CHÚA GIÊ-SU ĐẾN ĐỂ CHỮA BỆNH CÂM ĐIẾC
CỦA LINH HỒN
Chúa Giêsu đến để ”mở ra”, để giải thoát chúng ta khỏi sự câm điếc nội tâm, và khiến cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 9-9-2012 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, ở trung tâm Tin Mừng hôm nay (Mc 7,31-37) có một từ nhỏ, rất quan trọng. Một từ, mà trong ý nghĩa sâu sa của nó, tóm gọn tất cả sứ điệp và toàn công trình của Chúa Kitô. Thánh sử Maccô kể lại từ này trong chính tiếng nói của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói lên từ ấy, và như thế chúng ta còn nghe nó sống động hơn nữa. Đó là từ “effatà”, có nghĩa là “hãy mở ra”. Chúng ta hãy đem bối cảnh của nó. Chúa Giêsu đang đi qua vùng “Thập tỉnh”, giữa Tiro, Sidone và vùng Galilea, một vùng không do thái. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc, để Người chữa cho anh ta - hiển nhiên là danh tiếng Chúa Giêsu đã được đồn thổi cho tới đây. Chúa Giêsu đem anh riêng ra một chỗ, đụng vào tai và lưỡi anh, rồi ngước mắt nhìn trời Người thở một hơi sâu và nói: “Effatà” có nghĩa là “Hãy mở ra”. Và người ấy bắt đầu nghe và nói sõi sàng (x. Mc 7,35). Đó là ý nghĩa lịch sử và theo chữ của từ này: nhờ sự can thiệp của Chúa Giêsu người câm điếc đó được “mở ra”; trước đó anh ta bị đóng kín, lẻ loi, rất khó thông truyền. Việc chữa lành đối với anh là một sự “mở ra” cho người khác và cho thế giới, một sự mở ra khởi đầu với các cơ quan nghe và nói, lôi cuốn toàn con người và cuộc sống của anh: sau cùng anh có thể thông truyền và liên lạc trở lại.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nhưng chúng ta tất cả đều biết rằng sự đóng kín của con người, sự lẻ loi của nó không chỉ tùy thuộc các giác quan. Có một sự đóng kín nội tâm, liên quan tới nơi sau thẳm nhất của con người, đó là điều Thánh Kinh gọi là “trái tim”. Chúa Giêsu đến để “mở ra”, để giải thoát, để khiến cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy tương quan với Thiên Chúa và với những người khác. Đó là lý do tại sao tôi đã nói rằng từ bé nhỏ “effatà - hãy mở ra” này tóm gọn trong nó toàn sứ mệnh của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:
Chúa đã làm người để cho con người bị câm điếc bên trong bởi tội lỗi, có khả năng lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, tiếng của Tình Yêu nói với con tim nó, và như thế học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền với Thiên Chúa và với các người khác. Vì lý do đó từ và cử chỉ của “effatà” đã được đưa vào trong Lễ nghi Rửa Tội, như một trong các dấu chỉ giải thích ý nghĩa của nó: khi đụng vào miệng và tai của người được rửa tội vị linh mục nói: “Effatà”, cầu xin cho họ có thể mau lắng nghe Lời Chúa và tuyên xưng đức tin. Qua bí tích Rửa Tội con người bắt đầu “hít thở” Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã khẩn nài từ Thiên Chúa Cha với tiếng thở dài sâu xa để chữa lành người câm điếc.
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Giờ đây trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, mà chúng ta đã mừng kính lễ Sinh Nhật hôm qua. Vì tương quan đặc biệt của Mẹ với Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria hoàn toàn “rộng mở” cho tình yêu của Chúa, trái tim Mẹ liên lỉ lắng nghe Lời Chúa. Xin sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ giúp chúng ta kinh nghiệm được mỗi ngày trong đức tin phép lạ “effatà”, để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã báo cho mọi người biết trong các ngày tới đây ngài sẽ viếng thăm Libăng để ký Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông nhóm tại Roma hồi tháng 10 năm 2010. Đức Thánh Cha sẽ vui sướng gặp nhân dân Libăng, chính quyền và các kitô hữu Libăng, cũng như các kitô hữu đến từ các nước láng giềng. Ngài nói: Tôi cũng biết tình trạng thường thê thảm, mà các dân tộc của vùng đất bị bầm dập này đang phải sống từ lâu, vì các cuộc xung đột không ngừng. Tôi hiểu nỗi âu lo của nhiều người dân Trung Đông hàng ngày bị chìm ngập trong đủ loại khổ đau gây buồn sầu, đôi khi gây chết chóc cho họ và cho gia đình họ. Tôi âu lo cho những người, để kiếm tìm một khoảng trống hòa bình, phải trốn chạy cuộc sống gia đình, nghề nghiệp và sống lưu vong trong cảnh tạm bợ. Cả khi khó tìm ra các giải pháp cho các vấn đề khác nhau của vùng này, người ta không thể chịu trận đối với bạo lực và các căng thẳng tột bực. Dấn thân đối thoại và hòa giải phải là điều ưu tiên đối với tất cả mọi phe liên hệ, và nó phải đựơc hỗ trợ bởi cộng đồng quốc tế, luôn luôn ý thức hơn về tầm quan trọng của một nền hòa bình ổn định và lâu bền trong toàn vùng đối với toàn thế giới. Chuyến tông du của tôi tại Libăng cũng trải dài ra toàn vùng Trung Đông, được đặt để dưới dấu chỉ của hòa bình, bằng cách lấy lại lời của Chúa Kitô: “Thầy ban bình an của Thấy cho các con” (Ga 14,27). Xin Thiên Chúa chúc lành cho Libăng và vùng Trung Đông. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
Đức Thánh Cha cũng chào các tín hữu công giáo và toàn dân Kazakhstan, nơi Đức Hồng Y Sodano, đặc sử của ngài, cử hành lễ thánh hiến nhà thờ chính tòa mới của giáo phận Karaganda. Ngài cũng chào các tín hữu Latinh Leopoli bên Ucraine, nơi Đức Hồng Y Tomko, đặc sứ của ngài, chủ sự các lễ nghi kỷ niêm 600 năm thành lập tổng giáo phận này.
Linh Tiến Khải