Đức Thánh Cha đề cao các hoạt động bác ái
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao các hoạt động bác ái như một hình thức ưu tiên để truyền giảng Tin Mừng.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-2-2012, dành cho ban lãnh đạo Hội Thánh Phêrô Tông Đồ (Circolo di San Pietro), một hội bác ái kỳ cựu ở Roma. Theo thói quen hằng năm, các vị đại diện của Hội, dưới sự hướng dấn của Quận công chủ tịch Leopoldo Torlonia, đến trao cho ĐTC số tiền họ quyên góp được để ngài làm việc bác ái.
Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Hội Thánh Phêrô Tông đồ dưới nhiều hình thức: từ các quán phát chẩn cho người nghèo cho đến các quán trọ ban đêm, các gia cư cho gia đình nghèo, sự âm thầm giúp đỡ các bệnh nhân và gia đình họ qua Quán trọ ở Roma (Hospice Fondazione Roma) và cả các hoạt động trợ giúp truyền giáo ở Lào cũng như các chương trình nhận con nuôi từ xa.
ĐTC khẳng định rằng ”Lòng trung thành chân thực của chúng ta đối với Tin Mừng được kiểm chứng qua sự quan tâm và ân cần trợ giúp cụ thể của chúng ta đối với những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự quan tâm tới tha nhân bao hàm mong ước điều thiện hảo cho họ dưới mọi khía cạnh, thể lý, luân lý và tinh thần”.
Dựa vào tinh thần Sứ điệp mùa chay năm nay với chủ đề ”Chúng ta hay quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong bác ái và các việc lành” (Dt 10,24), ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là mong muốn cho họ được điều tốt lành, ước mong cho họ cởi mở đối với tiêu chuẩn của điều thiện; quan tâm đối với người anh em có nghĩa là mở rộng đôi mắt đối với những nhu cầu của họ, vượt thắng tình trạng chai đá của tâm hồn làm cho chúng ta đui mù không thấy đau khổ của người khác. Vì thế, hoạt động từ thiện bác ái trở thành một hình thức ưu tiên để truyền giảng Tin Mừng, dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu là Đấng coi những điều chúng ta làm cho những người anh em, đặc biệt là những người bé mọn và bị bỏ rơi, là làm cho chính Ngài (Mt 25,40).”
ĐTC nhắn nhủ thêm rằng ”Cần hòa hợp con tim của chúng ta với con tim của Chúa Kitô, để sự nâng đỡ yêu thương dành cho tha nhân được diễn tả qua sự tham phần và chia sẻ một cách ý thức những đau khổ và hy vọng của họ, nhờ đó làm cho lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người trở nên hữu hình, và đàng khác cũng làm cho niềm tin của chúng ta nơi Chúa được trở nên cụ thể” (SD 24-2-2012)
G. Trần Đức Anh OP