Đức Thánh Cha giải thích
ý nghĩa việc tử đạo
CASTEL GANDOLFO. Trong
buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng ngày 11-8-2010 tại Castel
Gandolfo, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa việc tử đạo và mời gọi các
tín hữu “vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Kitô”.
Vì số tín hữu hành
hương ít, nên ĐTC không bay về Roma để tiếp kiến chung theo thói quen, và ngài
đã tiếp hơn 1 ngàn tín hữu tại khuôn viên dinh thự Castel
Gandolfo. Hàng trăm tín hữu khác theo dõi buổi tiếp kiến này từ
quảng trường bên ngoài dinh Tông Tòa. Hiện diện tại khuôn viên cũng có 6 GM và
ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, nguyên GM giáo phận Hong Kong.
Buổi tiếp kiến được rút
ngắn với hình thức đơn sơ hơn. Sau lời chào phụng vụ của ĐTC là phần giới thiệu
tên các phái đoàn lên ĐTC, từ các nhóm tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ
đào nha và Ba Lan. Các nhóm reo hò vui tươi khi tên của họ được xướng lên.
Trong số các phái đoàn, có hàng chục tín hữu từ Cộng hòa Trung Phi, trong y
phục cổ truyền và cầm cờ quốc gia của họ.
Trong bài huấn dụ ngắn
tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa sự tử đạo theo Kitô giáo. Ngài
nói:
“Hôm nay, trong phụng
vụ chúng ta kính nhớ thánh Clara thành Assisi, sáng lập dòng Clarisse, một nhân
vật rạng ngời mà tôi sẽ đề cập đến trong một bài huấn giáo tới đây. Nhưng trong
tuần này, như tôi đã nhắc đến trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chúa nhật vừa qua,
chúng ta cũng kính nhớ một số thánh Tử Đạo, hoặc thuộc những thế kỷ đầu của
Giáo Hội, như thánh Lorenxô Phó tế, thánh Ponziano Giáo Hoàng, và Thánh
Ippolitô Linh Mục, hoặc thuộc thời kỳ gần chúng ta hơn như thánh nữ Têrêsa
Benedetta Thánh Giá, Edith Stein, Bổn mạng Âu Châu và thánh Maximiliano Maria
Kolbe. Bây giờ tôi muốn giải thích qua về sự tử đạo, là hình thức yêu mến trọn
vẹn đối với Thiên Chúa.
Tử đạo là gì? Tử đạo dựa trên điều gì?
Câu trả lời thật đơn
giản: thưa dựa trên cái chết của Chúa Giêsu, trên hy tế tình thương tột độ của
Ngài, để chúng ta được sống (Xc Ga 10,10). Chúa Kitô là người đầy tớ đau khổ mà
Ngôn sứ Isaia đã nói tới (Xc Is 52,13-15), Đấng đã hiến mình để cứu chuộc nhiều
người (Xc Mt 20,28). Chúa nhắn nhủ các môn đệ, mỗi người chúng ta, hãy vác
thánh giá mỗi ngày và theo Ngài trên con đường yêu thương trọn vẹn đối với
Thiên Chúa là Cha và yêu mến nhân loại: “Ai không vác thập giá mình và theo
Thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai giữ mạng sống cho mình thì sẽ mất, và ai
mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10,38-3). Đó là lôgic
của hạt lúa chết đi để nảy mầm và mang lại sự sống (Xc Ga 12,24). Chính Chúa
Giêsu là “hạt lúa đến từ Thiên Chúa, hạt lúa thần linh, để mình rơi xuống đất,
để mình bị bẻ ra, gẫy vỡ trong sự chết, nhưng chính nhờ đó, hạt lúa ấy nở ra và
có thể mang lại hoa trái dồi dào trong thế giới” (Benedetto XVI, cuộc viếng
thăm Nhà thờ Luther ở Roma, 14-3-2010). Vị tử đạo theo Chúa Giêsu đến cùng, tự
nguyện chấp nhận chết vì phần rỗi thế giới, trong thử thách tột cùng của đức
tin và đức mến (Xc LG 42).
