Đức Thánh Cha nhắn nhủ các gia đình sống tinh thần tha thứ
VATICAN.
Trong buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu hành hành hương sáng ngày
4-11-2015, ĐTC đã mời gọi mọi người thực hành sự tha thứ theo tinh thần kinh
Lạy Cha.
Trong
số những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến, có
hơn 10 GM, gần 200 thành viên tổng tu nghị dòng Nữ Hiến Sinh Thánh Tâm Chúa
Giêsu, 50 nữ tu tổng tu nghị dòng thánh nữ Dorotea và 45 sư huynh La San đến từ
nhiều nước. Ngoài ra có đoàn 72 người Việt Nam, gồm các nhân viên Đài ”Hành
trình Đức Tin” ở Little Saigon, bang California Hoa Kỳ và thân nhân của họ.
ĐTC
tiến vào quảng trường lúc 9 giờ rưỡi sáng và dành gần 20 phút tiến qua các lối
đi để chào thăm các tín hữu. Lên tới lễ đài, ngài bắt tay chào thăm gần 10 LM
thông dịch viên các thứ tiêng, trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến với phần tôn
vinh Lời Chúa là Kinh Lạy Cha được xướng lên bằng 5 thứ tiếng.
Bài
huấn giáo của ĐTC:
Trong
bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã nói về chủ đề là ”Xin tha nợ”. Đây là bài thứ 31
trong loạt bài giáo lý về gia đình. Ngài nói:
“Thượng
HĐGM mới kết thúc đã suy tư sâu rộng về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong
đời sống Giáo Hội và xã hội ngày nay. Đó là một biến cố ơn thánh. Vào cuối khóa
họp, các nghị phụ đã trao cho tôi văn bản những kết luận của các vị. Tôi đã
muốn cho văn bản này được công bố, để tất cả được tham phần vào công việc mà họ
cùng can dự trong 2 năm. Đây không phải là lúc cứu xét các kết luận ấy, những
kết luận mà chính tôi cần phải suy tư. Nhưng trong khi chờ đợi, cuộc sống không
dừng lại, đặc biệt cuộc sống của các gia đình vẫn tiếp tục! Các gia đình quí
mến, anh chị em luôn tiến bước. Và anh chị em tiếp tục viết lên trong những
trang cuộc sống cụ thể vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình. Trong một thế giới
nhiều khi trở nên khô cằn sức sống và tình yêu, mỗi ngày anh chị em nói về hồng
ân cao cả là hôn nhân và gia đình.
Hôm
nay tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh này: gia đình là một thao trường lớn để tập
luyện sự trao ban và tha thứ cho nhau, chẳng vậy không có tình yêu nào có thể
trường tồn. Trong kinh nguyện mà chính Ngài đã dạy chúng ta, kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng
tha kẻ có nợ chúng con”. Vào cuối kinh, Chúa bình luận: ”Thực vậy, nếu các con
tha thứ những lỗi lầm của người khác, thì Cha các con trên trời cũng tha thứ
cho các con; nhưng nếu các con không tha thứ cho tha nhân, thì Cha các con cũng
chẳng tha thứ những lỗi lầm của các con” (Mt 6,12.14-15). Ta không thể sống mà
không tha thứ, hoặc ít là không thể sống tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Mỗi
ngày chúng ta làm những điều lầm lỗi đối với nhau. Chúng ta phải để ý đến những
sai lầm ấy, do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta được
yêu cầu là chữa lành ngay những vết thương chúng ta gây ra cho nhau, nối lại
tức khắc những mối dây đã bị đứt đoạn. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, thì tất cả
trở nên khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành những vết thương
và giải tỏa những lời cáo buộc, đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không
xin lỗi, không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh
chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ
ngay cho nhau, thì chúng ta chữa lành những vết thương và hôn nhân được củng
cố, gia đình trở thành căn nhà vững chắc hơn, chống lại được những chấn động do
những thói xấu lớn nhỏ của chúng ta gây ra.
Nếu
chúng ta học cách sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như vậy ở
bên ngoài, bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Nghi ngờ về điều này là điều dễ dàng.
Nhiều người, kể cả các tín hữu Kitô nghĩ rằng đó là một điều thái quá. Họ nói:
nói thì dễ, thì đẹp, nhưng không thể thực hành được. Nhưng cám ơn Chúa, không
phải như vậy. Thực thế, chính khi lãnh nhận ơn tha thứ từ Chúa, mà chúng ta có
khả năng tha thứ cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã yêu cầu lập lại những lời
này mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và điều không thể
thiếu được, đó là một một xã hội nhiều khi tàn ác, có những nơi, như gia đình,
trong đó chúng ta phải học tha thứ cho nhau.
