Giáng Sinh đó đây trên thế giới
Trong bầu khí tươi vui của Ngày lễ Giáng Sinh mừng kính biến cố Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người, chúng tôi xin kính mời qúy vị và các bạn cùng chúng tôi đi một vòng xem kitô hữu mừng lễ Giáng Sinh đó đây trên thế giới.
Trước hết là tại một số nước Á châu. Tín hữu Kitô Philippines, nhất là tại Cagayan de Oro trên đảo Mindanao, năm nay đón mừng Giáng Sinh trong tang tóc, vì trận mưa bão Washi đã khiến cho hơn 1.000 người thiệt mạng, và hàng chục ngàn người không còn nhà ở.
Tổ chức bảo vệ dân sự Philippines cho biết hậu qủa trận bão lụt đã liên lụy đến 338.000 người thuộc 13 tỉnh tại Mindanao. Vì sợ bệnh dịch lan tràn, chính quyền địa phương đã quyết định chôn tập thể các nạn nhân. Tổng thống Benigno Aquino đã tuyên bố tình trạng quốc nạn.
Như qúy vị và các bạn đã biết, đêm 16 rạng ngày 17-12-2011, mưa bão đã trút nước xuống trên toàn vùng khiến cho đất lở, sông lạch tràn bờ, cuốn trôi hàng chục làng mạc.
Các tổ chức bác ái công giáo quốc tế đang cùng Caritas Philippines cứu trợ dân chúng tại đây. Đức Cha Antonio Ledesma, Tổng Giám Mục Cagayan de Oro, cho biết Giáo Hội đang nỗ lực trợ giúp 35.000 người phải di tản. Hội Đồng Giám Mục Italia đã bỏ ra ngân khoản 1 triệu Euros và Caritas Italia đã gửi 100.000 Euros để trợ giúp các nạn nhân.
Tại Indonesia trên đảo Giava, kitô hữu tỉnh Bogor đã không thể công khai cử hành lễ Giáng Sinh, vì các nhóm hồi cuồng tín và chính quyền dân sự vào hùa với nhau, viện cớ bảo vệ an ninh công cộng và thi hành sắc lệnh cấm các sinh hoạt tôn giáo công khai, không cho cử hành lễ Giáng Sinh trong nhà thờ thánh Gioan Tiền Hô. Linh Mục Emmanuel Harjito, Giám đốc Hiệp Hội giáo hoàng truyền giáo Indonesia, cho biết hồi năm ngoái các kitô hữu Bogor cũng đã gặp các khó khăn như vậy, đến nỗi họ đã phải tổ chức cử hành lễ Giáng Sinh trong một bãi đậu xe. Ngoài ra, trong năm 2011 đã xảy ra nhiều vụ bạo lực sách nhiễu và khủng bố các tín hữu kitô. Đối với nhiều cộng đoàn kitô địa phương, quyền tự do thực hành đạo bị hạn chế hay bị khước từ. Các nhóm hồi cuồng tín này tuy nhỏ nhưng rất mạnh và ảnh hưởng trên giới chức chính quyền địa phương; họ công khai đi ngược lại năm nguyên tắc Pancasila và khuynh hướng đa nguyên của Indonesia.
Bên Campuchia Giáo Hội công giáo tiếp tục lớn mạnh và Giáng Sinh năm nay có rất nhiều tin vui. Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, Giảm quản tông tòa Phnom Penh, cho biết một trong các tin vui đó là phong trào hướng đạo sinh công giáo đã được văn phòng mục vụ giới trẻ thành lập có trên 1.000 thành viên; việc mở cửa “Làng hòa bình” tiếp đón các bệnh nhân liệt kháng; khai trương “Trường đức tin” là khóa học kéo dài 500 giờ dậy Thánh Kinh, thần học, tu đức, luân lý, với nhiều giáo dân tham dự. Ngoài ra giáo phận thủ đô Phnom Penh đã bằt đầu năm mục vụ với chủ đề “Ở với Chúa”, có 1.000 đại biểu tham dự. Thêm váo đó còn có đại hội của các Giám Mục Campuchia và Lào, cũng như việc thành lập “Liên Minh bác ái” quy tụ 20 tổ chức công giáo phi chính quyền trong việc trợ giúp người nghèo, người tàn tật, đau yếu, nhằm đáp ứng hữu hiệu hơn sứ mệnh tình yêu đươc trao phó cho tín hữu công giáo. Ngoài ra, còn có “đêm cầu nguyện cho ơn gọi” và lễ nghi mở án phong chân phước cho 19 vị tử đạo Campuchia, trong đó có Đức Cha Salas Chmar, vị Giám Mục đầu tiên của Giáo Hội địa phương, cũng như lễ truyền chức linh mục cho 4 tân chức người Campuchia.
Tại Lào, các kitô hữu không được yên hàn mừng lễ Giáng Sinh. Ngày 16-12-2011 đã có 8 thủ lãnh thiểu số kitô bị cảnh sát bắt tại làng Boukram, tỉnh Savannakhet, đang lúc họ hướng dẫn một buổi cầu nguyện giúp 200 tín hữu hiện diện chuẩn bị tinh thần mừng lễ Giáng Sinh. Trước đó, họ đã xin phép, và chính quyền địa phương đã đồng ý. Nhưng rồi cảnh sát đã ập đến và bắt 8 người đem về đồn. Bốn người bị bịt mắt và còng tay. Hiện họ vẫn còn bị giam giữ, và cũng không biết mình bị bắt vì tội gì. Ngày 18-12-2011, vài nhân viên của Giáo Hội Tin Lành Lào đã thương lượng với chính quyền và xin trả tự do cho ông Kingnamosorn, sau khi đóng số tiền 1 triệu Kíp, tương đương với 123 mỹ kim, tức gấp ba lần lương tháng của một công nhân.
Từ trước tới nay, nhà nước cộng sản Lào vẫn đàn áp tôn giáo. Tại Lào 67% trên tổng số 6 triệu dân theo Phật giáo; tín hữu công giáo chỉ chiếm 0,7% và thường bị bách hại và sách nhiễu. Hồi tháng 2 năm nay 2011 đã có 65 nông dân kitô bị bỏ đói vì không chịu bỏ đạo. Cách đây 6 tháng nhà nước cộng sản Lào đã bắt giữ 2 mục sư tin lành và cho tới nay chưa trả tự do cho các vị.
Nhưng chẳng cần nói gì xa xôi, ngay tại Việt Nam, các tín hữu kitô nhiều nơi cũng không thể mừng lễ Giáng Sinh yêu hàn. Không kể các nơi liên tục bị các nhóm công an và côn đồ sách nhiễu, quấy phá, chửi bới mất dậy tục tĩu, ngay trong lúc linh mục và giáo dân cử hành thánh lễ như Thái Hà, Con Cuông, Mỹ Lộc... ngay tại giáo xứ nhà thờ chính tòa Nha Trang, chính quyền cũng cấm cử hành thánh lễ đêm Giáng Sinh và cấm luôn việc làm hang đá trên lễ đài Ave Maria nữa. Nó cho thấy việc đại diện các ban ngành của nhà nước cộng sản Việt Nam tới chúc mừng lễ Giáng Sinh giáo xứ chỉ là trò hề giả dối, trơ trẽn.
Trong giáo phận Kontum cũng có môt số nơi tín hữu không được phép cử hành lễ Giáng Sinh. Nhưng bù lại, một số nơi khác lần đầu tiên tín hữu có thể tổ chức mừng lễ sau mấy chục năm không có thánh lễ.
Năm nay cũng là lần đầu tiên các sinh viên học sinh được yên lành mừng lễ, vì đã thi xong học kỳ trước lễ, thay vì phải thi đúng ngày 25-12 như các năm trước. Chính sách thù ghét và chủ trương tiêu diệt tôn giáo đã khiến cho nhà nước nghĩ ra mọi hình thức cản ngăn và hành khổ các kitô hữu. Nhưng thực ra họ không bao giớ có thể loại bỏ lễ Giáng Sinh, vì Giáng Sinh đã trở thành ngày lễ quốc tế, được mừng khắp nơi trên thế giới. Dù có ý thức hay không có ý thức, và có muốn hay không muốn, biến cố Đức Giêsu Kitô giáng sinh đã trở thành mốc ghi thời gian cho lịch sử mọi dân tộc toàn thế giới.
Từ Việt Nam chúng ta sang Ấn Độ. Trong giáo phận Cuttack-Bhubaneswar thuộc bang Orissa, mỗi khi lễ Giáng Sinh về, các kitô hữu lại lo sợ bị các nhóm ấn giáo cuồng tín tấn kích và bách hại.
Đức Cha John Barwa, Tổng Giám Mục giáo phận cho biết cộng đoàn Kitô cử hành lễ Giáng Sinh “trong tỉnh thức và thận trọng”, và Đức Cha đã yêu cầu chính quyền đưa ra các biện pháp bảo đảm an ninh cho tín hữu. Lý do là vì tổ chức ”Kui Samaj Seva Samity”, đặc trách phục vụ xã hội và bộ tộc, được các nhóm ấn giáo cuồng tín “Rashtriya Swayamsevak Sangh” ủng hộ, đã tuyên bố đình công trong các ngày 24 đến 27 tháng 12 để phản đối chính quyền đã không cho họ các ngân khoản trợ giúp. Tín hữu kitô lo sợ vì trong một cuộc đình công tương tự hồi năm 2007, đã xảy ra các vụ đàn áp bách hại khiến cho 5 kitô hữu thiệt mạng. Đức Tổng Giám Mục Barwa cũng cho biết kể từ khi xảy ra các vụ bách hại kitô hữu tại Kandhamal hồi năm 2008, khiến cho 90 người thiệt mạng và 56 ngàn người phải di cư tị nạn, cộng đoàn kitô vẫn tiếp tục sứ mệnh làm chứng cho đức tin. Tuy tình hình hiện nay có yên hơn một chút, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra các vụ sách nhiễu, đe dọa; và tại một vài nơi kitô hữu vẫn bị cưỡng bách theo Ấn giáo hay phải bỏ trốn đi nơi khác sinh sống.
Trong những ngày qua Linh Mục Florence Ranasingh, thuộc tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, đã thăm viếng các tù nhân tại Balliguda thuộc quận Kandhamal, nơi đã xảy ra các vụ sát hại, tấn kích và đốt phá nhà của các kitô hữu trong năm 2007 và 2008 khiến cho hàng chục kitô hữu bị chết, trong đó có cả linh mục tu sĩ.
Cha cho biết trong nhà tù cha đã gặp một tù nhân ấn giáo. Anh ta đọc cho cha nghe bài thơ anh đã sáng tác, rồi bật khóc nức nở. Anh nói: “Trong các tháng qua con đã sống trong tuyệt vọng, vì nghĩ rằng con đã bị gia đình và mọi người kể cả Thiên Chúa bỏ rơi, xa lánh, khinh miệt. Một bạn tù đã cho con cuốn Thánh Kinh và con đã bắt đầu đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Bây giở con biết và cảm thấy Thiên Chúa ở với con và cùng đau khổ với con trong tù. Và hôm nay Chúa đến thăm con qua con người của cha”.
Sang đến Pakistan: tại đây chính quyền đã huy động 2.500 cảnh sát giữ an ninh cho 430 nhà thờ, chống lại các vụ khủng bố của các nhóm hồi cuồng tín, để các kitô hữu có thể mừng lễ Giáng Sinh trong an bình. Tại Pakistan kitô hữu chỉ chiếm 3% trên tổng số hon 177 triệu dân; và họ bị kỳ thị, chèn ép, và là nạn nhân của các vụ khủng bố bạo lực.
Trong khi tại Nepal lần đầu tiên kitô hữu có thể cử hành lễ Giáng Sinh trong tươi vui mà không sợ bị tấn công. Các nhà thờ, khách sạn và nhà thường dân đều được trang hoàng hoa đèn rất đẹp. Giới trẻ kitô đã tổ chức các buổi trình diễn thánh ca giáng sinh tại nhiều tư gia. Trong các năm gần đây các nhóm tôn giáo thiểu số như kitô và hồi giáo đã là nạn nhân của các tổ chức ấn giáo cuồng tín, và đã có các vụ đặt bom nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời hồi năm 2009, đặt bom đền thờ hồi giáo năm 2008. Cha Robin Rai, cha sở nhà thờ chính tòa Kathmandu, cho biết có cảnh sát và các người thiện nguyện túc trực canh giữ an ninh cho kitô hữu trong suốt tuần lễ Giáng Sinh.
Bây giờ mời qúy vị và các bạn sang vùng Trung Đông. Năm nay các tín hữu kitô Siria đã không thể mừng lễ Giáng Sinh trong an bình, vì làn sóng biểu tình phản đối chính sách cai tri độc tài của tổng thống Assad kéo dài từ gần 10 tháng qua và tình hình nội chiến trong các tuần qua đã khiến cho hơn 5.000 người thiệt mạng. Trong khi tại Irak, tuy Hoa Kỳ đã rút quân sau 9 năm chiếm đóng, nhưng chính quyền Irak còn qúa yếu ớt, và các vụ khủng bố vẫn tiếp diễn khiến cho hàng chục người chết. Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục phụ tá Baghdad, cho biết vì tình hình an ninh không khả quan, thánh lễ được cử hành lúc 5 giờ chiều 24-12 thay vì nửa đêm, và sau đó đã có chương trình mừng lễ và phát qùa cho trẻ em và người trẻ. Đức Cha cho biết Irak vẫn chưa có hòa bình. Từ năm 2003 tới nay số kitô hữu rời bỏ Irak di cư đi nới khác nhiều hơn số tín hữu di cư trong 200 năm trước đó.
Bên Ai Cập, kitô hữu cũng đã không thể mừng lễ Giáng Sinh trong an bình vì tình hình chính trị xã hội tiếp tục sôi động. Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quận đội vẫn tiếp diễn tại quảng trường Tahkrir. Quân đội đã bắn vào đoàn biểu tình khiến cho cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng và binh lính đã đánh đập nhiều người một cách rất tàn bạo.
Tuy tình hình chính trị xã hội bất ổn như thế nhưng Linh Mục Luciano, Verdoscia thừa sai dòng Comboni, làm việc trong khu phố Mansheya, là khu xóm ổ chuột của những người sống về nghề lượm rác, đã tìm cách tổ chức lễ Giáng Sinh cho 650 trẻ em làm nghề này bằng cách phát qùa cho các em trong đó có quần áo và bánh kẹo.
Tại Libia, Đức Cha Giovanni Martinelli, Giám quản tông tòa Tripoli đã cử hành lễ Giáng Sinh cho các tín hữu kitô gốc Philippines trong thành phố Misurata. Tình hình ổn định đã cho phép Đức Cha mở lại các sinh hoạt mục vụ và giúp thăng tiến hòa giải giữa các thành phần xã hội.
Bên Algeria, Đức Cha Alphonse Georger, Giám Mục Orano, mời gọi tín hữu trong mùa Giáng Sinh năm nay cầu nguyện nhiều cho cuộc đối thoại kitô hồi giáo tiến triển để góp phần thăng tiến công ích.
Bên Sudan, Đức Cha Edward Hilboro Kussala, Giám Mục Tombura Yambio, thuộc Nam Sudan, cho biết từ 2 tháng qua dân chúng trong vùng không bị các tấn kích của phong trào phiến quân Uganda “Quân đội kháng chiến của Chúa” tấn công nữa, nhưng bóng đen của chiến tranh du kích vẫn còn đó, vì từ tháng 7 năm nay đã có nhiều nhóm du kích hiện diện trong vùng này.
Sau cùng là tại Thánh Địa, chiều ngày 24 tháng 12 Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal đã chủ sự cuộc rước truyền thống từ Giêrusalem tới thành Bếtlehem. Tiếp theo sau là buổi hát kinh chiều trọng thể và thánh lễ do Đức Thượng Phụ cử hành trong Đền Thờ Giáng Sinh, có sự hiện diện của tổng thống Mahmoud Abbas và chính quyền Palestine. Tuy tình hình chính trị xã hội tại Thánh Địa vẫn căng thẳng vì các vụ chiếm đất, xây tường và lập làng của người do thái trên đất của người Palestine, năm nay cũng có hàng chục ngàn du khách hành hương tham dự các lễ nghi Giáng Sinh tại Bếtlehem.