Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Nghệ thuật dẫn con người tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa

Nghệ thuật giống như một tia sáng của vẻ đẹp có thể dẫn đưa tâm trí con người tới chỗ nhận thức được Vẻ Đẹp tối thượng, nghĩa là Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu tại quảng trường nhỏ trước nhà nghỉ mát Castel Gandolfo sáng thứ tư 31-8-2011.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhằc lại rằng mùa hè là thời gian mỗi kitô hữu phải tìm ra thời giờ cho Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện, giữa các công việc và lo lắng của cuộc sống. Một trong những con đường có thể dẫn đưa chúng ta tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa là con đường của các kiểu diễn tả nghệ thuật, con đường của vẻ đẹp, mà con người thời nay phải phục hồi trong ý nghĩa sâu thẳm nhất của nó.

Ai trong chúng ta cũng có lần cảm động sâu xa, hay cảm thấy niềm vui, khi đứng trước một tác phẩm điêu khắc, một bức tranh, hay vài câu của một bài thơ hoặc một khúc nhạc, vì nhận ra nó không phải chỉ là vật chất, một miếng gỗ hay cẩm thạch hoặc đồng, một tấm lụa vẽ, một mớ chữ hay một đống âm thanh, nhưng là một cái gì cao cả hơn, một cái gì “nói” với chúng ta, một cái gì có khả năng đánh động con tim, thông truyền một sứ điệp, nâng cao tâm hồn con người. Một tác phẩm nghệ thuật là hoa trái của khả năng sáng tạo của con người, tự vấn trước thực tại, tìm khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm của nó và thông truyền nó qua ngôn ngữ của hình thái, mầu sắc và tiếng động. Rồi Đức Thánh Cha định nghĩa nghệ thuật như sau:

Nghệ thuật có khả năng diễn tả và làm cho hiện hữu nhu cầu của con người đi xa hơn điều nó trông thấy; nó biểu lộ sự khát khao và kiếm tìm cái vô tận. Còn hơn thế nữa, nó như một cánh cửa rộng mở cho vô tận, cho một vẻ đẹp và một sự thật vượt ngoài cái thường ngày. Và một tác phẩm nghệ thuật có thể mở mắt của trí tuệ và con tim, bằng cách thúc đẩy chúng ta hướng lên cao.

Thật thế có các kiểu diễn tả nghệ thuật là các con đường dẫn tới Thiên Chúa, Vẻ Đẹp tối cao. Chúng là một sự trợ giúp lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, và chúng diễn tả niềm tin. Thí dụ như khi viếng thăm một nhà thờ kiểu gôtích, chúng ta bị xuất thần bởi các đường nét vút lên trời cao, lôi kéo cái nhìn và tâm hồn của chúng ta, đồng thời chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ hay ước muốn sự tràn đầy... Hay khi bước vào một nhà thờ kiểu Roman, chúng ta được mời gọi cầm trí và cầu nguyện. Chúng ta nhận thức rằng các ngôi đền tuyệt đẹp đó gói ghém đức tin của các thế hệ. Hoặc khi nghe một đoạn thánh nhạc, chúng ta cảm thấy con tim rung động, tâm hồn như nở lớn ra và được trợ giúp hướng về Thiên Chúa.

