Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ
Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội là suối nguồn của ánh sáng nội tâm, của niềm hy vọng và ủi an. Giữa các thử thách của cuộc sống, và đặc biệt giữa các mâu thuẫn mà con người kinh nghiệm trong chính mình và chung quanh mình, Đức Maria Mẹ của Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng Ơn Thánh lớn lao hơn tội lỗi, lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ và biết biến đổi sự dữ thành sự thiện.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa thứ tư 8-12-2010.
Thứ tư 8-12-2010 lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày lễ nghỉ, Đức Thánh Cha đã không có buổi tiếp kiến chung như thường lệ. Nhưng lúc 12 giờ trưa ngài đã ra cửa sổ phòng làm việc để đọc kinh Truyền Tin chung với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong chương trình cứu chuộc cũng như nguồn gốc sự dữ trong cuộc sống con người và sự hiện diện của nó giữa lòng thế giới.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay, buổi hẹn đọc kinh Truyền Tin của chúng ta có được một ánh sáng đặc biệt, trong bối cảnh lễ trọng kính biến cố Thụ Thai Vô Nhiễm của Đức Maria. Trong phụng vụ của lễ này, Tin Mừng Truyền Tin được công bố (Lc 1,26-38) và nó bao gồm cuộc đối thoại giữa thiên thần Gabriel và Đức Trinh Nữ. Sứ thần của Thiên Chúa nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng: Thiên Chúa ở cùng tôn nương” và qua đó vén mở cho thấy căn tính sâu thẳm nhất của Đức Maria, để nói rằng “tên gọi” qua đó chính Thiên Chúa biết Mẹ: “người đầy ân sủng”. Kiểu nói này, quen thuộc với chúng ta ngay từ khi còn bé, bởi vì chúng ta nói lên, mỗi lần đọc kinh “Kính Mừng Maria”. Nó cống hiến cho chúng ta lời giải thích mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Đức Thánh Cha giải thích mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội như sau:
Thật thế, ngay từ khi được cha mẹ thụ thai, Đức Maria đã là đối tượng của một sự tuyển chọn đặc biệt từ phía Thiên Chúa, là Đấng trong chương trình vĩnh cửu, đã chọn Người làm Mẹ của Con nhập thể của mình, và vì thế đã giữ gìn Người khỏi tội tổ tông. Vì thế, Sứ Thần mới ngỏ lời với Người bằng tên gọi này, mà theo chữ có nghĩa là “đã luôn luôn tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa”, tràn đầy thánh sủng. Đức Thánh Cha giải thích thêm mầu nhiệm việc Thụ Thai Vô Nhiễm của Đức Maria như sau:
Mầu nhiệm Thụ Thai Vô Nhiễm là suối nguồn của ánh sáng nội tâm, của niềm hy vọng và ủi an. Giữa các thử thách của cuộc sống, và đặc biệt giữa các mâu thuẫn mà con người kinh nghiệm trong chính mình và chung quanh mình, Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng: Ơn Thánh lớn lao hơn tội lỗi, lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng hơn sự dữ, và biết biến đổi sự dữ thành sự lành. Rất tiếc là mỗi ngày chúng ta đều sống kinh nghiệm sự dữ, được biểu lộ ra trong nhiều cách thế trong các tương quan và trong các biến cố, nhưng nó có gốc rễ nơi trái tim con người, một trái tim bị thương tích, bệnh tật, và không có khả năng tự chữa lành một mình. Kinh Thánh vén mở cho chúng ta thấy rằng nơi nugồn gốc của mỗi một sự dữ có việc bất tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, và cái chết đã thống trị bởi vì sự tự do của con người đã nhượng bộ cám dỗ của kẻ dữ. Nhưng Thiên Chúa đã không giảm thiểu chương trình tình yêu và sự sống của Ngài: qua một lộ trình dài và kiên nhẫn của sự hòa giải, Ngài đã chuẩn bị giao ước mới và vĩnh cửu, được đóng ấn trong máu của Con Ngài, là Đấng, đến để tự hiến chính mình làm của lễ đền tội, “đã được sinh ra từ một người đàn bà” (Gl 4,4). Người đàn bà đó là Đức Trinh Nữ Maria, đã lãnh nhận được tước hiệu qua cái chết cứu chuộc của Con mình, và từ lúc thụ thai đã được giữ gìn khỏi bị lây tội. Vì thế, với con tim vô nhiễm, Mẹ nói với chúng ta: Các con hãy tín thác nơi Chúa Giêsu, Ngài sẽ cứu các con.