Đức Thánh Cha cổ võ Âu Châu bảo tồn các giá trị Kitô
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các dân nước Âu Châu củng cố tình hiệp nhất dựa trên các căn cội chung vững chắc là các giá trị Kitô mà hai thánh Cirillo và Metodio đã góp phần truyền bá.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 23-5-2011 dành cho phái đoàn chính quyền và giáo quyền của hai nước Macedonia cựu Yugoslavi và Bulgari về Roma hành hương thường niên nhân dịp lễ kính hai thánh Anh em Cirillo và Metodio bổn mạng của các dân tộc Slave. Thánh Cirillo là đan sĩ và mộ của ngài ở Đền thờ Thánh Clemente do các cha dòng Đaminh Ai Len coi sóc ở Roma, còn thánh Metodio là GM, và mộ ngài hiện ở đền thánh Velehrad thuộc cộng hòa Tchèque.
Phái đoàn chính phủ Macedonia do Thủ tướng hướng dẫn và và gồm các quan chức chính quyền cũng như đại diện của Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo. Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: “Chứng tá và giáo huấn của hai thánh Cirillo và Metodio vẫn còn hợp thời cho những người phục vụ Tin Mừng cũng như những người được kêu gọi cai quản vận mệnh của các dân nước... Khi đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, các dân tộc có thể tìm lại được những nền tảng để xây dựng nền văn minh và xã hội thấm đượm tinh thần hòa giải và sống chung hòa bình. Không thể có hiệp nhất thực sự nếu không có sự tôn trọng phẩm giá và các quyền bất khả nhượng của mỗi người”.
Phái đoàn chính phủ Bulgari do bà chủ tịch quốc hội hướng dẫn và cũng có các quan chức chính phủ, các GM Chính Thống cũng như Công Giáo.
ĐTC nhận xét rằng “Nhờ lời giảng can đảm qua các nẻo đường ở Âu Châu, hai thánh Cirillo và Metodio đã tạo điều kiện cho một sự canh tân tinh thần sâu rộng và đặt căn bản cho sự thăng tiến đích thực tự do và sự thống nhất Âu Châu Kitô. Hai thánh nhân là “những sách Tin Mừng sinh động” và là những dấu chỉ hùng hồn về lòng từ nhân của Chúa, vì thế chứng tá của các ngài dễ dàng đạt tới người dân thời ấy.”
“Hai thánh nhân nhắc nhớ cho các dân tộc Âu Châu ngày nay rằng sự hiệp nhất của họ sẽ vững chắc hơn nếu được xây dựng trên những căn cội Kitô chung. Thực vậy, trong lịch sử phức tạp của Âu Châu, Kitô giáo là một yếu tố chủ yếu và quan trọng. Đức tin Kitô đã hình thành nền văn hóa của Đại lục cổ kính này, đến độ người ta không thể hiểu nền văn hóa Âu Châu nếu không để ý đến những biến cố đã đánh dấu thời kỳ truyền giảng Tin Mừng rồi những thế kỷ dài trong đó Kitô giáo đã giữ một vai trò ngày càng quan trọng. Vì thế, điều quan trọng là Âu Châu cũng phải tăng trưởng trong chiều kích tinh thần, theo vết lịch sử tốt đẹp nhất của mình”. (SD 23-5-2011)
G. Trần Đức Anh OP