Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

Phát triển và xử dụng lý trí trong đời sống tu trì

Người tu sĩ là con người đầy tư tưởng, có khả năng suy tư sâu xa

(Xem Thông điệp Đức ái trong sự thật, s. 19)

sourire1.jpgĐể xây dựng đời sống thiêng liêng, người ta nói tới những yếu tố nền tảng cần thiết mà các nhà tu đức, các sách tu đức trình bày cách dài rộng.  Chúng ta đã có lần nói tới khía cạnh ý chí, ước muốn nơi con người tu trì và muốn tiến trên đàng thiêng liêng, như là một yếu tố cần thiết và quan trọng.

Hôm nay chúng ta bàn tới điểm khác, một nhu cầu phải có trong đời sống siêu nhiên : đó là việc phát triển lý trí, phát triển khả năng suy tư sâu xa, với thái độ không để cho đầu óc trống rỗng nhưng có suy nghĩ và tư tưởng, với một nhất tâm đi tìm một nền nhân bản mới, có ý thức và mong muốn tìm lại con người đích thực của mình. Nói cách khác, đó là yếu tố tố trí tuệ, là khía cạnh tâm não trong đời sống thiêng liêng. Đây là một yếu tố cần thiết  mà có lẽ chúng ta không nghĩ tới, hay cho là không cần thiết cho lắm, cho dù chúng ta vẫn làm hằng ngày, hoặc cũng không biết phải trình bày thế nào, vì đặt ngay vấn đề suy tư, vấn đề tư tưởng, vấn đề lý trí. Do đó chúng ta cần đặt lại vấn đề này và tìm cho thấu đáo hơn.

Thông điệp Đức ái trong sự thật số 19 nói tới việc phát triển kinh tế và tài chánh phải được thực hiện với tư tưởng, với ý chí, để suy tư và để tìm ra một nền nhân bản mới, giúp con người tìm lại được chính mình. Tư tưởng này lặp lại điều mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã quảng diễn trong Thông điệp Phát triển các dân tộc s. 20.                  

1.         Yếu tố trí tuệ trong đời sống ngày thường

Con người hơn loài vật, vì có trí khôn, có ý chí và tình cảm. Sự việc “Biết suy nghĩ” là một ơn huệ lớn lao Thiên Chúa cho chúng ta. Ơn huệ này bắt nguồn từ việc Ngôi Lời nhập thể. Vì nói tới Ngôi Lời, chúng ta nói tới khía cạnh trí tuệ, lý trí trong mầu nhiệm nhập thể. Ngôi Hai Thiên Chúa được mô tả như là Lời của Thiên Chúa (Logos), và Ngôi Lời bày tỏ ra bên ngoài suy nghĩ, kế đồ của Thiên Chúa về vũ trụ, về thế giới, về vạn vật và về con người. Suy nghĩ  của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong Ngôi Hai Thiên Chúa, vì như Thánh Gioan nói: Trong Người  vạn vật được tạo thành, và nếu không có Ngôi Lời, thì không vật nào được tạo thành (Ga 1, 3). Chính khi Thiên Chúa suy nghĩ như thế thì mọi sự đã được tạo thành trong Ngôi Lời của Thiên Chúa. Và khi Ngôi Hai nhập thể, thì suy nghĩ và kế đồ của Thiên Chúa mang một hình thái cụ thể hữu hình. Rồi chính nhờ trí khôn của mình mà con người mà chúng ta đạt tới chân lý này, chân lý nền tảng cho cuộc sống chúng ta: chân lý và tình yêu đem chúng ta về nguồn gốc của chúng ta: từ Thiên Chúa trong Chúa Kitô (x. ĐAST, s. 1). Do đó trí khôn chúng ta, sự suy tư của chúng ta được coi như một ơn huệ cao cả của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ơn huệ này đem chúng ta đến gần Thiên Chúa và nắm bắt được vạn vật trong cái bộ óc nhỏ bé của mình (x. ĐAST, s. 48).

Trong khi con người thời nay tự hào vì những phép lạ của nền kỹ thuật tân tiến do mình thực hiện, vì những phép lạ trong phạm vi kinh tế, tài chánh ((x. ĐAST, s. 68), thì họ quên rằng mỗi hành vi suy tư của họ lại là một ơn huệ của Thiên Chúa và một sự kỳ diệu Thiên Chúa làm nơi chúng ta (x. ĐAST, s. 77), sự kỳ diệu này không thể giải thích bằng những yếu tố vật chất hoặc các dụng cụ khoa học. Sự kỳ diệu này không phải chỉ thực hiện một lần, nhưng là liên tục, không phải chỉ nơi các thần đồng, các nhà bác học thiên tài giỏi giang, nhưng đang xẩy ra nơi chúng ta, vì mỗi khi chúng ta đang suy nghĩ, phán đoán, khi chúng ta có một nhận biết về sự vật bên ngoài hay một tâm tình bên trong, thì lúc đó đang xẩy ra một phép lạ mà khoa học không tài nào giải thích nổi. Số 77 của Thông điệp Đức ái trong sự thật đã phân tích sự kỳ diệu của một hành động hiểu biết của con người như sau: “Tất cả mọi người đều cảm nghiệm thấy biết bao nhiêu khía cạnh siêu vật chất và thiêng liêng trong đời sống của họ. Việc biết không phải chỉ là một hành động vật chất, bởi vì điều được biết luôn giấu ẩn một cái gì đó đi xa hơn dữ kiện thực nghiệm. Mỗi một sự hiểu biết của chúng ta, cho dù là một sự hiểu biết đơn sơ tầm thường nhất đi nữa, luôn là một phép lạ nho nhỏ bởi vì người ta không thể giải thích hoàn toàn bằng các dụng cụ vật chất mà chúng ta có được” (s. 77). Ở đây xin đan cử một thí dụ: Khi chúng ta nói về một cây ngoài vườn, thì giác quan chúng ta đang thu bắt lấy các đặc tính khả giác, các hình ảnh của cây này, với các mầu sắc, kích thước, hình dáng, . . . rồi đem nó vào trong trí tưởng tượng. Trong trí tưởng tượng, các đặc tính khả giác vật chất  này sẽ bị thanh lọc, gạn bỏ đi, và chỉ để lại cái gì mang tính cách trên giác quan, trên vật chất. Từ đây trí khôn con người bắt đầu làm việc và đem lại cho chúng ta một ý tưởng về cây này. Chúng ta đã có một tư tưởng. Đó là một phép lạ trong muôn vàn phép lạ đang diễn ra hằng ngày, vì chúng ta biết được bao nhiêu sự vật, sự việc, bao nhiêu con người, trong ngày sống của ta. Phép lạ này diễn ra mà chúng ta không hề biết, không hề để ý tới để có một tâm tình ngỡ ngàng, ngạc nhiên, thán phục, và tìm cho ra cái gốc cái nguồn của chúng. Cái nguồn này là trí tuệ của ta, và đi xa hơn nữa, cái nguồn này là chính Thiên Chúa, vì Ngài ban ơn trí khôn cho ta.

Phải, lý trí đem chúng ta khám phá ra sự vật và sự việc chung quanh chúng ta. Hằng ngày chúng ta vẫn làm việc này một cách thật  máy móc mà không hề biết. Chúng ta thường hỏi những câu rất đơn sơ : cái gì vậy? Điều đó có nghĩa gì vậy? Vật gì vậy? Tại sao thế nhỉ? Không thể như vậy được! . . .  Thông điệp Đức ái trong sự thật, số 70 nói: “Việc phát triển kỹ thuật có thể đem lại ý tưởng về thái độ tự đủ của chính kỹ thuật khi con người, chỉ hỏi mình là làm thế nào ? mà không nghĩ tới bao câu hỏi vì sao chúng ta lại bị thôi thúc hành động như thế?”.  Tất cả là do lý trí làm để đưa chúng ta đi sâu vào cái cốt tủy của sự vật, để tìm ra sự thật của sự vật, cho dù chúng ta không đạt được bao nhiêu, và nhiều khi chỉ đạt tới cái vỏ bên ngoài của sự thật thôi. Nhưng đó cũng là việc của lý trí rồi đó. Chúng ta thường cảm thấy được thỏa mãn khi biết lý do, biết nguồn gốc sự vật; khi biết được thêm nhiều điều, khi có thêm nhiều kiến thức.

Hơn nữa lý trí cũng còn giúp chúng ta đi lên cao hơn nữa, cho chúng ta nhận ra cái gì hơn nữa, như Thông điệp ĐAST, s. 77 nói: “Trong mỗi một sự hiểu biết và trong mỗi hành động yêu thương bác ái linh hồn con người cảm nghiệm được một “điều gì hơn nữa” (quelque chose de plus) làm cho linh hồn trở nên rất giống ơn huệ họ đã lãnh nhận, đạt tới chiều kích cao xa mà chúng ta cảm thầy được nâng lên”. Lý trí giúp chúng ta nhận ra các giá trị trong phạm vi nhân bản, luân lý, như tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh từ bỏ cho một điều cao quý hơn, tình hiếu thảo, tình huynh đệ anh chị em, lòng yêu mến tổ quốc . . . Tất cả là do khám phá của lý trí con người. Cha mẹ chúng ta đã giúp chúng ta khai mở  lý trí của chúng ta để đạt tới các thực tại không phải là vật chất này, khi hằng ngày các ngài dạy bảo chúng ta biết các giá trị luân lý, nhân bản, văn hóa, nghề nghiệp, khi các ngài giải thích cho chúng ta hiểu về sự vật và sự việc. Ở đây chúng ta nói tới cái nghĩa của việc giáo dục (éducation, latin : e-ducere = đem ra ngoài); và nếu chúng ta muốn dịnh nghĩa giáo dục là gì,  thì chúng ta có thể nói giáo dục là công việc làm cho chân lý triển nở ra, làm cho thấy rõ được cái căn cốt của sự vật, hoặc như Aristote nói: giáo dục như người đàn bà đỡ đẻ, giúp cho đứa bé là “sự thật”, đứa bé “chân lý” đi ra ngoài khỏi tâm trí. Chính đó là công việc của lý trí. Và ở đây chúng ta cũng nhận ra sự kỳ diệu của ơn huệ lý trí Thiên Chúa ban cho chúng ta, như lời Đức Thánh Cha Beneđictô XVI thường nói: đó là “ơn huệ” và là “điều được ban tặng”, “được cho” (x. Đast, s.  34.37.77), vì lý trí làm cho con người đạt tới các chân lý cao hơn, vượt trên các chân lý vật chất, đem chúng ta tới cái gì hơn nữa.

Sau cùng cái cao đẹp nhất của lý trí là làm cho con người nhận ra cái căn cốt cùng tột của mình: đó là nhận ra và chiêm ngưỡng Đấng Tạo hóa ĐAST s. 69. 78). Thông điệp Đức ái trong sự thật nói: “Khi tinh thần được làm cho bớt bị nô lện các sự vật, thì tinh thần có thể được nâng lên cao để thực hiện việc thờ lạy và chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa” (s. 69). Ở đây chúng ta đi tới phạm vi tôn giáo. Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma về sự việc con người có thể dùng lý trí để nhận ra và hiểu biết Thiên Chúa, kể cả người ngoại giáo nữa (x. Rm 1, 18 – 23). Nhưng người thời nay lại muốn tự đủ cho chính mình và do chính mình và không muốn dành một chỗ đứng đúng cho Thiên Chúa trong mọi phạm vi cuộc sống con người (x. ĐAST s. 4. 70). Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự và mọi vật, mọi hoạt động của chúng ta, là nguồn gốc của chúng ta và mọi vật (x. Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 10). Ngài suy tư từ ý niệm về ơn huệ ban nhưng không cho con người trong tất cả mọi thực tại trần gian, rồi đưa họ tới ý niệm rằng Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người chúng ta và Ngài chờ đợi chúng ta phải đáp trả lại ơn huệ của Ngài (x. ĐAST s. 36).  Công việc này chỉ lý trí mới làm được và lý trí cũng không có thể tự mình làm được cách hoàn toàn, nếu không có ơn mặc khải được ban cho ta trong Chúa Kitô. Từ đây có sự kết hợp và hợp tác giữa lý trí và đức tin (ĐAST s. 56).  Như vậy địa vị và trách nhiệm của lý trí con người thật cao cả và đòi hỏi phải dấn thân rất nhiều trong tất cả những gì liên hệ tới lý trí, như học hành, việc tập suy tư, tập phán đoán cho đúng, tập chiêm niệm các chân lý siêu nhiên đem chúng ta đi tới Thiên Chúa.

2.         Lý trí trong phạm vi thực hành của đời sống tu đức

Hiểu biết lý trí qua các điều vừa trình bày trên đây, - cho dù chỉ là những suy tư rất đơn sơ -  chúng ta có thể áp dụng chúng vào trong đời sống tu đức, đời sống tu trì của chúng ta. Tôi xin gợi ra mấy điểm sau đây để suy nghĩ trong cuộc sống thiêng liêng của mỗi người.

·                    Tập luyện lý trí làm việc

Quan sát một em bé, chúng ta thấy em thông minh, trong giới hạn của em. Từ từ em thể hiện lý trí của em trong việc hỏi rất nhiều, “cái này là gì vậy?”, hoặc “tại sao vậy?” . . . Nhiều khi người lớn không biết phải trả lời thế nào cho thích hợp với tầm hiểu của em. Rồi cha mẹ cho em đi học, đó là cách thế thông thường để em phát triển lý trí, để khai mở ra cái khả năng của lý trí dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên chúng ta thường có một thái độ nhờ vả, đón nhận, ăn sẵn, mà không tự làm, không dùng lý trí để tự tìm hiểu trong đời sống tu trì, đời sống thiêng liêng: tất cả có bề trên quyết định, có các cha giúp, do người khác giúp. Chúng ta đang làm cho lý trí ngủ yên, thụ động, không phát triển và mỗi ngày cùn nhụt đi. Thái dộ này rất phản lại với công việc giáo dục con người. Phương pháp giáo dục ở Au Châu và Mỹ Châu (Bắc Mỹ Châu) thường khác nhau. Ở Au Châu, người ta thường học theo sách vở, từ chương, thuộc lòng. Còn ở Bắc Mỹ, thày giáo không làm hết, nhưng để học trò làm trước rồi giúp học trò phán đoán đúng sai về những gì họ viết, họ nghĩ ra.

Vậy trong đời sống tu trì cũng thế, chúng ta cũng cần tập luyện lý trí để giúp cho đời sống thiêng liêng của mình. Đó là ý nghĩa của các việc đọc sách đạo, việc đọc sách thiêng liêng, việc đọc Sách thánh, việc nguyện ngắm, việc chiêm ngắm chân lý lâu giờ, việc huấn đức, giảng giải, việc giúp nhau chia sẻ Lời Chúa, việc đọc Lời Chúa đi chung với việc cầu nguyện (lectio divina), việc cùng làm chung với nhau trên một đề tài nào đó, việc học giáo lý, học thần học, học triết học kinh viện  . . . Tất cả nhằm tập luyện lý trí của chúng ta, nhằm làm tăng thêm kiến thức về đời sống siêu nhiên. Tất cả nhằm đem chúng ta có được hiểu biết thêm về Thiên Chúa (scientia Dei), cho chúng ta ý nghĩa của các yếu tố của đời sống đạo, đời sống thiêng liêng, đời sống tu trì. Tất cả giúp chúng ta có thể tự trả lời cho câu hỏi: “tại sao tôi lại làm việc này?”. Khi con người tu sĩ xác tín về các chân lý nền tảng, ý nghĩa của đời tu, các lời khấn dòng, các hậu quả từ đó mà ra, và ý thức hiểu biết về sự chọn lựa sống đời tu trì, không phải do tình cảm chóng qua, không vì dì chú cha mẹ đẩy đi, nhưng là một sự chọn lựa hoàn toàn ý thức và tự do, thì họ sẽ vững vàng trong đời tu, sẽ không chao đảo trước các khó khăn, thử thách, cám dỗ. Họ sẽ là người sống theo nguyên tắc, theo lý trí. Khi họ biết tại sao phải làm các việc đạo đức, và làm hằng ngày, thì họ không dễ dàng bỏ qua, hoặc làm cách chiếu lệ, vô ý thức. Khi họ sống trưởng thành với ý thức về trách nhiệm trên đời sống của mình, thì chính họ thu xếp cuộc sống, ra chương trình sống cho mình, và tránh tất cả những gì ngược lại với các nguyên tắc chân chính họ đã theo. Họ sẽ không dễ dàng nghe theo các lý luận hời hợt vô nghĩa, không chấp nhận các mối liên hệ thiếu trưởng thành và làm xa ơn gọi. Các cuộc gặp gỡ của họ với người khác khác được diễn ra một cách thanh thản, vui tươi và đầy kính trọng đối với người mình đang gặp gỡ và họ cũng đòi hỏi người kia phải có sự kính trọng chân thành đối với mình. Với những người này, các Bề Trên tin tưởng trao phó công việc cho họ mà không e ngại và không phải bận tâm nhiều. Giờ cầu nguyện của những người này có một nội dung thật sâu xa và đem họ vào sâu trong việc chiêm ngắm Thiên Chúa.

2.         Cụ thể như thế nào?

Đi vào cụ thể, chúng ta có thể nghĩ tới các phương thức phát triển và tập luyện lý trí trong đời sống tu đức như sau.

-        Hãy lợi dụng hết sức, các phương tiện có được để tăng cường sự hiểu biết về Thiên Chúa, về đời sống thánh thiện, về các việc đạo đức: như việc nguyện ngắm, đọc sách đạo, đọc sách Kinh Thánh, hình thức lectio divina, việc suy gẫm riêng, đọc đi đọc lại một đoạn sách hay. Tự mình tìm ra đề tài để suy gẫm trong các giờ riêng, trong giờ tự do. Đừng bao giờ bỏ đọc sách đạo. Những lúc khó suy gẫm, thì đọc sách đạo, vì ít phải dùng lý trí hơn. Những lúc khó khăn thì đọc những cuốn sách có nội dung dễ hiểu.

-        Sắp đặt việc học hỏi theo một thứ tự tiệm tiến: đọc các sách đạo, sách tu đức, sách thần học, đơn sơ dễ hiểu, rồi tới các sách khó hơn, các đề tài chuyên biệt hơn. Tìm đọc các sách làm tăng kiến thức về khoa học, về nhân bản, về triết học, văn hóa . . . Nếu chưa tự mình thực hiện được thứ tự này, thì nhờ các người chuyên môn giúp cho, như các giáo sư, các cha linh hướng, cha giải tội, các người bạn tốt và có bản lĩnh vững chắc, để biết phải đọc loại sách nào trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mình. Những khi bận rộn, nhiều việc, không thể dành giờ để đọc sách đạo, thì sau đó, vào lúc rỗi, nên đọc bù lại.

-        Tham dự các cuộc hội thảo, các khóa thường huấn, bối dưỡng, các buổi thuyết trình được tổ chức cho các nhóm người khác nhau, nhất là về đời sống tu đức, đời thánh hiến. Nói về việc thường huấn, Tông huấn đời thánh hiến trình bày như sau: “Do đó, đây là điều thật quan trọng là mỗii Hội Dòng theo như Quy chế về việc huấn luyện và học hỏi, hãy liệu xác định, một cách rõ ràng và có hệ thống, dự án về việc thường huấn, mà mục đích nguyên thủy là hướng dẫn mỗi người thánh hiến nhờ một chương trình liên tục xuyên suốt đời sống của họ” (Tông huấn Đời sống thánh hiến, 25-3-1996, số 69). Công đồng Vaticano II trong Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục, số 19, cũng nhấn mạnh về nhu cầu thường huấn trong đời sống linh mục. Mỗi bài thuyết trình luôn cho chúng ta một cái gì mới, một cách trình bày mới về một đề tài. Đó là kết quả của một công việc suy tư lâu dài của vị thuyết trình và luôn hướng về các thính giả. Vì các thuyết trình viên khi được mời thuyết trình, đã phải đọc rất nhiều, suy tư lâu giờ, viết đi viết lại bài thuyết trình, và luôn nhắm tới: tôi sẽ nói cho ai, hạng người nào, làm sao để họ thu lượm được điều tôi nói. Các bài giảng của các linh mục cũng thế, và chắc chắn các linh mục cũng làm với ý thức này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Beneđícto XVI, trong những ngày nghỉ hè tại Castelgandolfo (cách Rôma độ 30 cây số) hay ở các nơi khác tại Bắc Italia, thường mời các nhà thần học, hay các nhà xã hội học, để cùng bàn thảo về một vấn đề. Các Đức Giáo Hoàng nghe, tham gia và cùng suy tư học hỏi với các nhà chuyên môn. Đó là gương cho chúng ta.

-        Mỗi người cũng nên có ít nhất các cuốn sách cần thiết, như Kinh Thánh, một vài cuốn sách đạo căn bản, một số sách mà chúng ta thích, một vài cuốn chú giải kinh thánh . . . Các tiệm sách đạo có rất nhiều loại sách khác nhau để tùy mỗi người, mỗi tâm hồn chọn lựa khi mua. Hy vọng tại Việt Nam nhiều sách thần học, triết học Kitô giáo, . . .  được viết ra để đáp ứng nhu cầu phát triển lý trí của tín hữu và những người khác muốn tìm hiểu. Các ký giả viết về hành trang của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đi nghỉ hè, đã cho biết là trong đó Ngài luôn mang theo một số cuốn sách để đọc trong những ngày đi nghỉ hè. Chúng ta nghĩ Đức Thánh Cha còn cần phải đọc sách à? Và đó là tấm gương cho chúng ta.

-        Trong một cộng đoàn nên (nếu không nói là “phải”) có một thư viện tạm đầy đủ, lớn nhỏ tùy nghi, để các phần tử có thể dùng sách tại đây để đọc riêng.

-        Các tu sĩ, nhất là các nữ tu, cũng cần được thông tin về các biến cố quan trọng, của Giáo Hội địa phương, Giáo Hội hoàn vũ, như việc bổ nhiệm các giám mục mới, các văn kiện mới của Đức Thánh Cha, của Tòa Thánh, các cuộc công du mục vụ của Đức Thánh Cha, . . . Mỗi cộng đoàn nên ủy cho một người lo việc này để thông tin cho tất cả cộng đoàn, trong một lúc thuận tiện nào đó, hay qua một bản tin treo ở nơi công cộng. Làm như vậy, các tu sĩ được biết các tin tức của Giáo Hội, không bị cắt đứt với sự hiệp thông cụ thể với Giáo Hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương, và với nhân loại.

Trong kinh nghiệm hướng dẫn các tâm hồn người ta nhận ra một sự kiện này, đó là, những ai đã có chút ít vốn hiểu biết về đàng thiêng liêng thì sẽ dễ dàng được chỉ bảo trong các lúc khó khăn và họ dễ chấp nhận các đề nghị, các lối giải thích đạo đức giúp tiến thêm hay giúp thắng lướt các khó khăn, các cơn cám dỗ. Những ai được cộng đoàn cử đi học chuyên biệt về các khoa học, hãy thi hành công việc học hành trong tinh thần phục vụ cộng đoàn, chuyên chăm và khiêm nhường.

Chúng ta thường nói: “Vô tri bất mộ”, không hiểu biết thì không yêu mến. Điều này áp dụng rất đúng trong cái nhìn về lý trí liên hệ tới đời sống thiêng liêng. Thánh Augustinô cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, để con yêu mến Chúa hơn”.

                                                              Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     SỐNG NGÀY CUỐI ĐỜI
     KÍNH MỪNG MARIA
     HOA MÂN CÔI
     TẠI SAO TÔI PHẢI LẦN HẠT MÂN CÔI?
     Ý Nghĩa Hoa Mân Côi. sưu tầm
     LẠY ĐỨC MẸ MÂN CÔI, XIN CỨU GIÚP CON!
     TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI BAO TRÙM TRÁI ĐẤT
     THÁNG MƯỜI LÀ THÁNG MÂN CÔI HAY THÁNG TRUYỀN GIÁO
     DIỄM TÌNH CA ''MÂN-CÔI''. Đaminh Phan văn Phước
     Phương pháp đọc Kinh Thánh: Bối cảnh và cấu trúc. Giu-se Lê Minh Thông, O.P.