Nỗ lực cứu giúp đại lục Phi Châu
Một số nhận định của nhà văn Alain Mabanckou, người Congo Brazaville, về nỗ lực cứu giúp Phi Châu
Từ một năm qua tình hình Bắc Phi đã nóng bỏng với cuộc “cách mạng hoa lài”, bắt đầu tại các nước như Tunisia, Ai Cập, Libia, rồi lan sang nhiều nước khác trong vùng Trung Đông. Rất tiếc là đã có hàng chục ngàn người thiệt mạng, vì các chính quyền độc tài đã ra lệnh cho quân đội tàn sát các đoàn người biểu tình, không thương tiếc.
Trong khi đó nạn đói vẫn tiếp tục hoành hành trong vùng Sừng Phi Châu, đặc biệt là tại ba nước Somalia, Kenya và Etiopia, khiến cho hàng chục ngàn người khác phải thiệt mạng, trước sự thờ ơ của thế giới Tây Phương. Từ vài tuần qua quân đôi Kenya đã tiến vào Somalia để tìm cách loại trừ lực lượng hồi cuồng tín Al Shabaab khiến cho tình hình trong vùng nóng bỏng hơn.
Tại miền bắc Nigeria, nơi đa số dân theo Hồi giáo, các xung đột vẫn tiếp tục tái diễn với các vụ tấn công và đốt phá các nhà thờ kitô, khiến cho 150 người thiệt mạng. Còn trên vùng biên giới giữa hai nước Bắc Sudan và Nam Sudan, trong các ngày qua không lực của chính quyền Khartum đã dội bom các làng trong vùng, nhằm mục đích đuổi dân chúng đi nơi khác để dễ bề thôn tính. Lý do vì vùng này có mỏ dầu hỏa lớn.
Chính trong bối cảnh chiến tranh, bất ổn và đói khát khổ đau này của nhiều dân tộc Phi Châu, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bắt đầu chuyến công du mục vụ tại Benin trong các ngày từ 18 đến 20 tháng 11 này, nhân dịp kỷ niệm 150 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Benin, và để công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Kỳ II cho Phi Châu.
Do đó các sứ điệp mà Đức Thánh Cha nhắn gửi trong chuyến viếng thăm này sẽ không chỉ dành cho Giáo Hội và dân nước Benin, mà còn cho toàn đại lục Phi Châu nữa, một đại lục đang rất cần đến sự hiệp nhất, hòa giải, hòa bình và phát triển.
Phi Châu là đại lục rất giầu tài nguyên thiên nhiên, nhưng kể từ khi được độc lập hồi thập niên 1960 đến nay, đa số người dân các nước Phi Châu vẫn hầu như chưa được hưởng gì hay được hưởng rất ít từ các nguồn tài nguyên mênh mông ấy.
Để cải tiến tình trạng sống của người dân Phi Châu còn có rất nhiều điều phải làm, trong đó quan trọng nhất là ý thức của hàng lãnh đạo về sứ mệnh phục vụ công ích và tinh thần yêu nước thương dân.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Alain Mabanckou, nhà văn người Congo Brazaville, về cố gắng cứu vãn Phi Châu. Ông Mabanckou năm nay 45 tuổi, sinh trưởng tại Cộng hòa Congo Brazaville, nhưng học Luật bên Pháp, và là giảng sư văn chương Pháp tại đại học California bên Hoa Kỳ. Ông cũng là một nhà văn nổi tiếng, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết và 6 tập thơ, đã được dịch ra 15 thứ tiếng khác nhau. Các tác phẩm của ông đều nói về Phi Châu và người dân của đại lục này: các khát vọng, các khổ đau khắc khoải và âu lo của họ. Tuy nhiên cũng giống như nhiều người Phi Châu ngày nay, ông là con người của sự toàn cầu hóa, sống giữa ba đại lục, ba thế giới, ba nền văn hóa có các quan niệm rất khác nhau về sự vật. Ông không khước từ cho thấy và chứng minh cho thấy khả thể của một cái nhìn khác của người dân phi châu, khác với cái nhìn của các dân tộc thuộc các đại lục khác.
Đó là điều người ta có thể đọc thấy trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông tựa đề “Ngày mai tôi được 20 tuổi”. Nhân vật chính của cuốn sách là chú bé 10 tuổi tên là Michel. Michel có hai bà mẹ, một người cha, nhưng ông không phải là cha đẻ ra nó. Michel kể chuyện cuộc đời nó, cũng như gia đình và thành phố của nó là Pointe Noire bên Cộng Hòa Congo Brazavile, trong thập niên 1970, khi chính quyền ngả theo chủ thuyết cộng sản. Và thế giới vào trong gia đình Michel qua ngã cửa sổ, với các tin tức từ đài phát thanh, mà cha của Michel bình luận cho mọi người trong nhà nghe.
Hỏi: Thưa giáo sư Mabanckou, qua chú bé Michel giáo sư đọc lại lịch sử của đại lục Phi Châu và các biến cố quan trọng nhất xảy ra trên thế giới, từ một viễn tượng chưa từng có. Nhưng từ lòng Phi Châu và với đôi mắt của một chú bé, có cái gì mang tính cách tự thuật trong cuốn sách này hay không?
Đáp: Chắc chắn là có rồi. Michel là một chút của chính tôi trong thành phố Pointe Noire đó của Cộng hòa Congo Brazaville. Ngoài ra, khó mà có thể duy thực, nếu không kín múc từ chính cuộc đời tư của mình. Và tôi đã dựng lại các biến cố xảy ra trong đời tôi thời đó qua hình ảnh của bé Michel. Có các sự kiện nhỏ nhặt thường ngày, nhưng cũng có đường lối chính trị của chính quyền địa phương, được người dân nói đến, và cũng có tiếng vọng của thế giới đến được với người dân qua đài “Tiếng nói Hoa Kỳ”. Có một chiều kích nòng cốt khác nữa đối với người dân Phi Châu có liên lạc đặc biệt với đài phát thanh: đó là, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu, kể cả tại các vùng xa xôi hẻo lánh nhất, thế giới cũng đến được với họ qua đài phát thanh.
Hỏi: Thế mà trên bình diện chính trị, 40 năm đã qua rồi mà xem ra không thấy có nhiều thay đổi tại Phi Châu, và đặc biệt là trong đất nước của giáo sư...
Đáp: Từ hơn 30 năm nay chúng tôi có cùng một tổng thống, từ khuynh hướng cộng sản đổi sang khuynh hướng tư bản. Với sự khác biệt là ngày nay có ít người giầu hơn, nhưng họ lại có các gia tài khổng lồ, trong khi đại đa số dân chúng vẫn phải sống rất nghèo khó. Như thế, đối với người dân đã không có nhiều thay đổi. Vẫn luôn luôn là chế độ độc tài, hay cũng giống như nhiều chính quyền khác tại Phi Châu, hàng lãnh đạo không nhắm thăng tiến hạnh phúc của người dân, kể cả tại những nơi như Congo Brazaville, là đất nước có các tài nguyên cho phép làm được điều đó. Nhưng rất tiếc là chỉ có một thiểu số ưu tuyển được hưởng lợi từ các tài nguyên phong phú ấy của đất nước chúng tôi mà thôi.
Hỏi: Thưa giáo sư, các tiểu thuyết của giáo sư không trực tiếp là các lời tố cáo, nhưng luôn luôn có một sự phê bình xã hội và chính trị tiềm ẩn giữa các hàng chữ. Giáo sư có nghĩ rằng văn chương có thể trợ giúp cho một tiến trình gây ý thức và thay đổi hay không?
Đáp: Một cách trực tiếp thì không đâu. Vì văn chương là vương quốc của sự tưởng tượng. Người ta không thể cai trị với vương quốc tưởng tượng được, nhưng có thể cai trị với một sự tưởng tượng nào đó. Nhưng rất tiếc là nhiều vị lãnh đạo Phi Châu không có một chút tưởng tượng nào hết, họ chỉ đáp trả lại các lợi lộc to lớn thôi, họ không chú ý tới văn chương, nghệ thuật, văn hóa nói chung, là những yếu tố có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với dân chúng và giúp các tiến trình gây ý thức cho người dân, như đã xảy ra trong vài trường hợp và còn đang tiếp tục xảy ra.
Hỏi: Tuy nhiên, giống như nhiều nhà văn Phi Châu, giáo sư xuất bản các tác phẩm của mình bên Âu Châu. Làm thế nào để các tác phẩm ấy có thể đến với độc giả Phi Châu thưa giáo sư?
Đáp: Nếu tôi không xuất bản sách của tôi bên Âu Châu chắc chắn tôi cũng sẽ không thể đến với độc giả Phi Châu. Lý do không phải chỉ vì không ai biết tôi, mà cũng chắc chắn là vì tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để xuất bản các sách của tôi trong một đất nước, nơi có sự kiểm duyệt khắt khe. Tôi nghĩ rằng không nên giản lược Phi Châu vào ý niệm địa lý mà thôi. Phi Châu ở khắp mọi nơi có người Phi Châu suy tư, đối chiếu, thảo luận, bắt đầu từ một cái nhìn đồng thời từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Tất cả những người Phi Châu sống tại hải ngoại là một kho tài nguyên nhân lực to lớn đối với đại lục Phi Châu.
Hỏi: Dự án “Các chuyến hành hương” mà giáo sư tham gia có nằm trong ý hướng này hay không thưa giáo sư Mabanckou ?
Đáp: Chắc chắn rồi. Đây là một sáng kiến do “Trung tâm Chinua Achebe của các văn sĩ và nghệ sĩ Phi Châu” đề xướng. Trung tâm này đã xin 14 nhà văn Phi Châu cùng nhau đi hành hương qua 14 thủ đô của đại lục Phi Châu trong dịp diễn ra Giải Túc Cầu Quốc Tế hồi năm ngoái, và viết về các chuyến hành hương đó. Các bài viết sẽ được xuất bản trong loạt sách gồm 14 cuốn kể lại Phi Châu ngày nay, các thủ đô, quốc gia, dân chúng, các sinh hoạt và cuộc sống của họ. Phần tôi, tôi đã hành hương bên Lagos, thủ đô của nước Nigeria. Đây đã là một kinh nghiệm rất hay và phong phú. Trước hết, chuyến đi đã giúp tôi loại bỏ rất nhiều thành kiến tiêu cực mà tôi đã có đối với dân nước Nigeria. Du hành, đọc sách, gặp gỡ nhiều người khác nhau: tất cả đều giúp chúng ta tự hiểu biết mình hơn và giúp triệt hạ các hàng rào ngăn cách, bao gồm cả các thành kiến nữa.
Linh Tiến Khải