Nên thánh là món quà lớn kitô hữu có thể trao tặng cho thế giới
Các Thánh là các chứng nhân và
bạn đồng hành của chúng ta trên con đường cuộc sống. Hy vọng nên thánh,
trở thánh hình ảnh của Chúa Kitô là món quà lớn lao nhất mà từng người trong
chúng ta có thể trao tặng cho thế giới. Lịch sử của chúng ta cần có các “người
thần bí” khước từ mọi thống trị, ước muốn sống bác ái, huynh đệ, chấp nhận một
phần khổ đau và mang lấy gánh nặng của tha nhân, để thế giới có thể hy vọng.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với
mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung
hàng tuần sáng thứ tư 21.06.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn tư tưởng
của tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái viết: “Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu
cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho các thánh đạt tới hạnh
phúc trọn vẹn mà không có chúng ta. Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân
chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội
lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho
ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt
11,40-12,2a)
ĐTC nói: Trong ngày chúng ta lãnh
nhận bí tích Rửa Tội đã vang lên lời khẩn cầu các thánh cho chúng ta. Nhiều
người trong chúng ta hồi đó còn bé được cha mẹ bồng trên tay. Trước khi xức Dầu
tân tòng, biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc chiến đấu chống lại
sự dữ, linh mục mời toàn cộng đoàn cầu nguyện cho những người sắp lãnh nhận bí
tích Rửa Tội bằng cách khẩn nài sự bầu cử của các thánh. Đây là lần đầu tiên
trong cuộc sống của mình sự đồng hành của các anh chị em cả được ban tặng
cho chúng ta; - các thánh - họ là những người đã đi qua cùng con đường của
chúng ta, đã hiểu biết cùng các lao nhọc của chúng ta và sống mãi trong vòng
tay của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa sự đồng hành này bao
quanh chúng ta với kiểu nói “đám đông các nhân chứng” (Dt 12,1). Các thánh là
như thế: một đám đông các chứng nhân.
ĐTC giải thích như sau:
** Trong cuộc chiến chống lại sự
dữ các kitô hữu không tuyệt vọng. Kitô giáo vun trồng một niềm hy vọng không
thể chữa lành được: nó không tin rằng các sức mạnh tiêu cực và phá tán có thể
chiến thắng. Lời nói cuối cùng trên lịch sử của con người không phải là thù
hận, không phải là cái chết, không phải là chiến tranh. Trong mọi lúc của cuộc
sống có bàn tay của Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta và sự hiện diện kín đáo của tất
cả các tín hữu “đã ra đi trước chúng ta với dấu chỉ của đức tin”. Sự hiện hữu
của họ trước hết nói với chúng ta rằng cuộc sống kitô không phải là một lý
tưởng không thể đạt tới được. Và cùng nhau nó an ủi chúng ta: chúng ta không cô
đơn, Giáo Hội bao gồm vô số các anh em, thường là vô danh, đã ra đi trước chúng
ta và qua hoạt động của Chúa Thánh Thần họ cũng liên lụy trong các chuyện của
người còn sống dưới thế này.
Lời khẩn cầu trong bí tích Rửa
Tội không phải là lời khẩn cẩu các thánh duy nhất ghi dấu con đường cuộc sống
kitô của chúng ta. Khi hai người đính hôn thánh hiến tình yêu của họ trong bí
tích Hôn Nhân, việc khẩn nài các thánh lại được lập lại trên họ lần này như là
đôi bạn. Và việc khẩn nài ấy là suối nguồn của sự tin tưởng cho hai người trẻ
bắt đầu “hành trình” cuộc sống lứa đôi. Ai yêu thương đích thực thì ước mong và
can đảm nói tiếng “luôn mãi” – “luôn mãi” - nhưng biết mình cần đến ơn thánh
của Chúa Kitô và sự trợ giúp của các thánh, để có thể sống cuộc đời hôn nhân
luôn mãi. Không phải như vài người nói “trong khi tình yêu kéo dài”. Không:
luôn mãi. Nếu không thì tốt hơn là đừng lập gia đình. Hoặc là luôn mãi hoặc là
không có gì hết. Chính vì thế trong phụng vụ lễ cưới chúng ta khẩn nài sự hiện
diện của các thánh. Trong các lúc khó khăn cần có can đảm hướng mắt lên trời,
bằng cách nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã đi qua sự khốn khó và đã giữ gìn
áo rửa tội của họ trong trắng bằng cách giặt chúng trong máu của Chiên Con (x.
Kh 7,14). Sách Khải Huyền nói thế.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi
chúng ta: mỗi khi chúng ta cần, sẽ có môt thiên thần của Ngài đến nâng chúng ta
lên và trao ban ủi an cho chúng ta. “Các thiên thần” đôi khi với gương
mặt và trái tim của một người, bởi vì các thánh của Thiên Chúa luôn luôn ở đây,
dấu ẩn giữa chúng ta. Điều này thật khó hiểu và cả khó tưởng tượng nữa, nhưng
các thánh hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Và khi một ai đó khẩn cẩu một
thánh nam hay thánh nữ, là bởi vì vị thánh ấy gần gũi chúng ta.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
** Cả các linh mục cũng sẽ ghi
nhớ kỷ niệm của một lời khẩn nài các thánh được đọc trên các vị. Đó là một lúc
cảm động nhất của phụng vụ truyền chức. Các ứng viên nằm dài xấp mặt trên đất.
Và toàn cộng đoàn được Đức Giám Mục hướng dẫn khẩn nài sự bầu cử của các thánh.
Một người sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của sứ mệnh được giao phó, nhưng cảm thấy
rằng toàn thiên đàng ở đàng sau lưng mình, rằng ơn thánh của Thiên Chúa sẽ
không thiếu, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn trung thành, khi đó có thể ra đi thanh
thản và được bổ sức. Chúng ta không cô đơn.
Và chúng ta là gì? Chúng ta là
bụi đất khát vọng trời cao. Sức mạnh của chúng ta yếu đuối nhưng mầu nhiệm ơn
thánh hiện diện trong cuộc đời kitô hữu thì mạnh mẽ. Chúng ta trung thành với
trái đất này mà Chúa Giêsu đã yêu thương trong mọi lúc của cuộc đời Ngài, nhưng
chúng ta biết và muốn hy vọng nơi sự biến đổi của thế giới, nơi việc thành toàn
vĩnh viễn, nơi sau cùng sẽ không còn có nước mắt, sự gian ác và khổ đau nữa.
Ước chi Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm hy vọng là thánh. Nhưng có ai đó sẽ
có thể hỏi tôi: “Cha ơi, có thể nên thánh trong cuộc sống mọi ngày không?” Có,
có thể. “Nhưng điều này có nghĩa là cần phải cầu nguyện suốt ngày hay sao?”
Không, không, điều đó có nghĩa là bạn phải chu toàn bổn phận của bạn mỗi
ngày: cầu nguyện, đi làm việc, trông nom con cái. Nhưng làm tất cả với
tất cả con tim rộng mở cho Thiên Chúa, với ước muốn rằng công việc đó, cả trong
bệnh tật, đau khổ, cả trong các khó khăn, các khó khăn đó rộng mở cho Thiên
Chúa. Và như vậy chúng ta sẽ nên thánh. Chúng ta có thể nên thánh. Có thể. Ước
chi Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh. Chúng ta có thể. Chúng ta
nghĩ rằng đó là một điều khó, trở thành tội phạm thì dễ hơn là nên thánh…
Không: có thể là thánh bởi vì Chúa trợ giúp chúng ta. Chính Ngài trợ giúp chúng
ta.
Ước chi Chúa ban cho chúng ta
niềm hy vọng là thánh. Đó là món quà lớn lao mà từng người trong chúng ta có
thể ban tặng cho thế giới. Ước chi Chúa ban cho chúng ta ơn tin một cách sâu
đậm nơi Ngài đến độ trở thành hình ảnh của Chúa Kitô cho thế giới này. Lịch sử
của chúng ta cần có các “người thần bí” khước từ mọi thống trị, khát vọng tình bác
ái huynh đệ. Những người nam nữ sống và chấp nhận cả một phần khổ đau, để mang
gánh nặng của tha nhân. Nhưng nếu không có các người nam nữ này, thế giới sẽ
không có hy vọng. Vì thế tôi cầu chúc anh chị em -và cầu chúc cho cả tôi nữa –
là xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh.
** ĐTC đã chào các đoàn hành
hương đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Đức, Êcốt, Hy Lạp, Hồng Kông, Indonesia,
Philippines, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil. Ngài xin các thánh bầu cử
cho mọi người tin mạnh mẽ nơi Chúa Kitô để trở nên hình ảnh của Ngài cho thế
giới. Xin các thánh giúp mọi người hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi
con người và vì thế biết sống làm chứng cho niềm hy vọng trên trần gian này.
Chúng ta hãy tiếp nhận lời Chúa mời gọi nên thánh và yêu thương phục vụ nhau
trong cuộc sống thường ngày. Thế giới cần có các vị thánh, và chúng ta tất cả
đều được mời gọi nên thánh, không trừ ai.
Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào
các tân phó tế Trường Truyền Giáo Urbano, các nữ tu Phan Sinh truyền giáo Clara
và các thừa sai Scheut đang tham dự tổng tu nghị tại Roma. Ngài khích lệ các tu
sĩ sống hướng cái nhìn về các vùng ngoại biên. ĐTC cũng chào một nhóm các thị
trưởng vùng Logoduro do ĐC Corrado Melis GM Ozieri hướng dẫn, các thành viên
hiệp hội Thành phố của Chúa Bị đóng đinh rất thánh, các nhân viên cảnh sát bảo
vệ rừng và môi sinh, và cộng đoàn Tình yêu và Tự do phục vụ giáo dục giới trẻ
bên Cộng hoà dân chủ Congo.
Ngài cũng nhắc tới Ngày quốc tế
người tỵ nạn cử hành hôm thứ ba vừa qua và cho biết hôm thứ hai ngài đã gặp một
phái đoàn đại diện các anh chị em tỵ nạn được tiếp đón trong các giáo xứ và các
dòng tu ở Roma. Lợi dụng dịp này ĐTC nói
tôi muốn bầy tỏ sự đánh giá chân
thành đối với việc vận động cho luật mới về di cư “Ta đã là người nước ngoài –
Nhân loại làm tốt”, được Caritas Italia, Tổ chức người di cư và các tổ chức
công giáo khác ủng hộ.
Chào các bạn trẻ người đau yếu và
các đôi tân hôn Ngài nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới này là lễ kính Thánh
Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày toàn thể Giáo Hội cầu nguyện và bầy tỏ lòng trìu
mến đối với các linh mục. ĐTC khích lệ các bạn trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm
Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng và niềm hy vọng của họ. Ngài xin các
bệnh nhân dâng khổ đau cho Chúa để kéo đổ tình yêu của Chúa xuống trên con tim
của con người. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn biết dưỡng nuôi cuộc sống gia đình
bằng tình yêu của Chúa Kitô.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với
Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người
Linh Tiến Khải