Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Tường thuật Thánh lễ và lễ nghi mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót

mo cua nam thanh.jpg

Tường thuật thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, do ĐTC Phanxicô chủ sự sáng mừng 8 tháng 12 năm 2015.

Lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua, lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cùng đồng tế thánh lễ có 60 Hồng Y, 100 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 200 Linh Mục nhân viên các cơ quan trung uơng Toà Thánh và khoảng 2.000 Linh Mục, kể cả 200 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ, trong đó có 100 Linh Mục thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô và 60 Phó tế đem Mình và Máu Thánh Chúa tới cho các Linh Mục đồng tế.  Đứng hai bên ĐTC là ĐHY Angelo Sodano, nguyên Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐHY Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục.

Huy hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót được treo trên bao lơn chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô. Huy hiệu do linh mục Marko Rupnik dòng Tên vẽ, là một tiểu luận thần học về lòng thương xót. Huy hiệu cho thấy Chúa Con vác trên vai con người bị lạc đường. Đây là một hình ảnh rất thân thiết đối với Giáo Hội cổ xưa, bởi vì nó ám chỉ tình yêu của Chúa Kitô, là Đấng thành toàn màu nhiệm nhập thể của Người với việc cứu chuộc.

Hình vẽ nêu bật vị Mục Tử Nhân Lành đụng chạm thịt xác con người trong sự sâu thẳm của nó, và Người làm điều đó với tình yêu đến độ thay đổi cuộc sống con người. Mục Tử Nhân Lành mang nhân loại trên mình với  lòng thương xót tột độ,  nhưng đôi mắt tan hòa với đôi mắt của con người.  Chúa Kitô nhìn với con mắt của Ađam,  và Adam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế, mỗi người khám phá ra nơi Chúa Kitô Ađam mới, nhân tính của mình và tương lai chờ đón mình, bằng cách chiêm ngưỡng trong cái nhìn của Người tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Tất cả cảnh này ở bên trong một hạt hạnh nhân, rất thân thiết với nghệ thuật vẽ hình trên gỗ icône cổ xưa và vào thời Trung Cổ, diễn tả sự đồng hiện diện của thiên tính và nhân tính nơi Chúa Kitô. Ba vòng tròn bầu dục đồng tâm có mầu từ từ sáng hơn hướng về phía bên ngoài gợi nhớ động thái của Chúa Kitô đem con người ra khỏi đêm tối của tội lỗi và cái chết. Đàng khác, mầu đậm hơn cũng gợi lên tính cách khôn dò trong tình yêu của Thiên Chúa Cha, là Đấng tha thứ mọi sự.

Nhân dịp này hình vẽ Icône cổ kính “Đức Mẹ Cửa của Lòng Thương Xót” cũng được mang về Roma từ đền thánh công giáo hy lạp Chúa Hiển Dung ở Jaroslaw bên Ba Lan. Bức hình Đức Mẹ đã được vẽ năm 1640. Năm 1779 ĐGH Piô VI đã coi hình vẽ này là ảnh Đức Mẹ làm phép lạ. Và năm 1996 ĐHY Achille Silvestrini đã được ĐGH Gioan Phaolô II cử làm đặc sứ đội triều thiên cho Đức Mẹ. Một bản chụp của hình này cũng được tín hữu Ucraina tôn kính tại Buenos Aires, bên Argentina.

Lúc 8 giờ 20 tất cả các chuông Đền Thờ Thánh Phêrô đã đổ hồi rộn rã.  Để chuẩn bị tinh thần mọi người cho buổi cử hành long trọng này lúc 8 giờ 45 vài đoạn của 6 tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II đã được tuyên đọc: Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum; Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium; Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium;  Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes; Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio; và Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae. Ngày mùng 8 tháng 12 cũng là kỷ niệm 50 năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II. Việc tuyên đọc các tài liệu nói trên nhằm giúp mọi người duyệt lại vài giáo huấn sâu sắc của Công Đồng và ý thức được tính cách thời sự của các giáo huấn này đối với cuộc sống của Giáo Hội. Công Đồng đã được suy tư và nhóm họp  trong ba năm, và đã kết thúc dưới ánh sáng lòng thương xót Chúa.

Lúc 9 giờ 5 phút mọi người đã lần hạt kính Đức Mẹ. Tham dự thánh lễ mở Cửa Năm Thánh đã có khoảng 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, trong đó cũng có mấy nhóm tín hữu Việt Nam. Tham dự thánh lễ và lễ nghi mở Cửa Thánh cũng có phái đoàn của các nước Italia, Bỉ, Cộng hoà thánh Marino, Cộng hoà Tchèques và Cộng hoà Liên bang Đức. Bên phải khán đài có nhiều nhân vật của chính quyền Italia cũng như của Hội hiệp sĩ Malta, tu huynh Alois của cộng đoàn đại kết Taizé. Cũng có 100 người câm điếc tham dự thánh lễ được diễn giải bằng ngôn ngữ dấu chỉ.

Bài đọc một bằng viếng Tây Ban Nha trích từ chưong 3 sách Sáng Thế, kể lại cảnh Thiên Chúa phán xử loài người sau khi con người phạm tội. Thánh vịnh 97 “Hãy hát lên một bài tân ca chúc tụng Chúa” được hát bằng tiếng Ý. Bài đọc bằng tiếng Anh trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô, tạ ơn Thiên  Chúa vì qua Đức Giêsu Kitô Ngài đã ban cho chúng ta mọi phước lành, đã chọn chúng ta từ đời đời để chúng ta tinh tuyền thánh thiện, và đã tiền định cho chúng ta trở nên nghĩa tử qua Chúa Giêsu Kitô và đồng thừa tự với Chúa Kitô.

Phúc Âm đã tả lại cảnh thiên thần Gabriel truyền tin cho Đúc Maria được hát bằng tiếng Ý. Các lời nguyện giáo dân được tuyên đọc bằng các thứ tiếng: Tầu, A rập, Pháp, Swahili và Malayalam: xin Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội luôn là mẹ sự thật và lòng thương xót, và là cung lòng cưu mang các người con mới của Thiên Chúa; xin Chúa Thánh Thần làm nảy sinh ra nơi các nhà làm luật và hàng lãnh đạo ước muốn phục vụ mọi người, say mê công lý và hòa bình; xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn lương tâm những người tội lỗi và bạo lực để họ hiểu biết thảm cảnh và sự trầm trọng của sự dữ họ đã gây ra, và cho con tim của họ nhận được ơn chữa lành và lòng thương xót; xin Chúa Thánh Thần dấy lên trong tâm trí những người không tín ngưỡng ước muốn chân lý, và trong ý chí của họ lòng can đảm gắn bó với sự thiện; xin Chúa Thánh Thần làm cho môi miệng các thừa sai và các cha giải tội tươi vui và thẳng thắn loan báo Tin Mừng, và nói lên các lời của hy vọng và tha thứ.

Phần thánh Ca đã được ba ca đoàn đảm trách: Ca đoàn Sistina, ca đoàn của Học viện giáo hoàng Thánh Nhạc,  và ca đoàn Mater Ecclesiae.

Năm Thánh ngoại thường này cũng là một món quà của ân sủng. Bước vào Cửa đó có nghĩa là khám phá ra sự sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả mọi người và đến gặp gỡ từng người một

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ và Năm Thánh Lòng Thương Xót dưới ánh sáng các ơn Thiên Chúa ban cho Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, cũng như dưới ánh sáng của Công Đồng Chung Vaticăng II kết thúc cách đây đúng 50 năm. Mở đầu bài giảng ĐTC nói:

Trong chốc lát nữa đây tôi sẽ vui sướng mở Cửa Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta chu toàn cử chỉ này,  đơn sơ biết bao nhưng cũng biểu tượng một cách mạnh mẽ, dưới ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe, và nó nêu bật quyền tối thượng của ân sủng. Thật thế, điều trở lại  nhiều lần trong các bài đọc hướng chúng ta về kiểu diễn tả, mà sứ thần Gabriel đã nói với một thiếu nữ trẻ tuổi, kinh ngạc và bị khuấy động, ám chỉ mầu nhiệm sẽ bao bọc nàng: “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Đức Trinh Nữ Maria được mời gọi trước tiên vui lên vì những gì Chúa đã thành toàn nơi Mẹ. Ơn thánh của Thiên Chúa đã bao phủ Mẹ, khiến cho Mẹ có khả năng trở thành Mẹ Chúa Kitô. Khi sứ thần Gabriel bước vào trong nhà Người, cả mầu nhiệm sâu  thẳm nhất vượt qúa mọi khả năng của lý trí, đối với Mẹ cũng trở thành lý do của niềm vui, của lòng tin và sự phó thác cho lời được mạc khải cho Mẹ. Sự tràn đầy ơn phước là một mức độ của việc biến đổi con tim, và làm cho nó có khả năng thành toàn một cử chỉ cao cả tới độ thay đổi lịch sử của nhân loại.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội diễn tả tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài không chỉ là Đấng tha tội, nhưng nơi Mẹ Maria Ngài đạt tới chỗ đề phòng tội nguyên tổ, mà mỗi người mang trong mình, khi bước vào thế giới này. Chính tình yêu của Thiên Chúa đề phòng, thực hiện trước và cứu rỗi. Việc bắt đầu lịch sử của tội lỗi trong vườn Eden được giải quyết trong dự án của một tình yêu cứu rỗi. Các lời của sách Sáng Thế  kể lại kinh nghiệm thường ngày, mà chúng ta khám phá ra trong cuộc sống cá nhân. Luôn luôn có cám dỗ  bất tuân phục, được diễn tả ra trong việc dự phóng cuộc sống chúng ta một cách độc lập với ý muốn của Thiên Chúa. Và chính sự không thân hữu đó liên tục mưu sát cuộc sống của con người để làm cho họ chống lại chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cả lịch sử của tội lỗi cũng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của tình yêu tha thứ. Nếu mọi sự bị cột buộc với án đầy ải của tội lỗi,  thì chúng ta sẽ là những người tuyệt vọng nhất trong các loài thụ tạo, trong khi lời hứa chiến thắng tình yêu của Chúa Kitô gói ghém tất cả trong lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Lời Chúa mà chúng ta vừa mới lắng nghe không để cho chúng ta nghi ngờ về điều này. Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội trước chúng ta  là chứng nhân đặc tuyển của lời hứa và sự thành toàn lời hứa đó.

Đề cập  tới Năm Thánh Lòng Thương Xót ĐTC nói:

Năm Thánh ngoại thường này cũng là một món quà của ân sủng. Bước vào Cửa đó có nghĩa là khám phá ra sự sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả mọi người và đến gặp gỡ từng người một. Đây sẽ là một Năm trong đó chúng ta lớn lên trong xác tín về lòng thương xót. Biết bao nhiêu sai lạc đã được gán cho Thiên Chúa và ơn thánh của Ngài, khi người ta khẳng định rằng tôi lỗi bị phạt bởi sự phán xử của Chúa, mà trái lại không đặt để trước rằng chúng được thứ tha bởi lòng thương xót của Ngài. (x. Agostino, De praedestinatione sanctorum 12, 24). Vâng, đúng thế. Chúng ta phải đặt để lòng thương xót trưóc sự phán xử, và trong mọi trường hợp sự phán xử của Thiên Chúa sẽ luôn luôn trong ánh sáng lòng thương xót của Ngài. Như thế, bước qua Cửa Thánh khiến cho chúng ta cảm thấy được chia sẻ mầu nhiệm tình yêu ấy. Chúng ta hãy từ bỏ mọi hình thức sợ hãi và lo lắng, bởi vì người ta không chỉ tay tố cáo người được yêu. Trái lại, chúng ta hãy sống niềm vui của cuộc gặp gỡ với ơn thánh biến đổi mọi sự.

Bước qua Cửa Thánh là sống tinh thần của Công Đồng Chung Vatican II là tinh thần của ngưởi Samaritano nhân lành

Nhắc đến kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Chung Vaticăng II ĐTC nói:

Hôm nay, tại Roma này cũng như trong mọi nhà thờ chính toà trên thế giới, khi bước qua Cửa Thánh chúng ta cũng muốn nhớ tới một cánh cửa khác, mà các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II mở toang ra với thế giới cách đây 50 năm. Dịp kỷ niệm này không chỉ được nhớ tới vì sự phong phú của các tài liệu được biên soạn, mà cho tới ngày nay cho phép chúng ta kiểm thực sự tiến bộ lớn lao đã được thành toàn trong đức tin. Tuy nhiên, trước hết Công Đồng đã là một cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ đích thật giữa Giáo Hội và con người thời đại chúng ta. Một cuộc gặp gỡ  được ghi dấu bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy Giáo Hội Người ra khỏi các tù túng từ bao nhiêu năm đã khép kín nó trong chính mình, để hăng say đi lại con đường truyền giáo. Đó đã là việc lấy lại một lộ trình để đi gặp gỡ mỗi người ở nơi họ sinh sống: trong thành phố, trong nhà, trong nơi họ làm việc… ở khắp mọi nơi đâu có một người, ớ đó Giáo Hội được mời gọi đến với họ để đem niềm vui Phúc Âm tới cho họ. Như vậy, đó một thúc đẩy truyền giáo mà sau các thập niên này chúng ta lấy lại với cùng sức mạnh và lòng hăng say. Năm Thánh khiêu khích chúng ta cho sự rộng mở này, và bắt buộc chúng ta không được lơ là với tinh thần được dấy lên bởi Công Đồng Chung Vaticăng II, đó là tinh thần của người Samaritano nhân lành, như chân phước Phaolô VI đã nhắc tới, khi kết thúc Công Đồng. Hôm nay việc bước qua Cửa Thánh khiến cho chúng ta dấn thân biến lòng thương xót của người Samaritano nhân hậu thành của mình.

Sau lời nguyện kết lễ, ĐTC đã chủ sự nghi lễ mở Cửa Thánh. Phó tế loan báo lễ nghi và nói:

Anh chị em thân mến, được linh hoạt bởi đức tin nơi Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta, mà chúng ta đã canh tân trong buổi cử hành thánh thể và được giữ gìn bởi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường của Lòng Thương Xót.

Cửa Thánh mở ra trước chúng ta, chính Chúa Kitô, qua lòng thương xót của Giáo Hội dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm ủi an của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu vô bờ ấp ủ toàn nhân loại.

Chúng ta hãy chuẩn bị con tim cho hành động của Chúa Thánh Thần, ước mong đáp ứng ơn gọi kitô chung là nên thánh với sự tuơi vui sẵn sàng. Chúng ta hãy bắt đầu trong bình an nhân danh Chúa Kitô.”

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng hiện diện trong lễ nghi mở Cửa Thánh. ĐTC Phanxicô đã hôn chào vị tiền nhiệm của mình, trước khi đọc lời nguyện khai mạc lễ nghi mở Cửa Thánh.

Đến trước Cửa Thánh ĐTC đọc lời nguyện sau đây:

“Lậy Thiên Chúa, là Đấng mạc khải sự toàn năng của Ngài, nhất là với lòng thương xót, xin ban cho chúng con sống một năm ơn thánh, là thời gian thuận tiện để yêu Chúa và các anh chị em trong niềm vui Phúc Âm.

Xin tiếp tục đổ Thánh Thần trên chúng con, để chúng con không mệt mỏi tin tưởng hướng cái nhìn của chúng con tới Đấng chúng con đã đâm thâu, là Con Chúa nhập thể làm người, gương mặt rạng ngời của lòng thương xót vô biên của Chúa, là nơi nương ẩn chắc chắn cho mọi người tội lỗi, cần ơn tha thứ và bình an, chân lý giải thoát và cứu rỗi.

Người là Cửa, qua đó chúng con đến với Chúa , suối nguồn bất tận của ủi an cho tất cả mọi người, vẻ đẹp không tàn phai, niềm vui toàn vẹn trong cuộc sống không cùng.

Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội bầu cử cho chúng con, Người là hoa trái đầu tiên và rạng ngời của chiến thắng phục sinh, bình minh sáng ngời của trời mới đất mới, bến bờ cuộc lữ hành trần thế của chúng con.

Dâng lên Ngài, lậy Thiên Chúa Cha chí thánh, và Con Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con và Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An mọi danh dự và vinh quang muôn đời Amen.”

