lễ với tôi sáng hôm nay. Tôi xin gửi đến mỗi vị
lời chào thân ái nhất và cám ơn ĐHY James Michael Harvey vì những lời chào mừng
nhân danh tất cả.
Tiếp đến, ĐTC đã dựa vào
các bài đọc của ngày lễ để giải thích ý nghĩa vương quyền của Chúa Kitô. Ngài
nói: Khi trả lời câu chất vấn của quan Philatô : “Ông
có phải là vua người Do thái không?” (Ga 18,33), Chúa Giêsu minh định bản chất
Vương quốc và chính sứ mạng cứu thế của Người, không phải là quyền lực trần thế,
nhưng là tình yêu thương phục vụ. Chúa khẳng định rằng không được lẫn lộn nước
của Ngừơi với bất kỳ vương quốc chính trị nào. “Nước
của tôi không thuộc về thế gian này.. không thuộc trần thế” (v.36).
ĐTC nói: “Rõ ràng là Chúa Giêsu không có một tham vọng chính trị nào. Sau
khi Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi vì phép lạ, muốn tôn Người làm
vua, để lật đổ quyền lực của người La Mã và thiết lập một vương quốc chính trị
mới, sẽ được coi như Nước Thiên Chúa hằng được mong chờ. Nhưng Chúa Giêsu biết
rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, không dựa trên võ khí và bạo lực. Và
chính việc hóa bánh ra nhiều, một đàng trở thành dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngừơi,
nhưng đàng khác là một lằn ranh trong hoạt động của Người: từ lúc đó, hành
trình hướng về Thập Giá ngày càng trở nên rõ ràng hơn; tại đó trong cử chỉ yêu
thương tột cùng, Nước Thiên Chúa, nước hứa, sẽ chiếu sáng rạng ngời. Nhưng đám
đông dân chúng không hiểu, họ thất vọng, và Chúa Giêsu rút lên núi một mình để
cầu nguyện (Xc Ga 6,1-15). Trong trình thuật về cuộc khổ nạn, chúng ta cũng thấy
các môn đệ, tuy cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người,
nhưng họ nghĩ đến một vương quốc chính trị, được thiết lập nhờ võ lực. Trong vườn
Giệtsimani, Phêrô đã rút gươm khỏi vỏ và bắt đầu chiến đấu, nhưng Chúa Giêsu đã
chặn ông lại (Xc Ga 18,10-11). Người không muốn được bảo vệ bằng võ khí, nhưng
muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng và thiết lập vương quốc của Người,
không phải bằng võ khí và bạo lực, nhưng bằng vẻ yếu đuối của tình thương trao
ban sự sống. Nước Thiên Chúa là nước hoàn toàn khác với các nước trần thế.
“Chính vì thế, đứng trước
một người không phương thế tự vệ, yếu ớt, bị hạ nhục, như Chúa Giêsu, một người
quyền lực như quan Philatô cũng ngạc nhiên; ngạc nhiên vì ông nghe nói về một
nước, về những người phục vụ. Và ông đặt câu hỏi mà ông thấy có vẻ là nghịch
lý: “Vậy ông là vua sao?” Một người ở trong hoàn cảnh như thế là vua
thuộc loại nào? Nhưng Chúa Giêsu trả lời khẳng định: “Quan nói đúng: tôi là vua. Vì thế, tôi đã sinh ra và đến trần thế;
để làm chứng cho sự thật. Ai bởi sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37). Chúa
Giêsu nói về vua, về vương quốc, nhưng Người không nói đến sự thống trị, nhưng
là sự thật. Quan Philatô không hiểu: có thể có quyền lực lực nào mà không đạt
được với những phương thế của con người? một quyền lực không theo tiêu chuẩn thống
trị và sức mạnh? Chúa Giêsu đã đến để mạc khải và mang đến một vương quyền mới,
vương quyền của Thiên Chúa; Người đến để làm chứng về sự thật của một vị Thiên
Chúa là tình thương (Xc 1 Ga 4,8.16) và Người muốn thiết lập một nước công
chính, tình thương và an bình (Xc Kinh Tiền Tụng). Ai cởi mở đối với tình
thương, thì lắng nghe chứng từ ấy và đón nhận trong niềm tin, để vào Nước Thiên
Chúa”.
Tiếp tục bài giảng, ĐTC
nhắc đến thị kiến của Ngôn Sứ Daniel nói về một nhân vật huyền bí giữa trời và
đất, ngự đến trong đám mây và được trao ban quyền bính, vinh quang và vương quốc
(7,13-14). “Đó là những lời nói về một vị vua thống trị từ biển này tới biển
khác, cho đến tận bờ cõi trái đất với một quyền bính tuyệt đối, không bao giờ bị
hủy diệt. Thị kiến này của Ngôn Sứ, thị kiến cứu thế, sáng tỏ và được thể hiện
trong Chúa Kitô: Quyền bính của Đức Messia chân chính, quyền bính không bao giờ
tàn lụi và không bao giờ bị hủy diệt, không phải quyền bính của các vương quốc
trần thế phát sinh rồi suy sụp, nhưng là vương quốc sự thật và tình thương.
