TƯ TƯỞNG CỦA TA KHÔNG PHẢI LÀ TƯ TƯỞNG CỦA CÁC CON
... Ngày 15-6-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chỉ định bác sĩ Patrizio Polisca làm phó Giám đốc sở Y tế thành phố quốc gia Vatican, đồng thời chỉ định ông làm bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng.
Một năm sau, ngày 5-7-2010 Đức Thánh Cha lại chỉ định ông làm Giám Đốc sở Y Tế của quốc gia thành phố Vatican. Bác sĩ cũng là Trưởng Ban Ủy Ban giám định y khoa của Bộ Phong Thánh. Chính với tư cách này mà bác sĩ Polisca cùng với Ủy Ban đã nhìn nhận cuộc khỏi bệnh Parkinson của nữ tu Marie Simon Pierre là không giải thích được về phương diện y khoa. Nữ tu thuộc dòng Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo đã cầu xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cứu giúp.
Bác sĩ Patrizio Polisca chào đời năm 1953 tại Petriano thuộc tỉnh Pesaro (Trung Ý) trong một gia đình Công Giáo không giàu có. Ông đã lập gia đình và có ba người con. Bác sĩ là chuyên viên ngành giải phẫu tim, hồi sinh và gây mê. Sau đây là chứng từ của bác sĩ về những kỷ niệm khó quên với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005).
Năm 1986, bác sĩ Renato Buzzonetti - lúc ấy là bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và là Giám Đốc sở Y Tế của quốc gia thành phố Vatican - mời tôi đến nói chuyện. Tôi nhớ rõ cảm giác lạ thường của mình khi lần đầu tiên bước qua cổng nội thành Vatican. Tôi cảm thấy nôn nao rúng động nhưng không hiểu lý do tại sao. Cũng cùng cảm giác như thế khi tôi nghe bác sĩ Buzzonetti đề nghị tôi giữ vai bác sĩ trực trong kỳ hè tại dinh thự của Đức Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Tôi hiểu hơn một chút lý do tại sao, khi sau đó tôi tình cờ chạm mặt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Castel Gandolfo. Lúc ấy là mùa hè năm 1987. Đức Thánh Cha vừa cử hành xong Thánh Lễ ban sáng và tôi gặp ngài nơi hành lang của dinh thự. Vị bí thư - Cha Stanislao - giới thiệu tôi với Đức Thánh Cha:
- Đây là vị bác sĩ trực hôm nay!
Tôi nhớ rõ Đức Thánh Cha nhìn tôi tỏ dấu ngạc nhiên và nói:
- Trẻ vậy sao!
Chính lúc ấy tôi mới nhận ra điều gì đã thực sự xảy đến với tôi. Đó là, tôi đang đứng trước một vị Giáo Hoàng. Tôi có mặt ở đây là để phục vụ ngài, nếu chẳng may ngài cần đến một bác sĩ. Có lẽ tôi còn quá trẻ trước một trách nhiệm lớn lao như thế. Năm ấy tôi mới 34 tuổi. Nhưng gương mặt Đức Gioan Phaolô II tươi cười tức khắc ngay sau câu nói đó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Giờ đây tôi không còn những cảm giác khác thường ấy nhưng nó giúp tôi hành nghề bác sĩ với trọn lương tâm nghề nghiệp và luôn đi đôi với tâm tình của một tín hữu Công Giáo chân chính. Để hỗ trợ cho cuộc sống thiêng liêng, tôi có học thêm môn thần học, có trải qua vài kỳ thi, nhưng sau đó phải ngừng vì không có nhiều thời giờ rảnh.
Năm 1994, bác sĩ Renato Buzzonetti chính thức mời tôi làm thành viên của sở Y Tế của quốc gia thành phố Vatican. Dĩ nhiên tôi rất hài lòng nhưng không rõ số phận nào sẽ chờ đợi mình sau đó. Tuy nhiên điều này đối với tôi không quan trọng, bởi lẽ tôi không đặt nặng vấn đề tiến thân đạt địa vị cao trong xã hội nhưng chỉ hành nghề với trọn niềm vui và lòng nhiệt thành.
Rồi một biến cố đáng ghi nhớ khác xảy ra. Hồi ấy là cuối năm 1997. Trong khi chuẩn bị cuộc viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Cuba, vị bác sĩ riêng của ngài đề nghị tôi tháp tùng và giúp ông suốt trong chuyến đi sẽ diễn ra và đầu năm sau: tháng Giêng 1998.
Tôi sung sướng nhận lời nhưng thành thật thú nhận là tôi có cảm thấy chút lo âu sợ hãi. Từ chuyến tháp tùng đầu tiên này giờ đây tôi sung sướng hồi tưởng. Tôi nhớ lại từng giai đoạn với từng khuôn mặt tôi gặp. Tôi nhớ rõ đôi mắt đỏ ngầu và xoi mói của Fidel Castro. Nhưng nhất là tôi ghi đậm cái nhìn cương quyết và thanh thản của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Cái nhìn của Đức Gioan Phaolô II như nam châm thu hút và làm chủ đám đông. Tôi thật sự ngỡ ngàng và khâm phục .. Sau này tôi có cùng cảm giác như thế khi đối diện với vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng đương kim Biển-Đức XVI. Và tôi hiểu rằng, chính các kinh nghiệm sống cạnh Đức Giáo Hoàng đã thực sự thu hút tôi.
Trong tuần lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nơi dương thế, tôi có mặt bên ngài từ chiều thứ năm đến sáng thứ bảy 2-4-2005. Tôi hôn trên trán Đức Thánh Cha để giã biệt ngài và lui bước. Nhưng tôi nghĩ là ngài không nhận ra tôi. Tôi không có mặt lúc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trút hơi thở cuối cùng.
Tháng 4 năm 2005, bác sĩ Renato Buzzonetti xin tôi - cùng với 2 y tá - túc trực việc chăm sóc sức khoẻ cho các Hồng Y trong thời gian Mật Nghị bầu Giáo Hoàng. Đây là kinh nghiệm bản thân rất quan trọng đối với cuộc đời tôi. Tôi hiểu tầm quan trọng mình thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi cũng ý thức trách nhiệm phục vụ Đức Thánh Cha, và qua ngài, phục vụ Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Sau đó là tin Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu Biển-Đức XVI (19-4-2005).
Thời gian trước đó không lâu, tôi hân hạnh quen biết Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi ngài làm Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Chính lúc ấy bác sĩ Renato Buzzonetti và tôi là hai giáo dân đầu tiên được Đức Tân Giáo Hoàng bắt tay thăm hỏi. Bác sĩ Renato Buzzonetti trước, rồi đến tôi. Và chuyện thật ngạc nhiên diễn ra. Khi bắt tay tôi ngài bất ngờ gợi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai chúng tôi cách đó gần 15 năm, tức vào khoảng năm 1990. Vậy mà Đức Tân Giáo Hoàng nhớ rõ như in. Ngài nhắc lại rằng, vào dịp ấy, chúng tôi đã nói về thánh Bonaventura. Tôi ngỡ ngàng kinh ngạc đến độ đứng im không có phản ứng nào hết cũng không thốt lên lời nào cả! Có lẽ trên mặt tôi lúc ấy chỉ điểm duy nhất nụ cười diễn tả cái lúng túng vì không biết nói gì cả!
Khi Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI chỉ định tôi làm bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng thay thế bác sĩ Renato Buzzonetti đến tuổi về hưu, tôi thật sự xúc động. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn. Do đó tôi cố gắng liên tục cập nhật các hiểu biết về y khoa để không đánh mất tính cách chuyên nghiệp. Tôi hợp tác với Bệnh Viện Bách Khoa Đại Học Tor Vergata và làm việc nơi Khu Giải Phẫu Tim. Tôi cũng dành thời giờ để tiếp tục trau dồi thêm kiến thức, thường là vào ngày thứ bảy và Chúa Nhật. Tôi luôn luôn ý thức trách nhiệm lớn lao đối với Đức Thánh Cha và qua ngài, đối với Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Nhưng tôi sống ý thức này với niềm hân hoan thanh thản và chia sẻ niềm vui ấy với gia đình tôi.
Trước đó, vào giữa thập niên 1990 khi được Đức Hồng Y Pietro Palazzini (1912-2000) - lúc còn làm Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh - mời làm thành viên Ủy Ban giám định y khoa của Bộ Phong Thánh, tôi đã có được những kinh nghiệm tuyệt vời. Đối với cá nhân tôi thì đây thật là một vinh dự. Tôi được dịp quen biết các nhân vật danh tiếng trên thế giới. Ủy Ban gồm các Bác Sĩ được tuyển chọn để đưa ra các quan điểm đứng trước các cuộc khỏi bệnh lạ lùng mà y khoa không giải thích được nhưng được gán cho nhờ lời chuyển cầu của các vị thánh.
Tôi xin đan cử một trường hợp đặc biệt gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Đó là cuộc khỏi bệnh tức khắc, xảy ra cùng một lúc và kéo dài của hai thiếu nhi người Peru, nhờ lời chuyển cầu của Đức Cha Giuseppe Marello (1844-1895). Ngài từng làm Giám Mục giáo phận Acqui ở Bắc Ý và là vị sáng lập Hội Dòng Hiến Sinh Thánh Cả Giuse.
Hai trẻ chăn chiên - một trai một gái là Alfredo và Isila - sống tại làng Ranquish nơi rặng Ande bên nước Perù. Hai em bị chứng bệnh lao phổi rất trầm trọng. Nhưng khi cầu khẩn cùng chân phước Giuseppe Marello thì được khỏi bệnh tức khắc, cùng một lúc mà không dùng bất cứ phương thuốc trị liệu nào. Phép lạ xảy ra vào ngày 17-5-1998. Chính phép lạ đẩy mạnh tiến trình phong hiển thánh cho Đức Cha Giuseppe Marello. Ngài được phong chân phước năm 1993 và được phong hiển thánh năm 2001.
... “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các con, và đường lối các con không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các con và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các con chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isaia 55,8-11).
(”L'OSSERVATORE ROMANO”, Giornale Quotidiano Politico Religioso, Anno CL,
Sabato 21 Agosto 2010, trang 8)