Chad. Ngân hàng Ngũ cốc.
Ở Chad, một nhà truyền giáo
đã sáng lập một Ngân hàng Ngũ cốc. Đó là một sáng kiến đã tỏ ra rất thành công.
Cha Franco Martellozzo, một tu sĩ Dòng Tên người Ý 82
tuổi, phục vụ tại Chad đã 53 năm, nói: “Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ cho
người dân trong làng, những người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu
hụt lương thực. Không thể giải quyết vấn đề này chỉ bằng viện trợ và quà tặng từ
bên ngoài: điều cần thiết là phải phát triển nông nghiệp.”
Chính ở miền
trung nước Chad, tại giáo phận Mongo, vào năm 1984 là lúc Cha Martellozzo nhận
ra rằng việc đưa ra một giải pháp cụ thể để đánh bại nạn đói nghèo và cho vay nặng
lãi là rất cấp bách. Nông nghiệp phải là điểm khởi đầu, và các ‘Ngân hàng Ngũ cốc’
đã được thành lập. Qua nhiều năm, chiến lược này đã chứng tỏ thành công, đến nỗi
ngày nay các ‘Ngân hàng Ngũ cốc’ đã hình thành một liên đoàn gồm 346 đơn vị với
khoảng 35.000 thành viên và giúp ích cho 350.000 người. Và dự án vẫn đang tiếp
tục phát triển.
Còn hàng trăm ngôi làng nữa đang nằm trong danh sách
chờ đợi hoặc chuẩn bị mở ngân hàng của riêng mình. Những ngân hàng đang hoạt động
hiện nay bao trùm một diện tích 500 km vuông đất khô cằn, nơi mà hiện tượng sa
mạc hóa một phần là do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ở đây, nông nghiệp
là một phương tiện sinh sống, nhưng người ta chỉ có thể trồng trọt và thu hoạch
trong một mùa: đó là mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Đây là khoảng thời
gian trong năm mà người ta có thể cày xới đất đai để trồng kê, cao lương và đậu
phọng. Tháng 10 là thời điểm thu hoạch, nhưng sau đó người ta không thể trồng
trọt thêm được gì nữa cho mãi đến năm sau.
Trước khi có các ‘Ngân hàng Ngũ cốc’, các gia đình thường
xuyên bị thiếu hụt lương thực. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người nông
dân bán phần lớn ngũ cốc của họ cùng một lúc, sau khi thu hoạch, để có được một
số tiền nhỏ trang trải cho các nhu cầu thiết yếu (trường học, y tế, quần áo,
v.v.); ngũ cốc tràn ngập thị trường đồng nghĩa với việc hạ giá có lợi cho những
thương lái thu mua ngũ cốc, tích trữ và chờ bán vài tháng sau đó với giá cao
hơn nhiều, thậm chí cho chính những nông dân đó, khi gia đình họ hết lương thực.
Kết quả là, các gia đình vì không có lương thực dự trữ nên không thể mua lại sản
phẩm của họ với giá cao do thương lái áp đặt, trừ khi phải lâm vào cảnh nợ nần
hoặc bán gia súc và nông cụ của mình. Như thế, họ sẽ vướng vào cái vòng luẩn quẩn
khắc nghiệt của việc trả lãi tiền vay.
Để chấm dứt tình trạng khốn khổ này, Cha Martellozzo
đã đề xuất thành lập “Ngân hàng ngũ cốc”.
Ngài nói với chúng tôi: “Tất cả bắt đầu bằng việc xây dựng nhà kho đầu tiên,
nơi mỗi gia đình tham gia dự án sẽ gửi một phần thu hoạch của họ, và điều này tạo
ra một nguồn dự trữ chung. Trong thời gian thiếu hụt lương thực, người nông dân
nhận được một hoặc hai bao từ số ngũ cốc tồn trữ trong kho, với cam kết sẽ hoàn
trả lại số lượng tương đương cộng thêm một số lượng nhỏ nữa, sau khi thu hoạch
vụ sau.”
Nhà truyền giáo giải thích ban đầu không dễ truyền đạt
ý tưởng ‘trả lại khoản vay’, nhưng điều này là cơ bản vì nó cho phép chúng tôi
“tạo ra một nguồn dự trữ ngũ cốc để đáp ứng nhu cầu trong tương lai và tạo ra một
cách nghĩ mới”. Nhà truyền giáo nói tiếp: “Việc hoàn trả khoản vay thực ra là một
khái niệm không có trong đầu óc của họ, vì họ quan niệm rằng mọi thứ do chính
phủ, các tổ chức phi chính phủ hoặc Giáo hội Công giáo cung cấp luôn luôn là
‘quà tặng’. Chúng tôi đã có các cuộc họp để làm rõ những vấn đề này và bày tỏ
mong muốn thiết lập các quy tắc rõ ràng và có thể thực thi đối với những người
hưởng lợi từ các khoản vay.”
Ngay lập tức, mọi người bắt đầu bám vào các ngân hàng
như người chết đuối bám vào phao cứu sinh, và nhanh chóng từ bỏ không nhờ cậy đến
những kẻ ‘cho vay nặng lãi’ nữa, và những người cho vay này thấy công việc làm ăn
của họ từ từ sụp đổ. Tất cả những gì họ có thể làm là theo dõi những gì đang xảy
ra. “Khi họ nhận thức được vấn đề - linh mục Dòng Tên kể lại – họ đã phản ứng bằng
cách nhờ các Imams tại các nhà thờ Hồi giáo lên án các ngân hàng của chúng tôi
là ‘haram’, không tinh khiết, vì việc trả lại ngũ cốc cũng liên quan đến một số
khoản lãi được gọi là ‘riba’, vốn bị cấm trong luật Hồi giáo” – hơn một nửa dân
số ở Chad lại là người Hồi giáo.
Khoản lãi được ấn định ở mức 10% và giúp trang trải
chi phí lưu kho cũng như giúp đỡ một số người nghèo trong làng không phải là
thành viên của ngân hàng. “Trong mọi trường hợp – Cha Martellozzo giải thích –
khoản lãi này là do đại hội nông dân ấn định và khoản lãi vẫn thuộc về bản thân
ngân hàng, cho phép ngân hàng, ngoài những thứ khác, tăng số lượng sẵn có trong
kho và cả số lượng người thụ hưởng. Thật không may, họ đã sử dụng từ ‘riba’ để
chỉ khoản lãi này, điều này trái với luật Hồi giáo. Vấn đề trở nên nghiêm trọng
đến mức tôi phải yêu cầu một cuộc họp cấp cao với các đại diện của địa phương:
trong số những người tham dự có Đức Giám mục, Đức Imam của Giáo đường Hồi giáo
Trung ương với thư ký của ngài, và đại diện của tất cả những người Hồi giáo
trong khu vực. Sau một thời gian dài thảo luận, kết luận đạt được là ‘khoản
lãi’ 10% không thể định nghĩa là ‘riba’, mà phải là ‘ciukka’, có nghĩa là ‘một
khoản đóng góp tuỳ tâm’.
Ngày nay, các ‘Ngân hàng Ngũ cốc’ là một thực tế có uy
tín, được đánh giá cao và cần thiết cho nền kinh tế địa phương. Kết quả rất dễ
thấy là giá cả ngũ cốc được tái cân bằng một cách rõ ràng, năng suất được cải
thiện nhờ sử dụng máy móc do động vật kéo, giống ngũ cốc được lựa chọn cẩn thận
và các nông dân nhỏ lẻ được đào tạo một cách hiệu quả. “Khi tôi nghĩ về tất cả
những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, thì đó giống như một giấc mơ: bất kỳ phân
tích kỹ thuật nào cũng có thể kết luận rằng một dự án như vậy là hoàn toàn bất
khả thi và tôi kinh ngạc khi không thấy dự án nào quanh tôi sụp đổ cả. Do đó,
tôi miễn cưỡng chưa tuyên bố chiến thắng hoàn toàn.” Tuy nhiên, kết quả ở đó rất
phong phú và đây là dấu hiệu cho thấy, hễ có người dân tham gia và có niềm tin
cũng như cam kết cá nhân, thì bảo đảm thành công.
Tác giả: J.L.
Nguồn: Southworld.ne