Bí tích Hoà Giải là kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa
VATICAN: Tham dự các buổi cử
hành phụng vụ, đặc biệt khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể và nhất là Bí tích Hoà
Giải là sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa.
ĐTC đã khẳng định như trên
trong sứ diệp do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi ĐC Mario
Ceccobelli, GM giáo phận Gubbio và các tham dự viên Tuần Phụng Vụ Italia lần
thứ 67 đang diễn ra tại đây. Tuần phụng vụ có đề tài là “Phụng vụ như nơi của
lòng Thương Xót”. Nó đặc biệt ý nghĩa khi được triệu tập trong giáo phận Gubbio
trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót và kỷ niệm 1600 năm thư ĐGH
Innocenzo viết cho ĐC Decenzio, GM Gubbio, để minh giải vài vấn nạn liên quan
tới việc cử hành các bí tích, trong đó có bí tích Giải Tội. “Khi chúng ta cố
gắng sống biến cố phụng vụ với cái nhìn gắn chặt vào Chúa Giêsu và gương
mặt thương xót của Ngài, chúng ta có thể tiếp nhận được tình yêu của Thiên Chúa
Ba Ngôi Chí Thánh… Tình yêu này đã trở thành hữu hình và có thể sờ mó được
trong toàn cuộc sống của Chúa Giêsu… Nơi Ngài tất cả đều nói về lòng thương
xót. Trong ngài không có gì không phải là xót thương” (Dung nhan lòng thương
xót, 8). Các lời này gợi lại trong trí chúng ta các lời ĐGH Leo Cả khẳng định
trong một bài giảng lễ Chúa lên Trời. “Điều đã hữu hình và có thể sờ mó được
của Chúa Cứu Thế chúng ta đã đi qua trong các bí tích” (PL 54, 398). Việc tiếp
cận ấy giúp nhận thức rằng toàn phụng vụ là nơi của lòng thương xót được gặp
gỡ, tiếp nhận để được cho đi, là nơi trong đó mầu nhiệm cao cả của sự hoà giải
được hiện diện, loan báo, cử hành và thông truyền. Các buổi cử hành các bí tích
chuyên biệt hay các buổi cử hành bí tích trình bày ơn cao cả duy nhất của
lòng thương xót Chúa theo các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
** ĐTC viết tiếp trong sứ điệp:
Tuy nhiên ơn Lòng Thương Xót chiếu sáng một cách đặc biệt rạng ngời trong bí
tích Sám Hối hay Hòa Giải. Chúng ta được hoà giải để giải hoà. Lòng thương xót
của Thiên Chúa Cha không thể bị khép kín trong các thái độ duy thân tình và tự
an ủi, bởi vì nó chứng minh cho thấy nó quyền năng trong việc canh tân con
người và khiến cho con người có khả năng cống hiến cho các người khác kinh
nghiệm sống động của cùng ơn đó. Khởi hành từ ý thức được tha thứ để tha thứ
cần phải là các chứng nhân của lòng thương xót trong mọi môi trường, bằng cách
dấy lên ước muốn và khả năng tha thứ. Đây là một bổn phận mà tất cả chúng ta
đều được mời gọi chu toàn, đặc biệt trước thù hận giam cầm quá nhiều người; họ
cần tìm lại được niềm vui của sự thanh thản nội tâm và việc nếm hưởng hoà bình.
Như thế, nghi thức của Bí tích
Sám Hối được nhận diện như là kiểu diễn tả một “Giáo Hội đi ra”, như là
“cửa” để vào lại sau khi xa rời, và cũng như là “ngưỡng cửa” rộng mở hướng tới
các vùng ngoại biên khác nhau của một nhân loại luôn ngày càng cần sự cảm
thương hơn. Thật vậy, trong nó thành toàn cuộc gặp gỡ tái tạo của Thiên Chúa,
từ đó đi ra các con người mới để loan báo cuộc đời tốt lành của Tin Mừng, qua
một cuộc sống đã được hoà giải và hoà giải.
ĐTC cầu mong các suy tư và cử
hành của Tuần Phụng Vụ ngày càng làm chín mùi việc hiểu biết phụng vụ như suối
nguồn và tột đỉnh của một cuộc sống giáo hội và cá nhân tràn đầy lòng từ bi
thương xót, vì liên tục được đào tạo ở trường học của Tin Mừng. ĐTC phó thác
cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Mẹ Lòng Thương Xót, các công việc và các
chờ mong của biến cố phụng vụ quốc gia quan trọng này (SD 22-8-2016).
Linh Tiến Khải
Nguồn:
vi.radiovaticana.va