ĐỨC TIN – LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA
VÀ TIẾNG ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI
Lịch sử dân Do Thái như được trình bày trong Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta thấy con đường lòng tin là con đường của lời mời gọi: Thiên Chúa mời gọi dân Ngài qua các biến cố của cuộc sống. Cuộc gặp gỡ giữa dân Do Thái và Thiên Chúa đạt điểm cao trong giao ước ký kết tại núi Sinai: “Ta là Chúa của các ngươi và các ngươi là dân của Ta” (Xh 17,7).
Như thế, tin có nghĩa là đáp trả lại lời Thiên Chúa mời gọi, cách cụ thể, bằng một cử chỉ dấn thân dứt khoát từ bỏ các tà thần, và chọn lựa phụng thờ Thiên Chúa: “Ngoài Giavê ra, không có một thần linh nào khác” (Is 44,6tt; Tv 115). Nhưng trước khi đạt đến giai đoạn đó Thiên Chúa đã khuyến khích và củng cố lòng tin của dân Do Thái bằng cách tỏ lộ cho họ thấy quyền năng của Ngài qua các phép lạ như kể trong sách Xuất Hành.
Tin là đáp trả lại lời Thiên Chúa mời gọi, là chấp nhận từ bỏ để rồi ra đi theo sự hướng dẫn quan phòng của Thiên Chúa. Từ bỏ quê cha đất tổ là thành Ur để ra đi đến nơi Thiên Chúa chỉ cho như tổ phụ Abraham xưa lkia: từ bỏ nếp sống nô lệ bên Ai Cập để ra đi về miền đất hứa như con cháu ông bao nhiêu thế kỷ sau đó. Tin là chấp nhận “Thiên Chúa là Chúa của tôi” và tiến bước theo Ngài.
Đức tin, lời Thiên Chúa mời gọi ấy, được lặp lại trong Tân Ước. Đức Giêsu thành Nazareth, hiện thân tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa cũng đã bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa qua các phép lạ Ngài làm. Tin Mừng Ngài rao giảng không gì khác hơn là lời kêu mời con người tin vào Thiên Chúa Đấng đã sai Ngài đến cứu độ trần gian: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người” (Mc 9,7).
Các Tông Đồ và rât đông dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu, đi theo Chúa và đón nhận Tin Mừng. Nhưng mẫu gương tuyệt vời nhất của lòng tin là Đức Maria, người đầu tiên đáp trả lại trọn vẹn Lời Thiên Chúa kêu mời, qua hai tiếng “xin vâng” (Lc 1, 37). Hai tiếng “xin vâng” ấy diễn tả thái độ tin yêu phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa, không lý luận, không so đo cân nhắc. Bởi vì “Đối với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể” (Lc 1, 37)
Đức tin là thái độ vâng phục, từ bỏ chính mình, phó thác trọn vẹn để cho Thiên Chúa tự do hành động. Khi làm các phép lạ, Chúa Giêsu cũng thường đòi hỏi các người bệnh có thái độ đó. Và Ngài thường kết thúc: “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mt 8, 10; 15, 28).
Như vậy, “Đức tin là thái độ sống kết hợp vẹn toàn với Thiên Chúa, tin vào Ngài qua giao ước đã ký kết, chờ đợi và hy vọng nơi sự nâng đỡ trợ giúp của Chúa, ẩn mình trong tình yêu thương và quan phòng ấp ủ của Ngài. Nghĩa là chấp nhận Chúa trong cuộc sống của mình, để Ngài hướng dẫn và săn sóc, với lòng phó thác thật sự”