ĐTC
nói thêm rằng:
“Thượng
HĐGM cũng khơi dậy niềm hy vọng của chúng ta về điều này: khả năng tha thứ và
tha thứ cho nhau là điều thuộc về ơn gọi và sứ mạng của gia đình. Việc thực
hành tha thứ không phải chỉ cứu vãn gia đình khỏi chia rẽ, nhưng còn làm cho nó
có khả năng giúp xã hội bớt gian ác xấu xa hơn. Đúng vậy, mỗi cử chỉ tha thứ
chữa căn nhà khỏi những rạn nứt và củng cố các tường nhà. Hỡi các gia đình quí
mến, Giáo Hội luôn ở cạnh để giúp đỡ anh chị em xây dựng căn nhà của anh chị em
trên đá tảng như Chúa Giêsu đã nói. Chúng ta đừng quên những lời liền trước dụ
ngôn về căn nhà: ”Không phải hễ ai nói Lạy Chúa, Lạy Chúa, mà được vào nước
Trời, nhưng là người thi hành ý Cha Thầy”. Và Ngài nói thêm: ”Nhiều người sẽ
nói trong ngày ấy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, chúng con đã thẳng nói tiên tri và trừ
quỉ nhân danh Chúa đó sao? Nhưng Ta sẽ tuyên bố với họ: “Ta chẳng hề biết các
ngươi là ai” (Xc Mt 7,21-23). Chắc chắn đó là một lời nghiêm khắc, có mục đích
đánh động và kêu gọi chúng ta hoán cải.
Các
gia đình Kitô thân mến, tôi đoan chắc với anh chị em rằng anh chị em ó khả năng
ngày càng quyết liệt tiến bước trên con đường Các MỐi Phúc thật, bằng cách học
hỏi và dạy tha thứ cho nhau, trong toàn thể đại gia đình Giáo Hội sẽ tăng
trưởng khả năng làm chứng về sức mạnh đổi mới trong sự tha thứ cảu Thiên Chúa.
Chẳng vậy, chúng ta sẽ làm những bài giảng rất hay rất đẹp và có khi xua đuổi
cả ma quỉ, nhưng rốt cuộc Chúa không nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài!
Quả
thực các gia đình Kitô phải làm nhiều cho xã hội ngày nay và cho cả Giáo Hội
nữa. Vì thế tôi mong muốn rằng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, các gia đình
tái khám phá kho tàng sự tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy cầu xin cho các gia
đình ngày càng có khả năng sống và xây dững những con đường hòa giải cụ thể,
trong đó không ai cảm thấy bị bỏ mặc cho gánh nặng những nợ nần của
mình. Với ý hướng đó, chúng ta cùng nhau thưa: “Lạy Cha chúng con,
xin tha nợ chúng con như cũng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Chào
thăm
Sau
khi ĐTC kết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng
nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.
Ngài
đặc biệt nói với các tín hữu Ba Lan rằng: “Chúa nhật tới đây, 8-11, trong Giáo
Hội tại Ba Lan sẽ cử hành Ngày Liên đới với Giáo Hội bị bách hại, do Tổ chức “Trợ
giúp các Giáo Hội đau khổ” cùng với HĐGM Ba Lan đề đướng. Năm nay sự trợ giúp
tinh thần và vật chất được dành đặc biệt để mang lại sự an ủi và nâng đỡ các
anh chị em đang chịu đau khổ vì Chúa Kitô tại Trung Đông và trên toàn thế giới!
Bằng
tiếng Ý, ĐTC chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới.
Hôm qua, 3-11, chúng ta đã kính nhớ thánh Martino de Porres. Ước gì lòng bác ái
quảng đại của thánh nhân là mẫu gương cho những ngừơi trẻ các con, để sống cuộc
sống như một sự hiến thân; và hỡi các bệnh nhân thân mến, ước gì sự phó thác cho
Chúa Kitô Cứu Thế nâng đỡ anh chị em; sau cùng hỡi các đôi tân hôn, ước gì sức
mạnh tinh thần của Chúa mang lại sức mạnh cho anh chị em trong cuộc sống vợ
chồng.
G.
Trần Đức Anh OP
Nguồn:
vi.radiovaticana.va