Toà Thánh công bố hai tài liệu
về trẻ em trong đại dịch
Thứ Tư
22/12/2021, Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống và Bộ Phục vụ Phát triển Con
người Toàn Diện họp báo công bố hai tài liệu liên quan đến trẻ em trong đại
dịch có tựa đề: “Đại dịch và thách đố giáo dục”, và “Trẻ em và Covid-19: những
nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của đại dịch”.
Hai tài liệu được
giới thiệu bởi Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch
Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống; sơ Alessandra Smerilli, Tổng Thư ký “tạm
thời” của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, và bác sĩ Alberto Villani
đang phục vụ tại bệnh viện Bambino Gesù của Toà Thánh và Hàn lâm viện Toà Thánh
về Sự sống.
Tài liệu “Đại dịch và thách đố giáo
dục”
Nguồn lực của trẻ em và thiếu niên
trong thời điểm đại dịch
Về tài liệu “Đại dịch
và thách đố giáo dục”, trước hết, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia nói về
nguồn lực của trẻ em và thiếu niên trong thời điểm đại dịch.
Trong những tháng đau
thương này, sự kiên cường đặc trưng của các thế hệ trẻ thể hiện rõ. Các em tiếp
tục hướng tới tương lai mặc dù đầy những sự kiện bất ổn và điều kiện khó khăn.
Đây là khả năng chịu đựng những sự kiện nghiêm trọng trong cuộc sống qua phản ứng
của các nguồn lực bên trong và sự hỗ trợ bên ngoài. Trẻ em có khả năng phục
hồi, vì vậy các em không thể bị bỏ một mình, cần phải kích hoạt các con đường
tái tạo những tổn thương.
Bốn thách đố nghiêm trọng và khẩn cấp
Chủ tịch Hàn lâm viện
Toà Thánh về Sự sống nhấn mạnh rằng, đại dịch lây lan trên toàn thế giới đòi
hỏi chúng ta phải đối phó với tương lai gần với một nhận định chính xác và chia
sẻ trách nhiệm đối với các thế hệ trẻ. Bốn lĩnh vực cần chú ý đặc biệt là:
(1) Mở lại trường học
Trong tương lai, biện
pháp đóng các trường học phải được coi là cuối cùng và chỉ được áp dụng trong
trường hợp nghiêm trọng. Bởi vì, đối với các em sự thiếu tương tác đa chiều
trong tương quan giáo dục và xã hội có tác động tiêu cực đến cảm nhận về chất
lượng cuộc sống, động cơ đào tạo con người, quan tâm trách nhiệm xã hội. Đối
với mọi người đặc biệt độ tuổi thanh thiếu niên, đó là “trường đời” của các
tương quan, tình bạn và giáo dục tình cảm. Trường học bị đóng cửa làm gián đoạn
các tương quan xã hội.
Hậu quả của việc đóng
cửa trường học: 10 triệu trẻ em trên thế giới sẽ không bao giờ trở lại trường;
việc tiếp thu kiến thức của các em bị hạn chế; các em học ở khu vực có hệ thống
trường học cung cấp thực phẩm bị giảm bớt, trái lại các em ở thế giới phát
triển thì bị béo phì; các em bị rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng; gia
tăng trình trạng nghiện Internet, trò chơi điện tử hoặc xem ti vi vô độ.
(2) Bảo vệ các mối quan hệ gia đình
Việc đóng cửa các
trường học đã đưa trở lại thiên chức trọng tâm của cha mẹ và ông bà. Cha mẹ
đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con cái và giúp chúng vượt qua những
khó khăn mà các em gặp phải trong hoàn cảnh mới. Đây là cơ hội để xem lại nội
dung của những thách đố giáo dục bắt đầu từ gia đình.
(3) Giáo dục tình huynh đệ phổ quát
Cần phải giáo dục thế
hệ trẻ không chạy trốn khỏi viễn tượng toàn cầu, các thành tựu của khoa học,
thách đố sinh thái, quan điểm kinh tế và xã hội với sự bất bình đẳng của nó,
vai trò của truyền thông xã hội và công nghệ. Các nhà giáo dục có trách nhiệm
dạy cho các học sinh biết mở rộng tầm nhìn, nhận thức rõ hơn về thế giới cũng
như trách nhiệm của các em với tư cách là những công dân, những người có đức
tin.
(4) Thông truyền đức tin vào Chúa của sự sống
Đại dịch cho thấy
những nội dung cơ bản của giáo lý chưa được chú trọng, như những câu hỏi: sự ác
đến từ đâu? Thiên Chúa ở đâu trong đại dịch? Tương quan hài hoà giữa đức tin và
khoa học mà Giáo hội đề xuất là gì? Những trang Kinh Thánh nào soi sáng cho
giai đoạn này? Phải có những lời nói và cử chỉ nào trong khi đồng hành với
người bệnh? Đây là những vấn đề mà người lớn phải cố gắng đưa ra câu trả lời
cho các em. Chắc chắn đây là một cơ hội để giúp các em trưởng thành trong đức
tin. Nhưng để làm được điều này cần có sự cộng tác giữa các gia đình và cộng
đoàn Kitô.
Kết luận:
Tài liệu kết thúc,
nhắc lại rằng nguồn gốc của sự quan tâm giáo dục của Giáo hội đối với trẻ em ở
trong Tin Mừng: “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên
chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng”. (Mc 10, 13). Các môn đệ ngăn cản các em
đến với Chúa. Trong xã hội, đôi khi có nhiều dì ghẻ hơn là các bà mẹ, họ bỏ mặc
trẻ em và không đáp ứng nhu cầu của các em.
Từ trải nghiệm đại
dịch, Giáo hội Công giáo cho thấy nhu cầu cấp thiết phải loại bỏ những cản trở
nặng nề ngăn cản sự hoà nhập tích cực của trẻ em và thanh thiếu niên vào xã
hội. Về điểm này lời kêu gọi của Giáo hội là hãy cho trẻ em đến trường, hãy
trao cho các em những người thầy tốt, những người biết chú ý đến khả năng của
các em và nhẫn nại với các em. Và đặc biệt hãy đưa các em đến trường học của
Thầy Giêsu để các em được giáo dục trong trường học đặc biệt này.
Tài liệu “Trẻ em và Covid-19: những nạn
nhân dễ bị tổn thương nhất của đại dịch”
Tình trạng của trẻ em
Với tài liệu “Trẻ em
và Covid-19: những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của đại dịch”, trước hết Uỷ
ban Vatican về Covid-19 của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn Diện, trình
bày về tình trạng của các trẻ em trong thời điểm đại dịch.
Uỷ ban cảnh báo rằng một
thế hệ trẻ em đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế, sức khoẻ và xã hội của đại
dịch. Tính đến ngày 30/9/2021, có hơn 5 triệu trẻ em bị mất cha mẹ, ông bà
hay người giám hộ. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn trong những năm tới, hậu
quả là nhiều trẻ em sẽ bị rơi vào cảnh nghèo đói, thiếu sự chăm sóc của gia
đình, bị đưa vào trung tâm mồ côi, thiếu giáo dục. Lần đầu tiên sau nhiều thập
kỷ, số lao động trẻ em đã tăng lên 160 triệu. Về suy dinh dưỡng, năm 2020, có
từ 6 đến 7 triệu trường hợp mới dưới 5 tuổi. Hơn 168 triệu trẻ em không được
học trong suốt 12 tháng đầu tiên của đại dịch, và nhiều em khác phải bỏ học.
Hành động
Từ hiện trạng này và
sau khi ra những phân tích cụ thể dựa trên giáo huấn của Giáo hội Công giáo đặc
biệt các văn kiện gần đây của Đức Thánh Cha, Toà Thánh đưa ra các đề nghị:
Đối với các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội
(1) Thúc đẩy phân
phối công bằng vắc-xin Covid-19. Vì tác hại của virus đối với trẻ em chỉ có thể
giảm hoàn toàn nếu sự lây lan của Covid-19 được hạn chế. (2) Tăng cường các hệ
thống chăm sóc trẻ em trong gia đình. Cần tránh hết sức tình trạng trẻ em bị
tách khỏi cha mẹ, và hỗ trợ tâm lý cho các em phải chịu tang cha mẹ. (3) Dành
một phần lớn ngân sách cho việc bảo vệ trẻ em. Các chính phủ phải nhận thức rõ
việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và bỏ rơi. (4) Phối hợp
chuyển tiền cho người nghèo với các chương trình bổ sung. Các nghiên cứu chỉ ra
rằng khi giải quyết tình trạng đói nghèo về thu nhập, thì chuyển tiền mặt sẽ
đem lại hiệu quả hơn. (5) Bảo vệ trẻ em bị tổn thương khi trường mở cửa trở
lại. Trong thời điểm đại dịch, nhiều trẻ em bị tổn thương do bị lạm dụng thể
chất và tình dục.
Đối với các tổ chức Giáo hội
Toà Thánh đề nghị:
(1) Các giáo phận và giáo xứ phải được chuẩn bị can thiệp nhanh khi có các gia
đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như thành lập đội phản ứng nhanh để chủ động hỗ
trợ các gia đình gặp khó khăn. (2) Đảm bảo chăm sóc an toàn và phong phú cho
toàn thể gia đình phải là một ưu tiên của Giáo hội. (3) Nỗ lực tìm gia đình đón
nhận trẻ mồ côi, và thực hiện chuyển từ trung tâm trẻ mồ côi sang các nguồn lực
gia đình khác như trường mẫu giáo. (4) Trực tiếp giải quyết sự gia tăng bạo lực
đối với trẻ em trong thời điểm đại dịch. Các giáo xứ tạo không gian an toàn,
nơi trẻ em gặp khó khăn có thể được tư vấn và hỗ trợ.
Ngọc Yến - Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-12/toa-thanh-tai-lieu-tre-em-dai-dich.html