Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 43
vị Tổng Giám Mục chính tòa
VATICAN. Sáng ngày 29-6-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 43 vị TGM chính tòa.
Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.
43 vị TGM đến từ 27 quốc gia, đứng đầu là ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Berlin, thủ đô nước Đức, và ĐHY Francisco Robles Ortega TGM giáo phận Guadalajara bên Mêhicô. Xét về quốc tịch, có 7 vị TGM người Brazil, trong khi đó Hoa Kỳ, Canada và Philippines, mỗi nước có 4 vị TGM nhận dây Pallium lần này; Italia và Ba Lan mỗi nước có 3 vị; Mêhicô, Ấn độ và Australia, mỗi nước có 2 vị. Có hai vị TGM người Ghana và Canada cũng xin dây Pallium, nhưng không đến Roma được, và sẽ nhận dây này qua vị Sứ thần Tòa Thánh.
Nghi thức trao giây Pallium năm nay được thu ngắn hơn: tên của các vị TGM được xướng lên trước khi ĐTC đi rước lên bàn thờ; và được cử hành ngay đầu buổi lễ, thay vì sau bài giảng như mọi khi, để nhấn mạnh rằng nghi thức này không phải là bí tích và để tránh cho việc cử hành Thánh Lễ bị “gián đoạn” vì một nghi thức khá dài, với khoảng 45 vị TGM mỗi năm.
Trong số hơn 9 ngàn người hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô, có phái đoàn của tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Emmanuel tại Pháp hướng dẫn, tiếp đến 40 Hồng Y, lối 50 GM, và ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự. Đặc biệt năm nay có Ca đoàn của Đan viện Westminster của Anh giáo ở Luân đôn cùng với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ.
Bài giảng
Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại cuộc tuyên xưng của thánh Phêrô về Chúa Giêsu là Đức Messia và là Con Thiên Chúa, và Chúa tỏ lộ cho Phêrô sứ mạng trở thành “đá tảng”, là nền tảng hữu hình trên đó toàn thể tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội được xây dựng (Xc Mt 16,16-19). Ngay sau đó, Chúa tiên báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, và Ngài khiển trách Phêrô vì đã ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa. ĐTC nói:
“Người môn đệ, do ơn Chúa, có thể trở thành đá tảng vững chắc, những cũng tỏ ra thực chất của mình, trong sự yếu đuối của con người: là một tảng đá trên đường, một tảng đá mà người ta có thể vấp phải - tiếng Hy Lạp là skandalon... Trong cảnh tượng này giữa Chúa Giêsu và Simon Phêrô, chúng ta thấy trước được phần nào thảm kịch lịch sử của chính chức Giáo Hoàng, trong đó có hai yếu tố cùng hiện diện: một đàng nhờ ánh sáng và sức mạnh đến từ trên cao, chức Giáo Hoàng là nền tảng của Giáo Hội lữ hành trong thời gian; và đàng khác qua dòng lịch sử ta cũng thấy rõ sự yếu đuối của con người mà chỉ có sự cởi mở đối với hoạt động của Thiên Chúa mới có thể biến đổi”.
Nhấn mạnh đến lời Chúa Giêsu hứa “Các cửa hỏa ngục, nghĩa là những quyền lực của sự ác, cũng không thể thắng nổi Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, ĐTC nói: “Trong thực tế, lời hứa của Chúa Giêsu với Phêrô lớn lao hơn so với các lời hứa cho các ngôn sứ Cựu Ước: thực vậy, các ngôn sứ chỉ bị những kẻ thù phàm nhân đe dọa, trong khi Phêrô được bảo vệ chống lại các cửa hỏa ngục, chống lại quyền lực phá hoại của sự ác... Lời Chúa hứa với Phêrô liên hệ tới tương lai của Giáo Hội, tương lai của cộng đồng mới được Chúa Giêsu Kitô thiết lập và kéo dài trong mọi thời gian, vượt lên trên cuộc sống của chính Phêrô”.
