Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30: chăm sóc bằng tình yêu thương xót

Ngày Thế giới Bệnh
nhân năm nay, cũng là lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/02, mang nhiều ý nghĩa. Trước hết,
năm nay kỷ niệm 30 năm thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập Ngày này, với
mong muốn “cảm hóa Dân Chúa, các tổ chức y tế Công giáo và chính xã hội dân sự
về việc đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất có thể cho bệnh nhân”. Một ý nghĩa khác
cho Ngày này: Đền thánh Lộ Đức cử hành 160 năm các lần hiện ra của Đức Mẹ được
Giáo hội công nhận.
Để cử hành hai sự kiện đặc biệt này, ban giám đốc Đền thánh đã làm sống lại
sáng kiến “Những ngày Lộ Đức”. Trong những ngày này hơn 900 người, gồm những
người đảm trách về hành hương, bác sĩ, y tá và tình nguyện viên tham gia các
buổi cử hành Thánh Thể, đọc kinh Mân Côi, rước nến, hòa nhạc, cũng như các hội
thảo về các chủ đề: “Lộ Đức trong ký ức tập thể”, “Bernadette nói gì với những
người trẻ ngày nay”, “Chúng tôi có một thông điệp muốn truyền tải cho các bạn -
Bàn tròn với người trẻ hành hương”, “Thế giới bị bệnh, Lộ Đức cứu thế giới”.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Nhằm chuẩn bị cho toàn thể Giáo hội sống và cử hành Ngày này, từ đầu tháng
01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp với tựa đề “Anh em hãy có lòng nhân
từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Mt 23,8).
Trong sứ điệp, trước hết, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hướng nhìn lên
Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), Đấng luôn đoái nhìn đến con cái
ngay cả khi chúng xa cách Người. Thương xót là tên của Thiên Chúa, thể hiện căn
tính của Người, không theo tình cảm nhất thời, nhưng là sức mạnh hiện diện
trong tất cả những gì Người thực hiện.
Chúa Giêsu, lòng thương xót của Cha là điểm thứ hai của sứ điệp. Ở số này,
Đức Thánh Cha viết: “Chứng tá vĩ đại tình yêu thương xót của Cha dành cho các
bệnh nhân là Con Một. Nhiều lần các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta các
cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với nhiều người mắc những chứng bệnh khác nhau”.
Liên hệ đến thực tế, Đức Thánh Cha nói rằng, trong đại dịch, chúng ta đã
chứng kiến nhiều bệnh nhân trải qua những ngày cuối đời trong cô đơn. Mặc dù
được các nhân viên y tế chăm sóc, nhưng họ phải xa người thân. Điều này giúp
chúng ta thấy được tầm quan trọng sự hiện diện của những chứng nhân bác ái của
Thiên Chúa đối với người bệnh. Đó là những người theo mẫu gương Chúa Giêsu,
lòng thương xót của Chúa Cha đổ dầu an ủi và rượu hy vọng vào vết thương của
bệnh nhân.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến các nhân viên y tế. Ngài nói rằng khi
các bác sĩ, y tá, các trợ lý phục vụ bệnh nhân, nếu họ thực hiện bằng tình yêu,
thì họ không chỉ thi hành như một nghề nghiệp nhưng việc làm này trở thành sứ
vụ. Đôi tay của nhân viên y tế chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô có thể
là dấu hiệu đôi tay nhân từ của Chúa Cha.
Đối với các trung tâm chăm sóc bệnh nhân, Đức Thánh Cha mời gọi những nơi
này phải là những ngôi nhà của lòng thương xót. Ngài tái khẳng định tầm quan
trọng của các cơ sở y tế Công giáo, đó là “một kho tàng quý báu cần phải được
bảo vệ và hỗ trợ. Sự hiện diện của các cơ sở này đã ghi dấu ấn trong lịch sử
của Giáo hội về sự gần gũi với người nghèo và người bệnh và những hoàn cảnh bị
lãng quên nhất”.
Ở phần cuối, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc chăm sóc mục vụ dành cho các
bệnh nhân. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên chuyên trách đặc
biệt; thăm viếng người bệnh là một lời mời gọi của Chúa Kitô đối với tất cả các
môn đệ của Người. Rất nhiều bệnh nhân và người già đang sống ở nhà và chờ đợi
một cuộc viếng thăm. Thừa tác vụ an ủi là nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa
tội, như lời Chúa nói: “Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36).
Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Thuỵ Sĩ
Theo tinh thần sứ điệp của Đức Thánh Cha, ngày 06/02, Đức cha Markus
Buechel, Giám mục giáo phận San Gallo, đại diện các Giám mục Thuỵ Sĩ cũng đã
gửi sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân với tựa đề “Hãy sống cuộc sống của bạn”.
Trong sứ điệp, Đức cha giải thích tại sao các Giám mục lại chọn tựa đề này.
Vì thực tế, hiện nay có một số người hoài nghi về cuộc sống của chính mình. Họ
nói: “Sống cuộc sống của tôi, tôi rất muốn điều này, nhưng tôi không còn có thể
làm điều tôi muốn nữa”.
Theo Đức cha, chúng ta hiểu tại sao một số người có phản ứng như vậy trong
thời điểm này. Chính vì thế, tựa đề hay khẩu hiệu “Hãy sống cuộc sống của bạn”
mời gọi mọi người suy tư về chính cuộc sống của mình. Đức cha đặc biệt lưu ý
đến những người mắc bệnh mãn tính và những người phải chịu đựng căn bệnh suốt
đời, cũng như những người không được sống cuộc sống bình thường do đại dịch và
những người phải đối mặt với một con đường dài và bất ổn trong việc hồi phục
sức khoẻ. Như thế, một người có cuộc sống tràn đầy không có nghĩa là người này
luôn có sức khoẻ tốt và có thể sử dụng khả năng không giới hạn. Đức cha khẳng
định: “Để trải nghiệm một cuộc sống viên mãn, tràn đầy, cần phải sống chính
cuộc sống của mình trong sự trao ban, dù gặp khó khăn”.
Giám mục giáo phận San Gallo nhắc lại: “Là Kitô hữu, chúng ta có Lời Chúa
hứa đón nhận mọi sự sống. Trong đời sống công khai, Chúa Giêsu không ngừng dấn
thân chăm sóc những người bệnh và những người bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn.
Chúng ta cũng được mời gọi, trong khả năng, cố gắng đón nhận anh chị em mình”.
Đối với Đức cha Markus, Giáo hội không được quên sứ vụ ban đầu này. Giáo
hội phải tiếp tục dấn thân cho những ai đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó,
dấn thân để những người bệnh không bị loại trừ khỏi cộng đoàn.
Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Ý
Về phần Giáo hội Ý, hôm thứ Hai 07/02, Hội đồng Giám mục công bố sứ điệp
cho Ngày này. Các Giám mục kêu gọi các tổ chức và xã hội đảm bảo sự chăm
sóc cần thiết cho những người nghèo, đặc biệt quan tâm đến những người bị bệnh
nan y: ngoài việc chữa lành còn phải bảo đảm cho họ sự giúp đỡ và hỗ trợ.
Các Giám mục nói rằng Ngày Thế giới Bệnh nhân, được thánh Gioan Phaolô II
thiết lập cách đây 30 năm, muốn là một cơ hội để “cảm hóa Dân Chúa và nhiều tổ
chức y tế Công giáo và chính xã hội dân sự về nhu cầu đảm bảo sự chăm sóc tốt
nhất có thể cho bệnh nhân.” Với mục tiêu này, Văn phòng Quốc gia về Chăm sóc
Sức khỏe Mục vụ của Hội đồng Giám mục đã thúc đẩy nhiều sáng kiến ở các cấp độ
khác nhau.
Sứ điệp viết: “Không phải ngẫu nhiên, đối với Giáo hội Ý, cử hành Ngày Thế
giới Bệnh nhân đã được mở đầu trước đó một tuần bằng Ngày Bảo vệ Sự sống lần
thứ 44 với chủ đề ‘Bảo vệ mọi sự sống’. Thực tế, đây là cái nhìn làm phong phú
thêm ý nghĩa “đáp lại lý luận của sự lãng phí”. Các Giám mục lưu ý rằng, “thật
không may, ngày nay cám dỗ văn hóa vứt bỏ trở nên nguy hiểm hơn và có thể tạo
ra cơ hội cho việc đưa ra các quy tắc làm suy yếu các biện pháp pháp lý bảo vệ
sự sống con người”.
Trong bối cảnh này, dấn thân của cộng đoàn Kitô hữu trở thành chứng tá cụ
thể trong vô số “nhà trọ của người Samari nhân hậu”. Sứ điệp khẳng định rằng
những “nhà trọ” này là những thực tại quý giá, cần phải được phát huy ngày càng
nhiều hơn nữa vì chúng nói lên tình thương nhân hậu Tin Mừng.
Các Giám mục mời gọi toàn xã hội nỗ lực trong việc đảm bảo sự chăm sóc cần
thiết cho tất cả mọi người: “Chúng tôi biết ơn các trung tâm chăm sóc giảm nhẹ
hiện diện trong khu vực đã thực hiện một việc phục vụ quý giá trong việc chăm
sóc những người bệnh nặng cho đến khi kết thúc cuộc sống cách tự nhiên. Những
cơ sở như vậy vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Vì vậy, chúng tôi mong mọi người
quan tâm nhiều hơn đến những người đang phải chịu đựng những căn bệnh nặng. Cụ
thể có sự hỗ trợ phù hợp và đồng hành cùng người bệnh”.
Sứ điệp kết thúc bằng cách trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha về vấn đề
này: “Ngay cả khi không thể chữa lành, thì vẫn luôn có thể chăm sóc, an ủi,
luôn có thể làm cho người bệnh cảm thấy được gần gũi, bằng việc thể hiện sự
quan tâm”.
Thư của Hội đồng Giám mục Ý gửi những người chăm sóc bệnh nhân
Ngoài sứ điệp chung, Hội đồng Giám mục Ý còn gửi thư riêng cho những người
chăm sóc bệnh nhân. Trong thư, các Giám mục bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng
và tình cảm dành cho những người dấn thân chăm sóc các bệnh nhân.
Các vị mục tử nhắc lại ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khoẻ của mọi
người, làm nghèo đi các tương quan và kinh tế bị sa sút. Thế giới chăm sóc sức
khoẻ cũng bị ảnh hưởng, vì thế những người chăm sóc bệnh nhân không chỉ phải
kiên nhẫn, không thụ động, nhưng còn có khả năng trả lời các câu hỏi của cuộc
sống.
Thư viết: “Chúng tôi rất biết ơn mỗi người trong anh chị em về sự sẵn sàng
và quên mình đúng với ngành nghề. Chúng tôi cám ơn tất cả các bác sĩ, y tá,
chuyên gia y tế đang làm việc trong các trung tâm, những người đang chăm sóc
bệnh nhân tại các gia đình, và trên các đường phố. Tất cả anh chị em không chỉ
đóng vai trò cơ bản cho sức khoẻ mọi người, mà còn cho cả xã hội”.
Ngọc Yến - Vatican News
Trích
nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-02/the-gioi-benh-nhan-30-thuong-xot.html