Sau cùng, trong bài đọc
thứ hai, tác giả sách Khải quyền quả quyết cả chúng ta cũng được tham dự vào
vương quyền của Chúa Kitô.. Nhờ sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mở đường cho
chúng ta đi vào một quan hệ sâu xa với Thiên Chúa: trong Người, chúng ta trở
thành dưỡng tử đích thực, như thế, chúng ta được tham dự vào vương quyền của
Chúa trên thế giới. Vì vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là không để cho
mình bị thu hút vì các tiêu chuẩn trần thế về quyền lực, nhưng vào thế giới ánh
sáng của sự thật và tình thương của Thiên Chúa.
ĐTC nói tiếp:
“Tác giả sách Khải Huyền mở rộng cái nhìn về sự tái lâm của Chúa
Giêsu để xét sử và thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, và nhắc nhở chúng ta rằng sự
hoán cải, như lời đáp lại ơn thánh của Chúa, chính là điều kiện để thiết lập Nước
Chúa (Xc 1,7). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến tất cả và từng người: luôn
trở về cùng Nước Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, Sự Thật, trong đời sống
chúng ta. Chúng ta khẩn cầu hằng ngày trong kinh Lạy Chúa với câu “Nước Cha trị đến”, có nghĩa là thưa với Chúa Giêsu: Lạy Chúa,
xin làm cho chúng con thuộc về Chúa, xin Chúa sống trong chúng con, xin Chúa tập
hợp nhân loại đang bị phân tán và đau khổ để trong Chúa tất cả đều được tùng phục
Chúa Cha của lòng từ bi và tình thương.
Và ĐTC kết luận rằng: “Hỡi các anh em hồng y quí mến, tôi đặc biệt nghĩ đến các tân hồng
y mới được tấn phong hôm qua, anh em được ủy thác trách vụ cam go này, đó là
làm chứng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật. Điều này có nghĩa là luôn
dành ưu tiên cho Thiên Chúa và thánh ý Chúa trước những lợi lộc trần thế và quyền
lực của nó. Anh em hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã biểu lộ vinh quang của Người
trước quan Philato, trong tình trạng tủi nhục như Phúc âm mô tả: Chúa đã biểu lộ
vinh quang của Người là yêu thương đến tột cùng, hiến mạng sống cho những người
mình yêu. Đó là mạc khải về Nước Chúa Giêsu. Và vì thế, chúng ta hãy đồng tâm
hiệp ý cầu nguyện: “Adveniat regnum tuum”, xin cho Nước Chúa được hiển trị. Amen
Trong phần rước lễ, 120
linh mục phân phát Mình Thánh Chúa các tín hữu, và chính ĐTC cũng cho hàng chục
người được rước Mình Thánh Chúa.
Thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng
đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện
tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh truyền tin với lối 30 ngàn tín hữu
tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu.
Kinh Truyền tin
Trong bài huấn dụ ngắn
trước khi đọc kinh, ĐTC cũng giải thích về ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua và khẳng định
rằng “Nước Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội là mầm mống và khởi đầu
của nước này. Giáo Hội có nghĩa vụ loan báo và phổ biến Nước Chúa Kitô nơi mọi
dân nước, với sức mạnh của Thánh Linh. Vào cuối thời gian đã định, Chúa sẽ giao
nộp cho Chúa Cha Nước Chúa và giới thiệu với Ngài tất cả những ai đã sống theo
giới luật tình thương.
Các bạn thân mến, tất cả
chúng ta được mời gọi nối tiếp hoạt động cứu độ của Thiên Chúa qua sự trở về
cùng Tin Mừng, quyết liệt theo vị Vua không đến để được hầu hạ nhưng để phục vụ
và làm chứng cho sự thật (Xc Mc 10,45; Ga 18,37). Trong viễn tượng này tôi mời
gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho 6 Hồng y mới mà tôi đã bổ nhiệm hôm qua, xin
Chúa Thánh Linh củng cố các vị trong đức tin và đức mến, ban cho họ được tràn đầy
hồng ân Chúa, để họ sống trách nhiệm mới như một sự tận tụy hơn nữa đối với
Chúa Kitô và Nước Chúa...”
“Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp tất cả chúng ta sống
thời gian hiện tại trong niềm mong chờ Chúa tái lâm, tha thiết cầu xin Chúa: “Xin cho Nước Chúa được hiển trị”, và chu toàn những công việc
ánh sáng làm cho chúng ta ngày càng gần Trời Cao hơn, với ý thức rằng trong những
thăng trầm trao đảo của lịch sử, Thiên Chúa tiếp tục xây dựng Nước Tình Thương
của Người.
Sau khi ban phép lành cho
các tín hữu, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước thứ bẩy 24-11-2012. Ngài nói: “Hôm qua, tại Macas, bên Ecuador, đã có lễ phong chân phước cho
chị Maria Troncatti, nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, sinh tại Val Camonica. Chị
làm y tá trong thời thế chiến thứ I, rồi đi Ecuador, tại đây chị hoàn toàn xả
thân phục vụ dân chúng trong vùng rừng núi, rao giảng Tin Mừng và thăng tiến
con người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng nhân quảng đại này của Ngài!”. Ngài
cũng loan báo: chiều thứ bẩy, 1-12 tới đây, các sinh viên đại học Roma sẽ hành
hương tại Mộ Thánh Phêrô nhân dịp Năm Đức Tin. Tôi sẽ chủ sự Kinh Chiều I Chúa
nhật thứ I Mùa Vọng cho họ”.
G. Trần Đức Anh OP