Giáo Hội luôn
trân quý, yêu thương và biết ơn người già là kho tàng khôn ngoan của xã hội
Bỏ
rơi không săn sóc thăm viếng cha mẹ già là một tội trọng. Vô tâm, thờ ơ, khinh
rẻ và gạt bỏ người già là một tội. Một xã hội không sự gần gũi, trong đó sự
nhưng không và lòng yêu thương trìu mến không cần đáp trả đang biến mất, là một
xã hội đồi bại.
Kính
thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với gần 20.000 tín hữu
và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh
Phêrô sáng thứ tư hôm qua.
Mở
đầu bài huấn dụ ĐTC nói ngài dành hai bài giáo lý để nói về điều kiện hiện nay
của người già, trong gia đình là các ông bà nội ngoại, và ơn gọi của tuổi già
trong xã hội ngày nay.
Dựa trên kinh nghiệm đã có khi là Tổng Giám Mục Buenos Aires ĐTC nói về các vấn
đề của người già như sau:
Các
người già bị bỏ rơi, và không phải chỉ bị bỏ rơi trong sự bấp bênh vật chất. Họ
bị bỏ rơi trong sự bất lực ích kỷ chấp nhận các hạn hẹp của họ phản ánh các hạn
hẹp của chúng ta, trong nhiều khó khăn mà ngày nay họ phải vượt thắng để sống
còn trong một nền văn minh không cho phép họ tham gia, nói lên suy tư của họ,
cũng không là những người được quy chiếu theo mô hình tiêu thụ của chủ trương
chỉ có người trẻ là ích lợi và có thể hưởng thụ. Trái lại đối với toàn xã hội,
các người già này đáng lý ra phải là kho dự trữ khôn ngoan của dân tộc chúng
ta. Người già là kho dự trữ khôn ngoan của dân tộc chúng ta. Chúng ta để cho
lương tâm ngủ một cách dễ dàng biết bao khi không có tình yêu!
Và
xảy ra như vậy. Tôi còn nhớ khi viếng thăm các nhà dưỡng lão, tôi đã nói chuyện
với ai đó và biết bao lần tôi đã nghe điều này: “Bác khỏe không? Con cái ra sao
rồi?” “Tôi khỏe, tôi khỏe” “Bác có mấy con?” “Nhiều lắm”. “Chúng có tới thăm
bác không?” “Có, có, luôn luôn, vâng chúng có đến, chúng có đến”. “Lần cuối
cùng các con đến thăm bác là khi nào?” Và bà cụ già, tôi đặc biệt nhớ một bà cụ
đã nói: “Ôi, vào lễ Giáng Sinh”. Lúc đó chúng tôi đang ở trong tháng 8! Tám
tháng không được con cái thăm viếng, bị bỏ rơi tám tháng! Điều này gọi là tội
trọng, anh chị em hiểu không? Hồi còn bé bà nội tôi kể cho chúng tôi câu chuyện
của một ông cụ già khi ăn làm bẩn tùm lum vì ông không thể đưa muỗng súp lên miệng
một cách đúng đắn được. Người con, hay người cha gia đình, đã quyết định dời chỗ
của cụ từ bàn ăn chung xuống cái bàn nhỏ trong nhà bếp, nơi không ai trông thấy
vì ông ăn một mình. Và như thế ông khỏi bị mất mặt, khi có bạn bè tới dùng bữa
trưa hay bữa tối. Ít ngày sau đó, ông về nhà và thấy đứa con nhỏ nhất của mình
chơi với gỗ, cái búa và đinh. Nó đang làm cái gì đó. Ông hỏi: “Con đang làm gì
đấy?” Nó trả lời: “Thưa cha con làm một cái bàn nhỏ”. “Một cái bàn nhỏ, tại
sao?” “Để có nó khi ba trở thành già yếu, ba có thể ăn ở đấy”. Trẻ em có ý thức
hơn chúng ta!
Nhờ
các tiến bộ của y khoa sự sống con người “được kéo dài ra”, nhưng xã hội đã
không “rộng mở ra” đối với sự sống. Số người già gia tăng, nhưng các xã hội
chúng ta không được tổ chức đủ để dành chỗ cho họ, với lòng kính trọng đúng đắn
và sự chú ý cụ thể đối với sự giòn mỏng và phẩm giá của họ. Cho tới khi nào
chúng ta còn trẻ , chúng ta bị thúc đầy không biết tới tuổi già, làm như thể nó
là một bệnh cần tránh xa. Nhưng rồi khi chúng ta già nua, đặc biệt khi chúng ta
nghèo túng, đau yếu và cô đơn, chúng ta sống kinh nghiệm các thiếu sót của một
xã hội được dự phóng trên sự hữu hiệu, và kết qủa là nó không biết tới người
già. Nhưng người già là một sự giầu có, không thể không biết tới.
Khi
thăm viếng một nhà dưỡng lão ĐTC Biển Đức XVI đã dùng các từ chìa khóa có tính
cách ngôn sứ. Ngài nói: “Phẩm chất của một xã hội, tôi muốn nói của một nền văn
minh, cũng được xét xử theo cách nó đối xử với người già và chỗ nó dành cho họ
trong cuộc sống chung” (12-11-2012). Thật thế, sự chú ý tớí người già làm thành
điểm khác biệt của một nền văn minh. Trong một nền văn minh có sự chú ý tới người
cao niên không? Có chỗ cho người già không? Nền văn minh này sẽ tiến tới, nếu
biết tôn trọng sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của người già. Trong một nền văn
minh mà không có chỗ cho người già, họ bị gạt bỏ, bởi vì họ tạo ra các vấn đề,
thì xã hội đó đem theo trong mình vi rút của sự chết chóc. Đức Thánh Cha Biển Đức
XVI đã tuyên bố như vậy.
ĐTC
nói thêm trong bài huấn dụ: Bên Tây phương các nhà nghiên cứu trình bầy thế kỷ
này như là thế kỷ của sự già nua: con cái giảm xuống, người già gia tăng. Sự mất
quân bình này gọi hỏi chúng ta, còn hơn thế nữa nó là một thách đố lớn đối với
xã hội hiện đại. Thế nhưng có một nền văn hóa lợi nhuận nào đó cố nhấn mạnh việc
coi người già như một gánh nặng, một khối nặng vô ích. Chẳng những họ không sản
xuất, mà còn là gánh nặng; và đâu là kết qủa của suy nghĩ như thế? họ bị gạt bỏ.
Thật là xấu, khi thấy người già bị gạt bỏ, nó là điều xấu, nó là tội. Người ta
không dám công khai nói lên điều ấy, nhưng người ta làm. Có một cái gì hèn hạ
trong thái độ này của nền văn hóa gạt bỏ. Nhưng chúng ta quen gạt bỏ con người
rồi. Chúng ta muốn lấy đi nỗi sợ hãi gia tăng của sự yếu đuối và dễ bị tổn
thương; nhưng khi làm như vậy là chúng ta khiến gia tăng nơi người già nỗi âu
lo bị chịu đựng và bị bỏ rơi. Trong truyền thống của Giáo Hội có một hành trang
của sự khôn ngoan đã luôn luôn nâng đỡ một nền văn hóa gần gũi người già, một sự
sẵn sàng tiếp đón yêu thương trìu mến và liên đới trong phần cuối của cuộc đời
này. Truyền thống đó đâm rễ sâu trong Thánh Kinh, như các kiểu nói của sách Huấn
Ca làm chứng: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã
học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và
khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8,9). ĐTC khẳng định lập
trường của Giáo Hội đối với người già như sau:
Giáo
Hội không thể và không muốn thuận theo một tâm thức không chịu đựng, lại càng
không thờ ơ và khinh rẻ đối với người già. Chúng ta phải thức tỉnh ý thức tập
thể biết ơn, qúy trọng, hiếu khách khiến cho người già cảm thấy họ là thành phần
sống dộng của cộng đoàn.
Các người già là những người nam nữ, là cha mẹ đã đi trước chúng ta trên cùng
con đường của chúng ta, trong nhà của chúng ta, trong cuộc chiến đấu thường
ngày của chúng ta cho một đời sống xứng đáng hơn. Họ là những người nam nữ từ
đó chúng ta đã nhận được rất nhiều, Người già không phải là một người xa lạ.
Người già là chính chúng ta: trong ít lâu nữa, hay lâu sau này, nhưng không thể
tránh được, cả khi chúng ta không nghĩ tới nó. Và nếu chúng ta không học đối xử
tốt với ngưòi già, thì người ta cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Tất
cả người già chúng ta đều ít nhiều giòn mỏng. Tuy nhiên, một vài người đặc biệt
yếu đuối, nhiều người cô đơn và bị ghi dấu bởi tật bệnh. Vài người tùy thuộc
các chữa trị không thể thiếu và sự chú ý của người khác.Vì thế mà chúng ta sẽ
lui bước, bỏ rơi họ cho số phận của họ hay sao? Một xã hội không sự gần gũi,
trong đó sự nhưng không và lòng yêu thương trìu mến không cần đáp trả, đang biến
mất, là một xã hội đồi bại.
Trung
thành với Lời Chúa Giáo Hội không thể nhân nhượng với các suy đồi này. Một cộng
đoàn kitô trong đó sự gần gũi và nhưng không không còn được coi là không thể
thiếu, sẽ đánh mất đi linh hồn của nó. Nơi đâu không có lòng tôn kính người
già, thì không có tương lại cho người trẻ.
ĐTC
đã chào nhiều đoàn hành hương như các linh mục Canđê toàn Âu châu được Đức Cha
Ramsi Garmou hướng dẫn và nhiều nhóm trẻ. Ngài khích lệ họ gần gũi, quý trọng,
yêu thương trìu mến, biết ơn người già và tận dụng học hỏi kinh nghiệm và sự
khôn khoan của họ.
Ngài
cũng chào các đoàn hành hương Anh quốc, Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản,
Nam Hàn và Hoa Kỳ và cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và giúp họ
sống kinh nghiệm sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Chào
các tín hữu Tây Ban Nha, Mêhicô, Argentina ngài khuyên mọi người sống dễ thương
và tế nhị đối với người già, đặc biệt những người già nghèo túng, bệnh tật và
cô đơn.
Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc lại các lời nhắn nhủ của thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II: Tuổi thứ ba hay thứ bốn thường bị đánh giá thấp, và chính người già
cũng tự hỏi cuộc sống của họ có còn ích lợi không. Trong khi cộng đoàn kitô có
thể nhận được rất nhiều từ sự hiện diện thanh thản của người cao niên. Người
già có khả năng trao ban can đảm qua lời cố vấn yêu thương, lời cầu nguyện
thinh lặng, chứng tá của khổ đau được đón nhận với sự tín thác kiên nhẫn, và họ
trở thành qúy báu trong chương trình của Thiên Chúa Quan Phòng. Chúng ta hãy nhớ
tới các ông bà nội ngoại của chúng ta và xin Chúa chúc lành đặc biệt cho các
ngài.
Trong
số các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào các giáo sư và sinh viên Đại học giáo
hoàng Salesien đang kỷ niệm 200 năm thánh Bosco sinh ra; các Phó tế tổng giáo
phận Milano; nhiều thành viên hiệp hội Rotary; tín hữu giáo phận Anzio cử hành
năm Đức Giáo Hoàng Innocenzo XII; và hàng trăm người tàn tật giáo phận Mondovi
do ĐC Luciano Pacomio GM sở tại hướng dẫn. Ngài nói: Ước chi thời đại chúng ta
bị ghi dấu bởi biết bao bóng tối, được soi sáng bởi mặt trời hy vọng là Chúa
Kitô. Ngài đã hứa sẽ luôn luôn ở với chúng ta và tỏ hiện sự hiện diện của Ngài
trong nhiều cách thức. Chúng ta có bổn phận loan báo và làm chứng cho Ngài. Anh
chị em đừng mệt mỏi tín thác nơi Chúa Kitô và phổ biến Tin Mừng của ngài trong
mọi môi trường.
Chào
các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong Mùa Chay là dịp giúp
mọi người hoán cải đích thực và trưởng thành trong lòng tin.
Buổi
tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi
người.
Linh
Tiến Khải