Sức mạnh để chịu tử đạo
“Một câu hỏi nữa, từ
đâu nảy sinh sức mạnh để chịu tử đạo? thưa từ sự kết hiệp sâu xa và thân mật
với Chúa Kitô, vì tử đạo và ơn gọi tử đạo không phải là kết quả của một cố gắng
phàm nhân, nhưng là lời đáp trả sáng kiến và tiếng gọi của Thiên Chúa, đó là
một hồng ơn của Thánh Sủng, làm cho chúng ta có khả năng dâng hiến mạng sống mình
vì yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội, và yêu mến thế giới. Nếu chúng ta đọc tiểu sử
các vị tử đạo, chúng ta ngạc nhiên vì sự thanh thản và lòng can đảm của các vị
khi đương đầu với đau khổ và sự chết: Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ hoàn
toàn trong sự yếu đuối, trong sự nghèo hèn của người tín thác vào Chúa và đặt
niềm hy vọng của mình nơi Ngài (Xc 2 Cr 12,9). Nhưng điều quan trọng cần nhấn
mạnh là ơn thánh của Chúa không hủy bỏ hoặc bóp nghẹt tự do của người đương đầu
với tử đạo, trái lại càng làm cho tự do ấy được phong phú và thăng hoa: vị tử
đạo là một người rất tự do, tự do đối với quyền lực, đối với thế giới; một
người tự do, dâng hiến trọn mạng sống cho Thiên Chúa trong một cử chỉ duy nhất,
và trong thái độ tin, cậy, mến tột cùng, vị tử đạo phó thác mình trong tay Đấng
Tạo Hóa và Cứu Chuộc; hy sinh chính mạng sống mình để kết hiệp hoàn toàn với hy
tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Nói tóm một lời, tử đạo là một đại cử chỉ yêu
thương đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Vác thánh giá hằng ngày
“Anh chị em thân mến,
như tôi đã nói hôm thứ tư tuần trước, có lẽ chúng ta không được kêu gọi chết vì
đạo, nhưng không ai trong chúng ta bị loại khỏi ơn gọi nên thánh, sống ở mức độ
cao cuộc sống Kitô và điều này có nghĩa là phải vác thánh giá mỗi ngày. Trong
thời đại ngày nay, lòng ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa dường như lướt thắng, tất
cả chúng ta đều phải đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên và cơ bản, đó là tăng trưởng
mỗi ngày trong tình yêu ngày càng sâu đậm hơn đối với Thiên Chúa và anh chị em
để biến đổi cuộc sống chúng ta và qua đó biến đổi thế giới chúng ta đang sống.
Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh và các Vị Tử Đạo chúng ta hãy cầu xin Chúa hun
nóng tâm hồn chúng ta để có thể yêu mến như Chúa đã yêu thương mỗi người chúng
ta.
Sau bài huấn dụ trên
đây, ĐTC đã chào thăm các nhóm theo ngôn ngữ của họ. Với các tín hữu nói tiếng
Pháp, ngài cầu mong đời sống của các thánh mang lại cho mỗi người tấm gương can
đảm và tin tưởng, đáp lại cử chỉ yêu thương vô biên của Chúa Kitô trên Thánh
Giá!.
Với các tín hữu nói
tiếng Anh, ĐTC nói: “Tôi chào thăm tất cả các tín hữu hành hương nói tiếng Anh
hiện diện hôm nay. Đặc biệt tôi chào mừng các bạn trẻ giúp lễ từ Malta và gia
đình họ, đồng thời cám ơn họ vì sự trung thành phục vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Tôi cũng chào các nhóm hành hương từ Nigeria, Indonesia và Hoa Kỳ. Trong tháng
8 này, Giáo Hội tưởng niệm rất nhiều vị tử đạo,chúng ta hãy cảm tạ vì tất cả
những người đã theo Chúa Kitô cho đến cùng, bằng cách dâng hiến mạng sống của
mình kết hiệp với hy sinh của Chúa trên Thập Giá. Ước gì cử chỉ yêu thương tột
cùng và thần phục của các ngài đối với Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta trên
con đường nên thánh và bác ái đối với anh chị em chúng ta.”
Với các tín hữu nói
tiếng Đức, ĐTC đặc biệt nhắc đến tấm gương của thánh Maximiliano Kolbe tử đạo,
mừng kính vào thứ bẩy 14-8 tới đây. Ngài nói: “Qua sự tự nguyện vào hầm bỏ đói,
trong hỏa ngục của trại tập trung Auschwitz, thánh nhân đã cứu mạng của một
người cha vô tội và phá vỡ sự điên rồ của bạo lực. Chứng tá đức tin cảm động
này, niềm hy vọng và tình yêu thương thúc đẩy chúng ta tăng trưởng trong sự
theo Chúa Giêsu Kitô ngày qua ngày trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha
nhân. Tôi cầu xin ơn phù trợ của Thánh Linh cho anh chị em trong ý hướng đó.
Với các tín hữu Ba Lan,
ĐTC hiệp ý và liên đới với những người đang chịu đau khổ trong những ngày này
vì nạn lụt và cầu xin Chúa ban cho họ sức mạnh để chịu đựng nghịch cảnh, khích
thích tâm hồn những người thiện chí quảng đại giúp đỡ các nạn nhân”.
Sau cùng bằng tiếng Ý,
ĐTC đặc biệt chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới.
Ngài nhắc nhở rằng: “Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Clara thành Assisi,
Người đã biết can đảm và quảng đại sống gắn bó với Chúa Kitô. Hỡi những người
trẻ, các con hãy noi gương thánh nữ, trung thành đáp lại tiếng gọi của Chúa.
Anh chị em bệnh nhân quí mến, tôi khích lệ anh chị em hãy kết hiệp với Chúa
Giêsu chịu đau khổ bằng cách vác thánh giá của Anh chị em trong tinh thần đức
tin. Và hỡi anh chị em tân hôn, hãy trở thành những tông đồ của Tin Mừng yêu
thương trong gia đình của Anh chị em..
Buổi tiếp kiến chỉ kéo
dài 30 phút và kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.
G. Trần Đức Anh OP