ĐTC Phanxicô: Nếu chúng ta có thói quen nguyền rủa,
hãy thay đổi nó thành thói quen chúc lành
Trong bài giáo lý
tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 2/12 Đức Thánh Cha Phanxicô suy
tư về việc ngợi khen chúc tụng Chúa như một chiều kích quan trọng của việc cầu
nguyện.
Động từ benedire
trong tiếng Ý - “chúc tụng, chúc lành” - có nghĩa là nói một điều tốt, mong
muốn điều tốt cho một người. Khi tạo dựng và nâng đỡ thế giới, Thiên Chúa đã
nói một lời tốt lành; Người “chúc lành” cho công trình sáng tạo và thấy rằng nó
tốt đẹp. Thiên Chúa không rút lại lời chúc lành ngay cả khi con người sa ngã trong
tội lỗi, quay lưng lại với Người; trái lại, Người vẫn tiếp tục mong muốn
điều tốt lành cho chúng ta.
Trong lịch sử cứu
độ, phúc lành lớn nhất của Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô
khuyên chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã chúc phúc cho chúng ta trong
Chúa Kitô, và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Người (x.
Ep 1, 3-6). Để đáp lại các chúc lành của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta chúc
tụng Người, nguồn cội của mọi điều tốt lành, bằng những lời cầu nguyện ngợi
khen, tôn thờ và cảm tạ của chúng ta. Như Sách Giáo lý dạy: “Lời cầu nguyện
chúc tụng là sự đáp trả của con người đối với các ân ban của Thiên Chúa” (số
2626).
Chúc tụng là một
chiều kích thiết yếu của việc cầu nguyện
Đức Thánh Cha bắt
đầu bài giáo lý bằng việc trưng dẫn một số ví dụ từ sách Sáng Thế cho thấy chúc
tụng là một chiều kích thiết yếu của việc cầu nguyện. Trong các trình thuật về
sáng tạo (x. St 1-2), Thiên Chúa luôn luôn chúc lành cho sự sống. Người chúc lành
cho các loài vật (1,22), cho người nam và người nữ (1,28), cuối cùng Người chúc
lành cho ngày Sa-bát, ngày nghỉ ngơi và giải trí của mọi tạo vật (2,3). Đức
Thánh Cha nhận xét: Trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, các lời chúc
lành được lập lại liên tục. Thiên Chúa chúc lành, nhưng loài người cũng chúc
tụng, và chẳng bao lâu người ta phát hiện ra rằng phúc lành có một sức mạnh đặc
biệt, đồng hành với người nhận được nó trong suốt cuộc đời, và giúp trái tim
con người sẵn sàng để mình được Thiên Chúa biến đổi (VAT. II, Sacrosanctum
Concilium, 61).
Hình ảnh Thiên Chúa
nơi con người không thể bị xóa bỏ
Đức Thánh Cha giải
thích ý nghĩa của từ chúc lành – “benedire” trong tiếng Ý – có nghĩa là “nói
tốt”: Do đó, vào thuở ban đầu của thế giới, có một Thiên Chúa Đấng
"nói-điều tốt", chúc lành, nói-điều lành. Người thấy rằng mọi công
việc do tay Người làm đều tốt đẹp, và khi Người tạo dựng con người, và công
trình sáng tạo được hoàn thành, Người nhận thấy rằng con người "rất
tốt" (St 1,31)
Hình ảnh “tốt” của
Thiên Chúa trong con người không thể bị xóa bỏ dù con người phạm tội. Đức Thánh
Cha giải thích: Nhưng không lâu sau đó, vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã in sâu trong
tác phẩm của Người bị thay đổi, và con người trở thành một tạo vật suy thoái,
có khả năng gieo rắc sự dữ và sự chết trên thế giới; nhưng không gì có thể xóa
được dấu ấn đầu tiên của Thiên Chúa, một dấu ấn của sự tốt lành mà Thiên Chúa
đã đặt trên thế giới, trong bản chất con người, trong tất cả chúng ta: khả năng
chúc tụng và được chúc lành. Thiên Chúa không sai lầm trong công trình sáng tạo
cũng không sai khi tạo dựng con người. Niềm hy vọng của thế giới hoàn
toàn nằm trong chúc lành của Thiên Chúa: Người tiếp tục mong
muốn điều tốt cho chúng ta, như nhà thơ Péguy nói, Thiên Chúa là người đầu
tiên tiếp tục hy vọng điều tốt lành cho chúng ta.
Chúa Giê-su Ki-tô
là phúc lành vĩ đại nhất
Đó là lý do mà phúc
lành vĩ đại nhất của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, món quà tuyệt vời của
Thiên Chúa. Đó là một phúc lành cho toàn thể nhân loại, một phúc lành đã
cứu độ tất cả chúng ta. Người là Ngôi Lời vĩnh cửu, qua Người Chúa Cha đã chúc
phúc cho chúng ta "khi chúng ta còn là tội nhân" (Rm 5,8) Thánh
Phaolô đã nói: Ngôi Lời đã làm người và hiến dâng cho chúng ta trên thập giá.
Thánh Phao-lô xúc
động công bố kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa và nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là
Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ
cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh
Thần...” (Ep 1,3-6).
Thiên Chúa không
bao giờ ngừng chúc lành cho chúng ta
Theo Đức Thánh Cha,
không có tội lỗi nào có thể xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong
mỗi người chúng ta, hình ảnh Chúa Ki-tô đã ban cho chúng ta. Tội lỗi có thể làm
cho hình ảnh này bị biến dạng, nhưng không thể xóa đi lòng thương xót của Thiên
Chúa. Một tội nhân có thể sống trong sai lỗi trong thời gian dài, nhưng Thiên
Chúa kiên nhẫn đến cùng, với hy vọng rằng cuối cùng trái tim đó sẽ mở ra và
thay đổi. Thiên Chúa giống như một người cha tốt, một người mẹ hiền: họ không
bao giờ hết yêu thương người con của mình, dù cho nó có thể làm điều gì sai đi
nữa.
Đối với Thiên Chúa,
chúng ta quan trọng hơn các tội đã phạm
Đức Thánh Cha chia
sẻ một cảm nghiệm riêng tư khi ngài còn làm tổng giám mục Buenos Aires, nhiều
lần ngài nhìn thấy rất nhiều bà mẹ xếp hàng dài để vào nhà tù thăm con của họ.
Họ không hết yêu thương con và họ biết rằng những người ngồi trên xe buýt đi
ngang qua sẽ nhìn họ và nói: “À đây là bà mẹ của tên tù nhân...”. Họ không xấu
hổ vì điều này, bởi vì con của họ quan trọng hơn sự xấu hổ họ gặp phải. Cũng
thế, đối với Thiên Chúa, chúng ta quan trọng hơn mọi tội lỗi mà chúng ta đã
phạm. Thiên Chúa là cha, là mẹ, và luôn chúc lành cho chúng ta. Người sẽ không
bao giờ ngừng chúc lành cho chúng ta.
Ân sủng của Thiên
Chúa thay đổi cuộc sống
Đức Thánh Cha chỉ
ra ấn tượng mạnh mẽ của những bản văn Kinh Thánh về phước lành khi được đọc ở
trong một nhà tù hay trong một nhóm phục hồi. Những người ở đó nhận ra rằng họ
vẫn được chúc lành bất chấp những lỗi lầm nghiêm trọng của họ, cảm thấy rằng
Cha trên trời tiếp tục mong muốn điều tốt đẹp cho họ và hy vọng rằng cuối cùng
họ sẽ mở lòng với điều tốt đẹp. Ngay cả khi những người thân nhất của họ bỏ rơi
họ vì cho rằng họ là những người không thể hoán cải hay thay đổi, thì đối với
Chúa, họ vẫn luôn là những người con. Thiên Chúa không thể xóa nhòa hình ảnh
người con trong chúng ta, mỗi người chúng ta là con trai, con gái của Người. Đó
là lý do có những phép lạ xảy ra: những người nam người nữ được tái sinh nhờ
phúc lành của Chúa. Bởi vì ân sủng của Thiên Chúa thay đổi cuộc sống.
Chúa Giê-su nhìn
thấy phúc lành của Chúa Cha nơi chúng ta
Liên quan đến điều
này, Đức Thánh Cha trích dẫn câu chuyện về ông Gia-kêu, người bị xem là kẻ tội
lỗi (x. Lc 19, 1-10). Mọi người đều nhìn thấy sự xấu xa trong ông; nhưng Chúa
Giê-su nhận thấy một tia sáng tốt lành, và từ sự tò mò muốn thấy Chúa Giê-su
của ông, Người để cho lòng thương xót cứu độ đi qua và thay đổi trái tim và
cuộc sống của ông. Đức Thánh Cha nói: Trong những người bị từ chối, Chúa Giê-su
đã nhìn thấy chúc lành không thể xóa nhòa của Chúa Cha. Hơn nữa, Người đến để
đồng hóa với mọi người thiếu thốn đau khổ (x. Mt 25,31-46).
Chúc tụng, thờ lạy
và tạ ơn Chúa
Đức Thánh Cha kết
luận rằng chúng ta đáp lại phúc lành của Chúa bằng lời chúc tụng được thực hiện
qua lời cầu nguyện ngợi khen, thờ lạy, tạ ơn. Ngài nói: Cầu nguyện là niềm vui
và lòng biết ơn. Thiên Chúa không đợi chúng ta hoán cải trước khi Người bắt đầu
yêu thương chúng ta, nhưng Người đã làm điều đó thật lâu trước đó, khi chúng ta
vẫn còn trong tội lỗi.
Không nguyền rủa,
nhưng hãy chúc phúc
Đức Thánh Cha lưu ý
rằng chúng ta không chỉ chúc tụng Thiên Chúa, Đấng chúc lành cho chúng ta,
nhưng chúng ta phải chúc lành cho mọi thứ trong Người, tất cả mọi người, chúc
tụng Thiên Chúa và chúc lành cho các anh em, chúc lành cho thế giới và đây là
gốc rễ của sự hiền dịu Ki-tô giáo. Ngài nhấn mạnh: Nếu tất cả chúng ta đều làm
như thế, chiến tranh chắc chắn sẽ không tồn tại. Thế giới này cần phúc lành và
chúng ta có thể chúc lành và nhận phúc lành. Chúa Cha yêu thương chúng ta. Và
điều chúng ta có là niềm vui chúc tụng Người và tạ ơn Người, và học từ Người
không nguyền rủa, nhưng hãy chúc phúc.
Đức Thánh Cha mời gọi nếu chúng ta có thói quen nói
những lời xấu xa, nguyền rủa, hãy xin Chúa ban ơn để thay đổi thói quen này để
chúng ta có một trái tim được chúc lành và từ một trái tim được chúc lành sẽ
không phát ra những lời nguyền rủa. Xin Chúa dạy chúng ta đừng bao giờ nguyền
rủa nhưng hãy chúc phúc.
Hồng Thủy - Vatican News