Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

HÀI NHI GIÊSU, CÓ THỰC SỰ Ở NƠI HANG ĐÁ KHÔNG?

NOEL 2010

 

Hangda.jpgMột trong những tác phẩm không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh, đặc biệt đối với người công giáo. Đó là những hang đá mô phỏng lại sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần cách đây hơn 2000 năm, lớn nhỏ khác nhau, có những hang đá hùng vĩ như ngọn núi Himalaya, để tạo thêm cho sự hùng vĩ đó, người ta kiến tạo những dòng thác uốn lượn một cách rất công phu, có những hang đá mang dáng dấp làng quê như mái tranh vách lá…Giá trị kinh tế của hang đá cũng khác nhau, có những hang đá tốn hàng mấy chục triệu đồng, cũng có những hang đá chỉ với mấy chục ngàn, được trang trí một cách rất công phu. Điểm nhấn của hang đá là bộ tượng Hài Nhi Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

Trước đây khi nhịp sống và mức sinh hoạt của con người còn đơn sơ nghèo nàn, người ta kiến tạo hang đá bằng những vỏ bao xi măng, họ tạo dáng thành những hòn đá đan chồng lên nhau, sau đó lấy nhọ nồi pha với dầu hỏa sơn phết lên, tạo ra những màu sắc rêu phong của đá, những ánh đèn và phụ kiện trang trí cũng rất đơn sơ, người ta chú trọng việc tạo một khoảng không gian thoáng khi cung kính đặt bộ tượng Giáng sinh vào trong, để từ đằng xa mọi người có thể chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse một cách rõ nét, những thứ khác chỉ là phụ.

Ngày nay khi con người văn minh, hiện đại, mức sống cao hơn, vật dụng kiến tạo, trang trí đa dạng và phong phú, từ những tờ giấy bạc lấp lánh, cho đến những tấm tăng ( bạt) đã được phủ lên một lớp sơn giả đá, giây kim tuyến, trái châu, ngôi sao, dây đèn nhấp nháy… đủ màu sắc, đủ kiểu dáng, dễ tìm và dễ mua. Có một vài nơi, tổ chức những cuộc thi tranh tài thực hiện việc kiến tạo, trang trí hang đá cho từng giới, từng hội đoàn, có chấm điểm và phát thưởng.

Thời nay, khi ta tham quan, chiêm ngắm những hang đá, đập vào mắt trước tiên là dáng vẻ bên ngoài của hang đá, từ kiểu dáng đến chất liệu, kế đến là những vật dụng trang trí, còn bộ tượng Giáng Sinh hình như chỉ là phụ, để rồi khi muốn chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh phải lại thật gần mới thấy được, có những hang đá, từ chất liệu khung cho tới vật dụng trang trí rất đẹp, rất ấn tượng, nhưng, bộ tượng Giáng Sinh thì củ mèm, màu sơn bên ngoài đã phai lợt theo thời gian, đôi khi còn bị sứt mẻ do bị va đập trong quá trình cất giữ. Một điều nghịch lý của hang đá, đó là,  người ta có thể bỏ ra hàng đống tiền để trang trí những cái bên ngoài, còn cái chính yếu là bộ tượng Giáng Sinh, người ta lại tiếc, lại không coi là quan trọng, để biện minh cho điều đó, người ta gọi là tiết kiệm..!

Từ nơi hang đá và trước hang đá, có rất nhiều điều, nhiều chuyện để nói như: Dáng vẻ cung kính, thờ lạy cầu nguyện có, tranh dành chỗ chụp hình lưu niệm gây nên lời qua tiếng lại, những lời lẽ rất ư là phản cảm được phát ra một cách vô tư như chỗ không người; tranh khách chụp hình của các bác “phó nháy”, đôi khi vì sự tranh dành khách gây nên cải vã, ẩu đả nhau đến “u đầu, mẻ trán”; phong cách tạo dáng và cách ăn mặc của phái đẹp thì rất gợi cảm và phản cảm; với những cuộc thi hang đá đẹp, thì lời qua tiếng lại, bực tức vì bị đánh hạng thấp do thiếu công tâm…và…Quả thật, khi những hiện tượng trên xảy ra trước hang đá, Hài Nhi Giêsu, Ngài ngự đó hay Ngài ẩn mình đi nơi khác?!793522.jpg

Ngày lễ Giáng Sinh hay nói đúng hơn là ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người ở cùng và với nhân loại. Đây là ngày lễ vô cùng quan trọng của niềm tin Kitô giáo; ngày mà trước đây trên dưới 3000 năm, các Ngôn Sứ đã loan báo và dân Do Thái ngày đợi đêm trông khi họ cùng hướng về trời cao, cất lên lời khẩn nguyện: “ Trời cao hãy đổ sương xuống, ngàn mây hỡi hãy mưa Đấng Cứu Tinh ”; ngày mà đất và Trời được kết nối bằng lòng thương xót của Thiên Chúa;  ngày mà nhân loại được cởi bỏ chiếc áo tôi đòi, thân nô lệ,  hân hoan mặc chiếc áo mới, chiếc áo của những người con trong gia đình Thiên Chúa; ngày mà ánh sáng công lý, sự bình an, niềm hy vọng phủ tràn cõi địa cầu.

Dấu ấn của ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người sẽ còn mãi cho tới ngày cùng tận của vũ trụ, vạn vật. Vì thế, hằng năm toàn nhân loại nói chung và Giáo Hội công giáo nói riêng hân hoan mừng kính. Với Giáo Hội công giáo, ngày lễ Giáng Sinh được chuẩn bị qua 04 tuần mùa vọng và kéo dài cho tới lễ Hiển Linh. Một trong những hình thức mừng kính, được nhiều người chú trọng, cùng tham gia, cùng chờ đợi,  đó là kiến tạo, chiêm ngắm những hang đá như đã nói trên.

Khi nhân loại đang sống trong bóng tối của quyền lực sự dữ, người thấp cổ bé miệng bị kinh thường và bỏ rơi, mối tương quan nhân loại thiếu vắng tình yêu và công lý. Thiên Chúa qua con người của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần mặc lấy xác phàm, Ngài đến với một dáng vẻ và một đời sống bình dị, chân chất, khó nghèo, Ngài đến để xoa dịu những khổ đau của con người nhân loại, dạy cho con người sống tình liên đới, sẻ chia, yêu thương và tha thứ.

Ngày Hài Nhi Giêsu sinh ra, Ngài đâu sinh nơi “cung vàng, điện ngọc”, Kinh Thánh đã diễn tả, Ngài được sinh ra trong một gia đình nghèo hèn, bình dị; Mẹ Ngài là Bà Maria đơn sơ, đạo đức giàu lòng nhân ái; Cha Ngài là ông Giuse hành nghề thợ mộc nhưng sống đời công chính; nơi Ngài sinh ra là một chuồng bò, tấm tã che thân là miếng vải đã sờn rách. Chỗ Ngài nằm là chiếc máng thô sơ, sưởi ấm cho Ngài là hơi thở của bò,  lừa…

Thế thì ta thử hỏi, Hài Nhi Giêsu có cảm thấy hài lòng khi ta bỏ ra một số tiền lớn kiến tạo những hang đá thật hoành tráng, thật lộng lẫy được nhiều người trầm trồ, khen ngợi, khi cảnh trái tai, gai mắt cứ thản nhiên xảy ra trước hang đá hay không? Ngài có thực sự ngự trong những hang đá hoành tráng, lộng lẫy đó, khi quanh ta còn rất nhiều và rất nhiều người cùng khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc uống, thiếu sự quan tâm, thiếu lời an ủi, động viên hay không? Những hang đá kia có thực sự là mái ấm của tình thương, để Hài Nhi Giêsu trú thân, khi còn đó những bất đồng, chia rẽ, loại trừ nhau hay không? Hài Nhi Giêsu có thực sự cảm thấy ấm lòng trong những hang đá hoành tráng và lộng lẫy giữa cái giá lạnh không do thời tiết mà do lòng người vô cảm hay không? Hài nhi Giêsu có cảm thấy an toàn cho mạng sống trong những hang đá hoành tráng, lộng lẫy khi mà ngày ngày những thai nhi bị tước đoạt mạng sống một cách vô tội vạ hay không?

Ngày Đức Kitô Ngôi Hai Thiên Chúa nói về ông Gioan Tẩy Giả cho người Do Thái, Ngài đã nói:   Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa ” (Mt.11,7-9).

Vâng! Trong hoang địa nếu là cây sậy thì lả lơi trước gió hay nói đúng nghĩa cây sậy thì “ gió chiều nào ngả theo chiều đó ”. Cây sậy làm sao có đủ sức mạnh, tán lá để tạo bóng mát cho đời? Trong hoang địa thì làm gì có người ăn mặc “gấm vóc lục là”, nếu có chăng, thì họ là những người đi thăm thú, đi thưởng ngoạn, thì giờ đâu mà nhớ tới người khác, nhất là những người cùng khổ. Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã giới thiệu cho cái đáng xem, đáng chiêm ngưỡng và học hỏi. Đó là một Ngôn Sứ, Ngài còn nhấn mạnh rằng: “ Còn hơn một Ngôn Sứ ”. Một Ngôn Sứ,  tuy dáng vẻ bên ngoài rất tầm thường, bình dị, từ cách ăn mặc, cho tới cách tìm của ăn để nuôi thân, nhưng từ ánh mắt, giọng nói, tiếng cười lại mang đậm chất yêu thương.

Hôm nay, trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Khi ta đứng trước những hang đá, có thể Hài Nhi Giêsu cũng sẽ đặt ra những câu hỏi đại loại như:

-Với ta là những người đi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu sẽ hỏi: Anh em đến xem gì nơi hang đá, vẻ cao sang, hoành tráng và lộng lẫy chăng? Hay anh em đến để ghi lại những tấm hình lưu niệm, nói lên vẻ đẹp, sự giàu sang của bản thân? Anh em xem gì, hay đây chính là dịp anh em xả stress sau những ngày bương chải, cố công, cố sức tạo bằng mọi cách, mọi giá tìm cho mình vị thế, chân đứng, sự giàu sang phú quý…? Anh em đến trước hanh đá với mục đích gì? Tìm và tranh dành khác chụp hình? Khoe những bộ quần áo sang trọng, hợp thời trang? Gặp gỡ trao đổi với bè bạn, vì “cơm áo gạo tiền” đã lâu không gặp…? Có khi nào anh em đứng trước một hang đá mà mắt anh em mờ lệ cho sự cơ hàn của Một Vị Thiên Chúa không?

-Với ta là những người kiến tạo hang đá, Hài Nhi Giêsu sẽ hỏi: Có thực là anh em tạo cho ta một chỗ để sinh vào đời không? Hay anh em thể hiện bản thân, hội đoàn, giáo xứ ta có nhiều tiền, nhiều óc sáng tạo hơn những người khác? Có thực anh em kiến tạo hang đá để vinh danh Ta, tưởng nhớ ngày Ta xuống trần không? Hay anh em thực hiện để lấy tiếng khen của người đời, để thi thố tài năng…?

Từ trong thẳm sâu tâm hồn, mỗi cá nhân sẽ có những câu trả lời khác nhau với Hài Nhi Giêsu trong đêm Giáng Sinh khi đứng trước những hang đá và những câu hỏi của Hài Nhi Giêsu. Với một tấm lòng bao dung, rộng mở của một Vị Thiên Chúa, nhất là trong ngày Ngài đã từ trời cao đến viếng thăm và ở lại với ta. Ta tin chắc một điều cho dù ta có là gì, sống ra sao, đến với Ngài với một thái độ, cung cách như thế nào… Ngài cũng sẽ mỉm cười và đón nhận ta vào vòng tay yêu thương của Ngài, vì Ngài đã hứa: “ Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ”(Mt.9,13) hoặc: kẻ đến với Ta, ta không loại ra ngoài ”(Ga.6,37).

Vâng! Với mầu nhiệm Giáng Sinh, hay nói đúng hơn là mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, một mầu nhiệm rất lớn lao và cao trọng, mầu nhiệm nói lên tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại vô bờ bến. Với ta là những phàm nhân yếu đuối, ta được thừa hưởng một cách nhưng không những ân huệ cao với đó, thì việc ta kiến tạo những hang đá đẹp, lộng lẫy, cao sang, để tưởng nhớ, để tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa là điều chính đáng. Nhưng có một điều ta cũng nên dừng lại đôi chút để suy tư.

Để việc “ Nhập Thế ” của Hài Nhi Giêsu qua sự kiện Ngài sinh ra nơi hang đá Belem được hình thành, trước tiên là Ngài “Nhập Thể” vào cung lòng của Mẹ Maria như lời Sứ Thần truyền báo “  Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su ” (Lc.1,31). Từ sau lời xin vâng khiêm hạ, cung lòng của Mẹ Maria đã trở thành hang đá, trở thành máng cỏ đầu tiên Hài Nhi Giêsu ngự đến. Mẹ Maria đã đón nhận Hài Nhi Giêsu bằng trái tim và cuộc đời, Mẹ không đón Chúa bên ngoài nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, Mẹ cảm thấy hân hoan vui sướng khi đón nhận hài Nhi Giêsu, lời Mẹ cất lên trong kinh Magnificat: “ Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi ” (Lc.1,46-47), đã minh chứng điều đó.

Vì thế, để thực sự Hài Nhi Giêsu “ Nhập Thế ”ngự nơi những hang đá do chính ta kiến tạo, hay ta chiêm ngắm, ta không thể nào đi ngược lại trình tự mả Thiên Chúa đã sắp đặt, đã an bài. Đó là ta có chấp nhận xin vâng như Mẹ Maria để Hài Nhi Giêsu nhập thể vào ta hay không? Nếu Hài Nhi Giêsu không “ Nhập Thể ” vào ta thì sao Ngài có thể “ Nhập Thế ” và ngự nơi những hang đá tuy hoành tráng, cao sang và lộng lẫy kia được chứ?!

Một điều nữa mà Tin Mừng đã giới thiệu cho ta, Thiên Chúa, qua Hài Nhi Giêsu, Ngài đã từ bỏ ngai vàng, sự giàu sang, phú quý để xuống trần trong khó nghèo, hy sinh, phục vụ và cuối cùng là hiến thân.  

Qua đó, ta tự hỏi “ Hài Nhi Giêsu có thực sự ở nơi hang đá không? ”  khi ta khoác cho Ngài tấm áo của sự giàu sang phú quý, qua việc ta bỏ ra mốt số kinh phí rất lớn để kiến tạo những hang đá thật hoành tráng, lộng lẫy và cao sang, trong khi đó những người bần cùng họ đang rất cần những đồng bạc lẻ để nuôi thân. Không chỉ quanh ta còn đó những con người khổ đau về phần xác, nhưng rất nhiều và rất nhiều những con người khổ đau vể tinh thần, những con người sống đời sống xa Chúa xa người trong khổ đau, trong lỗi lầm. Đây chính là mối ưu tư hàng đầu của Hài Nhi Giêsu, tin chắc một điều Hài Nhi Giêsu cũng mời gọi ta chia sẻ mối ưu tư đó với Ngài bây giờ và mãi mãi.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu! Con cảm tạ Chúa đã yêu thương con, đã đến với con qua mầu nhiệm Giáng Sinh, con xin Chúa giúp con cảm nhận ra được tình thương của Chúa dành cho con, và giúp con để cuộc đời trong vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại luôn trở thành lời kinh cảm tạ dâng lên Chúa.

Chúa ơi! Chúa đã sinh ra trong  cảnh cơ hàn nơi hang đá Belem, giây phút này con tha thiết xin Chúa tuôn đổ bình an xuống trên những ai đang sống cảnh màn trời chiếu đất, đang tuyệt vọng vì điều nọ, điều kia, đang phải oằn vai gánh chịu những khổ đau và nghịch cảnh của cuộc sống, nhất là những người đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, những trẻ thơ mồ côi, bơ vơ, để nhờ bình an của Chúa giúp họ vượt qua tất cả. Con cảm tạ, tôn vinh và chúc tụng Chúa đến muôn thưở, muôn đời Amen.

Noel năm 2010

An-tôn Lương Văn Liêm

 

 

 

 

 

 

 

 

      

 

 

 

    

 

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     MẦU NHIỆM GIÁO HỘI. ( Tham luận của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại Đại Hội Dân Chúa)
     ĐỨC TIN LÀ MỘT SỰ TÍN THÁC. Sưu tầm
     THIÊN THẦN NGỒI NƠI TAY LÁI
     EM LÀ KHU VƯỜN CẤM LÀ GIẾNG NƯỚC NIÊM PHONG
     Đức Giêsu Kitô xuống thế để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở nên giống Người
     PHÉP LẠ GIÁNG SINH. Sưu tầm
     BÊN TRONG NHỮNG MÓN QUÀ. Nguyễn Thảo Nam, S.J
     GIÁO HỘI HIỆP THÔNG THEO MÔ HÌNH HIỆP THÔNG CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA (Tham luận của ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc trong Đại Hội Dân Chúa)
     VỀ VIỆC GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM TRONG BỐI CẢNH TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM ( Tham luận của ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong Đại Hội Dân Chúa)
     CHIỀU KÍCH MẦU NHIỆM CỦA GIÁO HỘI.( Tham luận của ĐGM Giuse Nguyễn Năng trong Đại Hội Dân Chúa)