Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

TIỂU SỬ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Hôm nay, trong ngày lễ Kính thánh Giuse, ngày 19 tháng 03 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ để khai mạc triều đại Giáo hoàng của mình. Nhận dịp này, chúng tôi xin gửi đến quý vị tiểu sử của vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, và cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng tên. Thiếu thời

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, nước Argentina, trong một gia đình di dân người Ý có năm người con. Cha của ngài, một công nhân đường sắt, là Maria Jose Bergoglio, mẹ ngài là Regina Maria Sivori, một người nội trợ. Từ năm 20 tuổi, sau cuộc giải phẫu vì bị nhiễm trùng đường hô hấp, ngài chỉ còn một lá phổi. Tuy đã nhận bằng thạc sĩ hóa học, ngài đã quyết định không gắn bó với chuyên môn này mà muốn trở thành một linh mục.

Linh Mục Dòng tên

Sau khi học tại chủng viện Villa Devoto, ngài vào nhà tập Dòng Tên ở Cordoba ngày 11 tháng ba năm 1958 và khấn lần đầu trong Dòng hai năm sau – ngày 12 tháng Ba năm 1960. Sau đó, thầy Bergoglio học nhân văn và triết học, và đã hoàn thành chương trình cử nhân triết học tại Đại Học Maximo San José ở San Miguel năm 1963. Theo chương trình huấn luyện của Dòng, sau thời gian học triết, thầy Bergoglio đã làm hai năm thực tập tông đồ tại hai trường Inmaculada ở Santa Fe và Salvador ở Buenos Aires. Tại đây, thầy giảng dạy văn học và tâm lý học. Sau thời gian thực tập tông đồ, thầy đã học Thần học tại chủng viện San Miguel, từ năm 1967 đến năm 1970. Hoàn tất chương trình thần học, thầy Bergoglio được Đức Tổng Giám Mục José Ramón Castellano phong chức linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969. Sau khi chịu chức, cũng theo chương trình huấn luyện của Dòng, cha Bergoglio đã làm nhà Tập năm ba tại Tây Ban Nha từ năm 1970 đến 1971 trước khi khấn trọng ngày 22 tháng 4 năm 1973. Sau khi hoàn thành chương trình nhà tập năm ba, từ năm 1971 đến 1973, cha Bergoglio đã được đặt làm Giám tập, trong thời gian này, cha cũng là giáo sư thần học tại học viện Maximo. Năm 1972 ngài cũng được đặt làm cố vấn của tỉnh Dòng tên Argentina. Với danh tiếng về tài lãnh đạo của mình, linh mục trẻ Bergoglio được Cha Bề Trên Cả Dòng tên đặt làm giám tỉnh khi mới 36 tuổi. Ngài giữ chức vụ này trong vòng 6 năm, từ năm 1973 đến năm 1979. Sau đó, vào năm 1980, cha Bergoglio đã trở thành Viện trưởng của chủng viện San Miguel, nơi cha đã được đào tạo. Cha Bergoglio phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 1986 trước khi sang Đức tiếp tục chương trình thần học của mình. Sau đó, cha Bergoglio đã trở về quê hương của mình để phục vụ như là cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.

Giám Mục và Hồng Y

Sau thời gian hoạt động tích cực trong vai trò linh mục cũng như giáo sư thần học, vào ngày 27 tháng 6 năm 1992, cha Bergoglio được bổ nhiệm làm tổng giám mục phó giáo phận Buenos Aires với quyền kế vị, hiệu tòa Auca. Vào ngày 28 tháng 2 năm 1998, ngài thay Đức Hồng Y Quarracino vào ngày 28 tháng 2 năm 1998 trong chức vụ Tổng Giám Mục Buenos Aires. Trong cương vị tổng giám mục, ngài còn làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina hai nhiệm kỳ từ ngày 08 tháng 11 năm 2005 đến ngày 08 tháng 11 năm 2011. Ngoài ra ngài còn là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và đồng thời cũng là Đấng Bản Quyền cho người Công Giáo Đông Phương ở Argentina. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên.

Trong một công nghị diễn ra ngày 21 tháng 02 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài với Hiệu Tòa là nhà thờ Robert Bellarmino. Trong cương vị Hồng Y, ngài cũng được bổ nhiệm vào một số vị trí trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban châu Mỹ La tinh và Hội đồng gia đình.

Đức Hồng Y Bergoglio nổi tiếng về sự khiêm tốn, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và dấn thân cho công bằng xã hội. Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, ngài nổi tiếng là người gần gũi với dân chúng. Người ta vẫn thường thấy hình ảnh một vị Giám mục đi lại bằng xe bus giữa những con chiên của mình. Ngài thường viếng thăm người nghèo khổ và đặc biệt là những người bệnh tật. Dù là Hồng y, Ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục, và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là “Cha Jorge”. Trong tư cách là Tổng Giám Mục, ngài đã nhắn nhủ với các giám mục rằng: “Đức Giê-su dạy chúng ta một cách khác: hãy ra đi và làm chứng, hãy ra đi và gần gũi với anh chị em của chúng ta, hãy ra đi và chia sẻ… Hãy trở thành lời trong thân thể cũng như trong tinh thần”. Không chỉ khuyên nhủ bằng lời, chính ngài đã hành động và đã nêu gương cho các anh em linh mục của ngài. Thật vậy, sau khi nhận mũ áo hồng y, vào thứ năm Tuần thánh 2001, ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã hôn và rửa chân cho 12 người bị nhiễm HIV. Trong tư cách là mục tử, ngài mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết của Giáo hội đặc biệt là các vấn đề luân lý và bảo vệ sự sống. Ngài đã nhiều lần công khai lên án nạn hôn nhân đồng tính, tình trạng phá thai và ngừa thai nhân tạo. Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các linh mục toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn ý nghĩa đời sống gia đình cách trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai. Khi còn là một linh mục, Đức Hồng y nổi tiếng với tài lãnh đạo. Khi làm Giám Mục và Hồng Y, ngài đã thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chánh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị.

Đức Hồng Y Bergoglio cũng rất quan tâm đến việc đối thoại giữa các tôn giáo. Khi còn là tổng giám mục, ngài quan tâm đến vấn đề đối thoại với Do thái giáo. Ngài và giáo sĩ Do thái giáo Abraham Skorka là đồng tác giả Sobre el cielo y la tierra (Về trời và đất).

Giáo Hoàng Phanxicô

Sau cái chết của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Bergoglio, đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005. Ngài là Hồng Y nhiếp chính điều hành cùng với Hồng Y Đoàn điều hành Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo Roma trong thời gian trống tòa năm 2005. Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 thắng 3 năm 2013, trong ngày thứ hai của Mật nghị năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, đầu tiên xuất thân từ dòng Tên, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô.

Nguyễn Minh Triệu sj


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma
     Đức Thánh Cha Phanxicô: Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới
     Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Hồng y đoàn
     Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
     ĐỨC HỒNG Y BERGOGLIO ĐƯỢC BẦU LÀM TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ I
     Các Hồng Y bắt đầu bầu Giáo Hoàng
     Phiên họp thứ 10 của Hồng Y đoàn: 11-3-2013
     Phiên họp thứ 9 của Hồng y đoàn: 9-3-2013
     Lịch sử và qui luật mật nghị bầu Giáo Hoàng
     Phiên họp thứ 6 và thứ 7 của Hồng y đoàn: chiều 7-3 và sáng 8-3-2013