ĐTC cũng giải thích ý nghĩa biểu tượng chìa khóa được Chúa Giêsu trao cho Phêrô và các môn đệ, nói lên quyền tháo cởi “Tất cả những gì các con ràng buộc dưới đất, trên trời cũng ràng buộc, và tất cả những gì các con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng được tháo cởi” (Mt 18,18).
ĐTC nói rằng những sự kiện ấy phản ánh điều này là “Giáo Hội không phải là một cộng đoàn những người trọn hảo, nhưng là những người tội lỗi phải nhìn nhận mình cần tình thương của Thiên Chúa, cần được thanh tẩy qua Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Những câu nói của Chúa Giêsu về quyền bính của Phêrô và các Tông Đồ tỏ cho thấy rằng quyền bính của Thiên Chúa là tình thương, tình thương chiếu tỏa ánh sáng của Ngài từ Calvario. Vì thế chúng ta cũng có thể hiểu tại sao, trong trình thuật Tin Mừng, tiếp theo sự tuyên xưng đức tin của Phêrô là lời loan báo đầu tiên của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài. Thực vậy, qua cái chết của ngài, Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực của hỏa ngục, trong máu ngài, ngài đã đổ xuống trần thế một dòng sông từ bi vô biên tưới gội cho toàn nhân loại bằng những dòng nước chữa lành”.
Trong phần kết luận, ĐTC nhắn nhủ các vị TGM chính tòa rằng: “Dây Pallium mà tôi đã trao cho anh em sẽ luôn nhắc nhở cho anh em rằng anh em được thiết lập trong và cho mầu nhiệm cao cả về sự hiệp thông là Giáo Hội, là tòa nhà thiêng liêng được xây dựng trên Chúa Kitô là Đá Góc, và trong chiều kích trần thế và lịch sử của Giáo Hội, tòa nhà ấy được xây dựng trên đá tảng Phêrô. Được xác tín ấy linh hoạt, tất cả chúng ta cùng cảm thấy mình là những cộng tác viên của chân lý, và chúng ta biết rằng chân lý này là duy nhất, và là một hợp thanh, đòi mỗi người chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta liên lỷ dấn thân hoán cải, trở về cùng Chúa duy nhất trong ở ơn thánh của Thánh Thần duy nhất”.
Kinh Truyền tin
Lúc 12 giờ trưa cùng ngày 29-6-2012, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Hiện diện tại Quảng trường có nhiều đại diện các phong trào và hội đoàn của giáo phận Roma mang các biểu ngữ biểu lộ tình hiệp thông và hỗ trợ sứ vụ của ĐTC, nhất là trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nhắc nhở rằng “hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô không phải chỉ chiếu sáng trên bầu trời Roma mà thôi, nhưng còn ở trong tâm hồn mọi tín hữu, được giáo huấn và gương lành của hai vị soi sáng, đang tiến bước ở mọi nơi trên thế giới trên con đường đức tin, cậy, mến”.
“Trên con đường cứu độ ấy, cộng đồng Kitô được sự hiện diện của Thánh Linh Thiên Chúa hằng sống nâng đỡ, cảm thấy được khích lệ tiếp tục tiến bước mạnh mẽ và thanh thản trên con đường trung thành với Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng của Chúa cho con người mọi thời đại. Chính trong hành trình thiêng liêng và truyền giáo phong phú ấy có lễ nghi trao dây Pallium cho các vị Tổng GM chính tòa mà tôi cử hành sáng nay tại Đền thờ Thánh Phêrô”.
ĐTC giải thích rằng nghi thức hùng hồn này nêu bật sự hiệp thông sâu đậm của các vị Chủ Chăn với Người Kế vị thánh Phêrô, và mối giây liên hệ sâu xa nối kết chúng ta với truyền thống tông đồ. Đây chính là hai kho tàng thánh thiện, làm nền tảng cho sự hiệp nhất và tính chất Công Giáo của Giáo Hội: một kho tàng quí giá cần tái khám phá va sống thực với tất cả lòng nhiệt thành và dấn thân liên tục”. (SD 29-6-2012)
G. Trần Đức Anh OP