Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

LỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

KHỞI ĐI TỪ CẢM NGHIỆM PHỤC SINH.

motrong.jpgĐối diện với ngôi mộ trống, không thấy xác Chúa, các tông đồ đang ở trong sự tuyệt vọng, lại một lần nữa rơi vào nghi nan, lo sợ, và bất an vì không biết, không hiểu những gì đang xảy ra đối với Thầy và với chính mình. Sự thiếu vắng niềm tin đã làm cho Simon Phêrô không tin Chúa đã Phục sinh, dù đứng trước ngôi mộ trống, cùng với những băng vải được cuốn lại và xếp riêng ra một nơi ( x. Ga 20, 3-10; Lc 24, 12). Tuy nhiên, nỗi lo sợ, bất an đó của các tông đồ đã biến mất khi các ngài được Chúa hiện ra và trao ban bình an “ Bình an cho anh em” ( Ga 20,21). Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh đã trở nên một nguồn mạch thiêng liêng tuyệt vời cho từng người tông đồ và cho những ai gặp gỡ được Chúa Phục sinh. Cuộc tương giao ấy là một cuộc gặp gỡ không chỉ ở bên ngoài, với những gì thấy và đụng chạm được, nhưng còn là một cuộc gặp gỡ từ bên trong làm cho những ai được đụng chạm đến Đấng Phục Sinh, sẽ được biến đổi, trở nên mạnh mẽ, can đảm, vui tươi và bình an.

Khi ra thăm mộ Chúa, các phụ nữ đã rất kinh ngạc với một cảnh tượng không thể tin nổi: xác Thầy đã mất, chỉ còn lại ngôi mộ trống. Đang trong tâm trạng lo sợ, họ bị cật vấn “ Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” ( Lc 24, 5b-6a). Lời cật vấn đó đã khiến các bà nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói ( x. Lc 24,8) và gây nên một chuyển động tâm trạng từ lo âu, khiếp đảm sang tâm thái của niềm vui, một niềm vui khó diễn tả được khởi đi từ niềm tin. Chính vì tin tưởng Chúa đã sống lại, trong sự sung sướng và rất đỗi vui mừng, họ đã hối hả, chạy về để loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh cho nhóm Mười Một ( x. Lc 24, 1-10). Và Madalena cũng thế, trái tim bà đã đầy ắp niềm vui khó diễn đạt nổi khi thấy Chúa sống lại, được chạm được đến thân xác Phục Sinh của Thầy, được Thầy gọi tên mình bằng ngôn ngữ của tình yêu “Maria!”  ( x.Ga 20,16), nên bà cũng đã hối hả, vội chạy về  báo tin cho các tông đồ “Tôi đã thấy Chúa” ( x. Ga 20, 18).

Trước lời loan báo thấy Chúa của Madalena, Phêrô và Gioan cũng đã “ chạy” đến mộ Thầy, không chỉ là để kiểm chứng lời của Madalena nói, nhưng sâu xa hơn, còn là một hành vi của một sự tìm kiếm niềm vui, cho dẫu các ông cũng chưa biết rõ những gì đang xảy ra. Dù trong ngỡ ngàng, ngạc nhiên và còn nghi nan, nhưng quang cảnh ngôi mộ trống, đã khơi gợi trong các ông sự hy vọng, một niềm vui trong tâm hồn, khai mở một hành trình cảm nghiệm mới về sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Và cảm nghiệm niềm vui của Phục Sinh đã thật tròn đầy, tuyệt vời khi các môn đệ được Chúa hiện ra, được Thầy trao ban bình an ‘ Bình an cho các con” ( x. Ga 20, 19-23). Biến cố gặp gỡ Thầy đã Phục sinh trên đường Emmau cũng đã khiến hai môn đệ bừng tỉnh, được biến đổi, để rồi các ông không còn lo âu, sợ hãi, nhát đảm nhưng đã trở nên mạnh mẽ để làm lại một hành trình mới với Đấng Phục Sinh tại Giêrusalem và ở khắp mọi nơi trong sứ vụ loan báo Tin Mừng “ Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Ngài bẻ bánh” ( Lc 24,36). Những lần được gặp gỡ, trò chuyện, cùng ăn cùng uống với Đấng Phục Sinh chính là những luồng ánh sáng mạnh mẽ phá tan đêm trường thử thách, khủng hoảng về niềm tin mà trước đó các tông đồ đã rơi vào ( x. Lc 24, 36 - 43; Ga 21,1-14). Kinh nghiệm gặp gỡ, trải nghiệm niềm vui Phục sinh với Chúa Giêsu đã cho các môn đệ một sức mạnh mới trong bình an, vui tươi và tràn đầy hy vọng. Tông đồ Phaolô, dù không được thấy Đấng Phục Sinh bằng con mắt xác phàm, nhưng ngài đã có một kinh nghiệm rất tuyệt vời về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh từ biến cố trên đường Damas, để từ một Saolô kiêu hãnh đang thực hiện cuộc bách hại Giáo Hội, ngài được tái sinh hoàn toàn trong kinh nghiệm thiêng liêng với Đấng Phục Sinh và trở thành tông đồ loan báo Tin Mừng của Chúa thật hăng say và nhiệt thành ( x. Cv 9, 1-22).

Những người phụ nữ và các môn đệ đã có một cảm nghiệm rất rõ ràng sự tuyệt vời của niềm vui Phục Sinh, bởi chính họ đã chứng kiến, đã hiểu thật sự cái chết của Chúa Giêsu, đã trải qua kinh nghiệm được yêu thương, được tha thứ, được biến đổi (x. Lc 7, 37-50; Lc 22, 54-62). Nếu không có cảm nghiệm thâm sâu trong tương quan với Chúa qua cuộc đời theo Ngài, trong những gian nan, thử thách, đau khổ… các môn đệ sẽ không thể có được niềm vui trọn vẹn, một kinh nghiệm rất tuyệt vời về sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Chính khi đã đụng chạm thực sự đến cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ đã có được cảm nghiệm rõ nét, đầy hoan lạc của biến cố Phục sinh, một sự trái dấu rõ nét ẩn sâu trong kinh nghiệm thiêng liêng. Sự đụng chạm đó không đơn thuần là một sự gặp gỡ, tiếp xúc về thể lý, nhưng xa hơn nữa, đặc biệt hơn nữa chính là một cuộc tương giao, gặp gỡ tâm linh với Thầy Giêsu trong toàn bộ cuộc đời của từng người. Biến cố Phục Sinh đã giải thoát, chữa lành các môn đệ ra khỏi những sợ hãi, thất vọng, chán chường, buồn sầu, tiêu cực, của cơn khủng hoảng niềm tin, dẫn đưa họ tới niềm hoan lạc, một trải nghiệm mới trong hành trình người môn đệ, làm cho họ được biến đổi trong một cái nhìn hoàn toàn mới của đức tin. Các ngài đã tin Chúa Giêsu là Đức Chúa, là Đấng Cứu Độ con người khi chứng kiến cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu “ Đức Giêsu mà anh  em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” ( Cv 2, 36). Niềm vui Phục sinh đó trở thành một đề tài trọng tâm chiếm hữu toàn bộ con người, tâm trí và thân xác của các môn đệ, khiến họ phải nói, phải loan tin về biến cố Phục sinh, để niềm vui đó được nhân rộng lên mãi, không chỉ cho chính mình, nhưng còn cho những người các môn đệ gặp gỡ.

Từ niềm vui Phục Sinh, cùng với lệnh truyền của Thầy Giêsu (x.Mt 28, 16-20; Mc 16, 15) và sức mạnh của Thánh Thần (x. Ga 20,22; Cv 2, 1-4), các môn đệ đã ra đi, đến mọi miền trên khắp thế giới để loan báo Tin Mừng, để kể về câu chuyện tình yêu toàn năng nơi Thiên Chúa qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Biến cố Phục Sinh đã biến đổi Maria Madalena, Phêrô, Gioan, hai môn đệ trên đường Emmau, Saolô, Stêphanô…làm cho họ trở nên những con người của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Lời loan báo Tin Mừng của các môn đệ đã khởi đi từ niềm vui, từ cảm nghiệm về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Lời loan báo Tin Mừng về Đấng đã chết và sống lại của các tông đồ là lời loan báo mạnh mẽ, hùng hồn đầy sức thuyết phục, bởi những lời rao giảng ấy phản ảnh một đức tin thật vững vàng, một tình yêu nồng cháy và một sự cậy trông tuyệt đối nơi Thiên Chúa qua Đấng Phục Sinh “ Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng…Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” ( x. Cv 2,29-36). Mặc dù bị bách hại nhưng các tông đồ không hề sợ hãi, chùn bước không rao loan Tin Mừng, không rao giảng về Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Trái lại, các ngài còn hăng say hơn nữa, dám chấp nhận cả cái chết để loan báo Tin Mừng  “ Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “ Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không?... Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” ( Cv 4,19-20) (x.Cv 4,1-31; 5,17-33; 6,8-7,60). Họ, các tông đồ, các môn đệ, các Kitô hữu của Chúa đã không thể câm nín, lặng thinh trước niềm vui khôn cùng, nhưng các ngài đã mở môi miệng để rao loan, để trao ban cho người khác sứ điệp Phục Sinh, một Tin Mừng không thể bị giấu kín. Và trong sự hiệp thông niềm tin vào Đấng Phục Sinh, niềm vui đó được nhân lên, được thể hiện ngay trong chính cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi họ hiệp nhất cùng nhau trong đức tin, cầu nguyện và đời sống hàng ngày “ Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” ( Cv 2,44).

Trong đời sống hàng ngày, người Kitô hữu luôn được mời gọi trở nên những người loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Đó là sứ vụ, là trách nhiệm của từng người khi tháp nhập vào Giáo Hội, là phần tử của Giáo Hội. Nhưng làm sao để lời loan báo Tin Mừng có được sức mạnh, sức cuốn hút đối với người khác, với thế giới hôm nay? Kinh nghiệm rao loan Tin Mừng của các tông đồ, những người phụ nữ… thưở đầu của Giáo Hội sơ khai đã cho chúng ta những kinh nghiệm quí giá khi đọc lại các trình thuật trong chương cuối của các sách Tin Mừng và trong sách Công vụ Tông đồ. Lời loan tin vui, Tin Mừng của các ngài đã khởi từ niềm vui, từ cảm nghiệm về sự Phục Sinh, từ đức tin của chính các sứ giả của Tin Mừng. Và vì thế, lời loan báo Tin Mừng đã có một sức mạnh, lay động lòng người và dẫn đưa nhiều người tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Vì thế, niềm vui từ Phục Sinh, những trải nghiệm của một cuộc gặp gỡ với Chúa sẽ là động lực mạnh mẽ để chúng ta nói Tin Mừng cho người khác, làm chứng cho đức tin và biết cách xây dựng thế giới hiện tại bằng ánh sáng của Phục Sinh. Đức Kitô đã chết và sống lại, đó chính là tâm điểm của đức tin, là hy vọng và là nội dung trọng tâm của lời loan báo Tin Mừng của mỗi người chúng ta. Đó là lời loan báo Tin Mừng trọng đại nhất về tình yêu của Thiên Chúa, về niềm hy vọng được giải thoát từ ánh sáng Phục Sinh giữa một thế giới đang bị đe dọa bởi sự chết, tội ác và những nỗi thất vọng. Lời loan báo Tin Mừng của tình yêu Phục Sinh mở ra một thế giới đầy ắp yêu thương, thắng vượt sự ích kỷ, hận thù và ghen ghét. Lời loan tin vui của Sự Thật chống lại sự gian dối, đem lại niềm tin, xóa tan hoài nghi, tìm đến Lời Sự Thật. Lời loan Tin Mừng khải hoàn dẹp tan những sự dữ đang muốn thống trị và nô lệ hóa con người, và dẫn đưa con người đến đời sống mới trong Chúa Thánh Thần “ Cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” ( Rm 6,4b).

Thế giới và con người hôm nay đang rơi vào những cơn khủng hoảng trên nhiều bình diện của đời sống: kinh tế tài chính, quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, những giá trị đạo đức, và ngay cả niềm tin tôn giáo… Thời đại mà con người đang sống trong đó, tưởng chừng rất yên ổn, hóa ra lại quá đỗi bấp bênh, giữa một xã hội mà nơi đó, con người dường như đắm mình vào trong tuyệt vọng, mất phương hướng, vô định, sống tạm … thử hỏi mỗi người chúng ta đã lăn xả mình để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con người ngày hôm nay hay không? Hay chúng ta vẫn còn đang mơ ngủ và lãng quên sứ vụ này? Nhiều khi, ngay chính chúng ta cũng đang rơi vào một cuộc sống hững hờ trong đức tin, sống kiểu đức tin nửa vời, gặp chăng hay chớ, không mặn mà trong cách sống đạo, chứ đừng nói đến công việc loan báo Tin Mừng. Nếu ngay trong chính chúng ta vẫn chưa cảm, vẫn chưa hiểu, vẫn chưa nhận ra và trải nghiệm niềm vui của Phục sinh, của sự giải thoát, của một đức tin sẽ được sống lại với Chúa Giêsu, thì làm sao chúng ta có thể có một nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta đi loan báo Tin Mừng được. Cần phải có kinh nghiệm được chữa lành như anh mù Bartime ( x. Mc 46-52), hay người bệnh phong được Chúa Giêsu cứu chữa ( x. Mc 2,40-45)… có lẽ chúng ta mới thấy được giá trị tuyệt vời của việc được cứu sống, được trao ban ân sủng, được thông hiệp trong tình yêu với Chúa, nhờ đó, chúng ta mới hăng say đi rao giảng Tin Mừng“ Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14a). Chúng ta không thể cho người khác mà chúng ta không có, một kinh nghiệm thực tế được coi là đúng dưới nhiều góc cạnh. Thực trạng này được ví như một trạng thái tâm lý khi con người đang sở hữu niềm vui, họ sẽ chia sẻ niềm vui đó cho người khác để hạnh phúc, niềm vui được nhân lên mãi.

Với những gì đã và đang diễn ra xung quanh mình, thách đố cho sứ vụ loan báo Tin Mừng luôn ở trước mặt khi chúng ta chạm trán với một thế giới mà nhiều người đang rơi vào thuyết tương đối, không muốn đón nhận và sống với Chân Lý tuyệt đối, sống tự do buông thả, bất chấp luân lý và đánh mất cảm thức về tội; với cách thống trị, hành xử bất công, gian trá, vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo của một nhà nước nào đó; với những cuộc chiến bạo lực lớn nhỏ xảy ra khắp nơi mang tính tập thể lẫn cá nhân… Đứng trước những thách đố đó, người Kitô hữu cần phải tìm cho mình một cách thức loan báo Tin Mừng phù hợp và có sức mạnh nhất cho chính mình. Họ cần phải giải mã những thông điệp tối nghĩa của xã hội và con người hôm nay dưới ánh sáng của Tin Mừng Phục Sinh nhằm tìm ra được một cách thức để loan Tin Vui, trao truyền ngọn lửa của Phục Sinh trong Chúa Kitô cho con người hôm nay “ Ánh sáng Chúa Kitô _ Tạ ơn Chúa. Alleluia”.

Lời loan báo Tin Mừng, không đóng khung vào trong ngôn ngữ, nhưng cần phải rao loan bằng chính đời sống, với những giá trị Tin Mừng đích thực của Đấng đã chết và Phục sinh. Tin Mừng được trao ban cho thế giới và con người phải được xây dựng, đặt nền tảng trên một đức tin thật vững chắc, trên những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã sống, đã rao giảng và phải được cụ thể hóa qua đời sống đức tin và cách sống hàng ngày. Điều này đòi buộc chúng ta phải truy nguồn cho nền tảng giá trị thực của căn tính người Kitô hữu và sống tròn đầy căn tính của mình. Chính đức tin đưa chúng ta, những người Kitô hữu, đến gần hơn mầu nhiệm Thiên Chúa, có được chiều kích thiêng liêng thần bí với Đấng Phục Sinh, trong Chúa Cha toàn năng và Thánh Thần sáng tạo qua mỗi ngày sống của mình. Do vậy, người Kitô hữu không thể loan báo Tin Mừng khi chính họ chưa có được một đức tin sâu xa, chưa sống thực sự với mầu nhiệm Phục Sinh, khi chưa có được sự cảm nghiệm niềm vui của sự giải thoát, được cứu vớt, của hy vọng, khi họ chưa thực sự cùng chết với Chúa Kitô trong cuộc đời của mình.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP

 

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     SỰ CỨNG LÒNG TIN. G. Tuấn Anh.
     TÌM GẶP THIÊN CHÚA. G Tuấn Anh
     Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA MÙA VỌNG
     LỜI KINH THÁNG MƯỜI.Antôn Lương Văn Liêm.
     TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ NHẬN LẠI GẤP TRĂM.Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.
     LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI .Antôn Lương Văn Liêm
     NIỀM VUI ĐÍCH THỰC CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU LÀ GÌ? G. Tuấn Anh.
     Sao Em Không Lần Chuỗi? Lm Giuse Nguyễn Hữu An
     KINH MÂN CÔI QUYỀN NĂNG ĐÁNH TAN SỰ DỮ. Antôn Lương Văn Liêm
     Những thiên thần hộ mệnh âm thầm