ĐTC Phanxicô (18/4): Nhìn, chạm và ăn - 3 đặc tính
của con người
Sau nhiều tuần đọc Kinh Truyền Tin và Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại thư viện
Dinh Tông Toà do những hạn chế vì đại dịch, trưa 18/4, Đức Thánh Cha đã chào
các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô và cùng đọc Kinh Lạy Nữ
Vương Thiên Đàng với các tín hữu. Trước khi đọc kinh, ĐTC có một bài huấn dụ
ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh với 3 từ: nhìn, chạm và ăn.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Bài huấn dụ cửa Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị
em!
Chúa Nhật III Phục Sinh, chúng ta
trở lại Giêrusalem, nơi Phòng Tiệc Ly, theo như lời của hai môn đệ Emmaus,
những người đã bừng cháy khi nghe những lời của Chúa Giêsu trên đường đi và sau
đó nhận ra Người “khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Giờ đây, nơi Phòng Tiệc Ly,
Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ và chào họ: “Bình an cho anh em!”
(câu 36). Nhưng họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Sau
đó, Chúa Giêsu chỉ cho họ những vết thương trên thân thể Người và nói: “Nhìn
chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem” (câu 39). Và để thuyết phục
họ, Người hỏi họ thức ăn và ăn trước cái nhìn ngỡ ngàng của họ. (x. cc 41-42).
Ở đây có một chi tiết đặc biệt.
Tin Mừng cho biết các Tông đồ “không tin vì mừng quá”. Đó thật là niềm vui đến
nỗi họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên,
kinh ngạc; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn bạn đến sự
ngạc nhiên: nó vượt trên cả sự hăng hái, trên cả niềm vui, nó là một kinh
nghiệm khác. Điều vui mừng này khiến họ nghĩ: không, đây không thể là sự
thật!... Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng này đặc trưng bởi
ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng
đoàn của chúng ta: nhìn, chạm và ăn. Ba hành động này có thể mang lại niềm vui
cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giê-su đang sống.
“Hãy nhìn chân tay Thầy đây”,
Chúa Giêsu nói. Nhìn, để ý, không chỉ là nhìn mà còn bao hàm cả ý hướng và ý
muốn. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ
nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ giỏi nhìn bệnh nhân cẩn
thận... Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay
mặt khỏi những khó khăn và đau khổ của người khác.
Động từ thứ hai là chạm. Bằng
cách mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy Người không phải là ma, Chúa Giê-su
chỉ cho họ và cho chúng ta rằng mối quan hệ với Người và với anh em chúng ta
không thể “ở khoảng cách xa”, không tồn tại một Kitô giáo xa cách, không tồn
tại một Kitô giáo chỉ dừng lại ở cái nhìn. Tình yêu đòi hỏi sự gần gũi, tiếp
xúc, chia sẻ cuộc sống. Người Samari nhân hậu không chỉ nhìn người nửa sống nửa
chết trên đường: ông dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho người ấy,
chạm đến người ấy và đặt người ấy lên lưng lừa và đưa về quán trọ. Và cũng vậy
với chính Chúa Giêsu: yêu mến Người có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sự
sống, một sự hiệp thông với Người.
Và sau đó chúng ta đến với động
từ thứ ba là ăn, động từ diễn tả rất rõ con người của chúng ta trong sự nghèo
hèn tự nhiên nhất của nó, đó là nhu cầu của chúng ta để nuôi sống bản thân.
Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn
bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông,
của lễ hội... Nhiều lần, các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều
kích sống động này; ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh, với các môn đệ của
Người, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu hiệu đặc trưng cho cộng đoàn
Kitô hữu. Cùng nhau ăn chính thân mình của Đấng Kitô: đây là trung tâm của đời
sống Kitô hữu.
Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không
phải là một “bóng ma”, nhưng là một Người sống; rằng khi Chúa Giêsu đến gần
chúng ta, Người làm cho chúng ta vui mừng, đến độ không tin, và khiến chúng ta
kinh ngạc, với sự ngạc nhiên mà chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới ban
được, bởi vì Chúa Giêsu là một Người sống. Là Kitô hữu, không phải trước hết là
một học thuyết hay một lý tưởng đạo đức, mà là một mối tương quan sống động với
Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được Người nuôi
dưỡng và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, chúng ta cũng nhìn, chạm và
nuôi dưỡng người khác như anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống
kinh nghiệm ân sủng này
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-04/dtc-phanxico-nhin-cham-an.html