Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn
Công đồng Vatican II đã mở ra một
cuốn sách mới về đối thoại liên tôn. Đường hướng này được các vị Giáo hoàng
thúc đẩy qua các giáo huấn của các ngài. Đặc biệt, với Đức Thánh Cha Phanxicô,
cuốn sách đang đi đến chương về tình huynh đệ nhân loại giữa các tín đồ của các
tôn giáo khác nhau. Việc đối thoại này cần sự dấn thân và quan tâm liên tục chứ
không phải là một thoả hiệp dễ dãi.
Nhân
sự và công việc của Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn
Câu
nhận xét của Đức Hồng y Francis Arinze, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ
luật Bí tích, và cũng là nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn,
về chính Hội đồng này: “Một nhóm nhỏ phục vụ 3/4 nhân loại”, là một bức tranh
tổng thể về Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn. Trong hai năm rưỡi qua, Hội
đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y Miguel Ángel
Ayuso Guixot.
Hội
đồng là một cơ quan nhỏ, có 14 nhân viên, trong đó có 5 phụ nữ, thuộc nhiều
quốc tịch và nguồn gốc khác nhau, giáo dân, linh mục và tu sĩ, tham gia vào các
lĩnh vực khác nhau: Hồi giáo, các tôn giáo của châu Á và châu Phi, các phong
trào tôn giáo mới.
Các
nhân viên của Hội đồng phụ trách các lĩnh vực khác nhau được hỗ trợ bởi các
nhân viên kỹ thuật và hành chính. Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng chia sẻ: “Chúng
tôi là một gia đình nhỏ nhưng đa dạng và chăm chỉ. Rõ ràng, có những kỹ năng
khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ của mỗi người: đào tạo học thuật về các truyền
thống tôn giáo khác nhau, kiến thức về các ngôn ngữ khác nhau hoặc chuyên môn trong
các lĩnh vực kỹ thuật hơn, như lưu trữ, quản trị và theo nhu cầu hiện tại, công
nghệ thông tin”. Ngài cho biết Hội đồng có trang web riêng (www.pcinterreliosystem.org),
nơi cung cấp thông tin, tài liệu, các trích đoạn các bài phát biểu của Đức
Thánh Cha và các vị lãnh đạo của Hội đồng, và ấn phẩm của Hội đồng, Bản tin Pro
Dialogo.
Nhiệm
vụ của Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn
Hội
đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn có nhiệm vụ thiết lập và duy trì các mối liên
hệ với các tín ngưỡng khác nhau trên khắp thế giới và thúc đẩy các mối quan hệ
huynh đệ và thân thiện với những người có truyền thống tôn giáo khác nhau.
Đường hướng đối thoại liên tôn, như một cuốn sách, đã được Công đồng Vatican II
mở ra cách nay 60 năm và hiện nay, với giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô,
con đường này đã đi đến chương về tình huynh đệ nhân loại.
Trong
cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng đã giải
thích việc đối thoại này cần sự dấn thân và quan tâm liên tục như thế nào, và
ngài khẳng định rằng việc thể hiện bản sắc của một người không nên là nguyên cớ
tạo ra những định kiến và đối kháng.
Thành
lập
Ngày
19/5/1964, với tông thư dưới dạng tự sắc có tên Progrediente Concilio, Thánh
Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập cơ quan phụ trách về những người không phải
là Kitô hữu, trước khi Tuyên ngôn Nostra aetate, về mối liên
hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, được ban hành, và trước khi Công đồng
Vatican II bế mạc vào năm 1965. Ngay lúc đó, Giáo Hội đã cảm thấy nhu cầu, như
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đặt ra, về một Giáo hội đi ra và có thể đối thoại với
thế giới, và đặc biệt là với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác.
Kể từ đó, trong gần sáu mươi năm qua, cuộc đối thoại liên tôn do Giáo hội Công
giáo thúc đẩy, trong khi gặp phải những khó khăn và hiểu lầm, vẫn chưa bao giờ
dừng lại.
Năm
1988, thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Tông hiến Pastor Bonus - Mục tử tốt lành,
qua đó, Cơ quan phụ trách về những người không phải Kitô hữu đã trở thành Hội
đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn như ngày nay. Tên mới của cơ quan này đã cổ
võ ý tưởng đối thoại với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Hội
đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn phục vụ Giáo hội trong sứ mạng đối thoại rộng
lớn của mình, và điều này được thực hiện bằng cách cộng tác với các Giám mục
của các Giáo hội địa phương, đặc biệt là thông qua các Ủy ban Giám mục về Đối
thoại Liên tôn. Trên thực tế, nhiều thành viên của Hội đồng là Chủ tịch của các
Ủy ban này. Khi một hoạt động đối thoại được cổ võ bởi Hội đồng, thì Hội đồng
luôn muốn có sự tham gia của cả Giáo hội địa phương và Đại diện của Giáo hoàng.
Cộng
tác với các tôn giáo trong hoạt động đối thoại
Kể
từ khi được thành lập, công việc của Hội đồng đã mở rộng đáng kể, nhưng nó cũng
trở nên chính xác hơn. Đã có nhiều dịp gặp gỡ với những người thuộc các truyền
thống tôn giáo khác nhau. Những cuộc gặp gỡ này đã làm nảy sinh các sáng kiến
về đối thoại và hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau, cả đa tôn giáo cũng như
chỉ liên quan đến một tôn giáo duy nhất.
Trong
cuộc trò chuyện với Vatican News, Đức Hồng y Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng
Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn nói đến truyền thống của Hội đồng gửi những thông
điệp với những lời chúc đến người Hồi giáo trong tháng Ramadan, đến các Phật tử
trong Lễ Vesakh - lễ Phật đản, đến các tín đồ Ấn giáo vào dịp lễ Deepavali – Lễ
Ánh sáng, đến những cộng đồng người Jain nhân dịp lễ Mahavir Jayanti, và đến
các cộng đồng người Sikh nhân dịp lễ Prakash Diwas.
Chiều
kích đại kết
Đức
Hồng y Ayuso Guixot cũng muốn nhấn mạnh đến chiều kích đại kết của đối thoại
liên tôn. Trên thực tế, trong nhiều năm, Hội đồng đã duy trì các mối quan hệ
thường xuyên với các Văn phòng tương tự về đối thoại liên tôn của Hội đồng các
Giáo hội Thế giới và cộng tác với Văn phòng này trong các sáng kiến nghiên cứu
và thúc đẩy đối thoại. Theo ngài, việc giới thiệu chính chúng ta hiệp nhất để
đối thoại, hoặc ít nhất, bớt chia rẽ hơn một chút, là một chứng tá cần thiết.
Các
Giáo hoàng và hoạt động đối thoại liên tôn
Chính
cái tên “Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn” đã bao hàm cách tổng hợp một sứ
mạng to lớn, và đặc biệt là với Đức Thánh Cha Phanxicô, sứ vụ này đang trở
thành một trong những ưu tiên của Giáo hội - bằng chứng là những chuyến tông du
quốc tế gần đây nhất của ngài, từ Abu Dhabi, vào tháng 2/2019; đến cuộc viếng
thăm Iraq vào tháng 3 năm nay, trong dấu hiệu của “tình huynh đệ nhân loại”.
Theo
Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn, động lực mà các Giáo
hoàng đưa ra chắc chắn không hề thiếu. Những động lực này đã thúc đẩy Hội đồng
dấn thân hơn. Ngài nhắc lại một ví dụ về Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình năm 1986
tại Assisi, theo mong muốn của thánh Gioan Phaolô II. Đó là một cột mốc quan
trọng trong việc đối thoại liên tôn; sau đó là Văn kiện về tình huynh đệ nhân
loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống, được ký vào ngày 4/2/2019 tại Abu
Dhabi bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam Al-Tayyeb; và Thông điệp Fratelli
tutti được ban hành năm 2020.
Đức
Thánh Cha Phanxicô, theo bước các vị tiền nhiệm của ngài, đã trở thành người
thúc đẩy đối thoại trong nhiều dịp và đa dạng, khuyến khích chúng ta ngày nay
tiếp tục con đường huynh đệ cùng với tất cả những người thiện chí. Đức Hồng y
Ayuso Guixot khẳng định rằng Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn sẽ hết
sức chú ý đến việc xác định các bước cụ thể cần thực hiện để các chủ đề về tình
huynh đệ và tình bạn xã hội có thể ngày càng trở thành địa thế cho thảo luận và
hành động giữa các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau. Ngài
khẳng định: “Trong khi không hề từ bỏ căn tính, chúng ta không chiều theo thái
độ dễ dãi, nhưng với sức mạnh và lòng can đảm, chúng ta phải khẳng định: cần
phải gạt bỏ những thành kiến, sự chậm trễ và khó khăn để xây dựng một xã hội
huynh đệ”.
Đối
thoại với Hồi giáo
Ngày
nay, cuộc đối thoại với Hồi giáo đặc biệt rất quan trọng đến nỗi Hội đồng Tòa
Thánh Đối thoại Liên tôn có một ủy ban riêng để giải quyết vấn đề. Đức Hồng y
Chủ tịch Hội đồng giải thích về khía cạnh này: “Ngày 22/10/1974, theo ý muốn
của Đức Phao-lô VI, Ủy ban về các Quan hệ Tôn giáo với người Hồi giáo được
thành lập nhắm cổ võ và thúc đẩy các mối quan hệ tôn giáo giữa người Hồi giáo
và Công giáo. Nó là một cơ quan riêng biệt nhưng được kết nối với Hội đồng Tòa
Thánh Đối thoại Liên tôn. Uỷ ban này có các cố vấn riêng với nhiệm vụ thúc đẩy
cả mối quan hệ tôn giáo giữa các Ki-tô hữu và người Hồi giáo, đồng thời nghiên
cứu và đào sâu các chủ đề khác nhau liên quan đến đối thoại Hồi giáo – Ki-tô
giáo”.
Ngài
cho biết thêm: “Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn luôn tìm cách thiết lập
các mối quan hệ thường xuyên với các cơ sở và tổ chức Hồi giáo nhằm tăng cường
kiến thức và sự tin cậy lẫn nhau, tình hữu nghị và sự hợp tác. Trên thực tế, có
các thỏa thuận đã đạt được với nhiều tổ chức khác nhau, cả Hồi giáo Sunni và
Shiite, có trụ sở tại các quốc gia Hồi giáo hoặc có đa số người Hồi giáo, để
đảm bảo khả năng tổ chức các cuộc họp định kỳ, theo chương trình và thể thức mà
các bên đã thống nhất”.
Đối
thoại với các tôn giáo lớn ở Á châu
Xét
theo quan điểm “dân số”, Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác ở Á châu rất
quan trọng trong vấn đề đối thoại liên tôn và không thể bị bỏ qua. Đức Hồng y Ayuso
Guixot cho biết, “Các mối quan hệ với đại diện của các trường phái và tổ chức
Phật giáo khác nhau tiếp tục phát triển và được phong phú thông qua các cuộc
gặp gỡ và thăm viếng. Các cuộc hội đàm giữa Kitô giáo-Phật giáo đã được tổ chức
thường xuyên kể từ năm 1995. Hội đồng thường xuyên tham gia Hội nghị thượng
đỉnh các tôn giáo, kể từ năm 1987 - sau Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Assisi
năm 1986 - đã diễn ra hàng năm tại Núi Hiei, Kyoto, Nhật Bản, trung tâm lịch sử
của Phật giáo Tendai. Các cuộc họp thường xuyên được tổ chức với đại diện của
phong trào Phật giáo tại gia Rissho Kosei-kai, những người mà chúng ta đã duy
trì mối quan hệ thân tình kể từ thời Công đồng Vatican II.
Hội
đồng cũng đã tổ chức hai cuộc tọa đàm Kitô giáo-Lão giáo, trong khi một số đại
diện của Khổng giáo đã được mời tham gia các sự kiện đa tôn giáo do Hội đồng tổ
chức. Và cũng không thiếu cơ hội cho những cuộc gặp gỡ đối thoại với những
người theo Thần đạo.
Về
Ấn giáo, từ lâu Hội đồng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện của các tổ chức
Ấn giáo khác nhau và tiếp tục bắt đầu các mối quan hệ chính thức với họ. Hội
đồng đã có một số cuộc họp ở Ấn Độ, ở Hoa Kỳ và ở Ý.
Đức
Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn kết luận về vấn đề này:
“Về phần tất cả các truyền thống tôn giáo này, chắc chắn là có thiện chí tốt
đối thoại với Giáo hội Công giáo. Đặc biệt là trong những năm gần đây, có nhiều
mối quan tâm chung đến các vấn đề xã hội hơn như hòa bình, môi trường, di cư,
v.v”.
Vấn đề
tài chính
Đức
Hồng y cũng cho Vatican News biết về vấn đề tài chính của Hội đồng. Ngài nói:
“Hoạt động thể chế của Hội đồng, hoàn toàn được tài trợ bởi Cơ quan quản lý Tài
sản của Tòa Thánh (APSA), nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo,
được thực hiện chủ yếu thông qua việc tổ chức các chuyến đi, hội nghị, đại hội
và hội đàm, ở Rôma và ở nước ngoài, với sự tham dự của những người từ mọi nơi
trên thế giới. Do đó, các nguồn lực tài chính sẵn có chủ yếu được sử dụng cho
các mục đích này”. Ngài giải thích thêm: “Vì đại dịch, từ tháng 3/2020 đến nay,
các khoản chi tiêu tài chính rõ ràng đã được cắt giảm rất nhiều. Các nguồn lực
kinh tế của Hội đồng đã được sử dụng đặc biệt cho việc xuất bản sách, nâng cấp
hệ thống máy tính của Hội đồng”.
Quỹ
học bổng Nostra
Aetate Foundation-Scholarships
Ngoài
ra, theo Đức Hồng y, hoạt động thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo của Hội
đồng cũng được thực hiện thông qua Quỹ học bổng Nostra Aetate
Foundation-Scholarships, được thành lập vào năm 1990, với tính cách pháp
nhân dân sự và công cộng ở Quốc gia thành Vatican và trụ sở chính của nó tại
chính Bộ. Quỹ này cấp học bổng cho những người trẻ thuộc các tôn giáo khác, cư
trú ở nước ngoài, những người mong muốn nâng cao kiến thức về Kitô giáo tại các
Học viện Giáo hoàng ở Roma. Sau khi hoàn thành chương trình học, những người
được hưởng học bổng trở về nước để làm cho Kitô giáo được biết đến, bằng cách
tham gia vào các hoạt động liên quan đến đối thoại giữa các tôn giáo. Quỹ cũng
cung cấp các khoản tài trợ để hỗ trợ các sáng kiến địa phương nhằm thúc đẩy đối
thoại giữa các tôn giáo. Từ quan điểm kinh tế, Quỹ là tự chủ và tự trang trải.
Hồng Thủy - Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-11/hoi-dong-toa-thanh-doi-thoai-lien-ton.html