Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Mọi người đều có nguy cơ

sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu

  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 13-10-2010.

Trong những ngày này số tín hữu hành hương Rôma gia tăng vì Chúa Nhật 17 tới đây sẽ có lễ tôn phong hiển thánh cho 6 Chân Phước, trong đó có Chân Phước Mary McKillop, vị thánh tiên khởi của Australia. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một vị thánh thần bí lớn khác của thế kỷ XIII: đó là Chân Phước Angela thành Foligno, trung Italia. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử của chân phước như sau:

Chào đời vào khoảng năm 1248 trong một gia đình khá giả, chân phước mồ côi cha và được mẹ giáo dục một cách hời hợt. Angela được mau chóng đưa vào trong các môi trường trần tục của thành phố Foligno, nơi đây nàng quen biết một người đàn ông và lấy làm chồng năm lên 20 tuổi rồi có con cái. Cuộc sống vô tư lự đến độ cho phép nàng khinh bỉ những người “thống hối tội lỗi”, nghĩa là những người theo Chúa Kitô, đã bán của cải gia nghiệp và sống đời cầu nguyện, chay tịnh, phục vụ Giáo Hội và tha nhân.

Nhưng rồi có một vài biến cố như trận động đất năm 1279, một trận bão, chiến tranh chống lại thành Perugia và các hậu qủa khắc nghiệt của chúng trong cuộc sống, đã ghi dấu trong cuộc đời Angela, khiến cho nàng từ từ ý thức được các tội lỗi của mình và quyết định khẩn cầu thánh Phanxicô thành Assisi hiện ra, để xin ý kiến giúp nàng xưng tội chung. Đó là năm 1285. Angela xưng tội với thánh Feliciano. Ba năm sau, chỉ trong vòng vài tháng, mẹ nàng qua đời, sau đó là tới phiên chồng và tất cả con. Angela bán hết của cải và năm 1291 gia nhập Dòng Ba Phanxicô, rồi qua đời tại Foligno ngày mùng 4 tháng giêng năm 1309.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói sách cuộc đời chân phước kể lại sự hoán cải và chỉ cho thấy 3 phương thế cần thiết là ăn năn sám hối, khiêm nhường và các sầu muộn. Nhớ lại các kinh nghiệm từ năm 1285, Angela trình bày với cha giải tội, và vị này trung thành ghi chép lại các kinh nghiệm thiêng liêng ấy, chia chúng thành các giai đoạn, nhưng không thể sắp xếp cho có thứ tự một cách hoàn toàn (x. Il libro della beata Angela da Foligno, Cinisello Balsamo 1990,tr. 51). Lý do là vì kinh nghiệm kết hiệp lôi cuốn hoàn toàn các giác quan tinh thần và thân xác của Angela trong các cuộc xuất thần. Những điều Thiên Chúa cho chân phước trông thấy và nghe được, chân phước không thể nói được với người khác, mặc dầu rất muốn thông truyền chúng cho họ. Kinh nghiệm thần bí đó là các soi sáng Thiên Chúa thông truyền cho linh hồn của chân phước một cách bất thình lình và không ngờ.
Bên cạnh sự khó khăn diễn tả kinh nghiệm thần bí, còn có sự kiện khó hiểu từ phía các người nghe nữa. Đây là tình trạng cho thấy Chúa Giêsu là Vị Thầy duy nhất đích thật sống trong tim của từng tín hữu, và Ngài ước mong chiếm đoạt nó hoàn toàn. Chân phước Angela viết cho một người con thiêng liêng như sau: “Con ơi, nếu con thấy được trái tim mẹ, con sẽ bị bó buộc làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn, bởi vì trái tim mẹ là trái tim của Thiên Chúa, và trái tim của Thiên Chúa là trái tim của mẹ”. Ở đây vang vọng lên các lời của thánh Phaolô: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha duyệt qua vài chặng trên lộ trình thiêng liêng của chân phước Angela. Trước hết là việc hiểu biết tội lỗi khiến cho linh hồn sợ hãi bị trầm luân, sợ hãi hỏa ngục, và khiến cho chân phước khóc lóc cay đắng (Sđd., tr. 39). Đó là thứ đức tin mà chân phước có trong lúc hoán cải, một đức tin thiếu đức mến, hay thiếu tình yêu của Thiên Chúa. Ăn năn, sợ hỏa ngục và sám hối mở ra cho Angela viễn tượng của thập giá đớn đau, và từ chặng thứ 8 đến thứ 15 dẫn đưa chân phước tới “con đường tình yêu”. Chân phước nói: “Ai muốn duy trì ơn thánh, thì không được cất đôi mắt của linh hồn khỏi Thập Giá, trong khi vui cũng như lúc buồn mà Chúa ban cho và cho phép xảy ra”. “Linh hồn cảm thấy xấu hổ cay đắng và chưa có kinh nghiệm tình yêu, những nỗi đớn đau”, và nó không được thỏa mãn (Sđd., tr. 39).

Angela cảm thấy phải cho Thiên Chúa cái gì đó để đền bù các tội lỗi của mình, nhưng từ từ chị hiểu rằng mình không có gì để cho Thiên Chúa cả. Còn hơn thế nữa chị cảm thấy là “hư không” trước Thiên Chúa và hiểu rằng không phải ý chí của chị ban cho chị tình yêu của Thiên Chúa, bởi nó chỉ có thể cho chị cái “hư không” của nó, cái “không tình yêu” mà thôi...

Trên con đường thần bí của mình, chị Angela hiểu một cách sâu xa thực tại nòng cốt này: điều cứu chị khỏi sự “bất xứng” và “đáng chịu hỏa ngục” sẽ không phải là sự “hiệp nhất với Thiên Chúa” và việc chiếm hữu sự thật, mà là chính Chúa Kitô chịu đóng đinh... Trên thập giá có con người - Thiên Chúa, trong một cử chỉ khổ đau là cử chỉ tối cao của tình yêu... Vì thế khi chiêm ngắm nỗi khổ đau khôn tả của Thiên Chúa và con người Giêsu Kitô, linh hồn đau khổ đến độ nó được khổ đau biến đổi” (Ibd. tr.190-191).

Đức Thánh Cha tóm tắt lộ trình kinh nghiệm thần bí của chân phước Angela như sau: Như thế, tất cả kinh nghiệm thần bí của chân phước hướng tới việc trở nên hoàn toàn giống Chúa, qua các thánh tẩy và biến đổi ngày càng sâu xa và triệt để hơn. Angela hoàn toàn dấn thân xác hồn trong công trình tuyệt vời ấy, mà không nề quản hãm mình và chịu ưu phiền từ đầu cho tới cuối, ước ao được chết với tất cả các khổ đau mà con người - Thiên Chúa đã phải chịu để được hoàn toàn biến đổi trong Ngài...

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Việc trở nên giống Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh cũng có nghĩa là sống những gì Chúa Giêsu đã sống: nghèo nàn, bị khinh dể, đau đớn, bởi vì Angela khẳng định rằng: “qua sự khó nghèo trên trần thế này linh hồn sẽ tìm thấy các sự giầu có vĩnh cửu; qua sự khinh rẻ và xấu hổ nó sẽ có được danh dự và vinh quang rất lớn lao; qua một ít hãm mình, được thi hành với sự khó nhọc và đau đớn, nó sẽ chiếm hữu được Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa vĩnh cửu, với sự dịu ngọt và ủi an bất tận” (Ibid. tr. 293).

Cầu nguyện liên lỉ là bí quyết dẫn đưa chị Angela từ chỗ hoán cải tới việc kết hiệp thần bí với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Chị khẳng định rằng: “Bạn càng cầu nguyện bao nhiệu, thì lại càng được soi sáng nhiều bấy nhiêu; càng được soi sáng nhiều bao nhiêu, bạn sẽ lại càng trông thấy sự Thiện Tối Cao Đấng cực tốt lành một cách sâu đậm và mạnh mẽ bấy nhiêu. Càng trông thấy Ngài một cách sâu đậm và mạnh mẽ bao nhiêu, bạn càng yêu mến Ngài bấy nhiêu. Bạn càng yêu mến Ngài bao nhiêu, lại càng được Ngài yêu thương đặc biệt bấy nhiêu; và Ngài càng đặc biệt yêu thương bạn bao nhiêu, thì bạn lại càng hiểu biết Ngài nhiều hơn bấy nhiêu, và sẽ có khả năng hiểu được Ngài. Tiếp đến bạn sẽ tới với ánh sáng tràn đầy, bởi vì bạn sẽ hiểu rằng bạn không thể hiểu được” (Ibd., tr.184).

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: cuộc đời của chân phước Angela thành Foligno cũng cho chúng ta thấy ngày nay chúng ta tất cả cũng gặp nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu: xem ra Ngài qúa xa vời cuộc sống thường ngày. Nhưng Thiên Chúa có hàng ngàn phương cách để hiện diện trong linh hồn, để cho thấy Ngài hiện hữu, Ngài biết tôi và Ngài yêu tôi. Xin chân phước Angela giúp chúng ta biết chú ý tới các dấu chỉ, qua đó Chúa đánh động linh hồn chúng ta, biết chú ý tới sự hiện diện của Thiên Chúa, để học biết con đường đi với Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Kitô Chịu Đóng Đanh.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Theo Vatican

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Công bố Tự Sắc của Đức Thánh Cha thành lập Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng. Theo vatican
     Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám Mục Trung Đông. Theo Vatican
     Phục vụ Tin Mừng, loan báo sự thật và thăng tiến nhân bản. Theo Vatican
     TÔN GIÁO LÀ DỤNG CỤ THĂNG TIẾN HÒA BÌNH VÀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI. Theo Vatican
     LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ BỔN PHẬN CỦA MỌI KI TÔ HỮU. Theo Vatican
     Đừng sợ hãi sống và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội. Theo Vatican
     DÂNG HIẾN TUỔI XUÂN ĐỂ CẦU CHO CÁC LINH MỤC VÀ ĐỀN BÙ TỘI PHÁ THAI. Theo Vatican
     100 ngàn người canh thức cầu nguyện với Đức Thánh Cha tại Luân Đôn. Theo Vatican
     GIA TÀI KITÔ VẪN SINH ĐỘNG TẠI ANH QUỐC. Theo Vatican.
     Đức Thánh Cha chủ sự lễ phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman. Theo vatican