Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi xem ra Người vắng mặt
Thiên Chúa hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi xem ra Người vắng mặt. Chúng ta hãy đem các thập giá của cuộc sống thường ngày đến cho Người, và cầu nguyện cho các anh chị em đang phải mang gánh nặng cuộc sống, trong khó khăn, đau khổ và không có được một lời ủi an.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định và mời gọi như trên trong buổi tiếp kiến 7.000 tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hàng tuần 8-2-2012.
Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá trước khi tắt thở.
Hai thánh sử Marcô và Mátthêu ghi lại lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu đang hấp hối, không chỉ trong tiếng Hy lạp, mà trộn lẫn với cả tiếng Do thái và tiếng Aramây nữa. Như thế các vị đã thông truyền lại cho chúng ta cả tiếng nói của lời cầu nguyện đó trên môi miệng Chúa Giêsu. Thánh sử Marcô viết: ”Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ”Elôi, Elôi, lema sabactani?”, nghĩa là ”Lậy Thiên Chúa của con, Lậy Thiên Chúa của con sao Ngài bỏ rơi con?” Đức Thánh Cha nói:
Trong cấu trúc trình thuật, lời cầu nguyện, tiếng kêu của Chúa Giêsu gióng lên trong tột đỉnh của ba giờ bóng tối bao trùm toàn trái đất, từ đúng ngọ cho đến ba giờ chiều. Ba giờ của sự tối tăm ấy tiếp tục khoảng thời gian cũng ba giờ, bắt đầu với cuộc đóng đanh Chúa Giêsu. Thật thế, thánh sử Marcô cho chúng ta biết: ”Đó là lúc 9 giờ sáng khi họ đóng đanh Người” (Mc 15,25). Sáu giờ của Chúa Giêsu trên thập giá chia làm hai phần: trong phần đầu từ 9 giờ sáng cho đến trưa là các chế diễu của nhiều nhóm người khác nhau, cho thấy sự nghi ngờ và khẳng định không tin của họ. Thánh Marcô viết: ”Kẻ qua người lại, đều nhục mạ Người” (c. 29); ”Các thượng tế và kinh sư cũng chế diễu Người như vậy” (c. 31); ”Cả những tên cùng chịu đóng đanh với Người cũng nhục mạ Người” (c. 32). Trong ba giờ tiếp theo, từ trưa ”cho đến ba giờ chiều”, thánh sử chỉ nói tới tối tăm bao trùm toàn trái đất, mà không nhắc tới sự chuyển động của các nhân vật hay lời nói. Khi Chúa Giêsu càng lúc càng tới gần cái chết, thì chỉ có tối tăm phủ xuống trên toàn trái đất. Cả vũ trụ cũng dự phần vào biến cố đó: bóng tối bao trùm người và vật, nhưng cả trong lúc tối tăm ấy Thiên Chúa cũng hiện diện.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong truyền thống kinh thánh bóng tối có một ý nghĩa hai mặt: nó là dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của sự dữ, nhưng cũng là dấu chỉ sự hiện diện nhiệm mầu và hoạt động của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng mọi bóng tối. Chẳng hạn trong sách Xuất Hành chúng ta đọc như sau: ”Chúa phán với ông Môshê: ”Này Ta đến với ngươi trong đám mây dầy đặc, để khi Ta nói với ngươi thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi” (Xh 19,9); hay ”Dân đứng xa, còn ông Môshê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự” (Xh 20,21). Trong các diễn văn của sách Đệ Nhị Luật, ông Môshê kể rằng: ”Anh em đã lại gần và đứng dưới chân núi; núi bốc lửa cao đến tận trời, trong bóng tối mây đen mù mịt” (Xnl 4,11); ”Khi anh em nghe tiếng từ giữa bóng tối, và núi đang bốc lửa, thì anh em, tất cả những người đứng đầu các chi tộc và những kỳ mục của anh em, đã đến gặp tôi” (Đnl 5,23).
Trong cảnh đóng đanh Chúa Giêsu bóng tối bao trùm trái đất và chúng là bóng tối của sự chết, trong đó Con Thiên Chúa tự dìm mình, để đem lại sự sống, với cử chỉ tình yêu của Người.
Trở lại trình thuật của thánh sử Marcô, trước các nhục mạ của các hạng người khác nhau, trước bóng tối bao trùm tất cả, trong lúc đối diện với cái chết, với tiếng kêu của lời cầu nguyện, Chúa Giêsu cho thấy rằng cùng với sức nặng của khổ đau và cái chết, trong đó xem ra có sự bỏ rơi và vắng mặt của Thiên Chúa, Người vẫn xác tín về sự gần gũi của Thiên Chúa Cha, chấp thuận cử chỉ yêu thương tột cùng và tận hiến hoàn toàn của Người, mặc dù không nghe thấy tiếng nói từ trên cao như trong các lúc khác.
Khi đọc các Phúc Âm, chúng ta nhận thấy trong các lúc quan trọng trong cuộc sống dương thế, Chúa Giêsu đã trông thấy các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, kết hiệp với tiếng nói của Thiên Chúa Cha chấp thuận con đường tình yêu của Người: ”Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Rồi trong biến cố hiển dung, cùng với dấu chỉ của đám mây còn có lời này: ”Đây là Con Ta yếu dấu, hãy lắng nghe lời Người” (Mc 9,7). Trái lại, khi cái chết tới gần Đấng Chịu Đóng Đinh, thì thinh lặng rơi xuống, không nghe tiếng nói nào, nhưng cái nhìn của Thiên Chúa Cha vẫn dán chặt trên món qùa tình yêu của Chúa Con.