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, chiều hôm nay tôi sẽ lập lại cử chỉ tôn kính Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, gần đài kỷ niệm dâng kính Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha. Với cử chỉ tôn sùng này, tôi diễn tả tình yêu của tín hữu thành phố Rôma và của toàn thế giới đối với Mẹ, mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Tôi phó thác cho sự bầu cử của Mẹ các nhu cầu cấp bách nhất của Giáo Hội và của thế giới. Nhất là xin Mẹ giúp chúng ta tin nơi Thiên Chúa, tin vào Lời của Ngài và luôn luôn khước từ sự dữ và lựa chọn sự thiện.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho moi người. Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người có ngày lễ tươi vui sốt sắng. Đức Thánh Cha đã chào đặc biệt các thành viên Học Viện Giáo Hoàng Vô Nhiễm. Ngài cám ơn công việc của họ và phó thác các sinh hoạt của họ cho sự bầu cử của Mẹ Vô Nhiễm. Ngài cũng chào phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia trong nhiều giáo xứ ngày hôm qua tái canh tân dấn thân của họ trong việc phục vụ Giáo Hội. Nhắc lại lễ hội với các thành viên phong trào hồi cuối tháng 10 vừa qua tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha khích lệ họ can đảm tiến bước trên con đường nên thánh, và đem ánh sáng Tin Mừng vào mọi môi trường cuộc sống thường ngày.
Vào ban chiều Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha để cử hành nghi thức dâng hoa và tôn kính Đức Mẹ. Tại quảng trường này có tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm, do Đức Giáo Hoàng Pio IX làm phép khành thành ngày mùng 8 tháng 12 năm 1857, tức 3 năm sau khi người long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12 năm 1854. Đài kỷ niệm do kỹ sư Luigi Poletti thực hiện. Tượng Đức Mẹ bằng đồng do ông Giuseppe Obici tạc, được đặt trên một cây cột bằng cẩm thạch cipollino cao 11,81 mét, có đế với 4 tượng ông Môsê, vua Đavít, ngôn sứ Isaia, và ngôn sứ Êdêkien. Quảng trường mang tên tòa đại sứ Tây Ban Nha bên cạnh và phía sau tượng đài là dinh thự trụ sở của Bộ Truyền Giáo. Năm 1857 kỹ sư Poletti đã hướng dẫn việc dựng cây cột và tượng Đức Mẹ với sự cộng tác của 222 nhân viên chữa lửa của thành phố Rôma. Từ năm 1923 hàng năm nhân viên cứu hỏa Rôma vẫn trung thành hiện diện tại đây trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Đức Giáo Hoàng Pio XII bắt đầu thói quen gửi hoa tới tượng đài Đức Mẹ trong ngày lễ Vô Nhiễm. Năm 1958 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đích thân đến dâng một giỏ hoa hồng cho Đức Mẹ trước tượng đài. Tiếp đến ngài viếng thăm vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Thói quen đến dâng hoa hồng cho Đức Mẹ ban chiều ngày lễ Vô Nhiễm mùng 8 tháng 12 hàng năm đã được hai Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II trung thành tiếp tục hàng năm.
Hàng ngàn tín hữu đã tụ tập tại quảng trường Tây Ban Nha để tham dự lễ nghi này. Khi Đức Thánh Cha đến quảng trường ca đoàn hát bài Tu es Petrus Này con là đá.
Lễ nghi dâng hoa hồng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm đã diễn ra dưới hình thức một buổi cử hành lời Chúa. Đức Thánh Cha đã làm dấu thánh Giá, rồi chúc bình an cho cộng đoàn và nói:
“Anh chị em thân mến, trong ngày thân thương này đối với lòng sùng kính Mẹ Maria, chúng ta dừng lại đây với niềm vui trong con tim của thành phố Rôma yêu qúy này để tôn kính Mẹ Vô Nhiễm với tình con thảo và lòng biết ơn. Chúng ta xin Mẹ là Đấng Toàn Thánh dậy đỗ chúng ta tin, yêu và trông cậy; chỉ cho chúng ta con đường dẫn đưa tới hòa bình, con đường dẫn đưa tới Nước Thiên Chúa; trợ giúp chúng ta trong các biến cố vui buồn của cuộc lữ hành trần thế và nâng đỡ con đường nên thánh của chúng ta”. Tiếp đến là bài đọc trích từ thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galát.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha gửi lời chào tới mọi tín hữu hiện diện cũng như theo dõi lễ nghi trên đài phát thanh và truyền hình và nói: “Chúng ta tụ tập nhau nơi đây chung quanh tượng đài lịch sử này, hôm nay được trang hoàng đầy hoa, như dấu chì tình yêu thương và lòng sùng mộ của dân Rôma đối với Mẹ Chúa Giêsu. Và món qùa đẹp nhất, được Mẹ ưa thích nhất là chúng ta dâng lên Mẹ lời cầu nguyện ấp ủ trong tim và phó thác cho sự bầu cử của Mẹ. Đó là các lời tạ ơn và khẩn nài: cám ơn vì món qùa đức tin và tất cả sự lành mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa mỗi ngày, và khẩn nài cho các nhu cầu khác nhau, cho gia đình, sức khỏe, công việc làm, cho mọi khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Nhưng khi chúng ta tới đây trong ngày mùng 8 tháng 12, điều chúng ta nhận được từ Mẹ thì quan trọng hơn điều chúng ta dâng cho Mẹ. Thật thế, Mẹ ban cho mỗi người trong chúng ta, cho thành phố Rôma và cho toàn thế giới một sứ điệp. Là Giám Mục của thành phố này tôi cũng đến đây để lắng nghe sứ điệp của Mẹ, không chỉ cho chính mình mà cho tất cả mọi người nữa. Mẹ nói với chúng ta với Lời của thiên Chúa, nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ. Sứ điệp của Mẹ không gì khác hơn là Chúa Giêsu, Đấng là tất cả cuộc đời Mẹ. Nhờ Ngài và cho Ngài mà Mẹ là Đấng Vô Nhiễm. Cũng như Con Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta, Mẹ cũng đã được giữ gìn khỏi tội vì tất cả chúng ta, như thừa hưởng trước ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho mỗi một người. Như thế Mẹ nói với chúng ta rằng: chúng ta tất cả đều được mời gọi rộng mở cho Chúa Thánh Thần, trong số phận cuối cùng của chúng ta, để có thể đạt tới chỗ được vô nhiễm, tự do khỏi sự dữ một cách tràn đầy và vinh viễn. Mẹ nói với chúng ta với chính sự thánh thiện của Mẹ, với cái nhìn đầy hy vọng và cảm thương gợi lên các lời này: “Hỡi con, đừng sợ, Thiên Chúa yêu thương con; Ngài yêu thương con cách riêng, Ngài đã nghĩ tới con trước khi con bước vào lòng thế giới, và Ngài đã gọi con vào đời để ban cho con tràn đầy tình yêu và sự sống; và vì thế Ngài đến gặp gỡ con, làm người vì con mà không có tội; Ngài đã ban chính Ngài cho con, cho tới chết trên thập giá và như thế đã ban cho con một cuộc sống mới tự do, thánh thiện và vô nhiễm” (x. Ep 1,3-5).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: “Mỗi khi tôi đến đây trong ngày lễ này, sứ điệp ấy đánh động tôi và tôi cảm thấy nó được nói với mọi người dân toàn thành phố Rôma, kể cả những người không nghĩ tới nó, không nhớ rằng hôm nay là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, và cả những người cảm thấy mình bị bỏ rơi. Cái nhìn của Mẹ Maria là cái nhìn của Thiên Chúa trên từng người. Mẹ nhìn chúng ta với tình yêu của chính Thiên Chúa Cha. Mẹ hành xử như “trạng sư” của chúng ta. Cả khi tất cả mọi người nói xấu chúng ta, thì Mẹ là Mẹ cũng nói tốt cho chúng ta, bởi vì con tim vô nhiễm của Mẹ hòa nhịp với lòng xót thương của Thiên Chúa. Như thế, Mẹ trông thấy thành phố không phải như là một đô thị vô danh, nhưng như là một đám sao, nơi Thiên Chúa biết tên của tất cả mọi người, gọi tên từng người một, và mời gọi chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài. Và những người trước hết trước mắt thế giới là những người rốt hết; những người bé nhỏ nhất đối với Thiên Chúa lại là những người lớn lao nhất. Mẹ nhìn chúng ta như Thiên Chúa đã nhìn mẹ, một bé gái khiêm hạ của làng quê Nagiarét, vô nghĩa trước mắt thế gian, nhưng được tuyển chọn và qúy báu đối với Thiên Chúa. Nhận biết nơi từng người hình ảnh giống Con Giêsu của Mẹ, cả khi chúng ta có khác nhau như thế. Nhưng ai là người nhận biết quyền năng của ơn thánh Chúa hơn Mẹ? Ai hơn Mẹ biết rằng không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa, là Đấng có khả năng biến sự dữ thành sự lành?
Anh chị em thân mến, đó là sứ điệp chúng ta nhận được dưới chân Mẹ Vô Nhiễm. Một sứ điệp tin tưởng đối với từng người trong thành phố này và trên toàn thế giới. Một sứ điệp hy vọng không phải bằng lời nói, mà bằng chính lịch sử của nó: Mẹ là người phụ nữ của loài người chúng ta, Đấng đã cho Con Thiên Chúa chào đời và đã chia sẻ toàn cuộc sống với Người! Hôm nay Mẹ nói với chúng ta: đó cũng là số phận của con, của các con, số phận của tất cả mọi người, nên thánh như Thiên Chúa Cha, vô nhiễm như Anh Giêsu Kitô của chúng ta, là các người con được yêu thương, tất cả được làm nghĩa tử để làm thành một đại gia đình, không biên giới quốc gia, mầu da, tiếng nói, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, là Cha của mọi người”.
Rồi Đức Thánh Cha kết thúc suy tư như sau: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, chúng con cám ơn Mẹ đã luôn ở với chúng con! Xin Mẹ canh thức trên thành phố của chúng con: xin Mẹ an ủi người đau yếu, khích lệ giới trẻ, nâng đỡ các gia đình. Xin Mẹ ban cho chúng con sức mạnh để khước từ sự dữ trong mọi hình thái của nó, để lựa chọn sự thiện, cả khi nó mắc mỏ và bao gồm việc đi ngược dòng đời đi nữa. Xin ban cho chúng con niềm vui cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, chúc lành và được làm con của Ngài. Lạy Trinh Nữ Vô Nhiễm, Mẹ rất dịu hiền của chúng con, xin cầu cho chúng con!”
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã dâng hoa cho Đức Mẹ, rồi xông hương tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu Đức Bà. Sau lời nguyện kết thúc, Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người hiện diện và lễ nghi dâng hoa hồng cho Đức Mẹ Vộ Nhiễm kết thúc với bài thánh ca “Mẹ hoàn toàn xinh đẹp - Tota pulchra es”.
Theo Vatican