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm một buổi hòa nhạc của Johan Sebastian Bach, tại Muenchen vùng Bavière, do nhạc trưởng Leonard Bernstein điều khiển. Sau khúc hòa tấu cuối cùng, tôi cảm thấy từ sâu thẳm trong tim rằng điều tôi đã lắng nghe đã thông truyền cho tôi một sự thật, sự thật của người sáng tác tối thượng, và nó thôi thúc tôi cảm tạ Thiên Chúa. Bên cạnh tôi có vị Giám Mục Giáo Hội Luther Muenchen, và tôi bộc phát nói: “Khi nghe khúc nhạc này, người ta hiểu: thật đúng vậy: đức tin mạnh mẽ tới như vậy, và vẻ đẹp diễn tả sự hiện diện chân lý của Thiên Chúa một cách không thể cưỡng lại được.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Biết bao nhiêu lần các bức tranh, hay bức vẽ trên tường, hoa trái niềm tin của nhà nghệ sĩ, trong các hình thái, mầu sắc, ánh sáng của chúng, thúc đẩy chúng ta hướng tư tưởng về Thiên Chúa và làm lớn lên trong chúng ta ước muốn kín múc nơi suối nguồn của mọi vẻ đẹp. Thật rất đúng điều Marc Chagall một nghệ sĩ lớn đã viết: trong bao thế kỷ các họa sĩ đã chấm bút vẽ vào mẫu tự có mầu sắc là Thánh Kinh. Biết bao nhiêu lần các kiểu diễn tả nghệ thuật có thể là dịp để nhắc nhớ cho chúng ta về Thiên Chúa, để giúp lời cầu nguyện của chúng ta hay cũng để hoán cải con tim chúng ta!

Ông Paul Claudel, một thi sĩ, bi kịch sĩ và nhà ngoại giao nổi tiếng Pháp, hồi năm 1886 đã vào nhà thớ Đức Bà Paris, và khi nghe bài thánh ca Magificat trong thánh lễ Giáng Sinh, ông đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông đã không vào nhà thờ vì các lý do đức tin, nhưng để tìm các lý lẽ chống lại tín hữu kitô; trái lại ơn thánh Chúa đã hoạt động trong trái tim ông.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, tôi xin mời gọi anh chị em tái khám phá ra tầm quan trọng của con đường này cả đối với lời cầu nguyện, đối với tương quan sống động của chúng ta với Thiên Chúa nữa. Các thành phố và các vùng miền trên khắp thế giới đều gói ghém các kho tàng nghệ thuật diễn tả đức tin và nhắc nhở tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Khi đó việc thăm viếng các nơi nghệ thuật không chỉ là dịp làm giầu văn hóa, nhưng nhất là nó có thể trở thành một thời gian ơn thánh, kích thích chúng ta củng cố mối dây liên lạc và đối thoại với Thiên Chúa, để dừng lại chiêm ngưỡng - từ thực tại bên ngoài bước vào thực tại sâu thẳm bên trong mà nó diễn tả - chiêm ngưỡng tia sáng của vẻ đẹp đánh động chúng ta, hầu như gây thương tích trong tâm hồn chúng ta, và mời gọi chúng ta tiến lên với Thiên Chúa. Tôi xin kết thúc với lời thánh vịnh 27: “Một điều tôi kiếm tôi xin là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng” (Tv 27,4). Chúng ta hy vọng rằng Chúa giúp chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Người, trong thiên nhiên cũng như trong các tác phẩm nghệ thuật, như thế để chúng ta được đánh động bởi ánh sáng tôn nhan Người, hầu chúng ta cũng là ánh sáng cho tha nhân.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bắng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức. Trong tiếng Tây Ban Nha, ngài cũng chào các tín hữu Guatamala, Argentina và các nước mỹ chậu latinh khác. Ngài cũng chào tín hữu bằng tiếng Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat, Bulgari và Rumani.

Trong tiếng Ý ngài chào các Giám Mục bạn của Cộng Đồng Thánh Egidio, cũng như các đoàn hành hương giáo xứ do các cha sở hướng dẫn, và các cặp vợ chồng mới cưới. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ này củng cố và giúp mọi người sống gắn bó với Chúa, là suối nguồn ánh sáng, niềm hy vọng và sự bình an. Sau cùng Đức Thánh Cha cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     THÁNH GIOAN D'AVILA SẼ ĐƯỢC PHONG TIẾN SĨ HỘI THÁNH
     ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ THÁNH LỄ BẾ MẠC NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ
     KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA: 14-8-2011
     ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU THĂM TÂY BAN NHA
     Suy gẫm là nhớ lại các ơn Chúa đã ban cho chúng ta
     THÁNH LỄ KHAI MẠC NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ
     Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXVI
     BẮT ĐẦU NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ TẠI MADRID
     Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid
     KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA: 14-8-2011