Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Phục
HOA
TRÁI CỦA TÌNH YÊU
LỜI CHÚA: Ga
15, 12-17
12
Khi đến giờ lìa bỏ
thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều
răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực
hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi
tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì
tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy,
nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được
hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng
Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền
dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
SUY
NIỆM
“...Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ mà cho tới nay khoa học
cũng không tìm ra lời giải đáp chính xác. Lực này bao gồm và chi phối tất cả những
lực khác. Thậm chí nó còn đứng sau bất kỳ hiện tượng nào được vận hành bởi vũ
trụ mà chúng ta vẫn chưa thể lí giải. Lực đó chính là TÌNH YÊU. Tình yêu là ánh sáng chiếu rọi những người biết
trao và nhận. Tình yêu là lực hấp
dẫn khiến người ta bị cuốn hút vào một đối tượng khác. Tình yêu cũng là sức mạnh,
nó sinh sôi nảy nở giúp con người không bị vùi dập trong thói ích kỷ mù quáng.
Tình yêu hé lộ và gợi mở. Vì tình yêu chúng ta sẵn sàng sống và hy sinh. Tình yêu chính là một lực mạnh vô song không có bất kỳ giới hạn nào. Tình yêu chính là Thượng đế, và Thượng đế cũng
chính là Tình yêu” (Alber Einstein).
Trong
lá thư gửi cho cô con gái khi mới bước vào tuổi hẹn hò, một bà mẹ đã khuyên
nhủ: - Vậy là con gái mẹ đã bước sang 18 tuổi, cái tuổi đã biết nhớ nhung chờ
đợi và yêu đương. Mẹ muốn con phân biệt giữa yêu và ghét, giữa cảm xúc chóng
qua và tình yêu đích thực.
Tình
yêu thật sự không phải là cảm xúc, dù những cảm xúc mạnh đến mức làm con choáng
váng. Tình yêu không thể kéo dài nếu hai người chỉ có cảm xúc với nhau. Sự hiểu
biết lẫn nhau mới là nền tảng của tình yêu thật sự. Con có thể “phải lòng” một
chàng trai nhưng để có một tình yêu thật sự, con cần phải tìm hiểu về người ấy.
Cùng chung một mục đích sống sẽ giúp cho con và người ấy có được tình yêu bền
lâu. Yêu là chấp nhận ở người yêu những điều không hoàn hảo. Yêu là mong muốn
mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Yêu là tin tưởng, chấp
nhận cả những tranh cãi để giúp nhau sống hoàn thiện. Yêu là hướng tới một mối
quan hệ lâu dài, là gắn bó ngay cả khi xa cách. Cô con gái cảm ơn và lễ phép
thưa lại: - Thế còn ghét là gì thưa mẹ? Bà mẹ ân cần nói: - Ghét là làm điều
ngược lại với yêu thương.
Yêu
là khả năng căn bản và là một nhu cầu thâm sâu cháy bỏng nhất của loài người. Ai trong chúng ta cũng khát khao yêu và được yêu. Thuở ban đầu
Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta có một trái tim biết yêu thương. Tội lỗi nhập
vào trần gian khiến trái tim chúng ta bị tổn thương. Thói ích kỷ đã tách chúng
ta ra khỏi Thiên Chúa và các mối liên hệ cộng đồng nhân loại. Vì thế Đức Giêsu
đã đến để dạy chúng ta bài học yêu thương tha thứ. Người đến để kiện toàn Lề Luật,
phục hồi nhân phẩm, băng bó và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây nên.
Đoạn Tin mừng hôm nay được
xem là những lời trăn trối sau cùng của Đức Giêsu trước khi Người bước vào cuộc
thương khó khốc liệt. “Khi đến giờ lìa bỏ
thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Đây là điều răn
của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có
tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu
của mình” (Ga 15, 12-13). Đức Giêsu là chính là khuôn mẫu của tình yêu, một
tình yêu trao ban trọn vẹn và dâng hiến đến cạn kiệt. Người tha thiết mời gọi
chúng ta thực hành giới răn yêu thương, đó là thái độ đổi ghét thành yêu, biến
thù thành bạn: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng:
Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên
con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc
lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính
cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43-45).
Yêu là lấy thiện thắng ác, lấy tha thứ hóa giải hận thù. Tha
thứ không phải là thái độ hèn nhát quên đi lỗi lầm của người khác nhưng là chấp
nhận họ để cả hai cùng được lớn lên trong ân sủng. Thực hành lời dạy của Chúa
không phải là điều dễ, bởi lẽ chúng ta còn mang nặng thói ích kỷ, khó lòng tha
thứ cho người khác khi họ có điều bất hòa với chúng ta. Chúa Giêsu đã nêu gương
cho chúng ta khi hết lòng tha thứ cho nhóm biệt phái Pharisêu đã nhiều lần
giăng bẫy để hại Người. Chúa Giêsu còn tiếp đón người tội lỗi, cầu nguyện cho kẻ
ngược đãi và hiến dâng mạng sống để cứu chuộc muôn người.
Khác với huyền thoại Hy Lạp nói về chàng Narcissus,
một
chàng trai có thể hình tuyệt mỹ nhưng chỉ say đắm chính bản thân
mình, tình yêu nơi Đức Giêsu là sự kết hợp, mở ra một
tương quan với người khác hầu nảy sinh những hoa trái tốt lành ngon ngọt. Tình
yêu nơi Đức Giêsu là sự tự do trao hiến, là sự bình đẳng san bằng mọi khoảng
cách giữa một Thiên Chúa đầy quyền năng và một con người bé nhỏ thấp hèn. Khi
khẳng định “Thầy gọi anh em là bạn hữu”
(Ga 15, 15), Đức Giêsu muốn chia sẻ cho các môn đệ mọi nỗi niềm, muốn các ông đi
vào tương quan mật thiết với Chúa để được thông phần mọi khổ đau và vinh quang
của Người. Vì thế, nếu khép kín lòng mình, nghĩa là không sống yêu thương như Đức
Giêsu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nếm cảm được hoa trái của tình yêu, tận hưởng
niềm hạnh phúc được làm con cái Chúa.
Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta không
sống điều Chúa dạy, chúng ta tích chứa hận thù ghen ghét, gây thù oán với người
khác để rồi lạc sâu vào vòng luẩn quẩn dối gian. Chúng ta dễ dàng đóng khung
người khác trong những thành kiến cá nhân. Chúng ta dễ nhìn thấy cái rác trong
mắt người khác, dễ phân biệt kỳ thị và đẩy họ ra khỏi mối bận tâm của ta. Nếu hận
thù chia rẽ làm trái tim chúng ta khép lại trước những nhu cầu của người khác
thì yêu thương mở ra cho họ con đường sống hạnh phúc. Vì thế,
yêu thương như Đức Giêsu chính là đón nhận mọi người với tất cả
những giới hạn.
Giữa một thế giới đề cao cái tôi ích kỷ, lời nhắn nhủ của Đức Giêsu một
lần nữa giúp chúng ta tin tưởng vào tình thương yêu của Thiên Chúa, thôi thúc
chúng ta thay đổi cách nhìn hẹp hòi ích kỷ để sống để phù hợp với sứ điệp của
Tin mừng.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn cội của tình yêu, xin cho chúng con biết đón nhận
người khác với tất cả những giới hạn của họ, tìm thấy hình ảnh của Chúa nơi mọi
người nhất là những ai bé nhỏ nghèo hèn. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa luôn bao
trùm phủ kín thân phận con người, trái tim Chúa luôn rộng mở để ôm trọn những
tâm hồn yếu đuối, quảng đại thứ tha cho những ai lầm lỗi, xin cho chúng con mỗi
ngày cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu của Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại cho
chúng con nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP