Đức Giêsu Kitô xuống thế để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở nên giống Người
Đức Giêsu Kitô xuống thế để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở nên giống Người. Ngài đến trần gian để dậy cho chúng ta biết trông thấy và yêu mến các biến cố, thế giới và tất cả những gì bao quanh chúng ta, với chính đôi mắt của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với khoảng 5.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 22-12-2010.
Vì lễ Giáng Sinh gần kề trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của ngày lễ này: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian, qua ánh sáng bé nhỏ bắt đầu từ hang đá Bếtlêhem tỏa rạng ra trên toàn thế giới. Lộ trình phụng vụ mùa Vọng đã mời gọi tín hữu sống, tiếp đón, nhận ra và chiêm ngưỡng biến cố Chúa Cứu Thế bước vào trần gian. Đức Thánh Cha nói về sự chờ đợi tươi vui của tín hữu như sau: Sự chờ đợi tươi vui như nét đặc thù của các ngày trước lễ Giáng Sinh thánh chắc chắn là thái độ nền tảng của kitô hữu, ước mong sống cuộc gặp gỡ canh tân này với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người sống giữa chúng ta. Chúng ta hãy tìm lại sự sẵn sàng này của những người đầu tiên đã tiếp đón Đấng Messia đến như thầy cả Dakharia và bà Elidabét, các mục đồng, thường dân, đặc biệt là Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, là những người đầu tiên đã cảm thấy sự run rẩy và nhất là niềm vui đối với mầu nhiệm giáng sinh. Toàn Kinh Thánh Cựu Ước đã làm thành một lời hứa lớn lao duy nhất được thành toàn với biến cố một vị cứu tinh quyền năng đến trần gian. Sách ngôn sứ Isaia là một chứng tá đặc biệt liên quan tới biến cố đó... Như thế bên cạnh sự chờ mong của các nhân vật của Thánh Kinh cũng có sự chờ mong của chúng ta nữa...
Thật thế, toàn cuộc sống nhân loại được linh hoạt bởi tâm tình sâu xa ấy, bởi ước mong những gì thật nhất, đẹp nhất và cao cả nhất, mà chúng ta đã hé thấy và trực giác được với tri tuệ và con tim, có thể đến gặp gỡ chúng ta, trở thành cụ thể trước mắt chúng ta và nâng chúng ta dậy. “Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Đó là các lời chúng ta thường lặp lại trong các ngày này... Đang ở trước cửa rồi Đấng đến cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, Đấng sau khi Adam và Eva phạm tội, đã tái ôm hôn chúng ta và mở toang cho chúng ta cánh cửa dẫn tới sự sống thật.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: trong tác phẩm “Chống các lạc giáo”, thánh Ireneo giải thích rằng “Chính Con Thiên Chúa đã xuống trong một xác phàm giống xác phàm của tội lỗi” (Rm 8,3) để lên án tội lỗi và sau khi đã lên án nó, Ngài hoàn toàn loại trừ nó khỏi loài người. Ngài kêu gọi con người giống chính mình, Ngài làm cho nó bắt chước Thiên Chúa, và dẫn nó đi trên con đường Thiên Chúa Cha đã chỉ, để nó có thể trông thấy Thiên Chúa và ban tặng chính Thiên Chúa Cha cho nó” III, 20,2-3). Thánh Ireneo khẳng định rằng: với Chúa Giêsu Hài Nhi, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống Người. Chúng ta thấy Thiên Chúa như Người là. Và như thế Người nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta phải giống Thiên Chúa, và phải bắt chước Người. Thiên Chúa đã tự hiến cho chúng ta, trong tay chúng ta. Chúng ta phải bắt chước Người. Con người không thể trông thấy Thiên Chúa và vì thế nó ở trong bóng tối liên quan tới sự thật, liên quan tới chính mình. Nhưng con người không thể trông thấy Thiên Chúa có thể trông thấy Chúa Giêsu. Và như thế nó trông thấy Thiên Chúa, bắt đầu trông thấy sự thật và bắt đầu sống.
Đức Thánh Cha minh giải mục đích biến cố Chúa Cứu Thế đến như sau: Như vậy, Đấng Cứu Thế đến để khiến cho công việc của sự dữ và tất cả những gì còn giữ chúng ta xa Chúa, trở thành bất lực, để trả chúng ta lại cho sự rạng ngời ban đầu và chức làm cha ban đầu của Thiên Chúa. Khi đến giữa chúng ta, Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy và cũng dậy cho chúng ta một nhiệm vụ: đó là nhiệm vụ giống Người và hướng tới cuộc sống thật, đi đến chỗ trông thấy Thiên Chúa nơi gương mặt của Chúa Kitô. Thánh Ireneo còn khẳng định như sau: “Ngôi Lời của Thiên Chúa đến ở giữa loài người và làm Con của loài người, để tập cho con người nhận biết Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa quen sống trong con người theo ý Thiên Chúa Cha. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như “dấu chỉ” ơn cứu rỗi của chúng ta, Đấng được sinh ra từ Đức Trinh Nữ, là Emmanuel” (ibidem).
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: ở đây, chúng ta cũng tìm thấy một tư tưởng nòng cốt rất đẹp của thánh Ireneo: chúng ta phải tập quen nhận biết Thiên Chúa. Bình thường Thiên Chúa xa cách cuộc sống, các tư tưởng và hành động của chúng ta. Nhưng Người đã đến gần chúng ta và chúng ta phải tập quen ở với Thiên Chúa. Và thánh Ireneo còn tào bạo nói rằng cả Thiên Chúa cũng phải tập quen ở với chúng ta và ở trong chúng ta. Và có lẽ Thiên Chúa phải tháp tùng chúng ta tới với lễ Giáng Sinh, tập cho chúng ta làm quen với Thiên Chúa, như Thiên Chúa phải làm quen với chúng ta, với sự nghèo nàn và giòn mỏng của chúng ta. Do đó, việc Chúa đến không thể có mục đích nào khác hơn là dậy cho chúng ta biết trông thấy và yêu mến các biến cố, thế giới và tất cả những gì bao quanh chúng ta, với chính con mắt của Thiên Chúa. Ngôi Lời trở thành bé thơ giúp chúng ta hiểu kiểu hành động của Thiên Chúa, để chúng ta có khả năng để cho mình được biến đổi bởi lòng lành và lòng xót thương vô biên của Người.
Trong đêm đen của thế giới này chúng ta hãy để cho hành động hoàn toàn bất ngờ này của Thiên Chúa gây kinh ngạc và soi sáng: Thiên Chúa trở thành trẻ thơ. Chúng ta hãy để cho Ngôi Sao khiến cho vũ trụ tràn ngập niềm vui gây kinh ngạc và soi sáng. Ước gì Chúa Giêsu Hài Đồng khi đến với chúng ta, thấy chúng ta được chuẩn bị, và không chỉ dấn thân làm cho thực tại bên ngoài đẹp đẽ hơn mà thôi. Sự chăm lo mà chúng ta dùng để khiến cho đường xá và nhà cửa rạng rỡ hơn thúc đẩy chúng ta càng phải chuẩn bị tâm hồn hơn nữa để gặp gỡ Đấng sẽ đến viếng thăm chúng ta là vẻ đẹp và là ánh sáng thật.
Rồi Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau: Như thế chúng ta hãy thanh tẩy lương tâm và cuộc sống khỏi những gì trái nghịch với biến cố Chúa đến: các tư tưởng, lời nói, thái độ và hành động, bằng cách khích lệ nhau làm việc thiện, và góp phần thực hiện hòa bình và công lý trên thế giới này cho từng người, và như thế là bước tới gặp gỡ Chúa. Dấu chỉ đặc thù của mùa giáng sinh là hang đá. Cả tại quảng trường thánh Phêrô theo thói quen hang đã cũng đã hầu như sẵn sàng quay mặt ra thành phố Roma và toàn thế giới. Nó diễn tả vẻ đẹp của Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người và cắm lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Hang đá diễn tả sự chờ mong của chúng ta, Thiên Chúa đến gần chúng ta, Chúa Giêsu đến gần chúng ta, nhưng nó cũng diễn tả lời tạ ơn Đấng đã quyết định chia sẻ điều kiện là người của chúng ta trong sự khó nghèo và đơn sơ.
Tôi vui mừng vì thấy truyền thống chuẩn bị hang đá trong các gia đình, tại các nơi làm việc, tại các nơi gặp gỡ vẫn sống động, còn hơn thế nữa người ta tái khám phá ra truyền thống ấy. Chứng tá đức tin kitô thuần khiết này có thể cống hiến cho tất cả mọi người thiện chí ngày nay một hình ảnh gợi hứng tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha đối với tất cả chúng ta. Con tim của các trẻ em và của người lớn còn có thể kinh ngạc trước hang đá.
Anh chị em thân mến, xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm Giáng Sinh với lòng biết ơn được canh tân. Giữa sinh hoạt cuồng nhiệt ngày nay, ước chi mùa giáng sinh đem lại cho chúng ta một chút yên tĩnh và tươi vui và khiến cho chúng ta sờ mó được lòng lành của Thiên Chúa, đã trở thành trẻ thơ để cứu rỗi chúng ta, trao ban can đảm và ánh sáng mới cho con đường của chúng ta. Và đó là lời cầu chúc của tôi: chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh thánh thiện và hạnh phúc. Tôi xin thân ái gửi lời cầu chúc này tới anh chị em hiện diện nơi đây và gia đình của anh chị em, đặc biệt là những người bệnh tật và khổ đau, cũng như mọi cộng đoàn của anh chị em và mọi người thân yêu của anh chị em.
Sau khi chào và mừng lễ tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải