Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

LƯU NIỆM NGÀY HỒNG ÂN LÃNH NHẬN TÁC VỤ LINH MỤC

LỚP PHANXICÔ-XAVIE . XUÂN LỘC (28/6/2011)

“TRỞ NÊN MỌI SỰ CHO MỌI NGƯỜI” (1Cor 9,22)

Priest012.jpgTrong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô, chúng ta tìm gặp được những lời tâm huyết của Thánh Phaolô. Đó cũng chính là những thao thức và là tiêu chí mà anh em Linh Mục Lớp Phanxicô xavie của Gíao Phận Xuân Lộc chọn làm câu tâm niệm.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã viết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu không rao giảng Tin Mừng. Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng được Thiên Chúa thưởng công. Còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi, đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người, vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,16-19.22-23).

“Không phải lý do để tự hào”, nhưng là sự cần thiết. Tâm huyết của những người thao thức đem Chúa đến cho anh em mình. Qủa vậy, thế gian ngày càng xa Chúa, ngày càng quay lưng lại với Chúa, không còn biết đến những gía trị thiêng liêng cao quý của phần rỗi mình, đó lại càng là những thách đố cho sự nhiệt tình của những người muốn thi hành sứ mạng “đem lửa từ trơi xuống” thắp sáng cho tòan thế giới. Thánh Phaolô, với sự nhiệt tâm và tình yêu Chúa Kitô thúc bách, đã khẳng định : “chẳng phải vì tự hào, nhưng là sự cần thiết” đến “khổ thân tôi nếu tôi rao giảng Tin Mừng”. Lời rao giảng thật thúc bách, sự dấn thân thật cần thiết đến độ phải vong thân và chỉ còn lý do duy nhất vì phần rỗi của anh em mình. Một gương sáng, ngọn đèn soi mà Gíao Hội vẫn hằng luôn mơ ước là có được những “Linh Mục như lòng Chúa mong ước” (Chân Phước Gíao Hòang Gioan Phaolô II), chứ không phải theo tiêu chuẩn của con người.

“Nếu tôi tự ý làm việc ấy mới đáng được Thiên Chúa thưởng công”. Sự tự nguyện, sự dấn thân trọn vẹn mới thực sự làm cho đức vâng lời trở nên giá trị và có sức thuyết phục. Tất cả những việc làm của chúng ta nếu bị lý do này hay lý do kia thúc bách, thì phần thưởng chúng ta đã được lãnh nhận ngay từ đời này. Có một sự bất công, và thường xảy ra như vậy, chúng ta đi tìm sự dễ dãi, thuận tiện cho mình bằng nhiều hình thức, dưới nhiều cái bóng bao che, mà nghĩ rằng mình hòan tòan tự do. Đi tìm cho mình sự bình an hay an tòan giả tạo, chắc gì đã đáng được thưởng công.

“Phần thưởng chính là :

“Rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho mình” ap_20101224042956489.jpg

“Hòan tòan tự do, không lệ thuộc vào ai”

“Nô lệ cho mọi người”

“Sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người”

Bốn điều kiện, bốn tiêu chí để được phần thưởng mà người môn đệ của Chúa phải phấn đấu, phải vượt qua với tất cả nỗ lực. Thật không dễ, nếu không muốn nói là hòan tòan khó và thực sự vất vả với sức riêng của con người. Chắc một điều, người môn đệ của Chúa phải bám vào Chúa, cậy trông và phó thác nơi Ngài, vì “Thầy không bỏ chúng con mồ côi, Thầy vẫn ở với chúng con và lòng chúng con sẽ vui mừng”. Chính Chúa cùng làm việc, chính Chúa cùng đồng hành, mọi gian nan, nguy khốn sẽ vượt qua; mọi thử thách sẽ tan biến. Được Chúa là được tất cả, dù người đời có đánh gía hay thậm chí trù giập !

Làm việc không công cho Tin Mừng : Một cuộc lội ngược dòng cho tính ích kỷ, ky cóp và tham lam bẩm sinh của con người. “Vô vị lợi”, một từ ngữ mà trong thế giới hưởng thụ của con người thời đại đã hòan tòan biến mất từ lâu. Vô vị lợi hòan tòan, chẳng vì ai mà cũng chẳng vì cái gía trị nhỏ nhoi nào trên trần thế, là động lực thúc bách sự dấn thân của người môn đệ Chúa. Làm việc với tất cả sức lực, trí lực, nghị lực như một người làm thuê, đòi hỏi người môn đệ phải vượt ra khỏi chính mình, vong thân hòan tòan, để được Chúa là tất cả.

Không lệ thuộc, dù đến cả sự tồn tại của chính sinh mạng mình. Thật không dễ tý nào và đây là sự thách thức khi những nhu cầu thuộc về con người thật chính đáng như bệnh tật, giới hạn bản thân. Đánh mất mình, đó là sự hy sinh đòi buộc mà người Linh Mục tương lai của Chúa, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải xác tín một cách mãnh liệt về sự dấn thân và nhiệm vụ khắc nghiệt của đời tông đồ, để xác tín, để tu luyện và sẵn sàng ra đi vô điều kiện một cách liên lỷ, vô hạn. “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mình hằng ngày mà theo Thầy”.

Nô lệ cho mọi người : Đã mang thân phận nô lệ, điều ai cũng hiểu là không còn tự do cho bản thân, không còn là mình, mà là sự hòa hợp và tan biến trong tha nhân. Khi vâng lệnh Chúa Cha để đến trần gian, Chúa Giêsu đã thưa “Này Con đến để thi hành thánh ý Cha”. Và thánh ý Cha đã trở thành của ăn, hơi thở của Chúa, đến cả đánh mất bản thân mình “Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha”. Được làm nô lệ cho Chúa, đó là một vinh dự, một hồng phúc mà người Linh Mục của Chúa sẵn sàng được sai đi, đến những nơi mình không muốn đến, làm những việc mà mình không ưa thích, đón nhận cả những người xa lạ, thậm chí cả những “kẻ thù” mình.

Sẵn sàng trở nên mọi sự cho mọi người .Thật lý tưởng, nếu không muốn nói : đây là cái dũng của bậc thánh nhân, hòan tòan vong thân, hòan tòan đánh mất mình để được cái lợi cho mọi người. Đó cũng chính là lý tưởng mà cuộc đời Linh Mục không chỉ bằng sự hưng phấn của những ngày đầu đời Linh Mục, hay còn gọi là tuần trăng mật của các tân chức, nhưng là những lời phải được lặp đi lặp lại trong suốt cả hành trình đời Linh Mục,những lúc huy hòang phấn khởi hay những lúc âm thầm đau khổ. Đau khổ vì bệnh tật, đau khổ vì yếu đuối bản thân, đau khổ vì những hiểu lầm, trù giập và cả đau khổ vì chính lý tưởng mình đang sống.

CA2XADK5.jpg“Lạy Chúa, Con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,7). Câu tâm niệm của Linh mục Pet. Nguyễn Phi Hòang là niềm xác tín cho lý tưởng đời tận hiến. Đó cũng chính là lời nguyện hiến tế được lặp lại từ nơi thập gía Chúa, mà hằng ngày, từng giây phút,người Linh Mục của Chúa phải sẵn sàng. Bởi “Sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cor.5,15b) cũng chính là sự xác tín được xác lập như là tâm niệm của Linh mục Giêrônimô Nguyễn quang Hòa, để mãi mãi “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”, như chính thánh Phaolô đã từng tâm nguyện. Chính “Chén của Thầy” (Mt 20,23a), chén bửu huyết lấy từ mạch máu trường sinh là sự sống của Chúa, mà Linh mục Giuse Ngô quang Nghĩa tâm niệm, là cả sinh mạng mà người Linh Mục của Chúa sẽ dấn thân, sẽ “Hiến thân mình làm của lễ” (Rm 12,1). Chính Linh mục Phaolô Nguyễn thiên Tú, qua lễ tế của cuộc đời mình cho trần thế, cũng muốn lập lại hằng ngày trên bàn thờ và trong cuộc sống của lễ hiến tế, của lễ tinh tuyền này.

Thao thức của người môn đệ ngày nay cũng như ngày xưa, như Chúa Giêsu “Anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16) mà Linh mục Giuse Lê Trần đình Vũ tâm niệm, ra đi để đem bánh và cá, lương thực thể lý và cả lương thực tinh thần cho những người bơ vơ vất vưởng không nơi nương tựa, và nhất là cả một thế giới đang đói và khát Lời hằng sống. Cái khao khát, cái tâm nguyện muốn “Ngài yêu họ đến cùng” (Jn 13,1b) mà hai anh em Linh mục Dom Vũ văn Hòai Linh mục Gioan Trần hòang Giang như là châm ngôn sống của đời mình, để cùng với Chúa, thể hiện cách sống và sự dấn thân trọn vẹn tình yêu của mình với tha nhân. Và nhất là, như Thánh Phaolô tông đồ dân ngọai, sẵn sàng “Trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cor 9,22) mà Linh mục Philipphê Phạm anh Hòang và tất cả anh em lớp Phanxicô Xavie muốn thể hiện cái khát vọng được trở nên tấm bánh cho mọi người xâu xé, chia năm sẻ bảy, để mãi mãi chu tòan chính cái sứ mạng “Các con hãy đi khkắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo”.

Nhưng để làm điều đó, “trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương” (Col.3,14a) Linh mục Anrê Phạm linh Tiên tâm niệm, trước hết chính mình phải đầy ngập tình yêu của Chúa. 55235951-1244792723-tinh-yeu-va-bao-dung-2.jpgTrái tim người Linh mục phải mang dấu ấn tình yêu của Chúa, để ở đâu, bất cứ nơi nào, cũng tóat lên hình ảnh một chủ chăn nhân từ, sống hết mình vì đàn chiên và cả chính anh em mình, chứ không chỉ là những lời gỉa dối và phỉnh gạt. “Xin dạy con đường lối Ngài” (Tv 85,11) Linh mục Martinô Nguyễn quốc Bảo Huân, qua câu tâm niệm sống của mình, đã nhận ra được cái chân lý ngàn đời : là sống và làm việc theo đường lối Chúa, thì không bao giờ sai lầm và hư vong. Vì thế :“Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện” (Tv 142,10) là những quyết tâm mà Ba anh em Linh mục Gioan B.Trần ngọc Bảo, Linh mục Martinô Trần quốc Hậu và Linh mục Dom Nguyễn khắc Tuyên muốn thực thi suốt cả hành trình đời Linh Mục của mình. Chính cái tâm tình sẵn sàng và mau mắn đó, mà Linh mục Dom Phạm văn Tám đã can đảm thân thưa với Chúa như Samuel ngày xưa “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3,10).Và cũng như Lm.Giuse Nguyễn văn Hảo “Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi” (Tv 119,111)

Trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ và Gíao Hội vẫn đọc hằng ngày “Nguyện danh Cha cả sáng”, cái nguyện ước và hòai bão đời Linh Mục là “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Jn.3,30) mà ba anh em Linh Mục Gioan B. Phan trịnh Long, Linh mục Gioan B. Hòang thanh Hòan và Linh mục Giuse Bùi quang Huy chọn làm tâm niệm, là cả một hành trình dài phải nhỏ lại của chính bản thân và để Chúa hòan tòan làm chủ và điều khiển mình như là một công cụ, như là một đầy tớ mà Mẹ Maria đã thân thưa “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Hành trình đó chính là mỗi ngày phải sẵn sàng “Anh em hãy nên hòan thiện” (Mt. 5,48), tâm niệm của Linh mục Bênađô Tô ngọc Hân, mà mỗi ngày phải từ bỏ mình, vác thập gía mình để nên giống và đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh. Và để hòan thành được nhiệm vụ và đi hết chặng đường cuộc đời, người Linh Mục của Chúa còn phải biết “Con trông cậy Chúa” (Tv 26) như Linh mục Dom Đỗ thanh Chương xác tín. Bởi “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Jn 15,5), tâm nguyện của Linh mục Laurensô Trần thế Phước. Nhưng trong tin tưởng và phó thác, người Linh Mục luôn xác tín “Ơn Ta đủ cho con” (2Cor 12,9), tâm niệm của Linh mục Dom Đỗ đình Qúat.

lua-trai-tim.jpg“Trở nên mọi sự cho mọi người” là tất cả ước nguyện không chỉ cho riêng ai, mà là lòng hăng say nhiệt thành tông đồ của tất cả các Linh Mục của Chúa. Bởi muốn làm lợi cho mọi người (rao giảng không công), và với tất cả sự tự do, người môn đệ của Chúa sẵn sàng đánh đổi tất cả, dù phải thiệt thân, để Chúa được biết đến. Sứ mạng đem Chúa đến cho anh em mình, vẫn mãi là những thách đố mà các Linh Mục của Chúa vẫn ngày đêm miệt mài thực hiện trên mọi cánh đồng truyền giáo của Chúa.

Là thách đố khi mà mọi cố gắng, nỗ lực bị áp lực bởi một sức ỳ của tính ích kỷ, sự lỳ lợm và khóai lạc hưởng thụ của con người thời đại.

Là thách đố, khi mà chính cuộc chiến đơn độc, không được ai nâng đỡ, mà chỉ lãnh được những lời chỉ trích, phê bình, xăm xoi từ mọi phía, khiến cho những thử thách trở nên một gánh nặng, thậm chí đánh mất cả niềm tin.

Vẫn mãi là những thách đố khi tuổi đời, bệnh tật, sự trù giập đổ ập và vắt kiệt sức, để rồi trở thành kẻ vô dụng, thậm chí trở thành gánh nặng cho tha nhân. Cuộc đời vẫn là thế và mãi mãi vẫn là thế, ai biết cho đời Linh Mục, ai hiểu và cảm thông cho đời Linh Mục, khi mà trong cuộc chiến không có chỗ cho tình thương, khoan dung và cảm thông.

“Con trông cậy Chúa” (Tv 26) sẽ mãi là điểm tựa tinh thần, là tâm niệm mà ngày ngày người Linh Mục của Chúa hãy vào để ẩn náu. Chỉ còn Chúa và thực sự là thế, là tất cả, là chỗ dựa an tòan mà hằng ngày người Linh Mục cảm thấy mình thật nhỏ bé, lẻ loi và đầy áp lực trong cuộc chiến vượt qua chính mình. Những cám dỗ quyền lực, tham vọng “một tay che kín cả bầu trời”, sẽ mãi là những cuộc đánh đổi dồn nén đến đánh mất cả chính mình.

“Ơn Ta đủ cho con” (2Cor 12,9), vì chính Chúa đã từng hứa và nhất là an ủi tất cả chúng ta “Tên con đã được ghi ở trên trời”. Xin ơn thánh Chúa mãi mãi đồng hành với tất cả các Linh Mục của Chúa, cả những lúc còn trẻ hay đến lúc tuổi gìa sức yếu và cả những khi bị lao lung, thử thách trăm chiều. Xin Chúa hãy ở mãi với chúng ta, để mãi mãi chúng ta sẽ có được niềm an ủi và động viên đắc lực mà dấn thân, không quản ngại bị hãm hại, thương tật. Bởi Chúa luôn là Đấng “Ngài yêu họ đến cùng” (Jn 13,1b).

Viết tại Gíao Xứ Đại Lộ, ngày Lễ Thánh Gioan B. 24/6/1011

Linh Mục Gioan B.Phan kế Sự

Nguyên Quản Lý Đại Chủng Viện Giuse Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     Đường tình yêu
     ĐỜI THÁNH HIẾN: MỘT CÁCH THỨC DIỄN TẢ VẺ ĐẸP THẦN LINH. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
     " BÍ MẬT CÔNG KHAI". CẤM KHÔNG ĐƯỢC NÓI MÀ AI CŨNG BIẾT. Lm Lê Minh Thông OP
     TỪ TUYỆT VỌNG ĐẾN CHIA SẺ – Achille Degeest
     CHỈ VÂNG LỜI CHA MẸ TRONG ĐIỀU THIỆN. Sr. JB Minh Nguyệt dịch
     TRONG VÒNG TAY CHE CHỞ CỦA BÀ, TÔI CẢM THẤY AN TOÀN NHƯ CON THƠ NÉP VÀO LÒNG MẸ
     CHÚNG TÔI RAO GIẢNG ĐẤNG BỊ ĐÓNG ĐINH LÀ ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ
     TƯ TƯỞNG CỦA TA KHÔNG PHẢI LÀ TƯ TƯỞNG CỦA CÁC CON
     THÁNH CẢ GIUSE ĐẶC BIỆT CHE CHỞ CÁC TRINH NỮ
     TA SAI THIÊN SỨ ĐI TRƯỚC CON ĐỂ GIỮ GÌN CON