Sứ điệp của Đức Thánh Cha
nhân kỷ niệm 150 năm thống nhất Italia
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 nồng nhiệt chúc mừng Italia nhân dịp kỷ niệm 150 năm thống nhất đất nước, và ngài đề cao sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho căn tính quốc gia cũng như sự cộng tác hiện nay giữa Giáo Hội và Nhà Nước Italia.
Ngày 17-3-2011, Italia mừng kỷ niệm 150 năm thống nhất đất nước và hôm nay cũng ngày lễ nghỉ toàn quốc. Sáng thứ tư, 16-3-2011, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đến trao Sứ điệp dài của ĐTC cho Tổng thống Giorgio Napolitano. Ngoài lời nồng nhiệt chúc mừng, sứ điệp còn chứa đựng những suy tư xúc tích và sâu rộng về vai trò của Kitô giáo và Giáo Hội trong lịch sử quốc gia Italia.
Ngài viết: “Tiến trình thống nhất Italia về mặt chính trị hồi thế kỷ 19 là một kết quả sự hình thành một căn tính quốc gia mà Kitô giáo đã đóng góp một cách cơ bản từ thời trung cổ qua việc giáo dục, qua các hoạt động từ thiên, nghệ thuật, sự thánh thiện của những nhân vật như thánh Phanxicô và thánh nữ Catarina Siena... Cả trong thời Phục Hưng, tuy thời kỳ này thường được coi như một phong trào chống lại Giáo Hội và tôn giáo, cũng không thiếu sự đóng góp quan trọng của các tín hữu Công Giáo cho sự hành thành một Quốc gia thống nhất, và căn tính của người Italia.”
ĐTC không quên nhắc đến “Vấn đề Roma”, một thời kỳ kéo dài 60 năm, từ sau khi Italia chiếm trọn nước Tòa Thánh hồi năm 1987, đến khi ký hiệp định Laterano năm 1929 thành lập Quốc gia thành Vatican. Ngài nhận xét rằng “Sự kiến tạo Italia về mặt cơ chế và chính trị đã đụng phải vấn đề chủ quyền trần thế của các vị Giáo Hoàng (..) và tạo nên những hậu quả tàn phá trong lương tâm cá nhân và tập thể các tín hữu Công giáo Italia, họ bị giằng co giữa những tâm tình đối nghịch giữa một bên là lòng trung thành với quốc gia và bên là sự thuộc về Giáo Hội”.
ĐTC đặc biệt nhắc đến sự đóng góp cơ bản của các tín hữu vào việc soạn thảo hiến pháp mới của Cộng hòa Italia hồi năm 1947, từ đó khởi xướng một sự dấn thân quan trọng của các tín hữu Công Giáo trong đời sống chính trị, công đoàn, kinh tế, xã hội của đất nước, với những tấm gương sáng ngời về sự “trung thành tuyệt đối với quốc gia, và tận tụy đối với công ích, cho đến độ làm chứng tá bằng máu đào trong những năm có nạn khủng bố”.
ĐTC nhận xét rằng những nguyên tắc hướng dẫn quan hệ hiện nay giữa Giáo Hội và Cộng đồng chính trị là nguyên tắc phân biệt đúng đắn giữa các lãnh vực và nguyên tắc cộng tác. Như Công đồng đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở, Giáo Hội lẫn nhà nước, với danh nghĩa khác nhau, đều phục vụ ơn gọi bản thân và ơn gọi xã hội của con người.
Trong sự cộng tác này, không những Giáo Hội đóng góp cho xã hội dân sự, nhưng còn nhìn nhận là đã nhận được nhiều trợ giúp từ xã hội, trong tất cả những gì góp phần vào thiện ích của gia đình, văn hóa, đời sống kinh tế và xã hội quốc gia và quốc tế”.
Câu cuối cùng trong sứ điệp của ĐTC là lời chúc lành và cầu mong cho nhân dân Italia luôn được hướng dẫn nhờ ánh sáng đức tin, nguồn mạch của hy vọng và của sự dấn thân cho tự do, công lý và hòa bình”
Cách đây 150 năm, ngày 17-3-1861, vua Vittorio Emmanuele II (1820-1878) được quốc hội tôn làm vua Italia. Cùng hôm đó, ông tuyên bố thành Torino là thủ đô của vương quốc mới. Roma chỉ thuộc về Italia từ năm 1870 khi quân của Nhà Vua tấn công vào cổng thành Pia ngày 20-9-1870.
Nhân kỷ niệm 150 năm, ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia, sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể lúc 12 giờ ngày 17-3-2011 tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần ở Roma, trước sự hiện diện của các quan chức cấp cao của chính quyền Italia (SD 16-3-2011)