Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ
xấu xa
Các Kitô hữu luôn cầu nguyện cho các nhà
lãnh đạo, ngay cả khi các vị lãnh đạo gặp phải sai lầm. Các vị lãnh đạo cũng
phải cầu nguyện, vì nếu không, có nguy cơ họ chỉ khép kín trong lợi ích riêng
của nhóm họ. Nhà lãnh đạo có lương tâm là người biết đặt mình trước người dân,
đặt mình trước mặt Chúa, và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế
trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Nếu không cầu nguyện
Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô
khuyên ông Timôthê hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Trong bài Tin Mừng, có
vị lãnh đạo biết cầu nguyện. Ông nài xin Thầy Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ
của ông đang bị đau ốm. Ông yêu mến người dân của ông, cho dù họ là người xa
lạ. Ông yêu mến người đầy tớ, và thực sự ông rất lo lắng cho người ấy.
Viên sĩ quan ấy cảm thấy là cần cầu
nguyện. Ông cầu nguyện không chỉ bởi vì ông yêu mến, nhưng còn vì ông hiểu rõ
rằng, ông không làm chủ mọi sự. Ông biết có những người ở trên ông. Ông biết có
ai khác truyền lệnh cho ông. Ông biết mình có những thuộc hạ và lính tráng, và
ông cũng biết chính bản thân mình cũng thuộc quyền người khác. Vị sĩ quan này
nhận thức rất rõ về bản thân, và ông cầu nguyện.
Nếu ông không cầu nguyện, có nguy cơ là
ông chỉ tự khép kín nơi bản thân, nơi lợi ích nhóm của đảng phái, nơi những cái
vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Nhưng không, ông cầu nguyện, ông nhận thức
rõ thân phận con người của bản thân. Khi ấy, ông nhận thấy những vấn đề thực sự
là gì, ông nhận thấy có Đấng có sức mạnh hơn ông. Ông nhận thấy Đấng có thể ban
cho ông sức mạnh, một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Do đó, ông cầu nguyện.
Ơn khôn ngoan
Lời cầu nguyện của ông rất quan trọng, vì
đó là lời cầu nguyện hướng về tha nhân, hướng về người dân, hướng về người
thuộc hạ của ông. Có nhà lãnh đạo nọ, ngày nào cũng dành hai tiếng đồng hồ để
cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Chúa, cho dù ông rất bận rộn. Cần phải
biết cầu xin ơn sủng của Chúa để biết cai quản tốt như Vua Salomon đã làm. Vua
đã không xin Chúa ban vàng bạc hay của cải, nhưng xin ơn khôn ngoan để biết cai
quản.
Các nhà lãnh đạo cần cầu nguyện, cần xin
ơn ấy, để họ có thể làm việc trong sáng trước mặt Chúa và vì ích lợi cho dân.
Để họ không chỉ dừng lại trong lợi ích nhóm hoặc tư lợi. Nếu bạn không thể cầu
nguyện, thì ít ra hãy làm hãy sống với lương tâm bạn. Có nghĩa là, đừng tự tham
chiếu chính mình, đừng lấy mình làm trung tâm, đừng chỉ biết vun vén lợi ích
cho nhóm mình, cho đảng phái của mình mà thôi.
Nếu khó cầu nguyện
Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu cầu
nguyện cho các nhà lãnh đạo, để mọi người dân được sống trong bình yên và trong
tinh thần đạo đức. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo làm điều gì đó mà ta không thích,
hoặc vị lãnh đạo ấy chỉ biết lo cho đảng phải của ông ta, thì sao?
Có người nói: Tôi đã bỏ phiếu chọn ông ta.
Người khác nói: Tôi đã không chọn người ấy. Thế nhưng, chúng ta đừng để vị lãnh
đạo ấy một mình, chúng ta cần đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện. Các Kitô
hữu cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Nhưng thưa cha, con phải cầu nguyện
thế nào đây? Con phải cầu nguyện làm sao cho những kẻ lãnh đạo đã gây ra bao
nhiêu điều tệ hại xấu xa? Nếu thế, con cần cầu nguyện nhiều hơn nữa, hơn nữa.
Cầu nguyện để làm gì! Đó là để người dân có được cuộc sống bình yên tốt lành.
Xin anh chị em hãy dành ra năm phút, không
nhiều hơn năm phút, để suy xét xem. Nếu là một nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có
cầu nguyện về những gì được trao cho tôi hay không, về quyền mà người dân trao
cho tôi? Nếu không phải là nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện cho các
vị lãnh đạo hay không? Cầu nguyện cho những vị tôi thích. Và với những vị lãnh
đạo tôi không thích, tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn. Nếu tôi nhận thấy, bản
thân không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, tôi có thể đi xưng tội về điều ấy.
Tại sao tôi lại không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, trong khi đó là công việc
của lòng xót thương.
Tứ Quyết SJ
Nguồn: vi.radiovaticana.va