Tiếp đến ĐTC xướng: “Đây là cửa của Chúa”. Cộng đoàn thưa: “Qua đó người công chính bước vào“. “Hãy mở các cửa của sự công chính” -  “Tôi sẽ vào để tạ ơn Chúa” – “Vì lòng thương xót lớn lao của Chúa con sẽ vào nhà Chúa, Lậy Chúa” – “Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Ngài”.

Trong thinh lặng ĐTC bước lên mở Cửa Thánh và cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Hai vị hôn và bắt tay nhau lần nữa. Tiếp đến là các vị đồng tế và vài đại diện các tu sĩ và giáo dân nam nữ, và mọi người đi về Bàn thờ tuyên xưng Đức Tin. Trong khi đó ca đoàn hát bài Thánh Ca của Năm Thánh: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha vì Ngài nhân lành, lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời.”

Khi đến trước Bàn thờ tuyên xưng Đức Tin, ĐTC đọc lời nguyện sau đây:

“Lậy Cha rất thánh, giầu lòng thương xót và cao cả trong tình yêu, chúng con chúc tụng Cha với tất cả tâm lòng và chúng con cảm tạ Cha vì các ơn tràn đầy Cha đã ban cho chúng con. Xin hãy đoái nhìn chúng con, trong ngày hôm nay đã mở Cửa Thánh và vui mừng khai mào thời gian năm thánh. Chúng con xin Cha ban cho tất cả những ai đi qua Cửa của Lòng Thương Xót với tâm hồn thống hối, với dấn thân canh tân và lòng tín thác con thảo, được sống kinh nghiệm sống động sự dịu hiền phụ tử của Cha và nhận được on tha tội để làm chứng, bằng lời nói và việc làm, cho gương mặt lòng thương xót của Chúa, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen”.

Trước khi ban phép lành cho mọi người ĐTC nói: “Lậy Chúa, xin chúc lành cho dân Ngài đang chờ đợi các ơn của lòng thương xót Chúa, và hoàn thành các ước mong sự thiện, mà chính Chúa đã gợi hứng cho. Nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con.”

Sau khi ĐTC ban phép lành cho mọi người, Phó tế kết thúc và nói: “Anh chị em hãy thương xót như Cha anh chị em là Đấng xót thương.”. Mọi người thưa: Tạ ơn  Chúa.

Tiếp nhận ơn thánh thương xót của Ngài trong cuộc sống chúng ta; và đến lượt mình trở thành là những người thực hành lòng thương xót

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu. Trong bài huấn dụ ngài đã nhắc lại ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và nhấn mạnh như sau:

Cử hành ngày lễ này bao gồm hai điều: tiếp nhận Thiên Chúa một cách tràn đầy và tiếp nhận ơn thánh thương xót của Ngài trong cuộc sống chúng ta; và đến lượt mình trở thành là những người thực hành lòng thương xót qua một con đường phúc âm đích thực. Như thế, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trở thành lễ của tất cả chúng ta, nếu với các tiếng “xin vâng” mỗi ngày của mình chúng ta chiến thắng được tính ích kỷ của mình, và khiến cho cuộc sống của các anh chị em khác được tươi vui hơn, trao ban cho họ niềm hy vọng, lau khô vài giọt nước mắt, và trao ban cho họ một chút tươi vui. Noi gương Mẹ Maria chúng ta được mời gợi  trở thành những người đem Chúa Kitô đến cho tha nhân, và là các chứng nhân tình yêu của Ngài, trước hết bằng cách nhìn đến những người được coi là ưu tiên trong đôi mắt của Chúa Giêsu. Đó là những người mà chính Ngài đã chỉ cho thấy: “Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các con đã tiếp rước, Ta trần truồng các con đã cho Ta mặc, Ta đau yếu các con đã viếng thăm, Ta bị tù các con đã đến tìm Ta” (Mt 25,35-36).

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm khiến cho chúng ta nghiêm ngưỡng Mẹ, là Đấng, do đặc ân riêng biệt, đã được giữ gìn khỏi tội tổ tông từ khi được thụ thai. Tuy sống trong thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, nhưng Mẹ không bị đụng chạm tới. Mẹ là chị chúng ta trong khổ đau, nhưng không trong sự dữ và tội lỗi. Trái lại, nơi Mẹ sự dữ đã bị đánh bại, trước khi nó đụng chạm tới Mẹ, bởi vì Mẹ được tràn đầy ân sủng (x. Lc 1,28). Vô Nhiễm Nguyên Tội  có nghĩa là Đức Maria là người đầu tiên đã được cứu rỗi bởi lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa Cha, là của đầu mùa của ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn trao ban cho từng người nam nữ, trong Chúa Kitô. Vì thế Đẫng Vô Nhiễm đã trở thành hình ảnh tột đỉnh lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chiến thắng tội lỗi. Và hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta muốn nhìn lên hình ảnh này với tình yêu thương tin tưởng và chiêm ngưỡng Mẹ trong tất cả vẻ rạng ngời của Mẹ và noi gương lòng tin của Mẹ.

Trong biến cố được thụ thai vỗ nhiễm của Đức Maria chúng ta được mời gọi  nhận ra bình minh của thế giới mới, được biến đổi bời công trình cứu chuộc của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bình minh của việc tạo dựng mới, được thực hiện bởi lòng thương xót Chúa. Chính vì thế Đức Trinh Nữ Maria đã không bao giờ bị nhiễm tội lỗi và luôn luôn đuợc tràn đầy Thiên Chúa, là Mẹ của một nhân loại mới.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nhấn mạnh sứ điệp ngày lễ như sau: Ngày lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay thông truyền cho chúng ta một sứ điệp đặc biệt: Nó nhắc nhớ chúng ta rằng trong cuộc sống tất cả đều là ơn, tất cả đều là lòng thương xót. Xin Đức Trinh Nữ Thánh, là hoa trái đầu mùa của những người được cứu rỗi, mẫu gương của Giáo Hội, Hiền Thê thánh thiện và vô nhiễm, được Chúa yêu thương, giúp chúng ta ngày càng tái khám phá ra lòng thương xót Chúa hơn như là huy hiệu của kitô hữu. Không thể hiểu được một kitô hữu mà không có lòng thương xót. Thương xót là từ tổng hợp của Tin Mừng. Nó là nét nền tảng nơi gương mặt của Chúa Kitô: gương mặt mà chúng ta nhận ra trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống: khi Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người, khi ngài chữa lành người bệnh tật, khi Ngài ngồi cùng bàn với các người tội lỗi, và nhất là khi bị đóng đanh trên thập giá Ngài tha thứ: ở đó chúng ta trông thấy gương mặt lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria Vô Nhiễm ước chi lòng thương xót chiếm hữu con tim chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền  Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào các gia đình, các nhóm giáo xứ các hội đoàn, đặc biệt là các thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia đang canh tân sự gắn bó với hội. ĐTC cầu chúc họ tiến bước trên lộ trình đào tạo và phục vụ, luôn luôn được linh hoạt bởi lời cầu nguyện.

ĐTC cũng báo cho mọi người biết ban chiều ngài sẽ đến cầu nguyện dưới tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại quảng trường Tây Ban Nha, và hành hương Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài xin mọi người hiệp ý với ngài trong cử chỉ tôn sùng con thảo này đối với Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót. Ngài đặc biệt phó thác cho Mẹ Giáo Hội, toàn thế giới và cách riêng thành phố Roma. ĐTC cầu chúc mọi người ngày lễ tốt lành và Năm Thánh giầu hoa trái thiêng liêng với sự dìu dắt và bầu cử của Mẹ. Và ngài cũng tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Nguồn: vi.radiovaticana.va

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày cầu cho Ơn Gọi
     Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật II Mùa Vọng
     Chương trình khai mạc và mở Cửa Năm Thánh 8-12-2015
     Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/11 – 02/12/2015: Chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô
     Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại hội Bộ Truyền Giáo
     Sự chung sống giữa giàu có và bần cùng là một hổ nhục cho nhân loại
     Nội dung bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên chuyến bay về Roma
     Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Phi châu
     ĐTC Phanxicô mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Bangui Trung Phi 2/2
     ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng