Giải phóng nữ giới là khước từ việc phá thai
Phỏng vấn bà Monica Lopez Barahona, giáo sư sản khoa
Ngày 25-2-2010 thủ tướng José Luis Zapatero đã ký nhận luật mới về phá thai do Quốc Hội Tây Ban Nha thông qua với 132 phiếu thuận, 126 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các phản kháng của dân chúng, cũng như các chống đối bên trong Đảng Xã Hội và các phản đối của các Giám Mục Tây Ban Nha, chính quyền của thủ tướng Zapatero đã nhất quyết đưa ra luật mới nói trên. Ngày 17-10-2009 đã có 2 triệu người tham gia cuộc biểu tình trong thủ đô Madrid để phản đối luật này. Cuộc biểu tình đã do 42 phong trào bảo vệ sự sống tổ chức, khởi hành từ Puerta del Sol tới Puerta d'Alcalà. Đáp lại lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục và Đảng Nhân Dân, là Đảng đối lập chính tại Tây Ban Nha, các đoàn người biểu tình đã từ khắp nơi trong nước Tây Ban Nha đi máy bay, xe lửa và 700 chuyến xe bus tuốn về thủ đô Madrid. Họ mang theo nhiều biểu ngữ viết “Mọi sự sống đều quan trọng”, “Quyền sống”, “Các bác sĩ của sự sống” vv...
Luật mới cho phép phụ nữ được tự do phá thai cho tới tuần thứ 14 và các nhà thương sẽ bảo đảm việc này cho họ. Luật mới cũng cho phép các thiếu nữ vị thành niên tuổi từ 16 tới 18 phá thai mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ. Các người trẻ này có thể phá thai miễn phí và bí mật. Ngoài ra luật mới cũng cho phép bán viên thuốc “ngày hôm sau” mà không cần phải có giấy của bác sĩ. Tuy bị các phong trào bảo vệ sự sống mạnh mẽ chống đối, nhưng luật mới do thủ tướng ký sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 4 tháng nữa.
Luật phá thai cũ ban hành năm 1985 chỉ cho phép phá thai với ý kiến của bác sĩ trong 3 trường hợp: thứ nhất là khi bị hãm hiếp được phá thai tới tuần thứ 12; thứ hai, trong trường hợp thai nhi bị tàn tật được phá thai tới tuần thứ 22; và thứ ba trong trường hợp thai nhi nguy hại cho sức khỏe tâm thể lý của người mẹ thì được phá thai không hạn định. Trên thực tế lý do thứ ba này thường được viện dẫn trong 90% các trường hợp phá thai. Trong một vài nhà thương tư đã có các lạm dụng, vì người ta giết các bào thai cả khi chúng được 7-8 tháng.
Trong các ngày qua giới chức chính quyền tự trị Navarra cho biết sẽ kiện luật phá thai mới này lên Tòa Bảo Hiến, để ngăn chặn không cho nó có hiệu lực trong vòng 4 tháng nữa, vì nó phản Hiến Pháp và đã xâm lấn lãnh vực chuyên môn của Y khoa vùng miền. Luật mới cho phép phụ nữ phá thai trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, nhưng trong vùng Navarra không thể phá thai trong các nhà thương công cũng như trong các nhà thương tư. Vì lý do lương tâm, các bác sĩ vùng Navarra sẽ không để cho luật này được áp dụng tại đây. Trong khi đó đảng Nhân Dân là đảng đối lập đang chuẩn bị kiện luật mới của chính quyền vì tính cách bất hợp hiến của nó trong thời gian trước ngày mùng 4 tháng 6 tới này. Các giới chức vùng Navarra viện dẫn hai lý do: thứ nhất là phán quyết của Tòa Bảo Hiến năm 1985 bảo đảm bảo vệ trẻ em chưa sinh ra. Thứ hai là việc vi phạm quyền bính của quốc gia, vì cho phép thiếu nữ vị thành niên 16 tuổi phá thai mà không cần sự chấp thuận của cha mẹ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Monica Lopez Barahona, giáo sư sản khoa, về việc giải phóng nữ giới. Bà Barahona cũng là Phó chủ tịch diễn đàn Công Dân, và nhân danh việc bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, bà đã thu thập 300 chữ ký của các nhà trí thức Tây Ban Nha nhằm chống việc cải tổ luật phá thai do thủ tướng Zapatero ký nhận hồi tháng 2 năm nay 2010.
Hỏi: Thưa giáo sư Barahona, giáo sư nghĩ gì về các chống đối luật mới về phá thai đã được Quốc Hội Tây Ban Nha thông qua và được thủ tướng Zapatero ký nhận hồi tháng 2 vừa qua?
Đáp: Chính quyền Tây Ban Nha muốn biến một tội phạm trở thành một quyền, nhưng rất may là xã hội Tây Ban Nha chưa hoàn toàn bị tê liệt. Các cuộc xuống đường biểu tình chống phá thai và các tài liệu chống lại việc cải tổ luật phá thai mang chữ ký của hàng ngàn nhà khoa học và luật gia, chứng minh cho thấy một phần lớn người dân Tây Ban Nha từ chối luật mới do nhà nước và thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero đưa ra. Chính quyền đã không lắng nghe các lời yêu cầu tha thiết của giới khoa học khẳng định rằng sự sống con người bắt đầu với việc thụ thai, cũng như ý kiến của Tòa Bảo Hiến, của Ủy ban sinh học và Hội đồng nhà nước.
Hỏi: Sau nhiều năm thinh lặng liên quan tới vấn đề phá thai, một phần của xã hội Tây Ban Nha đang tỉnh dậy và lên tiếng. Giới trí thức nắm giữ vai trò nào thưa giáo sư?
Đáp: Đó là một vai trò định đoạt trên bình diện khoa học, luật pháp, triết lý và nhân chủng. Trong lãnh vực sức khỏe sinh sản không bao giờ được loại trừ tiếng nói của khoa học. Là các nhà khoa học và giáo sư đại học chúng tôi là tiếng nói có thẩm quyền đề cập tới vấn đề này. Không thể biến một tội phạm thành một quyền lợi được.
Hỏi: Diễn đàn Công Dân là gì thưa giáo sư?
Đáp: Đó là một hiệp hội gồm 300 chuyên viên cùng chia sẻ các lo lắng khoa học như nhau. Để ngăn chặn luật mới nói trên, chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng giúp đảng phái đối lập chính, kiện luật mới này vì tính cách bất hợp hiến của nó. Thật thế, vì luật mới này không tuân hành các nguyên tắc Hiến Pháp của chúng tôi.
Hỏi: Theo giáo sư, đâu là các lý do đích thật của luật phá thai này?
Đáp: Khó mà tìm ra một lý do cho một cái gì vô nghĩa. Nhưng chúng tôi phải nhắc lại rằng luật này đã do một ủy ban là Bộ đặc trách về sự Bình đẳng soạn thảo, trong khi phá thai luôn luôn là một đề tài riêng của Bộ Y Tế. Yêu sách của nó là biến một tội phạm thành một quyền. Không có gì khiến cho một phụ nữ trở thành nô lệ hơn là giết chết con mình. Trái lại, không có gì khiến cho phụ nữ tự do hơn là làm tất cả những gì cần thiết để tiếp tục mang thai con và cho con chào đời. Có lẽ chúng ta có thể đề cập tới một việc biểu dương ý thức hệ của chủng loại, một khuynh hướng nữ quyền triệt để bị giải thích dở. Xem ra mang thai là một căn bệnh không bằng...
Hỏi: Thưa giáo sư Barahona, đâu là các mục đích chính trị của một luật phá thai như luật mới được chính quyền Tây Ban Nha chấp thuận, khiến cho xã hội bị chia thành hai phe phò chống?
Đáp: Có một khía cạnh của luật mà chúng ta không được phép quên: đó là văn bản đề cập tới việc giáo dục tính dục. Chính quyền tuyên bố mình cấp tiến, nhưng lại hành động một cách bệnh hoạn, vì sử dụng các giới chuyên môn hoàn toàn xa lạ với vấn đề. Như thế thì họ có quyền gì để giáo dục người trẻ về đề tài tính dục? Họ tuyên bố là mình cấp tiến, nhưng lại hành xử như một Nhà Nước độc tài.
Hỏi: Đây không phải là luật đầu tiên gây chia rẽ trong xã hội Tây Ban Nha liên quan tới các đề tài luân lý đạo đức. Với luật cho phép các thử nghiệm trên phôi thai người chính quyền đã gây ra chia rẽ trong xã hội y như thế, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Cả trong trường hợp này nữa luật đó đã được giới thiệu như là một luật cấp tiến. Trong phần dẫn nhập người ta nói rằng việc nghiên cứu trên các phôi thai người ngày nay là điều không thể bỏ qua mà không chấp nhận. Nhưng đó là điều sai lầm. Lý do vì không có các bài khảo luận nào liên quan tới vấn đề này, trong khi có tới 2889 bài khảo luận liên quan tới các tế bào gốc trưởng thành. Điều này có nghĩa là người ta ý thức hệ hóa khoa học. Ngoài ra nó cũng là một sự ngu dốt khoa học nữa: vì chính bà bộ trưởng Bộ Bình Đẳng đã nói rằng bào thai là một sinh vật, chứ không phải là một người...
Hỏi: Như thế có nghĩa đây là một chủ thuyết cấp tiến giả, có phải thế không thưa giáo sư?
Đáp: Một xã hội hủy hoại các bào thai thì không phải là một xã hội cấp tiến. Không phải là chủ nghĩa cấp tiến, nếu cho phép phụ nữ hoàn toàn tự do lấy mất đi sự sống của đứa con. Trái lại cấp tiến là trợ giúp phụ nữ trên bình diện kinh tế, hay tạo điều kiện dễ dãi cho việc nhận con nuôi. Chỉ cần nghĩ rằng với các vụ phá thai xảy ra tại Tây Ban Nha trong vòng 15 ngày, người ta có thể lấp đầy danh sách những người chờ đợi được nhận con nuôi trên toàn thế giới trong một năm.