Nhưng mà tiếng Chúa Giêsu kêu lên Thiên Chúa Cha: ”Lậy Thiên Chúa của Con, lậy Thiên Chúa của Con. Tại sao Chúa bỏ rơi Con?” có nghĩa gì: nghi ngờ sứ mệnh của Người hay sự hiện diện của Thiên Chúa? Trong lời cầu đó lại không có ý thức bị bỏ rơi hay sao? Các lời Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha là các lời bắt đầu Thánh vịnh 22, trong đó tác giả thánh vịnh bầy tỏ với Thiên Chúa sự căng thẳng giữa việc cảm thấy bị bỏ rơi một mình và ý thức chắc chắn về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Tác giả kêu lên với Chúa: ”Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên. Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài” (Tv 22,3-4). Tác giả nói tới tiếng kêu để diễn tả tất cả nỗi khổ đau lời cầu nguyện của ông trước Thiên Chúa xem ra vắng mặt: trong lúc âu lo lời cầu nguyện trở thành tiếng kêu. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Đây là điều cũng xảy ra trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa: trước các hoàn cảnh khó khăn và đau đớn, khi Thiên Chúa xem ra không nghe thấy, chúng ta đừng sợ hãi tín thác nơi Người tất cả gánh nặng trong con tim, chúng ta đừng sợ hãi kêu lên Người nỗi khổ đau của chúng ta, chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa gần gũi, cả khi xem ra Người thinh lặng.
Khi kêu lên các lời của thánh vịnh ”Lậy Chúa con lậy Chúa con, tại sao Chúa bỏ rơi con?”, Chúa Giêsu cầu nguyện trong lúc khước từ cuối cùng của loài người, trong lúc bị bỏ rơi; tuy nhiên Người cầu nguyện với thánh vịnh, trong ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, cả trong giờ Người cảm thấy thảm cảnh nhân loại của cái chết.
Nhưng chúng ta tự hỏi: làm sao một vì Thiên Chúa quyền năng như thế, mà lại không can thiệp để kéo Con của Người ra khỏi thử thách kinh khủng như vậy? Nhưng thật là điều quan trọng phải hiểu rằng tiếng kêu của Chúa Giêsu không phải là tiếng kêu tuyệt vọng của người sắp đương đầu với cái chết, cũng không phải là tiếng kêu của người biết mình bị bỏ rơi. Trong lúc đó Chúa Giêsu lấy toàn thánh vịnh 22 của dân Israel đang khổ đau làm lời cầu của mình: trong lúc đó Chúa Giêsu không chỉ mang trên mình khổ hình của dân Người, mà cũng mang khổ hình của tất cả mọi người khổ đau vì áp bức của sự dữ, đồng thời Người đem tất cả những thứ đó đến với trái tim của chính Thiên Chúa trong xác tín rằng tiếng kêu của Người sẽ được lắng nghe trong sự phục sinh: ”tiếng kêu của nỗi đớn đau tột cùng cũng đồng thời là sự chắc chắn câu trả lời của Thiên Chúa, sự chắc chắn của ơn cứu độ, không phải chỉ cho Chúa Giêsu, mà cho ”nhiều người” (Đức Giêsu thành Nagiarét II, tr.239-240).
Lời cầu này của Chúa Giêsu bao hàm sự tin tưởng tột đỉnh và lòng tín thác trong bàn tay của Thiên Chúa, cả khi xem ra Người vắng mặt, cả khi xem ra Người ở trong thinh lặng, và đi theo một chương trình mà chúng ta không thể nào hiểu nổi...
Những người hiện diện dưới thập giá Chúa Giêsu không hiểu nổi, và họ nghĩ rằng tiếng kêu đó là một lời khẩn cầu ngôn sứ Elia. Họ tìm cách cho Người đỡ khát để kéo dài sự sống và xem ông Elia có đến cứu Người không, nhưng một tiếng thét lớn chấm dứt cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu trước sự nhạo cười của họ. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:
Trong lúc tận cùng Chúa Giêsu để cho con tim của Người diễn tả nỗi đớn đau, nhưng đồng thời cũng là để làm nổi bật lên ý nghĩa sự hiện diện của Thiên Chúa Cha và sự đồng ý với chương trình cứu độ nhân loại. Cả chúng ta nữa cũng luôn luôn đứng trước ”ngày hôm nay” của khổ đau, của sự thinh lặng của Thiên Chúa - biết bao lần chúng ta diễn tả nó ra trong lời cầu nguyện - nhưng chúng ta cũng đứng trước ”ngày hôm nay” của sự phục sinh, của câu trả lời của Thiên Chúa, là Đấng đã nhận lấy trên mình Người các khổ đau của chúng ta, để vác các khổ đau ấy cùng với chúng ta, và cho chúng ta niềm hy vọng vững vàng là chúng sẽ được vượt thắng (Spe salvi, 35-40).
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải