GẶP- GỠ CHÚA GIÊSU NƠI BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Quý vị thính giả thân mến,
Hôm qua, như thường lệ, tại quảng trường thánh Phê-rô ở Roma tín hữu và khách hành hương quy tụ về để cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến biến cố Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ và Người vẫn hiện diện sống động giữa chúng ta trong thánh lễ.
Anh chị em thân mến,
Trong Chúa Nhật thứ ba mùa Phục Sinh, ngang qua Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với các tông đồ trong khi các ông còn chưa tin vào sự phục sinh và tâm lòng còn hoảng sợ và nghĩ rằng đã thấy một bóng ma. Tác giả Romano Guardini viết: "Thiên Chúa đã biến đổi, Người không còn như trước nữa. Sự hiện hữu của Ngài là điều không thể hiểu được bằng trí khôn nhưng là sự hiện hữu cụ thể ngang qua cuộc sống, cuộc thương khó và cái chết trên thập giá. Tất cả là thực. Cho dù có biến đổi, Ngài vẫn hiện diện cách hữu hình." (Thiên Chúa. Suy niệm về con người và cuộc sống của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Milano 1949, 433). Vì sự phục sinh không xoá bỏ các dấu vết của cuộc thương khó, Chúa Giê-su cho các tông đồ xem tay và chân của Người. Và để chứng minh cụ thể hơn, Người thậm chí xin chút gì đó để ăn. Các tông đồ "đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24, 42-43). Thánh Gregorio Magno chú giải rằng "cá nướng không diễn tả điều gì khác ngoài cuộc thương khó của Chúa Giê-su, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Người đã hạ mình xuống làm người, đã chấp nhận sự trói buộc của cái chết và như thể đã bị đặt trên lửa bởi những đau khổ phải chịu trong cuộc thương khó" (Hom. in Evang. XXIV, 5: CCL 141, Turnhout 1999, 201).
Những dấu vết hữu hình này đã xua tan đi những hoài nghi nơi các tông đồ và giúp các ông mở lòng đón nhận đức tin; chính niềm tin này giúp các ông hiểu những gì đã viết về Đức Ki-tô trong " sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh" (Lc 24,44). Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng đọc thấy rằng Chúa Giê-su "mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân ... kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (x.Lc 24, 45-48). Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và bí tính Thánh thể. Do đó, các môn đệ Emmau đã nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh (x.Lc 24,35). Chúng ta cũng vậy, chúng ta gặp gỡ Người trong khi cử hành thánh lễ. Thánh Tô-ma A-qui-nô diễn giải rằng "cần nhận biết trong đức tin công giáo rằng toàn bộ con người Chúa Ki-tô hiện diện trong bí tích Thánh thể ... bởi vì không bao giờ Người rời bỏ thân thể mà Người đã nhận lấy" (S. Th. III, q. 76, a.1).
Anh chị em thân mến,
Trong mùa Phục Sinh, chúng ta thường cử hành việc rước lễ lần đầu cho các trẻ em. Do đó, tôi mời gọi các cha xứ, các bậc phụ huynh và các giáo lý viên chuẩn bị kỹ lưỡng thánh lễ quan trọng này với lòng nhiệt thành trong tinh thần tiết kiệm. "Ngày này sẽ còn lưu lại trong tâm trí mỗi người bởi là thời khắc đầu tiên để hiểu được việc gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su" (Esort. ap. postsin. Sacramentum caritatis, 19). Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta lắng nghe chăm chú Lời Chúa và tham dự cách xứng hợp vào thánh lễ hầu trở thành chứng nhân cho nhân loại mới.
Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện phong chân phước cho chị Maria Ines Teresa tại Mê-xi-cô hôm trước đó. Chân phước Maria của Bí tích Thánh thể là người sáng lập hội dòng Thừa sai tôn sùng Bí tích Thánh thể.
Hôm qua cũng là Ngày các trường Đại học Công giáo Thánh Tâm tại Ý với chủ đề: "Tương lai đất nước trong tim các bạn trẻ". Đức Thánh Cha nhận định rằng điều quan trọng là các bạn trẻ được đào luyện trong các giá trị nhân bản cũng như những hiểu biết khoa học và kỹ thuật. Như thế, thời gian trôi đi với những thay đổi nhưng luôn cần trung thành với cội rễ của mình.
Với khách hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha mời gọi: "Sự phục sinh của Chúa Giê-su đem lại tràn đầy niềm vui và ánh sáng trong tâm hồn chúng ta. Người đã hiện ra với các tông đồ và trao cho họ bình an của Ngài. Trong thế giới chúng ta hôm nay với nhiều tệ nạn và đau khổ, chịu đựng và sợ hãi, chính Chúa Giê-su phục sinh trao ban cho chúng ta bình an của Người và mở lòng chúng ta đón nhận sự sống và niềm vui. Người mời gọi chúng ta trở thành chứng nhân cho đến tận cùng cõi đất. Ước gì tâm trí và con tim chúng ta biết rộng mở để hiểu được Lời Người.
Bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha chào mừng đoàn hành hương đến từ giáo xứ thánh Giu-se Thợ ở Mostoles. Trong mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu canh tân bí tích thanh tẩy và sống đời sống mới với Đức Ki-tô và với tha nhân. Qua đó, ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su phục sinh gặp gỡ chúng ta cách sống động và cá vị trong các bí tích để củng cố đức tin và tăng thêm niềm hy vọng cho chúng ta.
Sau cùng, Đức Thánh Cha gởi lời chào và chúc tất cả một ngày Chúa nhật an lành.
Đặng Thế Nhân